Một số giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp của Việt Nam

12/10/2021 - 10:44 AM
Thực trạng năng suất lao động của Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động (NSLĐ) của toàn nền kinh tế đã được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%). Tuy nhiên, mặc dù tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam cao nhất khối ASEAN trong giai đoạn vừa qua nhưng chênh lệch về mức NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế, NSLĐ của Việt Nam năm 2020 thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan; 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á cũng cho thấy NSLĐ của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước. NSLĐ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như quy mô nền kinh tế, thể chế, cơ chế chính sách…, hay các yếu tố vi mô như quy mô, nội lực của doanh nghiệp, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư,… Để nâng cao NSLĐ của nền kinh tế nói chung, thì Việt Nam cần chú trọng tới nâng cao NSLĐ của khu vực doanh nghiệp. Bởi trong mọi nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng vì có thể giải quyết được việc làm cho phần lớn lao động của nền kinh tế. Nâng cao năng suất của khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) của nền kinh tế. Mặc dù NSLĐ trong khu vực doanh nghiệp của Việt Nam còn khá thấp và có sự chênh lệch lớn so với một số quốc gia trong khu vực, tuy nhiên dấu hiệu đáng mừng là NSLĐ trong các doanh nghiệp của Việt Nam đã có sự gia tăng đáng kể. Nếu như năm 2011, năng suất bình quân một lao động trong khu vực doanh nghiệp là 186,1 triệu đồng/người thì sang đến năm 2017 đã đạt mức 300,1 triệu đồng/ người.

 
Một số giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp của Việt Nam

Ảnh minh họa

Một trong những nguyên nhân gây cản trở gia tăng NLSĐ trong các doanh nghiệp của Việt Nam là do phần lớn các doanh nghiệp có quy vừa và nhỏ, tiềm lực về vốn hạn hẹp, khả năng đầu tư công nghệ hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất, năng lực cạnh tranh kém, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn rất thấp. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, Việt Nam đứng thứ 67 trong 141 nền kinh tế năm 2019, trong khi các chỉ số thành phần về năng lực đổi mới sáng tạo chỉ xếp thứ 76. Điều này cho thấy, Việt Nam cần tiếp tục kiến tạo môi trường thuận lợi cùng với các thể chế, chính sách mới cho khu vực doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình nâng cao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, lao động của Việt Nam còn tập trung nhiều trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, đa số lao động trong khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến NSLĐ thấp.

Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân cản trở tăng NSLĐ trong các doanh nghiệp ở Việt Nam. Điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020, tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo đang làm việc trong nền kinh tế tăng dần qua các năm, năm 2015 là 20,4%, năm 2018 là 22,0% và đến năm 2020 đạt 24,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn khá thấp so với các quốc gia khác trong cùng khu vực. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện NSLĐ. Bên cạnh đó, tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ hoặc không phù hợp giữa công việc và trình độ đào tạo còn khá phổ biến. Một bộ phận lớn người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, người lao động thiếu các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy sáng kiến. Bên cạnh đó, tiền lương thấp cũng là một trong những nguyên nhân giảm động lực phấn đấu của người lao động, qua đó làm giảm NSLĐ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân một tháng của người lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động có sự thay đổi nhẹ. Nếu như năm 2015, thu bình quân một tháng của người lao động là 6,97 triệu đồng/người thì sang năm 2019 đạt 9,33 triệu đồng/người.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế, góp phần tạo thêm động lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thể chế kinh tế thị trường còn thiếu đồng bộ, đặc biệt là thị trường lao động, thị trường công nghệ, thị trường bất động sản. Do xuất phát điểm thấp và đang trong giai đoạn chuyển đổi, việc phát triển những thị trường có thể chế đặc thù trên gặp nhiều khó khăn, hệ thống pháp luật, chính sách cho việc phát triển các loại thị trường chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao và chưa theo kịp sự phát triển của các loại thị trường này. Trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn lạc hậu, doanh nghiệp tham gia các hoạt động liên quan đến sáng tạo còn hạn chế, trong khi qua nghiên cứu cho thấy, những doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) có mức NSLĐ cao hơn 19,3% so với các doanh nghiệp còn lại. Theo Ngân hàng Thế giới (2015), Việt Nam chỉ có 15,7% doanh nghiệp chi tiêu cho các hoạt động R&D. Ngoài ra, năng lực trình độ quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam cũng chỉ đạt mức điểm trung bình là 2,66 (Báo cáo điều tra trình độ quản lý toàn cầu năm 2017). Các doanh nghiệp Việt chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên chưa tận dụng được tính lan tỏa của tri thức, công nghệ và NSLĐ từ các công ty/tập đoàn xuyên quốc gia vào doanh nghiệp trong nước.

Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam vẫn được coi là một trong những quốc gia có mức NSLĐ thấp nhất trong ASEAN. Trong những năm qua dù Chính phủ đã có những nỗ lực để cải thiện năng suất, nhưng khoảng cách về năng suất giữa Việt Nam và các nước ASEAN đang giãn dần, khả năng Việt Nam có thể bắt kịp NSLĐ của những nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN là rất khó khăn. Để đuổi kịp các quốc gia phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới, trong thời gian tới đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, có chính sách sử dụng lao động, vốn đầu tư có hiệu quả nhằm nâng cao quy mô cũng như tốc độ tăng NSLĐ.

Một số khuyến nghị

Khu vực doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng vào phát triển kinh tế của Việt Nam. Để thúc đẩy tăng NSLĐ của các doanh doanh nghiệp trong thời gian tới cần chú trọng một số các chính sách:

Thứ nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở nền kinh tế cao, các hiệp định đều có quy định khuyến khích tự do thương mại, khuyến khích các dòng vốn đầu tư, nhất là từ khu vực tư nhân. Vì vậy, để nâng năng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam cần thiết phải thực hiện chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). IFRS một công cụ tài chính quan trọng, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc tiếp cận các thông tin về tài chính được chính xác hơn, và có thể huy động được các nguồn lực tài chính mang tính chất toàn cầu. IFRS cũng là công cụ tạo ra ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế của doanh nghiệp tại các quốc gia có áp dụng IFRS. Để thúc đẩy áp dụng IFRS trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, ngày 16 tháng 3 năm 2020 Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam với lộ trình: Giai đoạn 1 (từ năm 2022 đến năm 2025), áp dụng tự nguyện; giai đoạn 2 (sau năm 2025), áp dụng bắt buộc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện giao dịch và hạch toán các nội dung kinh tế liên quan nên việc tiếp cận IFRS còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để có thể tiếp cận IFRS thuận lợi, trong thời gian tới bản thân các doanh nghiệp cần rà soát, kiểm tra và thiết lập lại hệ thống, quy trình cũng như hạ tầng của mình để đảm bảo tính trung thực của báo cáo tài chính và đáp ứng các quy định của IFRS; rà soát lực lượng nhân sự về kế toán, tài chính cũng như quản lý để có được kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo kiến thức phù hợp.

Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm trong hành chính công, cải cách tiền lương và cách thức đánh giá cán bộ nhằm giảm thiểu tệ nạn tham nhũng, nâng cao hiệu quả bộ máy công vụ liên quan, góp phần giảm chi phí phi chính thức cho doanh nghiệp; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính; Tăng cường kiểm soát nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ...

Thứ ba, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, song quy định về hỗ trợ tiếp cận vốn còn khá khiêm tốn, thiếu cơ sở triển khai trong thực tế. Các tổ chức tín dụng cần tăng cường thực hiện hiệu quả các văn bản điều hành của Chính phủ như: Nghị quyết số 35-NQ/CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020; Nghị định số 34/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Nghị định số 39/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ...; Đa dạng hóa các kênh tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong thực tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác nhau nhưng tiếp cận vốn từ các tổ chức tài chính tín dụng vẫn là kênh chính và quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích đối với các tổ chức tín dụng nhằm thực hiện có hiệu quả hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ;

Thứ tư, Chính phủ cần có chế tài yêu cầu và kiểm tra, giám sát các địa phương trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Hiện nay, ở Việt Nam, nhiều địa phương dành sự quan tâm nhiều hơn đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ở mỗi địa phương lại khác nhau, gây nên sự méo mó trong nền kinh tế, phân tán nguồn lực và không đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ở Việt Nam, loại hình doanh nghiệp gia đình, những doanh nghiệp hoạt động trong khu vực phi chính thức của xã hội thuộc quy mô doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đang chiếm tỷ lệ khá lớn. Đây là loại hình đã tồn tại lâu nay, đã được nhận thức rõ bản chất vấn đề, nhưng chưa được quan tâm đúng mức để đưa khu vực này vào quỹ đạo chung của cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ năm, hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh nhằm mục đích tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường trong nước và ngoài nước. Ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định lâu dài đối với hoạt động của khu vực doanh nghiệp. Phát triển đa dạng các thị trường tài chính và thị trường chứng khoán để hỗ trợ cho doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán, vay vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách giải đáp các vấn đề vướng mắc về luật pháp, đăng ký kinh doanh; cũng có thể mở thêm hoạt động tư vấn kinh doanh cho doanh nghiệp hoặc thành lập riêng một cơ quan chuyên trách giúp cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Thứ sáu, tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách của Chính phủ trong việc cải cách các mức thuế quan, cắt giảm các thủ tục đăng ký doanh nghiệp cùng với các“chi phí không chính thức”. Có cơ chế cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ giải quyết bài toán tạo việc làm cho xã hội, với quy định cụ thể về sử dụng phần ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đó để tái đầu tư, tạo công ăn việc làm mới. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các các doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận các nguồn lực như đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ, ...

Để hạn chế tối đa các thất bại như buộc phải giải thể, tự giải thế, tình trạng kinh doanh bị trì trệ, tạm ngưng hoạt động, các doanh nghiệp cần phải xác định được phạm vi và đối tượng mà mình hướng tới. Nói cách khác, trên cơ sở quy mô, tiềm lực, loại hình hoạt động, các doanh nghiệp cần có chiến lược phù hợp trong việc lựa chọn thị trường, phân khúc thị trường để khai thác, kinh doanh. Chọn lựa phân khúc thị trường phù hợp là một giải pháp và đồng thời cũng là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, an toàn cho sự phát triển ổn định của mỗi doanh. Mặt khác, mỗi doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy cho sự phát triển như: các giải pháp hỗ trợ từ nhà đầu tư trong và ngoài nước; các chính sách, kế hoạch hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, tài chính, công nghệ, quản trị, kinh doanh... Đồng thời, sự liên minh, liên kết của nhóm doanh nghiệp kinh doanh, hoạt động cùng ngành nghề dưới các hình thức như hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên danh... cũng là một giải pháp phù hợp nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của mình./.


 
TS. Trần Thị Thanh Hương
Học viện Ngân hàng
 
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Ban Kinh tế Trung ương (2019), Báo cáo 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Hà Nội, tháng 4.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp (2017). Sách trắng Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Nhà xuất bản Thống kê Hà Nội.
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019). Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, Nhà xuất bản Thống kê Hà Nội.
  4. Nguyễn Bích Lâm (2018). Báo cáo tham luận về năng suất lao động Việt Nam. Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động, đòn bảy tăng trưởng kinh tế”, Hà Nội, 13/4/2018
  5. Nguyễn Thị Ngọc Loan (2018). Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam và những tác động thu hút FDI. Tạp chí Tài chính. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/toc-do-tang-nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-va-nhung-tac-dong- toi-thu-hut-von-fdi-146903.html
  6. Nguyễn Văn Đông (2016). Các yếu tố tác động đến năng suất lao động và những vấn đề đặt ra. Tạp chí Tài chính, kỳ II tháng 12/2016
  7. Trần Thị Thanh Hương (2019). Tác động của các nhân tố đến tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam, Hội Thảo quốc tế: Economics and statistical methods - Application in economics and finace-Phương pháp thống kê và kinh tế lượng ứng dụng trong kinh tế và tài chính, Nhà xuất bản thông tin và truyền thông, tháng 1/2019; ISBN: 978-604-80-3675-1; trang 215-236.
  8. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2018). Đổi mới phương thức hỗ trợ tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kinh nghiệm quốc tế và một số kiến nghị cho Việt Nam, Hà Nội.
  9. https://baomoi.com/phat-trien-doanh-nghiep-nho-va-vua-trong-boi-canh- moi/c/29562534.epi
  10. https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-1-thuc-trang-nang-suat-lao-dong-tai-viet-nam-650759
  11. http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/doanh-nghiep-nho-va-vua- chiem-981-144150.html
  12. http://doanhnghiephoinhap.vn/thach-thuc-cua-doanh-nghiep-nho-va-vua-trong-nam-2019.html
  13. https://vjst.vn/vn/tin-tuc/4541/nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-trong-ba-thap-nien-cai-cach-va-hoi-nhap.aspx

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top