Mở rộng hệ sinh thái không dùng tiền mặt tại Việt Nam

08/04/2022 - 11:04 AM
Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ phê duyệt là một trong những hành lang pháp lý quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Đề án sẽ là tiền đề góp phần mở rộng hệ sinh thái không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
 
Nhiều tín hiệu tích cực trong thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Những năm gần đây, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) ở Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ nhờ xu hướng ứng dụng công nghệ số và sự quan tâm, tạo điều kiện thúc đẩy của Chính phủ.
Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng TTKDTM trong nền kinh tế vẫn đạt tăng trưởng tốt, nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán đổi mới liên tục ra mắt thị trường gắn với đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, tổng số lượng thanh toán qua kênh Internet tăng 262,5%, giá trị thanh toán tăng 353%; thanh toán di động tăng 1.000% về số lượng nhưng tăng tới 3.000% về giá trị. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 80 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động (ĐTDĐ), 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90 nghìn điểm thanh toán QR code, gần 289 nghìn điểm thanh toán POS…

 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Trong bối cảnh nhiều hoạt động kinh tế bị tác động bởi giãn cách xã hội, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 10 tháng năm 2021, thanh toán điện tử qua Internet, ĐTDĐ, QR Code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng; giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 49,39% về số lượng và 29,14% về giá trị; giao dịch qua kênh ĐTDĐ tăng tương ứng 72,67% về số lượng và 85,09% về giá trị; giao dịch qua kênh QR Code tăng tương ứng 54,24% về số lượng và 120,64% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt; số lượng và giá trị giao dịch đạt mức tăng trưởng cao. Trong 10 tháng năm 2021, giao dịch qua Hệ thống TTĐTLNH tăng 4,13% về số lượng và tăng 43,36% về giá trị; giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 96,37% về số lượng và 132,05% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đến cuối tháng 11 năm 2021, đã có 21 ngân hàng triển khai mở tài khoản thanh toán cho cá nhân bằng eKYC với khoảng 2,7 triệu tài khoản đang hoạt động.

Đến nay, có gần 95% ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số; số hóa hoạt động thanh toán đi đầu trong chuyển đổi số ngân hàng với nhiều nghiệp vụ, dịch vụ thanh toán đã được số hóa triệt để 100% như mở và sử dụng tài khoản thanh toán; mở và sử dụng thẻ ngân hàng; thanh toán - chuyển tiền giữa khách hàng với ngân hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số.

Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, theo một khảo sát quốc tế gần đây, ngành Ngân hàng Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội từ nhu cầu thanh toán điện tử của người dân tăng cao đột biến thời gian qua, khi 87% người tiêu dùng Việt Nam trả lời khảo sát đã tham gia mua sắm trực tuyến gắn với thanh toán điện tử, tăng gấp 20 lần so với thời điểm trước đại dịch.

Đối với hoạt động thanh toán dịch vụ công: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các giải pháp thúc đẩy TTKDTM đối với dịch vụ công; thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách thúc đẩy TTKDTM đối với dịch vụ công; thường xuyên có những chỉ đạo quyết liệt đối với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian đẩy mạnh thanh toán điện tử trong lĩnh vực dịch vụ công. Theo đó, hoạt động TTKDTM đối với dịch vụ công thời gian qua đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, được cải thiện đáng kể cả về quy mô, chất lượng thanh toán. Hơn 90% giao dịch nộp thuế của doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện qua ngân hàng; người dân đã có thể thực hiện thanh toán tiền điện qua ngân hàng trên phạm vi cả nước; 42% các cơ sở khám, chữa bệnh có triển khai thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; khoảng trên 40% số người hưởng và số tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trong toàn quốc chi trả qua tài khoản cá nhân.

NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Từ tháng 9/2020, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) đã hoàn thành kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cho phép tất cả khách hàng của các ngân hàng thành viên thực hiện thanh toán trực tuyến khi thực hiện thủ tục trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (triển khai với hình thức thẻ ngân hàng). Bên cạnh đó, đã có 14 ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán kết nối trực tiếp để cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tính đến tháng 11/2021 đã có trên 35.714 giao dịch thanh toán thành công với số tiền thanh toán trên 122.7 tỷ đồng được thực hiện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, Napas hiện đang khẩn trương thực hiện các công việc để áp dụng triển khai thanh toán dịch vụ công qua tài khoản; đồng thời, tiếp tục triển khai mở rộng đối với việc phát triển tính năng thanh toán bằng QR Code.

Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế trong việc thúc đẩy kết nối thanh toán qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với thanh toán dịch vụ y tế, giáo dục.
Bên cạnh sự phát triển của hoạt động TTKDTM, thanh toán bằng tiền mặt có xu hướng giảm. Trong 10 tháng năm 2021, giao dịch qua phương tiện TTKDTM tăng 29,12% về số lượng và 6,16% về giá trị, song giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 7,26% về số lượng và giảm 5,69% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020, tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM so với tổng số giao dịch xử lý qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử giảm xuống còn 12%, trong khi tỷ lệ này năm 2020 là 26%. Kết quả này cho thấy những chính sách về thúc đẩy TTKDTM đã có tác động tích cực, thanh toán điện tử đã trở nên phổ cập trong đại bộ phận dân chúng, hành vi, thói quen sử dụng tiền mặt và thanh toán tiền mặt của người dân có chiều hướng giảm dần. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, những sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử, trực tuyến, phi tiếp xúc đã góp phần hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa sự lây nhiễm dịch bệnh và hạ tầng thanh toán hoạt động liên tục 24/7, góp phần hỗ trợ các hoạt động giao dịch mua bán, giao thương trong nền kinh tế diễn ra thông suốt, hỗ trợ đắc lực cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh tác động lớn.

Mở rộng hệ sinh thái không tiền mặt

Hiện nay, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã có sự thay đổi đáng kể khi kênh giao tiếp, cung ứng dịch vụ thanh toán của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đang dần được số hóa dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Vì thế, hướng tới hình thành hệ sinh thái thanh toán số với nhiều loại hình dịch vụ khác nhau là mục tiêu không chỉ ngành Ngân hàng mà của cả nền kinh tế.

Với hệ sinh thái thanh toán số, chỉ cần một thiết bị có kết nối mạng, người tiêu dùng dễ dàng thao tác, thực hiện nhiều loại hình dịch vụ khác nhau (về tài chính, ngân hàng, mua sắm hàng hóa, dịch vụ trực tuyến, thanh toán các hóa đơn điện, nước, nộp các khoản, phí, lệ phí...), không cần trực tiếp đến nơi giao dịch, cũng như không cần thực hiện các thủ tục giấy tờ phức tạp. Bên cạnh đó, qua hệ sinh thái thanh toán số, các thông tin, lịch sử giao dịch của khách hàng cũng được lưu trữ, bảo mật.

Tại các ngân hàng, công ty công nghệ tài chính, ví điện tử… quá trình chuyển đổi số được ghi nhận khá mạnh mẽ với sự ra đời của nhiều sản phẩm, dịch vụ sáng tạo; đồng thời có sự liên kết với nhau để gia tăng trải nghiệm dịch vụ của khách hàng trong việc thanh toán không tiền mặt.

Nhiều ngân hàng tăng ưu đãi, liên kết dịch vụ với đối tác thứ ba, tạo nên hệ sinh thái số tiện ích gồm hàng trăm sản phẩm, dịch vụ, mang đến nhiều trải nghiệm liền mạch, toàn diện cho khách hàng. Phần lớn các ngân hàng hiện nay đang mở rộng mạng lưới đối tác và tích hợp hàng trăm tiện ích thanh toán trên ngân hàng số như thanh toán hoá đơn điện, nước, viễn thông, thương mại điện tử, ví điện tử hay đặt vé máy bay, khách sạn…, đồng thời tiếp tục gia tăng các dịch vụ tài chính và phi tài chính nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, hiện khoảng 94% ngân hàng đã bước đầu triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Cụ thể, giữa tháng 12/2021, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã ra mắt hệ sinh thái số ONEBANK trên toàn quốc. Với hệ sinh thái này, khách hàng có thể nộp/ rút tiền từ tài khoản của tất cả các ngân hàng tại Việt Nam bằng QRCode theo tiêu chuẩn VIETQR và là ngân hàng Việt đầu tiên triển khai dịch vụ này.

Song song đó, khách hàng có thể tự trải nghiệm các giao dịch như: Gửi tiền tiết kiệm, mở tài khoản, thanh toán hóa đơn điện/nước, thanh toán thẻ, chuyển khoản 365+ không giới hạn thời gian/không gian, giao dịch và chuyển chứng từ tự động… Những dịch vụ tiện ích này đều được tích hợp Ngân hàng số Open Banking, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Việc ra mắt OneBank là sự kiện đánh dấu bước chuyển mới trong hành trình chuyển đổi số của ngân hàng; đồng thời góp phần gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường tài chính, phát triển bền vững cũng như tạo ra những làn sóng công nghệ mới, mang lại những trải nghiệm tối ưu cho khách hàng.

Trước đó, đã có nhiều ngân hàng tham gia chuyển đổi lên ngân hàng số, tạo nên thị trường rất sôi động, giúp người tiêu dùng được hưởng lợi như: LienViet24h trên cơ sở hợp nhất các nền tảng online, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng; SeABank cũng ra mắt ứng dụng ngân hàng số SeAMobile, với sự đồng nhất tất cả trải nghiệm, giao diện và tính năng ở mọi nền tảng máy tính, thiết bị di động với tốc độ xử lý giao dịch nhanh chóng, giúp khách hàng thanh toán mọi hóa đơn; Vietcombank cũng ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank, giúp khách hàng trải nghiệm mọi tiện ích tài chính từ chuyển tiền, gửi tiết kiệm tới thanh toán hóa đơn, bảo hiểm, học phí, dịch vụ hành chính công, mua sắm trực tuyến…

Đặc biệt, vào tháng 11/2021, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) cho 2 nhà mạng MobiFone và VinaPhone. Đầu tháng 12/2021, nhà mạng Viettel cũng ra mắt hệ sinh thái tài chính số Viettel Money tới toàn bộ khách hàng đang sử dụng mạng di động này trên toàn toàn quốc. Đây được đánh giá là bước đi tiếp theo góp phần thúc đẩy và mở rộng hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Dịch vụ Mobile Money hứa hẹn sẽ trở thành một hình thức thanh toán an toàn, hữu ích cho xã hội, để người dân tiếp cận tốt hơn đến các dịch vụ trong đời sống như y tế, giáo dục, hành chính công.

Theo các chuyên gia tài chính, khi Mobile Money được triển khai rộng rãi, người dân ở vùng sâu, vùng xa không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể sử dụng điện thoại để thanh toán các giao dịch một cách dễ dàng. Dù ví điện tử đã phổ biến và dịch vụ ngân hàng cũng phát triển nhanh chóng, nhưng Mobile Money sẽ thuận lợi hơn, vì người dân chỉ cần dùng điện thoại để thanh toán mà không cần liên kết với tài khoản ngân hàng.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị triển khai, tạo điều kiện cho hoạt động hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số. Đặc biệt, Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 đã được Chính phủ phê duyệt là một trong những hành lang pháp lý quan trọng để các bên thúc đẩy, mở rộng hệ sinh thái không dùng tiền mặt.

Theo Đề án, mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt: Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/ năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35 - 40%/năm; Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công: Từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; từ 90-100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án sẽ triển khai nhiều giải pháp như: Hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0; đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt; Tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt...

Với các mục tiêu và giải pháp cụ thể, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 sẽ góp phần mở rộng và hoàn thiện hệ sinh thái không dùng tiền mặt, đảm bảo gia tăng những tiện ích phục vụ cho các hoạt động mua bán, tiêu dùng của người dân. /.
 
Trúc Linh
 
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top