Lụa Tân Châu vẹn nguyên với dòng chảy thời gian

12/02/2020 - 03:48 PM

Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh An Giang, thị xã Tân Châu được biết đến với nhiều làng nghề truyền thống như: Làng nghề dệt chiếu Tân Châu, làng nghề dệt thổ cẩm Châu Phong, song làng nghề dệt tơ lụa Tân Châu với sản phẩm lụa Mỹ A nổi tiếng không chỉ được biết đến ở trong nước mà còn được xuất khẩu tới các quốc gia khác. Trải qua thời gian với bao thăng trầm của lịch sử, làng nghề dệt tơ lụa Tân Châu đang từng bước tích cực vực dậy, đưa tinh hoa, tinh túy sản phẩm của nghề đến gần hơn với thị trường trong nước và thế giới.

Lãnh Mỹ A - nữ hoàng tơ lụa

Từ xưa đến nay, để tạo ra được chất vải mềm bóng, mượt mà, thướt tha, tơ lụa Tân Châu phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận nghiêm ngặt của người làm nghề. Chính sự kỳ công của người thợ dệt Tân Châu năm xưa đã tạo ra được loại lãnh hảo hạng mang tên Lãnh Mỹ A - nữ hoàng tơ lụa. Vì thế ai đã có dịp tới mảnh đất An Giang ghé thăm làng lụa Tân Châu không thể không biết tới câu thơ:

“Trai nào thanh bằng trai sông

Của Gái nào thảo bằng gái Tân Châu

Tháng ngày dệt lụa trồng dâu

Thờ cha, nuôi mẹ quản đâu nhọc nhằn”

Lãnh Mỹ A - loại lụa trơn láng, đen huyền trông rất quí phái. Điều đặc biệt và cũng là nét đặc trưng cho sản phẩm này chính là khả năng không co giãn và không hút ẩm nên mặc vào mùa hè thì rất thoáng mát, mặc vào mùa đông thì ấm áp lạ thường, mặc càng lâu càng đen bóng, quý phái...

Để có được tấm Lãnh Mỹ A lên sắc đen huyền óng ả, tạo cảm giác mát mượt, người thợ phải mất rất nhiều thời gian và công sức với nhiều công đoạn khác nhau. Trước thời gian đưa tằm lên bủa giăng tơ, người làm nghề xưa kia gần như phải túc trực bên nong và bộ ván xắt dâu. Đêm ngủ một hai canh lại thức để rải lá nuôi tằm. Khi tằm chín mọng, người ta đưa tằm lên bủa giăng tơ.

Tiếp đến là công đoạn ươm tơ. Hàng trăm lò than cháy hừng hực nấu cho nước sôi lên, rồi cho kén vào nồi đồng. Người thợ ươm một tay cầm đũa cái khuấy liên hồi, một tay quay đều bánh xe cuộn tơ cho đến khi nào trong nồi chỉ còn lại xác tằm mới thôi.

Nét độc đáo để làm ra Lãnh Mỹ A chính là kỹ thuật nhuộm lụa từ trái mặc nưa, một kỹ thuật làm cho lụa Tân Châu đen tuyền, óng ả, quần áo mặc đến rách mà vải vẫn không bị xuống màu.
 

Lụa Tân Châu vẹn nguyên với dòng chảy thời gian

Quả mặc nưa được đem giã nát và hoà vào nước tạo thành dung dịch có màu vàng sánh khi tiếp xúc với không khí và nhiệt độ sẽ chuyển sang màu đen. Trung bình, để nhuộm một cây lụa 10m phải cần 50kg trái mặc nưa. Công đoạn nhuộm, người thợ phải nhúng cả trăm lần để từng sợi tơ được thấm sâu, thấm đều, sau đó mang ra phơi. Lụa được phơi trong nắng, trên những bãi cỏ rộng, nhưng cỏ phải có độ cứng đủ để nâng vải hứng nắng, đồng thời phải đủ mềm để không xước vải. Quá trình vừa nhúng, vừa phơi phải mất khoảng 40-45 ngày.

Lãnh sau khi nhuộm phơi sẽ được đem xả và được quấn lại thành cuộn tròn và đem đi nện để chất nhựa mặc nưa thấm sâu vào từng sợi tơ khi đó mới tạo được một tấm lụa Mỹ A tuyệt đẹp, mang một màu đen huyền bóng loáng.Từ lúc dệt cho đến khi nhuộm xong 1 trục cửi 500m lãnh Mỹ A mất khoảng 4 tháng.

Thời xa xưa, loại Lãnh hảo hạng này chỉ dành cho các quý bà, quý cô thuộc gia đình giàu sang, quyền quý và chỉ để dành mặc riêng trong 3 ngày Tết hay những ngày giỗ, chạp, nghi thức cưới hỏi… hoặc dành biếu tặng như một thứ đồ gia bảo.

Vẹn nguyên với dòng chảy thời gian

Khi nhắc đến Tân Châu, người dân nơi đây thường gọi với cái tên trìu mến “Xứ lụa Tân Châu”. Ngược dòng thời gian vào những năm từ 1935 đến 1965, khi nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa đất Tân Châu cực thịnh nhất, Tân Châu được ví như là “xứ bòn vàng”. Khi đó, chạy dọc theo hai bờ Tiền Giang, Hậu Giang, từ biên giới Campuchia bạt ngàn những bãi dâu xanh và nong tằm chín rộ từ Tân Châu đến Chợ Mới. Nhà nhà đều có khung cửi, nong tằm, quay tơ óng ánh vàng ươm, tiếng thoi đưa lách cách cả ngày lẫn đêm ở các làng dệt nổi tiếng như: Tân An, Vĩnh Hòa (Tân Châu), Long Điền, Chợ Thủ (Chợ Mới)…

Thời đó, nhà nào có khung dệt thủ công nhỏ chí ít có 2 cặp thợ, còn nhà làm xưởng dệt lớn cần tới 6-7 cặp thợ. Mỗi cặp thợ dệt mỗi tháng 800 - 1.000 m. Sản phẩm tơ lụa Tân Châu sản xuất ra không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Miến Điện, Campuchia, Philippines và Pháp.

Bước qua thời hoàng kim, vào những năm 70, các hãng tơ tằm dệt bằng sợi ni lông dần thay thế cho tơ lụa truyền thống. Lãnh Mỹ A đứng trước nguy cơ biến mất, các khung cửi dệt lãnh của vùng lụa Tân Châu  bị phá dần, các nhà dệt lụa truyền thống chuyển sang làm vải nilon và cotton. Đến thập niên 80, khung dệt lãnh cuối cùng trong xưởng dệt Tám Lăng - người nghệ nhân dệt lãnh giỏi nhất còn cầm cự với nghề cũng đóng cửa.

Sau những bước thăng trầm, làng nghề tơ lụa Tân Châu hôm nay đang từng bước tìm lại sức sống xưa của mình. Để con tằm lại tiếp tục nhả tơ, ruộng dâu, vườn mặc nưa sống lại, nghề dệt lụa Tân Châu không ngừng được cải tiến, tiếp thu những thành tựu kỹ thuật mới, mọi công đoạn đều dùng máy để tạo ra những sợi tơ mềm và nhuyễn hơn. Năng suất mỗi lần ươm, dệt tăng lên đáng kể. Bên cạnh màu đen truyền thống do nguyên liệu nhuộm tự nhiên của trái mặc nưa, những người sản xuất lụa Tân Châu còn tìm kiếm những kỹ thuật nhuộm tự nhiên nhiều màu sắc khác nhau để phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.

Không chỉ hồi sinh, lụa Tân Châu sản phẩm chất lượng cao và mang đậm dấu ấn Việt, tâm hồn Việt đã được các nhà thiết kế mang lên các sàn diễn thời trang quốc tế như: Thượng Hải (Trung Quốc), Australia, New Zealand... Những sắc màu mới trên lụa Tân Châu đem đến thành công cho các nhà thiết kế như bộ sự tập thời trang “Hoài niệm về Tân Châu” của nhà thiết kế Võ Việt Chung hay bộ sư tập “Lãnh”, “Sự hồi sinh” và Lãnh Mỹ A” của nhà thiết kế Nguyễn Công Trí…

Có thể nói, dù đã xa thời hoàng kim, dù có được cải tiến về kỹ thuật hay sáng tạo làm phong phú hơn sắc màu nhưng theo dòng chảy thời gian, lụa Tân Châu hôm nay vẫn giữ trong mình những giá trị tiềm ẩn, sự độc đáo, ấn tượng từ chính những bí quyết dệt nhuộm truyền thống mà ông bà xưa để lại, đặc biệt là lụa tơ tằm Lãnh Mỹ A - nữ hoàng tơ lụa, loại lụa làm hoàn toàn từ thiên nhiên./.

Minh Ngân

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top