Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của Long An đã đạt những thành tựu vượt bậc. Tính đến tháng 9 năm 2024, Long An đã có 134/161 xã đạt chuẩn NTM, 40 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM. Xây dựng NTM đã góp phần thay da đổi thịt ở những vùng đất khó, kéo đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn gần hơn với đô thị.
Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM
Xác định người dân đóng vai trò chủ thể trong xây dựng NTM (Nhà nước có vai trò hỗ trợ), Long An đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng NTM bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tích cực vận động các thành viên, hội viên tham gia thực hiện xây dựng NTM thông qua việc lồng ghép với các phong trào do các tổ chức hội phát động. Các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên đăng tải các tin, bài viết về xây dựng NTM trên đài phát thanh huyện, xã nhằm tạo huy động được mọi tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng NTM.
Diện mạo huyện biên giới Vĩnh Hưng ngày càng khởi sắc, nhiều khu vực nông thôn có hạ tầng
gần đạt các tiêu chí của đô thị
Nhờ vậy, bên cạnh các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương, trong 5 năm (2018-2023), người nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã đóng góp trên 500 tỷ đồng, hiến trên 2 triệu m2 đất; góp hơn 80 nghìn ngày công tham gia xây mới, sửa chữa 2.485km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa, sửa chữa 1.396 km kênh, mương; làm mới, sửa chữa 848 cầu giao thông, cống. Từ sự đóng góp của người dân, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch được mở rộng, trải nhựa, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông. Điển hình, phải kể đến là tuyến đường liên xã Lục Viên - Láng Cẩm nối liền 3 ấp: Tân Hòa, Đức Hạnh 1, Đức Hạnh 2 và kết nối giao thông với địa bàn xã Đức Hòa Thượng. Gần như toàn bộ người dân sống dọc theo tuyến đường Lục Viên - Láng Cẩm đều đồng thuận hiến đất mở rộng đường. Nhờ vậy, tuyến đường Lục Viên - Láng Cẩm được mở rộng từ 7m thành 14m, được trải nhựa và có hệ thống cột cờ, đèn đường, cây xanh dọc theo suốt tuyến.
Người dân Long An đã nhanh chóng tiếp cận với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao,
việc sử dụng máy bay điều khiển từ xa để phun thuốc, bón phân cho lúa trở thành rất quen thuộc
Không chỉ tham gia hiến đất, đóng góp ngày công và tiền của, người dân còn được giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng NTM ở địa phương. Các công trình dự án xây dựng hạ tầng quan trọng luôn có sự giám sát của cộng đồng, đảm bảo công khai, minh bạch. Chính quyền các cấp đã chủ động phân cấp để cộng đồng dân cư có thể trực tiếp tham gia xây dựng các công trình, đồng thời phát huy vai trò giám sát của Ban giám sát cộng đồng để đảm bảo chất lượng công trình, phát huy hiệu quả vốn đầu tư để Nhân dân tin tưởng và tích cực tham gia xây dựng NTM.
Mô hình Kết hợp làm nông nghiệp với du lịch không chỉ mang lại thu nhập mà còn khuyến khích người dân
tích cực bảo vệ và gìn giữ môi trường
Trong phát triển kinh tế, người dân Long An đã phát huy tinh thần chủ động, nhạy bén tìm kiếm và học tập mô hình sản xuất kinh doanh tốt, những cách làm hay để nâng cao thu nhập. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, họ đã có sự thay đổi trong tư duy sản xuất, từ chỗ tập trung vào sản lượng chuyển sang quan tâm tới chất lượng, tăng giá trị sản phẩm; chú trọng phát triển sản xuất theo các quy trình tiêu chuẩn, gắn kết với thị trường tiêu thụ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương trong Tỉnh cũng có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ như: Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu; các chuỗi sản xuất nông sản an toàn; quản lý các chỉ dẫn địa lý; áp dụng thiết bị bay không người lái; ứng dụng công nghệ số để thực hiện quan trắc tự động, ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để tự động hóa một số khâu trong quy trình sản xuất chăn nuôi, đưa lên sàn giao dịch điện những nông sản chủ lực. Đến nay, các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung được hình thành và ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả. Long An có nhiều sản phẩm đặc sản như: Gạo Tài nguyên, gạo Nàng thơm Chợ Đào, dưa hấu Long Trì, dứa Bến Lức, đậu phộng Đức Hòa, mía Thủ Thừa, thanh long Châu Thành, rau Cần Giuộc... Đặc biệt, lúa gạo chất lượng cao là sản phẩm nông nghiệp chủ lực phục vụ xuất khẩu nhiều năm qua.
Nông thôn ngày càng khởi sắc
Với cách triển khai hợp lý, vai trò chủ thể của người dân được phát huy một cách thực chất, chương trình xây dựng NTM của Long An đã trở thành phong trào sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, làm thay đổi diện mạo vùng quê nông thôn tỉnh Long An rõ rệt.
Người dân được tuyên truyền nâng cao ý thức phân loại rác tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường
Rõ nét nhất là hạ tầng nông thôn được đầu tư mở rộng, từ các tuyến đường chính, huyết mạch cho đến các tuyến đường nội bộ đều được bê tông hóa nhằm góp phần tạo sự thuận tiện trong nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa nông nghiệp của người dân. Đường giao thông trên địa bàn xã được nâng cấp, mở rộng liên hoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển và trao đổi hàng hóa. Trường, trạm, điện, nước sạch… được đầu tư đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống vận tải công cộng và tư nhân phát triển đã giúp cho người dân có thêm nhiều lựa chọn tối ưu và thời gian đi từ nhà lên TP.HCM được rút ngắn rất nhiều, rất tiện lợi. Các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được chú trọng. Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư với quy mô phù hợp và có sự phân cấp đầu tư cụ thể, ngân sách nhà nước tập trung đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã. Việc hình thành hệ thống các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng gần bằng với thành thị.
Bức tranh nông thôn bừng sáng được minh chứng rõ nét tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Long An. Diện mạo nông thôn xã An Lục Long thật sự khởi sắc, đường xã, đường ấp, liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%. Tất cả các tuyến đường nông thôn luôn sáng cả một bầu trời khi màn đêm buông xuống, người dân đi lại rất thuận tiện cũng như đảm bảo an ninh trật tự vùng nông thôn. Nhà kiên cố, cao từng được người dân xây dựng càng lúc càng nhiều.
Các tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp được thành lập đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân trong việc phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập. Toàn xã có 155 mô hình sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm. Các mô hình này đều sử dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. 100% diện tích trồng thanh long của xã được cấp mã số vùng trồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là trên 74 triệu đồng/năm.
Công tác y tế, giáo dục được chú trọng, đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 96,26%. An Lục Long cũng tổ chức tốt công tác thu gom, xử lý rác thải, chỉnh trang các tuyến đường trên địa bàn; vận động các hộ dân chỉnh trang tường rào và tự cải tạo, xây dựng, nâng cấp nhà ở đạt chuẩn. Đặc biệt, dù đã được công nhân là xã NTM kiểu mẫu, An Lục Long vẫn tiếp tục củng cố và tăng cường các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xã nông thôn mới thông minh và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.
Xã An Lục Long là xã đầu tiên được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Long An
Không chỉ có An Lục Long, trong 9 tháng năm 2024, Long An có 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 1 xã đạt NTM nâng cao, nâng tổng số xã toàn tỉnh đạt chuẩn NTM là 134/161 xã, xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 40 xã và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 4 đơn vị huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM. Theo kế hoạch năm 2024, tỉnh Long An phấn đấu sẽ có thêm 02 xã đạt chuẩn NTM, 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Để hoàn thành, UBND tỉnh Long An tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình; các địa phương đã đăng ký về đích NTM, NTM nâng cao, NTM kiễu mẫu năm 2024 cần gấp rút xây dựng kế hoạch hoàn thiện hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị thẩm đinh, xét, công nhận đạt chuẩn theo quy định.
Những tuyến đường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp
Xác định xây dựng NTM là bước tiến quan trọng trong nỗ lực chung của tỉnh Long An hướng tới một nền nông thôn phát triển bền vững, hiện đại và đảm bảo an sinh xã hội, vì vậy, tỉnh Long An sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nội dung xây dựng NTM ở địa phương; tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình xây dựng cơ bản như đường giao thông, trường học, nhà văn hóa,…
Trịnh Long