Theo Phương án Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp năm 2025, các đối tượng điều tra đợt này sẽ bao gồm: Lao động tham gia hoạt động nông, lâm, thủy sản (NLTS); hộ dân cư tham gia hoạt động NLTS; trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã NLTS; UBND xã. Trong đó, đối tượng điều tra là Trang trại phải là cơ sở thực hiện các hoạt động sản xuất NLTS và đạt tiêu chí kinh tế trang trại theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trang trại phải đạt tiêu chí về kinh tế theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 mới được
công nhận và thuộc đối tượng điều tra
Các loại hình trang trại hiện nay
Theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020, Trang trại được chia thành 02 loại chính là Trang trại chuyên ngành và Trang trại tổng hợp. Cụ thể:
(i) Trang trại chuyên ngành được xác định theo lĩnh vực sản xuất, đó là: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp; và phải đảm bảo tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực chiếm trên 50% cơ cấu tổng giá trị sản xuất của trang trại trong năm. Trang trại chuyên ngành được chia thành 05 chuyên ngành nhỏ, bao gồm: Trang trại trồng trọt; Trang trại chăn nuôi; Trang trại lâm nghiệp; Trang trại nuôi trồng thủy sản; Trang trại sản xuất muối.
(ii) Trang trại tổng hợp là trang trại không có lĩnh vực sản xuất nào có tỷ trọng giá trị sản xuất chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm.
Tiêu chí để xác định Trang trại
Để được công nhận là Trang trại, chủ trang trại phải đạt tiêu chí về kinh tế trang trại được quy định tại Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT. Cụ thể:
(i) Đối với trang trại chuyên ngành:
- Trồng trọt: Giá trị sản xuất phải đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên;
- Nuôi trồng thủy sản: Giá trị sản xuất phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên;
- Chăn nuôi: Giá trị sản xuất phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và quy mô nuôi đạt từ 10 đơn vị vật nuôi trở lên (mỗi đơn vị vật nuôi tương đương 500 kg);
- Lâm nghiệp: Giá trị sản xuất đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 10,0 ha trở lên;
- Sản xuất muối: Giá trị sản xuất đạt 0,35 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.
(ii) Đối với trang trại tổng hợp: Giá trị sản xuất phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.
Quy định về cách tính diện tích đất sản xuất, và giá trị sản xuất của trang trại
Đối với hoạt động trang trại, giá trị sản xuất của trang trại/năm được xác định bằng giá trị sản xuất của ít nhất 1 năm trang trại đạt được trong 3 năm gần nhất với năm kê khai. Giá trị sản xuất bao gồm cả sản phẩm vật chất và sản phẩm dịch vụ, được tính bằng tổng giá trị sản xuất các kỳ thu hoạch hoặc khai thác trong năm. Đối với Trang trại mới thành lập chưa có sản phẩm thu hoạch, giá trị sản xuất được ước tính căn cứ vào phương án sản xuất, tình hình triển khai thực tế của trang trại.
Tổng diện tích đất sản xuất của Trang trại là diện tích đất sản xuất kinh doanh của trang trại, được sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai, bao gồm diện tích đất để trồng trọt, chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối và đất để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất của trang trại tại thời điểm kê khai.
Kinh tế trang trại được xem là thành tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta. Mô hình này đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giúp người nông dân sử dụng hiệu quả hơn các nguồn vốn cũng như đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc xác định đúng đối tượng, đảm bảo đúng các tiêu chí giúp công tác lập bảng kê phục vụ Tổng điều tra Nông thôn, nông nghiệp 2025 đảm bảo tiến độ, chất lượng./.
Trịnh Long