Giai đoạn 2021-2022, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời kỳ hậu Covid-19, trong đó có hợp tác xã (HTX). Các chính sách đã cho thấy tính kịp thời và hiệu quả trong việc giúp các HTX khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng về quy mô, số lượng thành viên và số HTX thành lập mới. Qua đó, khu vực HTX không chỉ đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng của nền kinh tế mà còn gián tiếp thông quá tác động tới kinh tế thành viên trong tạo việc làm, giảm chi phí, cải thiện thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội địa phương.
Tình hình phát triển hợp tác xã năm 2022
Quy mô phát triển hợp tác xã năm 2022
Theo Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2023, tại thời điểm 31/12/2022, tổng số HTX hiện có của cả nước là 29.378 HTX, tăng 5,4% so với thời điểm 31/12/2021.
Theo vùng: Tính đến thời điểm 31/12/2022, số HTX hiện có của vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 7.957 HTX, chiếm 27,1% số lượng HTX cả nước, là vùng có số lượng HTX hiện có cao nhất cả nước; vùng Đồng bằng sông Hồng có 7.780 HTX, là vùng số lượng HTX hiện có cao thứ hai cả nước, chiếm 26,5%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 6.167 HTX, chiếm 21,0%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 3.420 HTX, chiếm 11,6%; vùng Đông Nam Bộ có 2.071 HTX, chiếm 7,1%; vùng Tây Nguyên có số HTX hiện có thấp nhất cả nước với 1.983 HTX, chiếm 6,7%.
Biểu 1: Hợp tác xã hiện có giai đoạn 2016-2022
Tại thời điểm 31/12/2022 so với cùng thời điểm năm 2021, cả 6/6 vùng kinh tế đều có số lượng HTX hiện có tăng, cụ thể: Vùng Tây Nguyên tăng 7,1%; vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng 7,0%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 6,4%; vùng Đông Nam Bộ tăng 6,0%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung tăng 5,4%; vùng Đồng bằng sông Hồng tăng thấp nhất với 2,8%.
Theo địa phương: Tại thời điểm 31/12/2022, chỉ có 4/63 địa phương có trên 1.000 HTX, gồm: Hà Nội 2.347 HTX; Thanh Hóa 1.269 HTX; Hà Tĩnh 1.023 HTX và Bắc Giang 1.020 HTX. 17/63 địa phương có số HTX từ trên 500 đến 1.000 HTX; 42/63 địa phương có dưới 500 HTX (riêng Ninh Thuận có số HTX thấp nhất cả nước với 104 HTX).
Tại thời điểm 31/12/2022 so với thời điểm 31/12/2021, 33/63 địa phương có tốc độ tăng số lượng HTX cao hơn mức bình quân chung của cả nước (5,4%); trong đó, Phú Yên là địa phương có tốc độ tăng cao nhất với 36,8%. 28/63 địa phương có tốc độ tăng thấp hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Có 2/63 địa phương có số HTX hiện có giảm là: Hải Dương giảm 10,1% và Hòa Bình giảm 1,5%.
Số lượng thành viên hợp tác xã năm 2022
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng số thành viên trong các HTX hiện có là 5.936 nghìn thành viên, tăng 1,8% so với vùng thời điểm năm 2021.
Theo vùng: Vùng Đồng bằng sông Hồng có số thành viên HTX cao nhất cả nước với 2.634 nghìn thành viên, chiếm 44,4% tổng số thành viên HTX; đứng thứ hai là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 2.035 nghìn thành viên, chiếm 34,3%; vùng Tây Nguyên có số thành viên thấp nhất cả nước với 188 nghìn thành viên, chiếm 3,2%; vùng Trung du và miền núi phía Bắc đứng thứ nhất cả nước về số HTX hiện có những số thành viên HTX chỉ đứng thứ 4/6 vùng với 341 nghìn thành viên, chiếm 5,7%.
Tại thời điểm 31/12/2022, cả 6/6 vùng kinh tế đều có số thành viên HTX tăng so với cùng thời điểm năm 2021. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ tăng cao nhất với 10,1%; vùng Trung du miền núi phía Bắc đứng thứ hai, tăng 8,2%.
Theo địa phương: 17/63 địa phương thu hút trên 100 nghìn thành viên HTX. Trong đó, 3 địa phương có số thành viên HTX trên 300 nghìn người gồm: Hà Nội 605,1 nghìn người (tăng 0,5% so với cùng thời điểm năm 2021); Thái Bình 465,9 nghìn người (tăng 0,03%); Nam Định 376,8 nghìn người (giảm 0,2%). 37/63 địa phương có số thành viên HTX từ 10 nghìn đến 100 nghìn người; 9/63 địa phương có số thành viên HTX dưới 10 nghìn người, trong đó 3 địa phương có số thành viên HTX dưới 4.000 người gồm: Cao Bằng, Lai Châu, Bắc Kạn.
Tại thời điểm 31/12/2022, 54/63 địa phương có số thành viên HTX tăng so với cùng thời điểm năm 2021, trong đó có 32/63 địa phương có tốc độ tăng số thành viên HTX cao hơn tốc độ tăng chung cả nước (1,8%); 9/63 địa phương có tốc độ tăng trên 10%, gồm: Lai Châu tăng 71,4%; Bình Dương tăng 56,4%; Vĩnh Long tăng 20,4%; Hậu Giang tăng 18,9%; Bắc Giang tăng 18,7%; Sơn La tăng 17,2%; Lào Cai tăng 14,3%; Lâm Đồng tăng 13,8%; Hòa Bình tăng 12,3%. 9/63 địa phương có số thành viên HTX giảm so với cùng thời điểm năm trước.
Hợp tác xã thành lập mới năm 2022
Tổng số HTX thành lập mới năm 2022 trên phạm vi cả nước là 2.695 HTX, tăng 1,8% so với năm 2021.
Theo vùng: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số lượng HTX thành lập mới cao nhất cả nước với 955 HTX, chiếm 35,4% tổng số HTX thành lập mới năm 2022; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cao thứ hai với 525 HTX, chiếm 19,5%; vùng Đông Nam Bộ có số HTX thành lập mới thấp nhất cả nước với 152 HTX, chiếm 5,6%.
Năm 2022, 4/6 vùng kinh tế có số HTX thành lập mới nhiều hơn số HTX thành lập mới năm 2021. Trong đó, 2 vùng có tốc độ tăng số HTX thành lập mới trên 30% gồm: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 39,7%; vùng Đông Nam Bộ tăng 31,0%. 2/6 vùng kinh tế có số HTX thành lập mới năm 2022 thấp hơn năm 2021 là vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Theo địa phương: Năm 2022, 4/63 địa phương có trên 100 HTX thành lập mới gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa và Quảng Nam; 14/63 địa phương có từ 50 đến 100 HTX thành lập mới: 45/63 địa phương có dưới 50 HTX thành lập mới.
Năm 2022, 38/63 địa phương có số HTX thành lập mới nhiều hơn năm 2021. Trong đó, 5 địa phương có tốc độ tăng số HTX thành lập mới trên 100% gồm: Ninh Bình tăng 250,0%, Cần Thơ tăng 166,7%; Quảng Trị tăng 136,4%; Bến Tre tăng 128,6% và Thành phố Hồ Chí Minh tăng 122,7%. 25/63 địa phương có số HTX thành lập mới giảm so với năm 2021, trong đó có 7 địa phương có tốc độ giảm số HTX thành lập mới trên 30% gồm: Vĩnh Phúc giảm 62,9%; Tây Ninh giảm 50%; Hà Tĩnh giảm 46,4%; Lào Cai giảm 36,1%; Lâm Đồng giảm 34,5%; Nam Định giảm 34,1%; Bắc Ninh giảm 30,6%.
Một số kết quả sản xuất kinh doanh nổi bật
Tại thời điểm 31/12/2021, tổng số HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh do Tổng cục Thống kê điều tra, cập nhật trên phạm vi cả nước là 16,454 HTX, tăng 7,5% so với thời điểm 31/12/2020. Trong đó, tỷ lệ HTX kinh doanh có lãi chiếm 43,3%; tỷ lệ HTX kinh doanh hòa vốn chiếm 20,4%; tỷ lệ HTX kinh doanh lỗ chiếm 36,3%. Cả nước có 166,2 nghìn lao động làm việc trong các HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, giảm 0,5% so với cùng thời điểm năm 2020.
Tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31/12/2021 đạt 326,3 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng thời điểm năm 2020; tổng doanh thu thuần đạt 94,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,0%; lợi nhuận trước thuế đạt 3,1 nghìn tỷ đồng, giảm 15,2%.
Khái quát lại, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã năm 2021 có một số nét nổi bật như sau:
Theo khu vực kinh tế: HTX khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất về số lượng HTX và số lao động nhưng kết quả SXKD chiếm tỷ trọng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của khu vực này. Khu vực dịch vụ mặc dù có số lượng HTX, lao động chiếm tỷ trọng không cao, nhưng nguồn vốn, doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế chiếm tỷ trọng cao nhất trong ba khu vực. Cụ thể, trong năm 2021, HTX khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ trọng số lượng HTX chiếm 51,1% tổng số HTX; thu hút lao động chiếm 45,3%; nguồn vốn chiếm 12,3%; doanh thu thuần chiếm 13,2%; lợi nhuận trước thuế lỗ 103 tỷ đồng. HTX khu vực dịch vụ có tỷ trọng số lượng HTX năm 2021 chiếm 30,6% tổng số HTX; tương ứng lao động chiếm 33,5%; nguồn vốn chiếm 79,4%; doanh thu thuần chiếm 67,1%; lợi nhuận trước thuế chiếm 60,3%. HTX khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,3% tổng số HTX; 21,2% số lao động; 8,3% nguồn vốn; 19,7% doanh thu thuần; 42,9% lợi nhuận trước thuế.
Theo vùng và theo địa phương: Vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm tỷ trọng lớn về số lượng, lao động, nguồn vốn của các HTX (chiếm 27,3% số lượng HTX; 31,2% số lao động: 47,5% nguồn vốn). Trong đó, Hà Nội là địa phương đứng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước về số HTX, quy mô lao động và nguồn vốn của HTX (chiếm 7,6% số lượng HTX; 7,6% số lao động; 22,1% nguồn vốn cả nước).
Vùng Đông Nam Bộ có tỷ trọng lớn nhất về doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế (doanh thu thuần chiếm 35,7%, lợi nhuận trước thuế chiếm 57,5%). Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và cả nước về quy mô doanh thu thuần, chiếm 28,2% tổng số doanh thu thuần cả nước.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có tỷ trọng số HTX và lao động làm việc trong HTX lớn thứ hai của cả nước (số HTX chiếm 25,7%; số lao động chiếm 23,3%).
Vùng Tây Nguyên có tỷ trọng thấp nhất cả nước về cả số HTX, thu hút lao động, nguồn vốn, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế (số HTX chiếm 5,2%; số lao động chiếm 3,4%; nguồn vốn chiếm 4,8%; doanh thu thuần chiếm 5,2%; lợi nhuận trước thuế chiếm 5,7%). Trong đó, Kon Tum là địa phương có số lượng HTX và thu hút lao động làm việc trong HTX thấp nhất cả nước./.
Duy Hưng