Bảng kê hộ được lập dựa trên thông tin từ phiếu bảng kê hộ và được lập theo từng địa bàn điều tra (ĐBĐT) đối với khu vực nông thôn; lập theo từng tổ dân phố đối với khu vực thành thị. Do đó, việc hướng dẫn thu thập thông tin phiếu bảng kê hộ và phỏng vấn trực tiếp bằng thiết bị di động (CAPI) có vai trò hết sức quan trọng trong công tác lập bảng kê hộ.
Hướng dẫn thu thập thông tin phiếu bảng kê hộ
Đối tượng, đơn vị, phạm vi, thời điểm, thời gian thu thập thông tin phiếu bảng kê hộ
Đối tượng thực hiện thu thập thông tin lập bảng kê hộ bao gồm: (1) Tất cả hộ dân cư đang cư trú trong phạm vi điều tra được phân công (ĐBĐT/tổ dân phố có hộ tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS). (2) Nhân khẩu thực tế thường trú (NKTTTT) của các hộ không tham gia hoạt động NLTS ở khu vực nông thôn.
Đơn vị được thực hiện lập Bảng kê hộ là các hộ dân cư.
Phạm vi lập Bảng kê hộ được thực hiện tại tất cả các hộ dân cư đang cư trú thuộc khu vực nông thôn; tất cả các hộ dân cư thuộc tổ dân phố có hộ tham gia hoạt động NLTS thuộc khu vực thành thị.
Thời điểm lập Bảng kê hộ cụ thể như sau: Thu thập thông tin bảng kê hộ đối với khu vực thành thị tại thời điểm ngày 01/3/2025; Thu thập thông tin bảng kê hộ đối với khu vực nông thôn tại thời điểm ngày 01/5/2025.
Thời gian thu thập thông tin lập bảng kê hộ: Đối với khu vực thành thị: Từ ngày 01/3/2025 đến ngày 30/5/2025; đối với khu vực nông thôn: Từ ngày 01/5/2025 đến ngày 30/5/2025.
Nhiệm vụ của người lập bảng kê
Người thu thập thông tin lập bảng kê hộ (viết gọn là người lập bảng kê) phải tham dự đầy đủ lớp tập huấn nghiệp vụ lập Bảng kê hộ và nhận đủ các tài liệu, phương tiện phục vụ lập bảng kê (Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ và sử dụng CAPI,...); Cài đặt phần mềm thu thập thông tin vào thiết bị điện tử thông minh, nhận tài khoản và mật khẩu đăng nhập vào CAPI trước khi thực hiện lập Bảng kê hộ.
Người lập bảng kê chịu sự kiểm tra, giám sát của giám sát viên (GSV) các cấp trong quá trình thực hiện công việc lập Bảng kê hộ. Phải giữ gìn, bảo quản cẩn thận các tài liệu hướng dẫn và không tiết lộ, cung cấp thông tin đã thu thập cho người khác.
Người lập bảng kê cần nghiên cứu kỹ địa bàn được phân công để nắm thông tin về địa bàn do mình phụ trách, bảo đảm thực hiện lập danh sách đầy đủ các hộ đang sinh sống tại địa bàn. Người lập bảng kê nên phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để xác định rõ ranh giới của địa bàn và xác định đầy đủ các hộ theo đúng phạm vi lập bảng kê đã quy định.
Khi đến hộ, người lập bảng kê phải giới thiệu với hộ về bản thân và mục đích đến hộ để hộ nắm được thông tin và hợp tác thực hiện. Khi đến từng hộ, người lập bảng kê phải dựa vào khái niệm về hộ, khái niệm hộ tham gia hoạt động NLTS và NKTTTT của hộ được quy định tại mục C, Phần I (Quy định chung).
Ngoài ra, người lập bảng kê có trách nhiệm tuyên truyền cho các hộ về mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra; phải đến từng hộ để hỏi chủ hộ hoặc người đại diện của hộ về các thông tin trong phiếu điều tra; thực hiện kiểm tra thông tin thu thập và đồng bộ dữ liệu đầy đủ về máy chủ của Tổng cục thống kê.
Quy trình thu thập thông tin phiếu bảng kê hộ
Theo đó, người lập bảng kê thu thập thông tin phiếu điều tra điện tử theo mẫu Phiếu 01/TĐTNN-BKH tại Phụ lục I. Quy trình thu thập thông tin lập bảng kê thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Nhận bàn giao địa bàn thực hiện thu thập thông tin bảng kê từ cơ quan thống kê; xác định đúng phạm vi của ĐBĐT/tổ dân phố.
Bước 2: Khảo sát thực địa để nắm rõ về ranh giới và phạm vi của ĐBĐT/tổ dân phố đã được giao phụ trách.
Bước 3: Đi lần lượt từng hộ trong ĐBĐT/tổ dân phố, từ hộ đầu tiên đến hộ cuối cùng theo một trật tự địa lý nhất định, không nhảy cóc, bỏ sót hộ nào.
Tại mỗi hộ, người lập bảng kê gặp chủ hộ hoặc người am hiểu các thông tin về hộ để phỏng vấn, thu thập thông tin theo phiếu điều tra được cài đặt trên thiết bị CAPI (Mẫu phiếu số 01/TĐTNN-BKH tại Phụ lục I).
Trường hợp đến hộ không gặp được chủ hộ, hoặc bất kỳ thành viên nào của hộ, người lập bảng kê vẫn thực hiện “THÊM HỘ” vào trên CAPI, ghi địa chỉ của hộ, sau đó có thể chuyển sang hộ khác và quay lại hộ này phỏng vấn bổ sung sau. Việc này rất quan trọng để bảo đảm thứ tự hộ đúng theo trật tự địa lý. Hướng dẫn chi tiết thực hiện trên CAPI tại mục V phần này.
Bước 4: Kiểm tra và thực hiện đồng bộ dữ liệu; đảm bảo dữ liệu đã được CAPI thông báo đồng bộ thành công.
Hướng dẫn ghi phiếu
Phiếu thu thập thông tin lập bảng kê hộ TĐTNN 2025 gồm các thông tin: Thông tin định danh, thông tin hộ theo mẫu phiếu 01/TĐTNN-BKH.
Cách hỏi và ghi thông tin cụ thể như sau:
THÔNG TIN ĐỊNH DANH: Khi người lập bảng kê đăng nhập vào chương trình, thông tin của ĐBĐT/tổ dân phố được phân công sẽ tự động hiển thị trên màn hình. Trường hợp phát hiện thông tin của ĐBĐT/tổ dân phố được phân công chưa đúng, người lập bảng kê báo lại với GSV để cập nhật trên hệ thống trước khi thực hiện thu thập thông tin phục vụ lập bảng kê.
SỐ THỨ TỰ CỦA HỘ: Mỗi hộ trong ĐBĐT/tổ dân phố sẽ có 1 số thứ tự, bắt đầu từ 0001 đến hết các hộ trong ĐBĐT/tổ dân phố.
Người lập bảng kê phải đi lần lượt từng hộ theo trật tự địa lý nhất định, tuân thủ đúng quy trình thu thập thông tin đã được hướng dẫn ở mục III phần này. Đến mỗi hộ, người lập bảng kê ấn “THÊM HỘ”, chương trình sẽ tự động đánh số thứ tự cho hộ mới thêm này.
Trường hợp đến hộ không gặp được chủ hộ, hoặc bất kỳ thành viên nào của hộ, người lập bảng kê vẫn thực hiện “THÊM HỘ” vào trên CAPI, để CAPI thực hiện đánh số thứ tự hộ. Người lập bảng kê ghi tiếp địa chỉ của hộ, sau đó có thể chuyển sang hộ khác và quay lại hộ phỏng vấn bổ sung sau. Việc này rất quan trọng để bảo đảm thứ tự hộ đúng theo trật tự địa lý.
ĐỊA CHỈ CỦA HỘ: Người lập bảng kê hỏi, quan sát và ghi địa chỉ của hộ bao gồm: Số nhà, đường phố, ngõ, hẻm, tên thôn, xóm, ấp, bản,... Trường hợp ngôi nhà/căn hộ/nơi ở của hộ không có địa chỉ rõ ràng (không thuộc phạm vi của tổ, xóm, ấp nào) thì người lập bảng kê mô tả vị trí chi tiết của ngôi nhà/căn hộ/nơi ở đó. Ví dụ: Phía trước trường học Y, gần cửa hàng tạp hóa X, cạnh sông/kênh/rạch,...
HỌ VÀ TÊN CHỦ HỘ: Người lập bảng kê hỏi và nhập họ và tên chủ hộ.
CHỦ HỘ: Là người có vai trò quản lý, điều hành, quyết định các hoạt động chính của hộ, không nhất thiết phải là chủ hộ trong sổ hộ khẩu. Những hộ chỉ gồm các cháu nhỏ, thì chủ hộ là cháu nhiều tuổi nhất (Ví dụ: Trường hợp bố mẹ sống cùng hộ nhưng là người thuộc biên chế ngành Quân đội, Công an và sống trong doanh trại).
THÔNG TIN HỘ VÀ THÀNH VIÊN HỘ: Gồm 24 câu hỏi phỏng vấn hộ.
Sau khi hoàn thành phỏng vấn, người lập bảng kê nhập họ tên và số điện thoại của người cung cấp thông tin, lấy định vị GPS và chọn “Hoàn thành” để kết thúc công tác thu thập thông tin lập bảng kê tại hộ.
Kết thúc phỏng vấn, người lập bảng kê cần kiểm tra lại toàn bộ thông tin phiếu điều tra, bao gồm thông tin của từng thành viên hộ để đảm bảo các câu trả lời đã được ghi một cách đầy đủ, phù hợp và chính xác. Nếu có các thông tin còn thiếu (do thành viên hộ đi vắng) người lập bảng kê cần hẹn hộ thời gian quay lại hoặc gọi điện thoại trực tiếp cho ĐTĐT để bổ sung thông tin
Hướng dẫn cài đặt và sử dụng CAPI
Hướng dẫn cài đặt chương trình
Chương trình điều tra trên các loại thiết bị di động có cấu hình tối thiểu như sau:
Các bước hướng dẫn cài đặt và sử dụng phần mềm được thể hiện chi tiết qua file dưới đây:
Thu Hiền