Trong bối cảnh kinh tế thế giới Chín tháng đầu năm 2024 có xu hướng phục hồi nhưng chậm, trong nước hoạt động sản xuất công nghiệp một số địa phương bị ảnh hưởng của siêu bão Yagi song hoạt động sản xuất công nghiệp cả nước nói chung vẫn duy trì nhịp độ tăng tưởng khá với một số điểm sáng nổi bật.
Một số điểm sáng nổi bật
Một là, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì xu hướng tích cực, đóng vai trò trụ cột cho tăng trưởng kinh tế trong quý III và 9 tháng năm 2024 với chỉ số sản xuất công nghiệp quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,9%; quý II tăng 9,9% và ước tính quý III tăng 10%). Có 3/4 số ngành công nghiệp cấp 1 tăng so cùng kỳ năm trước. Có 60/63 tỉnh, thành phố trong cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Hai là, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo 9 tháng đầu năm nay tăng 9,9%, trong khi chỉ số tiêu thụ sản phẩm ngành chế biến, chế tạo tăng 12,5% (mức tăng chỉ số tiêu thụ cao hơn 2,6 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo); chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo thời điểm 30/9/2024 dự kiến tăng 8,5% so với cùng thời điểm năm trước (thấp hơn nhiều so với mức tồn kho tăng 19,4% cùng thời điểm năm 2023). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng đầu năm 2024 là 76,8% (thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2023 là 85,3%).
Ba là, trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có 30/33 ngành công nghiệp cấp 2 có quý III/2024 tăng so cùng kỳ, nổi bật là:
- Nhóm ngành dệt, may, da giầy sản xuất quý III đều tăng so với cùng kỳ và so với quý trước, trong đó, cao nhất là ngành sản xuất trang phục tăng 18,2%, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 17,3%, ngành dệt tăng 11,6% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh cải thiện và đơn hàng tích cực, dự báo xuất khẩu dệt may tiếp tục khả quan thời gian tới, bởi yếu tố chu kỳ nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Ngoài ra, bất ổn ở Bangladesh khiến một số nhà máy tại đây đóng cửa. Nhóm ngành dệt, may, da giầy trong nước đang được hưởng lợi từ nội chiến tại Bangladesh (quốc gia lớn thứ 2 thế giới trong ngành dệt may da giầy), nhiều đơn hàng sản xuất của Bangladesh đã được chuyển sang cho các nước khác để sản xuất, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.
- Ngành sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế quý III tăng 46,7% so cùng kỳ và tăng 17,2% so quý trước do một số doanh nghiệp sản xuất xăng dầu đã kết thúc kỳ bảo dưỡng năm nay và quay trở lại hoạt động. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cùng thời kỳ năm trước nghỉ bão dưỡng, năm nay trở lại hoạt động và gia tăng sản lượng sản xuất.
Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có 30/33 ngành công nghiệp cấp 2 có quý III/2024
tăng so cùng kỳ
- Ngành sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic quý III tăng 28,0% so cùng kỳ và tăng 6,5% so quý trước. Ngành này vẫn duy trì xu hướng tăng từ các tháng đầu năm với sản phẩm rất đa dạng và được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành, lĩnh vực, có nhiều doanh nghiệp lớn tập trung ở TP. Hồ Chí Minh tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
- Ngành sản xuất xe có động cơ quý III/2024 tăng 32,0% so cùng kỳ và tăng 17,6% so với quý trước. Nguyên nhân là do cùng kỳ năm trước ngành lắp ráp xe ô tô gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, năm nay tình hình kinh tế khả quan, thu nhập người dân có xu hướng tăng, cùng với chính sách giảm 50% thuế trước bạ cho xe lắp ráp trong nước (theo Nghị định 109/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2024) nên các doanh nghiệp tăng khối lượng sản xuất để cung cấp hàng tiêu thụ cho các tháng tới.
- Ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế quý III/2024 tăng 34,3% so cùng kỳ và tăng 15,7% so quý trước và vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực từ những tháng đầu năm, một số doanh nghiệp lớn ở các tỉnh phía Nam có thêm nhiều đơn hàng mới.
Bốn là, ngành sản xuất và phân phối điện, các địa phương phía Bắc có nhà máy thủy điện tăng trưởng tích cực do nước về nhiều từ cuối tháng Năm, nên được huy động tối đa công suất phát điện, trong đó một số nhà máy thủy điện trong 9 tháng đã hoàn thành kế hoạch sản xuất điện được giao cả năm 2024.
Năm là, các doanh nghiệp FDI đang tận dụng tốt các ưu đãi và nhu cầu thị trường nước ngoài nên có xu hướng phát triển tích cực, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất điện, điện tử, dệt, may, da giầy.
Một số ngành và doanh nghiệp vẫn còn nhiều áp lực và khó khăn
Thứ nhất, vẫn còn 3/33 ngành công nghiệp cấp 2 sản xuất quý III/2024 giảm so cùng kỳ và có 10/33 ngành giảm so với quý trước, cụ thể:
- Ngành khai thác than cứng và than non giảm mạnh, ước chỉ đạt 80,9% so với quý trước do tháng Tám có nhiều ngày mưa và tháng Chín bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi, do vậy ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Ngành sản xuất đồ uống mặc dù quý III năm nay tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 5,1% so với quý trước, do chịu tác động kép từ dịch Covid-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, dẫn đến sản lượng xuất của một số doanh nghiệp đồ uống hiện hoạt động ở mức thấp.
- Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (chủ yếu là xi măng) mặc dù quý III tăng so với cùng kỳ, nhưng chỉ đạt 99,3% so với quý trước. Theo nhận định của các doanh nghiệp, nhu cầu của thị trường xi măng cả trong nước và xuất khẩu đang tăng trưởng trở lại nhưng vẫn còn chậm.
- Ngành sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời gặp khó khăn do các doanh nghiệp gặp khó khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ, sản lượng sản xuất giảm mạnh từ cuối tháng 5/2024 và chưa có dấu hiệu sản xuất tăng trở lại.
Thứ hai, các doanh nghiệp trong nước với quy mô vốn và lao động nhỏ, công nghệ và trình độ quản lý hạn chế, sau khi siêu bão Yagi đi qua đã gây thiệt hại lớn về tài sản nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để duy trì hoạt động sản xuất.
Đề xuất một số giải pháp chủ yếu, hỗ trợ sản xuất công nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất
Trước hết, các doanh nghiệp rất cần Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương có giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp bị thiệt hại do siêu bão Yagi gây ra; tiếp tục duy trì hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi thuận lợi, nhanh chóng, đặc biệt có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại do bão.
Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải ngân nhanh vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy hoạt động xây dựng phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả trong ngăn chặn hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác trong các doanh nghiệp, tuyên truyền và đẩy mạnh chính sách tiêu dùng trong nước, tiếp tục có các biện pháp kích cầu tiêu thụ trong nước hiệu quả hơn trong các tháng cuối năm./.
Phí Thị Hương Nga
Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp - TCTK