Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các địa phương trong cả nước đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện với nhiều hình thức, giải pháp đồng bộ và bước đầu đạt được hiệu quả tích cực. Những kết quả đó đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều hằng năm, cải thiện cuộc sống người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo... Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc, đòi hỏi các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư cần có sự nỗ lực và và quyết tâm hơn nữa trong triển khai nhằm hiện thực hóa các mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tổng quát là thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt nghèo.
Chương trình đặt ra 4 chỉ tiêu cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0- 1,5%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Chương trình được triển khai đồng bộ với 07 dự án, bao gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Theo báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, về cơ bản việc triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đã đạt được theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, một số kết quả thực hiện mục tiêu và chỉ tiêu giai đoạn 2021-2023, cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 là 4,03%, giảm 1,17%; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 21,02%, giảm 4,89% (năm 2021 là 25,91% - Tổng hợp từ báo cáo của địa phương); Tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo là 38,62% (giảm 6,35%).
Có 22/74 huyện nghèo đang được đầu tư theo Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm mục tiêu có“30% huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo” cuối năm 2025, trong đó 17/17 tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thoát nghèo tại các huyện nghèo (22/22 huyện).
Có 01 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (Xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, dự kiến cuối năm 2023 thêm 09 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; tổng cộng 10/54 xã, chiếm khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Cây chè - Một trong những sản phẩm giúp giảm nghèo bền vững ở Thái Nguyên
Dự ước 6 tháng đầu năm 2023 và năm 2023: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Kết quả thực hiện một số dự án, tiểu dự án
- Dự án 1 (Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo), Báo cáo cho biết, hiện các hạng mục công việc của dự án đã được triển khai nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Trong đó, tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đã giải ngân 3.422,011 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương (3.289,18 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 61,5%; 132,831 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 73,2%).
Tại các huyện nghèo đã đầu tư là 1.253 công trình. Trong đó có 382 công trình giao thông, 81 công trình thủy lợi, 121 công trình giáo dục, 18 công trình y tế, 27 công trình nước sạch, 30 công trình văn hóa, 19 công trình điện, 309 công trình duy tu bảo dưỡng và 266 công trình khác. Tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đã đầu tư 123 công trình (19 công trình giao thông, 6 công trình thủy lợi, 4 công trình giáo dục, 1 công trình y tế, 2 công trình nước sạch, 9 công trình văn hóa, 01 công trình điện, công trình khác 60; công trình duy tuy bảo dưỡng 21).
Tiểu dự án 2 triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện 17 tỉnh đã ban hành Kế hoạch và đang thực hiện dự án theo quy định.
- Dự án 2 (Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) đã triển khai thực hiện 907 dự án nhằm đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Trong đó, 131 dự án trồng trọt, 236 dự án chăn nuôi, 540 dự án khác với 7.219 hộ tham gia.
- Dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng): Trong đó, tiểu dự án 1 (Hỗ trợ phát triển sản xuất), theo số liệu báo cáo từ 56 tỉnh thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã có trên 453 dự án cho khoảng 37.520 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được thụ hưởng; khoảng 3.587 người được tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.
Tiểu dự án 2 (Hỗ trợ dinh dưỡng), theo Báo cáo, Bộ Y tế đã chủ động vận động và phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức 02 lớp tập huấn cho 63 tỉnh, thành về hướng dẫn thực hiện hoạt động dinh dưỡng thuộc Chương trình và 02 lớp tập huấn online cho 63 tỉnh, thành về hướng dẫn về nội dung giám sát chỉ tiêu hoạt động dinh dưỡng trong Chương trình. Năm 2023, các địa phương đang xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện dự án. Ước năm 2023 giải ngân trên 202,5 tỷ đồng, đạt 75%.
- Dự án 4 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững): Triển khai thực hiện tiểu dự án 1 về phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, đã có khoảng 47.800 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề; 146 cơ sở được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo; xây dựng 39 bộ chuẩn về giáo dục nghề nghiệp; tập huấn, bồi dưỡng về xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho 234 lượt người; Phát triển 118 bộ chương trình, học liệu; Đào tạo, bồi dưỡng cho 4.803 lượt người là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý hệ thống GDNN; tổ chức 77 cuộc khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; phối hợp với các cơ quan thông tấn, truyền hình, đơn vị truyền thông xây dựng 05 phóng sự và 440 bài viết để tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp trên các kênh truyền hình; Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển 16 thiết bị đào tạo tự làm phục vụ đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Kết quả thực hiện tiểu dự án 2 Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Trong năm 2021, 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, theo báo cáo của các địa phương đã có khoảng 10.290 người lao động được hỗ trợ đào tạo và hỗ trợ các thủ tục đi làm việc ở nước ngoài. Các địa phương đã tích cực tuyên truyền, tư vấn, vận động người lao động, đã có khoảng 6.000 người lao động và thân nhân được tư vấn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cục Quản lý lao động đã tổ chức 06 cuộc tập huấn cho khoảng 450 cán bộ 07 huyện nghèo thuộc 03 tỉnh Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Ngãi về các nội dung hỗ trợ và các thông tin về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ, các gương điển hình người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thông báo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, báo chí...
Tiểu dự án 3 (Hỗ trợ việc làm bền vững): 100% người lao động (trong đó có đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo) có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Các địa phương đã tổ chức 146 phiên/ngày hội việc làm, tư vấn, cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho gần 31.500 lao động, đồng thời hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho khoảng 7.500 lao động, chủ yếu là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, huyện nghèo.
- Dự án 5 (Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo): Theo Báo cáo, hiện các tỉnh đang tiến hành triển khai theo các thông tư hướng dẫn nhằm hỗ trợ đúng đối tượng, theo quy định. Hướng tới đạt được mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho khoảng 100.000 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
- Dự án 6 (Truyền thông và giảm nghèo về thông tin): Tại tiểu dự án 1. Giảm nghèo về thông tin, hiện các bộ, cơ quan trung ương đã thực hiện các nội dung sản xuất, phát hành các ấn phẩm truyền thông theo quy định; xây dựng, phát triển nền tảng công nghệ cung cấp xuất bản phẩm, báo điện tử.
Đối với cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các đối tượng thuộc cơ quan, tổ chức theo phân cấp quản lý. Dự kiến năm 2022-2023, các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho khoảng 1.000 các bộ thuộc đối tượng quản lý.
Các địa phương đã triển khai tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở; Sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh và truyền hình trên hệ thống Đài Phát thanh, truyền hình các cấp; Xuất bản và phát hành sách chuyên đề, chuyên san, xây dựng video clip thông tin, tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng của Chương trình nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân cả nước, nhất là người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo. Ngoài ra, các địa phương cũng quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặc thù của Tiểu dự án.
Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều, đã tổ chức 450 lớp tập huấn cho 28.291 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo; tổ chức 262 chương trình phong trào; in 621 băng rôn, pano.
- Dự án 7 (Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình): Tiểu dự án 1, đã tổ chức 1.142 lớp tập huấn cho 148.456 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo; 27 đoàn học tập kinh nghiệm; khoảng 15.000 người dân được tập huấn, hướng dẫn, tư vấn tạo sinh kế, hướng nghiệp, học nghề, tìm kiếm việc làm, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao thu nhập để vươn lên thoát nghèo.
Tiểu dự án 2: Báo cáo cho biết, hệ thống chỉ số, biểu mẫu thực hiện giám sát, đánh giá Chương trình đã được ban hành tương đối đầy đủ làm căn cứ pháp lý để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức thực hiện.
Có thể thấy, với những nỗ lực trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã có đóng góp tích cực vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đi được nửa chặng đường, bước đầu đã góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 11,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%/năm). Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo, người dân sinh sống vùng nghèo, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn góp phần giảm nghèo bền vững. Việc tiếp tục thực hiện Chương trình góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở các địa bàn khó khăn, trọng yếu trên phạm vi cả nước.
Về cơ bản người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…). Về lâu dài, tác động của chương trình giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững, vượt lên mức sống tối thiểu, tự giải quyết được vấn đề nghèo đói cũng như những nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và nhà nước; giúp các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Mặc dù vậy, quá trình triển khai thực hiện Chương trình hiện còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, hoạt động về quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với yêu cầu tiến độ quy định tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 12/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Một số văn bản hướng dẫn sau khi ban hành còn vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình tại địa phương. Việc phân bổ vốn còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững do người dân dễ rơi vào tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới vì các lý do khách quan (ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai,... đến đời sống người nghèo); chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 chưa phản ánh đầy đủ thực trạng khách quan tình trạng nghèo của các hộ gia đình ở các vùng, miền... Ngoài ra, một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững…/.
Gia Linh