Mở cửa nền kinh tế với những bước đi cẩn trọng

04/01/2022 - 09:58 AM
Trong làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm có các khu công nghiệp lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ... phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Điều này đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Những tác động này được phản ánh qua hàng loạt những điểm tối trong bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê, nhất là trong quý III/2021.

Theo số liệu được công bố, quý III/2021, tổng sản phẩm trong nước ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Cụ thể, GDP quý III của các năm 2017-2021 có giá trị lần lượt là 7,43%; 6,90%; 7,50%; 2,79% và -6,17%. Đại địch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ các lĩnh vực kinh tế nước ta, minh chứng là trong mức giảm chung của quý III thì chỉ có khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng nhưng cũng chỉ ở mức 1,04%; còn lại khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%.
 
Mở cửa nền kinh tế với những bước đi cẩn trọng
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Sự tụt giảm GDP trong quý III đã khiến cho GDP 9 tháng năm 2021 ước tính chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất công nghiệp. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, làm cho giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020. Dù ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn luôn được coi là lực kéo của ngành công nghiệp song cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong quý III ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 6,05%, thấp hơn nhiều so với các quý trước đó.

Tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 còn được thấy rõ qua sức khỏe của doanh nghiệp trong thời gian qua. Trong 9 tháng năm nay, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 1.195,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 648,8 nghìn lao động, giảm 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 16,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,3%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng chỉ là 32,3 nghìn doanh nghiệp, giảm 6,6% so với 9 tháng năm 2020. Trên thực tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg phải thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” với công suất làm việc chỉ đạt 30% số lao động, phát sinh hàng trăm tỷ đồng chi phí để đảm bảo cho hoạt động sản xuất tại chỗ. Thậm chí có những doanh nghiệp sản xuất phải tạm ngừng hoạt động do phát sinh các ca F0, kéo theo hàng loạt các vấn đề như giao hàng không đạt tiến độ, mất đơn hàng xuất khẩu... Hiện cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực tìm nhiều giải pháp để có thể “trụ vững” qua giai đoạn khó khăn này.

Sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ trong nước. Với sự lây lan nhanh chóng chóng và nguy hiểm của dịch Covid-19, thời gian qua hàng loạt các trung tâm thương mại, cửa hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống ở nhiều địa phương phải đóng cửa, người dân cắt giảm các chi phí sinh hoạt không cần thiết, khiến cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2021 chỉ đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,1%). Bên cạnh đó, ngành du lịch vẫn ở trong trạng thái đóng băng với lượng khách quốc tế đến nước ta trong 9 tháng năm 2021 rất khiêm tốn, đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam còn được phản ánh qua tình hình lao động, việc làm quý III/2021 và 9 tháng đầu năm. Cụ thể, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế trong quý III giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước với các con số lần lượt là 2,4 triệu người và 2,5 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 3,72% và 4,39%, tăng cao nhất kể từ quý I/2020.

Tính chung 9 tháng, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,1 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,91%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 3,04%.

Những tác động trên của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình kinh tế - xã hội cả nước trong quý III là rất đáng lo bởi theo như xu hướng các năm, đây là thời kỳ quan trọng cho các lĩnh vực, ngành kinh tế tăng tốc hoạt động sản xuất kinh doanh để đạt mục tiêu đã đề ra cho cả năm.
 
Mở cửa nền kinh tế với những bước đi cẩn trọng 1
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tình hình dịch bệnh nước ta cơ bản được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực với số ca mắc trong cộng đồng và số ca tử vong có chiều hướng giảm, song số ca nhiễm mới ghi nhận trong cả nước vẫn khá cao. Do đó, dù nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn đang rất cẩn trọng trong việc mở cửa nền kinh tế.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tùy vào tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương, Chính quyền các tỉnh, thành phố đã thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh và quy định từng loại hình dịch vụ kinh doanh được phép mở cửa hoạt động trong khung thời gian cho phép.

Cụ thể là tại Hà Nội, sau 3 đợt giãn cách và đặc biệt sau các đợt xét nghiệm diện rộng, từ ngày 6/9 thành phố đã đánh giá, phân loại 3 vùng theo mức độ nguy cơ và có biện pháp phù hợp với từng vùng để bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ” để giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp. Thành phố đồng thời cho phép mở cửa hoạt động một số cơ sở kinh doanh cụ thể từ ngày 16/9 và xây dựng phương án phục hồi sản xuất kinh doanh sau ngày 21/9 với những bước đi, chính sách cụ thể, thận trọng phù hợp với diễn tiến tình hình dịch bệnh. Mới đây, ngày 27/9/2021 Thủ tướng có Chỉ đạo mở thêm một số hoạt động thể dục thể thao ngoài trời (không quá 10 người), mở cửa trung tâm thương mại, cửa hàng may mặc, thời trang hóa mỹ phẩm.

Sau 2 tháng giãn cách xã hội, đến ngày 21/9, bản đồ dịch bệnh của Đồng Nai đang dần được “xanh hóa”, tình hình dịch bệnh từng bước được kiểm soát. Địa phương này bắt đầu thực hiện kế hoạch triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, áp dụng linh hoạt đồng thời các chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội theo tiêu chí “vùng xanh, đỏ, cam, vàng”.

Là một trong những điểm nóng cả nước trong làn sóng dịch bệnh lần thứ 4, nhờ những biện pháp chống dịch hiệu quả, số ca nhiễm mới mỗi ngày có xu hướng giảm, Bình Dương từng bước nới lỏng giãn cách tại các địa phương được công bố“vùng xanh”, ban hành kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội trong trạng thái "bình thường mới" theo phương châm không chủ quan, nóng vội. Bình Dương dự kiến chia làm 3 giai đoạn để phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế: Giai đoạn 1 (từ ngày 15/9 đến 31/10), ưu tiên phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội trên địa bàn "vùng xanh"; Giai đoạn 2 (từ sau ngày 31/10), hoàn thành tiêm mũi 2 (khi được phân bổ vaccine) và mở cửa các hoạt động có chọn lọc khi không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng”; Giai đoạn 3 (từ sau ngày 31/12) mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội nếu đã kiểm soát dịch bệnh thành công, không còn “vùng đỏ”, “vùng vàng”.

Sau hơn 120 ngày giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau, đến cuối tháng 9 số ca nhiễm mới tại thành phố Hồ Chí Minh đã có xu hướng giảm. Trước tình hình đó, sáng ngày 30/9, Thành phố Hồ Chí Minh chính thức ban hành Chỉ thị từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa từ ngày 01/10 theo lộ trình tương đương với diễn biến tình hình dịch bệnh tại thành phố và đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn thành phố với quan điểm “an toàn là trên hết, an toàn đến đâu mở cửa đến đó”. Theo đó, từ sau 01/10, một số hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trở lại như chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ cưới - hỏi, cắt tóc, gội đầu...

Bên cạnh sự nới lỏng giãn cảnh xã hội thận trọng của mỗi địa phương, các ngành kinh tế cũng đang xây dựng lộ trình mở cửa một cách an toàn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Là một ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, ngành hàng không Việt Nam đã và đang từng bước mở lại các đường bay để phục vụ việc đi lại, phục hồi kinh tế. Ví dụ như từ tháng 8/2021 đến nay, hãng hàng không Vietnam Airlines đã thử nghiệm thành công một số chuyến bay ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) - giải pháp được nhiều người đánh giá là chìa khóa để "mở cửa bầu trời". Sang tháng 9, thực hiện chương trình cách ly 7 ngày của Bộ Y tế đối với hành khách từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Vietnam Airlines tiếp tục thực hiện thí điểm các chuyến bay quốc tế đón công dân Việt Nam ở các quốc gia Mỹ, Nhật Bản trở về. Sau những thành công này, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cùng các hãng hàng không xây dựng chương trình“Hành lang xanh”, làm cơ sở cụ thể để đề xuất Chính phủ, các Bộ, Ngành, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo việc khôi phục khai thác nội địa trên toàn mạng và từng bước mở các chuyến bay quốc tế, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Chính phủ.

Đối với ngành du lịch, thực hiện chỉ đạo mở cửa từng bước, không ồ ạt của Chính phủ, ngày 28/9, Hiệp hội du lịch Việt Nam phát động chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc” với định hướng khôi phục và phát triển du lịch trong trạng thái “sống chung với COVID-19”, xây dựng một ngành kinh tế du lịch an toàn. Việc khởi động du lịch nội địa toàn quốc có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới.

Với chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc”, ngành du lịch sẽ tuân thủ nghiêm hướng dẫn của cơ quan y tế; đồng thời tổ chức các hoạt động du lịch một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến tình hình thực tế phòng chống dịch. Cụ thể, chương trình xây dựng tiêu chí an toàn ở các vị trí làm việc trong chuỗi dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch phù hợp. Chương trình cũng xây dựng những tiêu chí an toàn riêng đối với khách du lịch từ 18 tuổi trở lên và khách du lịch dưới 18 tuổi. Đối với khách du lịch từ 18 tuổi trở lên phải đảm bảo tiêm đầy đủ các liều tiêm phòng COVID-19 với loại vaccine đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng và qua 14 ngày kể từ khi tiêm mũi cuối cùng hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Còn đối với khách du lịch dưới 18 tuổi cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch ra ngoài tỉnh, thành phố nơi cư trú.

Chương trình đặt ra những yêu cầu đối với điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú như: Điểm đến du lịch thuộc vùng xanh và đủ điều kiện hoạt động theo tiêu chí an toàn phòng chống dịch; phục vụ số lượng khách tại cùng một thời điểm không được quá 30-50% công suất điểm đến (do điểm đến quy định)…

Đồng thời, xây dựng khung quy trình tổ chức hoạt động du lịch phù hợp với bối cảnh chung và đáp ứng cao nhất yếu tố an toàn trong dịch bệnh. Hướng dẫn cho các hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch địa phương linh hoạt áp dụng vào tình hình thực tế, chi tiết hóa các nội dung phù hợp, dễ thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đồng ý từng bước mở cửa đón khách quốc tế, giao các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cho việc thực hiện thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc, Kiên Giang để có chính sách kịp thời, hợp lý. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong thời gian tới địa phương này sẽ mở cửa từng bước với những bước đi thận trọng. Sau quá trình thử nghiệm sẽ có đánh giá để điều chỉnh từng tháng, từng giai đoạn và đề xuất dần dần mở rộng đối tượng tham gia đón khách. Cùng với Kiên Giang, nhiều địa phương như Quảng Bình, Khánh Hòa, Đà Nẵng… cũng đang xây dựng kế hoạch, lộ trình phục hồi du lịch chi tiết, cụ thể.

Tuy nhiên, để đảm bảo các bước đi mở cửa được thành công và nền kinh tế sớm phục hồi trở lại, Chính phủ Việt Nam vẫn đang nỗ lực đàm phán mua vacxin ngừa Covid-19 và tăng tốc độ tiêm chủng trên cả nước, nhằm nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới”./.
 
B.N

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top