Tóm tắt: Mục đích của nghiên cứu này nhằm khám phá mối quan hệ giữa năng lực nội tại và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Phương pháp nghiên cứu định lượng được sử dụng để phân tích dữ liệu thập được từ 211 chủ doanh nghiệp/nhà quản lý. Kết quả phân tích mô hình hồi quy đa biến cho thấy năng lực nguồn nhân lực và năng lực tài chính có tác động quan trọng và tích cực nhất đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Dựa vào kết quả nghiên cứu, một số hàm ý quản trị đã được đề xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Từ khoá: năng lực nội tại, năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hải Dương.
Abstract: This study aims to explore the relationship between internal capacity and competitiveness of small and medium-sized enterprises in Hai Duong province. The quantitative research method was used to analyze data collected from 211 business owners/managers. The analysis results of the multivariate regression model show that human resource and financial capacity have the most crucial and positive impact on the competitiveness of small and medium-sized enterprises in Hai Duong province. Based on the results of the study, some management implications have been proposed to improve the competitiveness of enterprises in the coming time.
Keywords: internal competencies, competitiveness, small and medium-sized enterprises, Hai Duong.
1. Đặt vấn đề
Hải Dương nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Hồng. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương (2024), tỉnh có khoảng 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng vốn điều lệ 220.000 tỷ đồng, và đóng góp gần 50% cho GDP của tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp càng trở nên gay gắt nhưng các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với những khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý còn hạn chế, công nghệ chậm đổi mới… dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh. Chính vì vậy, nghiên cứu mối quan hệ giữa năng lực nội tại và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hải Dương là thực sự cấp thiết, có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn.
2. Cơ sở lý thuyết
Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp
Quan niệm về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp luôn thu hút được sự tìm hiểu của các nhà nghiên cứu, tuy nhiên quan niệm này luôn được tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau. Poter (1990) nhấn mạnh năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nắm giữ vị trí then chốt, quyết định đến sự thành công hay phát triển đối với mỗi doanh nghiệp và điều này luôn có ảnh hưởng to lớn đến sự cạnh tranh của từng ngành trên thị trường quốc tế, đồng thời là hạt nhân đem đến sự cạnh tranh của từng quốc gia. Như vậy, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp luôn là tiền đề để xem xét đến năng lực cạnh tranh. Nghiên cứu của Hoff và cộng sự (1997) cho rằng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chính là khả năng của bản thân doanh nghiệp sản xuất hoặc cung cấp hàng hoá, sản phẩm hay dịch vụ cho khách hàng vượt quá mong đợi của họ hoặc đáp ứng được hầu hết các yêu cầu đặt ra của khách hàng. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đơn giản là khả năng vượt trội về lợi nhuận, doanh thu và chiếm lĩnh thị phần tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh (Lall, 2001). Đồng tình với quan điểm này, Rojaka (2009) cho rằng nếu doanh nghiệp muốn có khả năng cạnh tranh trên thị trường thì doanh nghiệp cần phải sản xuất và bán sản phẩm với giá thấp hơn đối thủ cạnh tranh.
Tại Việt Nam, Nguyễn Bách Khoa (2004) qua lược khảo các tài liệu đã nhận thấy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chính là việc sử dụng các khả năng và nguồn lực nội tại để duy trì, phát triển thị phần, gia tăng lợi nhuận và khẳng định vị thế của doanh nghiệp trước các đối thủ canh trực tiếp hoặc đối thủ cạnh tranh tiềm tàng trên thị trường mục tiêu. Các nguồn lực nội tại của doanh nghiệp có quyết định quan trọng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên việc các doanh nghiệp đều có chiến lược kinh doanh khác nhau, khó bị sao chép bởi các nguồn lực vốn có của doanh nghiệp là nền tảng để phát triển các chiến lược kinh doanh (Huỳnh Thanh Nhã và La Hồng Liên, 2015).
Các lý thuyết nền tảng để đề xuất mô hình nghiên cứu
Lý thuyết cạnh tranh cổ điển: Nghiên cứu của Ricardo (1772-1823), các quốc gia không có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối vẫn có thể có lợi thế cạnh tranh tương đối và việc mua bán trao đổi giữa hai quốc gia vẫn thực hiện được nhờ vào lợi thế này. Lợi thế cạnh tranh tương đối được tính bằng tỷ lệ (K) tiêu hao nguồn lực để sản xuất ra sản phẩm (a) so với sản phẩm (b) ở 2 quốc gia. Nếu quốc gia X nào đó có (K) thấp hơn quốc gia Y thì quốc gia X có lợi thế tương đối về sản phẩm (a) và ngược lại quốc gia Y có lợi thế về sản phẩm (b). Do đó 2 quốc gia sẽ tiến hành chuyên môn hóa sản xuất và trao đổi sản phẩm cho nhau để cùng có lợi. Theo quan điểm cạnh tranh của Smith (1723-1790), nguồn gốc của quá trình thương mại giữa hai hay nhiều quốc gia bắt nguồn từ quốc gia có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối về ngành nào đó so với quốc gia khác. Lợi thế cạnh tranh được tính bằng thời gian hao phí lao động cần thiết để sản xuất ra sản phẩm nào đó ngắn hơn so với các quốc gia khác.
Lý thuyết cạnh tranh tân cổ điển: Các lý thuyết cạnh tranh của trường phái tân cổ điển dựa trên cơ sở thị trường tự do và cạnh tranh hoàn hảo, Theo Marshall thì cả cung và cầu trên thị trường đều như nhau. Do đó, sản xuất được điều khiển nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng thông qua thị trường, người sản xuất điều chỉnh quy mô sản xuất đến điểm tối ưu. Lý thuyết này có trọng tâm hướng đến cơ chế quyết định giá cả, sản lượng, phân phối thu nhập thông qua nguyên lý cung - cầu, dựa trên các giả định về hành vi tối đa hóa thỏa dụng của người tiêu dùng trong điều kiện với một ngân sách giới hạn, hay tối đa hóa lợi nhuận của nhà sản xuất trong điều kiện cho phí bị giới hạn. Lý thuyết này chứng minh tính hiệu quả của nền kinh tế, đặc biệt ở cấp độ vi mô. Tuy nhiên, lý thuyết này phân tích phân phối nguồn lực ở trạng thái tĩnh, nên chưa làm rõ được các vấn đề trong điều kiện cạnh tranh không hoàn hảo.
Lý thuyết cạnh tranh hiện đại bao gồm 3 nội dung cơ bản trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại như: (1) cạnh tranh là một hiện tượng phổ biến mang tính tất yếu, là một quy luật cơ bản trong nền kinh tế thị trường; (2) cạnh tranh có tính hai mặt tích cực và tiêu cực; (3) cạnh tranh là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các tổ chức kinh tế hoạt động hiệu quả hơn trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả vì sự sống còn và phát triển cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cạnh tranh cũng có nguy cơ dẫn đến tranh giành, khống chế nhau. Để phát huy được mặt tích cực và hạn chế bởi tính tiêu cực, cần duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, hợp pháp và kiểm soát độc quyền, xử lý cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh doanh. Qua nghiên cứu lý thuyết cạnh tranh cho thấy, năng lực cạnh tranh là cả một quá trình, có tính đa chiều, có tính tương trợ. Do đó, nghiên cứu về năng lực cạnh tranh cần gắn liền với các yếu tố khác nhau. Tình hình kinh tế, bối cảnh và trình độ phát triển của từng thời kỳ có thể gây nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, không chỉ về năng lực thu hút và sử dụng các yếu tố sản xuất, khả năng tiêu thụ hàng hóa, khả năng phát triển sản phẩm, cải tiến sản phẩm mới. Đó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố và sự ảnh hưởng (tác động) bởi các yếu tố như: Năng lực quản lý, năng lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, khả năng cung cấp sản phẩm,…
Trên cơ sở lý thuyết nền tảng và tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau, kết hợp với thảo luận với một số quản lý doanh nghiệp để lựa chọn các yếu tố và đề xuất mô hình, giả thuyết nghiên cứu như sau:
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả
Bảng 1: Tổng hợp các giả thuyết nghiên cứu
Giả thuyết |
Nội dung giả thuyết |
Nguồn |
H1 |
Năng lực tài chính có ảnh hưởng tích cực đến năng lực cạnh tranh của các DNNVV |
Kumar và Chadee (2002); Ruzzier (2006); Di Benedetto và cộng sự (2008); Huỳnh Thanh Nhã và La Hồng Liên (2015); Nguyễn Thị Kim Hiệp (2016); Nguyễn Thị Thanh Xuân và cộng sự (2022)
|
H2 |
Năng lực quản lý có ảnh hưởng tích cực đến năng lực cạnh tranh của các DNNVV |
H3 |
Năng lực kỹ thuật công nghệ có ảnh hưởng tích cực đến năng lực cạnh tranh của các DNNVV |
H4 |
Năng lực nguồn nhân lực có ảnh hưởng tích cực đến năng lực cạnh tranh của các DNNVV |
H5 |
Năng lực Marketing có ảnh hưởng tích cực đến năng lực cạnh tranh của các DNNVV |
H6 |
Năng lực thương hiệu có ảnh hưởng tích cực đến năng lực cạnh tranh của các DNNVV |
H7 |
Năng lực tạo lập mối quan hệ có ảnh hưởng tích cực đến năng lực cạnh tranh của các DNNVV |
H8 |
Năng lực nghiên cứu và phát triển có ảnh hưởng tích cực đến năng lực cạnh tranh của các DNNVV |
Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả
Từ các giả thuyết trên, mô hình nghiên cứu đề xuất được viết dưới dang phương trình hồi quy dạng tổng quát như sau:
SHL = β0 + β1*TC + β2*ĐU + β3*NLPV + β4*ĐC + β5*PTHH + β6*HA + β7*LS + β8*UĐ
Trong đó:
NLCT (yếu tố phụ thuộc): Năng lực cạnh tranh của các DNNVV
Các yếu tố độc lập bao gồm (Xi): Năng lực tài chính (TC); Năng lực quản lý (QL); Năng lực kỹ thuật công nghệ (KTCN); Năng lực nguồn nhân lực (NNL); Năng lực Marketing (MK); Năng lực thương hiệu (TH); Năng lực tạo lập mối quan hệ (MQH); Năng lực nghiên cứu và phát triển (NCPT).
βk: Hệ số hồi quy (k = 0, 1, 2,...8)
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS 26 đánh giá mô hình nghiên cứu đề xuất từ việc phân tích dữ liệu được thu thập từ quá trình khảo sát các chủ, quản lý các DNNVV đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại những lĩnh vực khác nhau trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong khoảng thời từ tháng 9 – 11/2024. Phương pháp phi xác suất thuận tiện được sử dụng để chọn mẫu với số lượng mẫu tối thiểu theo quy tắc 5:1 của Hair và cộng sự (2010). Thông qua link Google Doc được gửi đến các ứng dụng trò chuyện online số phiếu thực tế phát ra sẽ cao hơn số mẫu tối thiểu để đảm bảo độ tin cậy trong quá trình phân tích dữ liệu với kết quả thu về 211 phiếu hợp lệ. Ngoài ra, thang đo chính thức bao gồm 8 yếu tố độc lập với 1 yếu tố phụ thuộc tương đương với 42 biến quan sát và được đo lường theo thang đo Likert 5 mức độ (Mức 1 – Hoàn toàn không đồng ý đến Mức 5 – Hoàn toàn đồng ý). Thang đo chính thức được phát triển từ các nghiên cứu trong và ngoài nước kết hợp với quá trình hiệu chỉnh các biến quan sát từ các cuộc thảo luận, phỏng vấn các chuyên gia với mục đích để thang đo chính thức phù hợp với bối cảnh, đối tượng và lĩnh vực nghiên cứu.
4. Kết quả phân tích
Bảng 2: Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA lần 2 và tương quan Pearson
Các yếu tố |
Số biến quan sát còn lại |
Hệ số Cronbach’s Alpha |
Hệ số tương quan biến tổng nhỏ nhất |
Hệ số tải nhân tố nhỏ nhất |
Hệ số Eigenvalue |
Hệ số tương quan Pearson |
TC |
4 |
0,815 |
0,481 |
0,773 |
7,495 |
0,746*** |
QL |
4 |
0,843 |
0,459 |
0,765 |
6,809 |
0,729*** |
KTCN |
4 |
0,799 |
0,466 |
0,748 |
5,628 |
0,808** |
NNL |
5 |
0,806 |
0,452 |
0,752 |
4,372 |
0,784*** |
MK |
5 |
0,819 |
0,473 |
0,757 |
3,556 |
0,812** |
TH |
4 |
0,827 |
0,478 |
0,781 |
2,783 |
0,768** |
MQH |
3 |
0,788 |
0,494 |
0,795 |
1,834 |
0,804*** |
NCPT |
3 |
0,802 |
0,487 |
0,786 |
1,252 |
0,791** |
Hệ số KMO = 0,724; Tổng phương sai trích = 77,469%; Hệ số Sig. của kiểm định Barlett’s = 0,000 |
NLCT |
3 |
0,834 |
0,485 |
0,792 |
2,095 |
1,00 |
Hệ số KMO = 0,752
Tổng phương sai trích = 81,724%
Hệ số Sig. của kiểm định Barlett’s = 0,000 |
Ghi chú: **;*** tương ứng với tương quan có ý nghĩa ở mức nhỏ hơn 0,01; nhỏ hơn 0,001 |
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu
Kết quả Bảng 1 sau khi loại một biến quan sát xấu tại các yếu tố QL, MQH đã cho thấy hệ số Cronbach’s Alpha đều lớn hơn 0,7 và hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,4 đã đáp ứng được yêu cầu về độ tin cậy lẫn giá trị phân biệt để phân tích nhân tố khám phá EFA (Hair và cộng sự, 2010). Sau khi phân tích nhân tố khám phá EFA lần hai để loại bỏ một số biến quan sát tại các yếu tố TC, KTCN, NCPT để đảm bảo hệ số tải nhân tố của các biến quan sát lớn hơn 0,7. Đồng thời, hệ số KMO lớn hơn 0,7 đã cho thấy sự phù hợp khi phân tích nhân tố khám phá với hệ số Sig. của kiểm định Barlett’s đạt 0,000. Các yếu tố độc lập đều có hệ số Eigenvalue lớn hơn 1 với hệ số tổng phương sai trích tại yếu tố thứ 8 đạt 77,469% đã khẳng định phân tích nhân tố khám phá là phù hợp có ý nghĩa thống kê và dữ liệu thu thập được trích xuất thành 8 yếu tố với mức độ giải thích 77,469%. Ngoài ra, yếu tố phụ thuộc cũng thoả mãn các điều kiện đặt ra khi thực hiện phân tích nhân tố khám phá EFA và các biến quan sát đều được trích xuất vào một yêu tố duy nhất với tổng phương sai trích 81,724%.
Khi thực hiện phân tích tương quan Pearson cho thấy, giữa các yếu tố độc lập với yếu tố phụ thuộc có hế số tương quan lớn hơn 0,7 với mức ý nghĩa thống kê nhỏ hơn 0,01, đồng thời giữa các yếu tố độc lập đáp ứng được các kỳ vọng đặt ra của Hair và cộng sự (2010) nên không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến.
Bảng 3: Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính đa biến
Mô hình |
Hồi quy chưa chuẩn hoá |
Hồi quy chuẩn hoá |
t |
Sig. |
Thống kê đa cộng tuyến |
Beta |
Độ lệch chuẩn |
Beta chuẩn hoá |
Dung sai điều chỉnh |
VIF |
1 |
Hằng số |
2,289 |
0,236 |
|
6,279 |
0,017 |
|
|
TC |
0,427 |
0,035 |
0,424 |
4,153 |
0,002 |
0,624 |
1,512 |
QL |
0,251 |
0,033 |
0,258 |
3,578 |
0,005 |
0,407 |
1,366 |
KTCN |
0,394 |
0,037 |
0,391 |
4,685 |
0,000 |
0,385 |
1,298 |
NNL |
0,433 |
0,036 |
0,431 |
3,862 |
0,000 |
0,486 |
1,465 |
MK |
0,346 |
0,039 |
0,345 |
5,364 |
0,003 |
0,562 |
1,734 |
TH |
0,338 |
0,035 |
0,342 |
6,236 |
0,002 |
0,793 |
1,603 |
MQH |
0,319 |
0,038 |
0,322 |
2,951 |
0,000 |
0,671 |
1,582 |
NCPT |
0,415 |
0,036 |
0,416 |
3,017 |
0,000 |
0,529 |
1,653 |
Giá trị F = 142,749; Sig. = 0,000
R2 = 0,769; R2 hiệu chỉnh = 0,755; Durbin-Watson = 1,993
a. Biến phụ thuộc: NLCT |
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu
Kết quả Bảng 3 cho thấy hệ số R2 hiệu chỉnh đạt 0,755 đã khẳng định mức độ phù hợp của mô hình tương đối cao và các yếu tố độc lập trong mô hình nghiên cứu đã giải thích được 75,5% yếu tố phụ thuộc. Hệ số Sig. của kiểm định F và kiểm định t đều nhỏ hơn 0,01 đã chỉ rõ mô hình hồi quy tổng thể có ý nghĩa thống kê, tương ứng với các yếu tố độc lập có ảnh hưởng đến yếu tố phụ thuộc đều có ý nghĩa thống kê. Hệ số VIF nằm trong khoảng 1 đến 2 đã chắc chắn mô hình không xuất hiện hiện tượng đa cộng tuyến. Như vậy, các giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5, H6, H7, H8 đều được chấp nhận và phương trình hồi quy chuẩn hoá được viết như sau:
SHL = 0,431*NNL + 0,424*TC + 0,416*NLPV + 0,391*KTCN + 0,345*MK + 0,342*TH + 0,322*MQH + 0,258*QL
Kết quả trên cho thấy, năng lực cạnh tranh cho các DNNVV trên địa bàn tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi yếu tố năng lực nguồn nhân lực và yếu tố này nắm giữ vai trò then chốt hay chính là sức mạnh nội tại của các DNNVV để tạo ra sự cạnh tranh hiệu quả trong hoạt động và quá trình sản xuất kinh doanh. Điều này đã nhận được sự đồng tình từ kết quả các nghiên cứu của Kumar và Chadee (2002); Huỳnh Thanh Nhã và La Hồng Liên (2015); Nguyễn Thị Kim Hiệp (2016); Nguyễn Thị Thanh Xuân và cộng sự (2022). Do đó, năng lực nguồn nhân lực cần được đào tạo, bồi dưỡng để có thể cập nhật các kiến thức mới giúp cho nguồn nhân lực có thể phát huy tối đa khả năng giúp các DNNVV phát triển tạo ra được lợi thế cạnh tranh đối với các đối thủ trên thị trường mục tiêu.
Tiếp đến, yếu tố tài chính có ảnh hưởng mạnh thứ hai đến năng lực cạnh tranh của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Hải Dương, tức là các DNNVV luôn cần có nguồn tài chính để duy trì mở rộng thị trường và đảm bảo cho các hoạt động hoặc quá trình sản xuất kinh doanh được diễn ra một cách liên tục. Các nghiên cứu trước đây của Huỳnh Thanh Nhã và La Hồng Liên (2015); Nguyễn Thị Kim Hiệp (2016); Nguyễn Thị Thanh Xuân và cộng sự (2022) cũng cho nhấn mạnh năng lực tài chính có ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Yếu tố năng lực nghiên cứu và phát triển được xem có mức ảnh hưởng lớn thứ ba đến năng lực cạnh tranh của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Hải Dương và năng lực này chính là khả năng nghiên cứu thị trường, nắm bắt thị hiếu khách hàng, dư đoán xu hướng trong tương lai và từ đó phát triển các loại hàng hoá, sản phẩm hoặc dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu nhiều nhất của khách hàng. Năng lực nghiên cứu và phát triển còn được thể hiện qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng suất và gia tăng được khối lượng hàng hóa, sản phẩm hoặc tạo ra những dịch vụ mới nhằm thu hút được sự quan tâm và thoả mãn sự trải nghiệm của khách hàng. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Huỳnh Thanh Nhã và La Hồng Liên (2015) chỉ ra yếu tố năng lực nghiên cứu và phát triển tạo luôn tạo ra năng lực cạnh tranh khác biệt cho chính bản thân DN.
5. Kết luận
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng “năng lực nguồn nhân lực” có ảnh hưởng lớn nhất đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm và quản lý để nâng cao năng lực nhân viên. Đồng thời, kết nối với các trường đại học, cao đẳng tại Hải Dương để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, năng lực tài chính cũng có ảnh hưởng quan trọng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Vì vậy, các doanh nghiệp cần thiết kế kế hoạch ngân sách, kiểm soát dòng tiền và dự phòng rủi ro tài chính. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động làm việc với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Tài liệu tham khảo
-
Di Benedetto, C. A., DeSarbo, W. S., & Song, M. (2008). Strategic capabilities and radical innovation: An empirical study in three countries. IEEE Transactions on Engineering Management, 55(3), 420-433.
-
Hair, J. F., Black, W. C., Babin, B. J., & Anderson, R. E. (2010). Multivariate Data Analysis. 7th Edition, Pearson, New York.
-
Hoff, K., Fisher, N., Miller, S., & Webb, A. (1997). Sources of competitiveness for secondary wood products firms: a review of literature and research issues. Forest Products Journal, 47(2), 31-47.
-
Huỳnh Thanh Nhã và La Hồng Hiên (2015). Các nhân tố nội tại ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh tế tư nhân tại Thành phố Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 36(D), 72-80.
-
Kumar, R., & Chadee, D. (2002). International Competitiveness of Asian Firms: An Analytical. Framework, ERD Working Paper Series No 4, Economics and Research Department.
-
Lall, S. (2001). Competitiveness indices and developing countries: An economic evaluation of the global competitiveness report. World Development, 29(9), 1501-1525.
-
Nguyễn Bách Khoa (2004). Phương pháp luận xác định năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp. Tạp chí khoa học Thương mại, 4&5, 1-14.
-
Nguyễn Thị Kim Hiệp (2016). Các yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Tạp chí Khoa học Lạc Hồng, 5, 13-18.
-
Nguyễn Thị Thanh Xuân, Lê Quang Hiếu và Trịnh Thị Thu Huyền (2022). Các nhân tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 299(2), 95-105.
-
Porter, M. (1990). The Competitive Advantage of Nations. Free Press, New York.
-
Rojoka, J., 2009. Baltic States Competitiveness: Before and After the Global Crisis. Applied Economics: Systamatic Research, 3(1), 27-46.
-
Ruzzier, M. K. (2006). Croatian-based brand equity for Slovenia as a tourism destination. Economic and business review for Central and South-Eastern Europe, 8(1), 83-108.
-
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương (2024). Tổng hợp số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương.