Theo kế hoạch, từ ngày 01/7/2025, ngành Thống kê sẽ thực hiện Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp (TĐTNN 2025) trên phạm vi cả nước. Để Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 các cấp nắm được số lượng địa bàn điều tra, số lượng đơn vị điều tra làm cơ sở cho việc lập kế hoạch huy động nguồn lực, tuyển chọn, tập huấn lực lượng tham gia điều tra và chỉ đạo, tổ chức, quản lý hiệu quả cuộc Tổng điều tra; đồng thời giúp cho lực lượng tham gia thực hiện cuộc Tổng điều tra trên cả nước xác định đúng phạm vi địa bàn được phân công thực hiện, tránh trùng lặp hoặc bỏ sót các đơn vị điều tra trong từng xã, phường, thị trấn, từ tháng 3 đến tháng 5/2025, lượng lượng tham gia điều tra sẽ tiến hành thu thập thông tin bảng kê hộ đối với khu vực thành thị và khu vực nông thôn.
Làm tốt công tác này, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 các cấp cần nắm rõ quy trình phân chia địa bàn và lập bảng kê đơn vị điều tra. Việc phân chia địa bàn và lập bảng kê đơn vị điều tra cần thực hiện đúng theo các quy định của Phương án TĐTNN 2025 và các hướng dẫn của BCĐ Tổng điều tra trung ương; đảo đảm tính đầy đủ, không trùng lặp, không bỏ sót đơn vị điều tra, không bao gồm những đơn vị không thuộc phạm vi điều tra.
Bên cạnh đó, công tác này cần đảm bảo tính chính xác, tức là thông tin phải được ghi chính xác, phản ánh đúng thực trạng về đơn vị điều tra theo các tiêu chí đã được nêu tại biểu mẫu quy định và được thu thập theo đúng quy trình do BCĐ Tổng điều tra trung ương quy định; cũng như đảm bảo tính kịp thời, hoàn thành theo đúng thời gian quy định và danh sách các đơn vị điều tra cần được cập nhật nếu có phát sinh đến trước thời điểm điều tra.
Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 các cấp đồng thời cần hiểu rõ các khái niệm, quy ước. Cụ thể:
Thứ nhất, địa bàn điều tra (ĐBĐT) là khu vực dân cư có ranh giới rõ ràng hoặc tương đối rõ ràng. Đối với ĐBĐT khu vực nông thôn, một ĐBĐT khu vực nông thôn thường là một thôn, trung bình một ĐBĐT có khoảng 200 hộ dân cư. Trong trường hợp thôn có nhiều hộ dân cư sẽ được tách thành các ĐBĐT khác nhau. Không ghép các thôn thành một ĐBĐT, dù số lượng hộ của thôn ít. Đối với ĐBĐT khu vực thành thị, một ĐBĐT khu vực thành thị là một tổ dân phố hoặc nhiều tổ dân phố ghép lại thành một ĐBĐT đảm bảo trung bình 150 hộ tham gia hoạt động NLTS trong một ĐBĐT. Trong trường hợp tổ dân phố có nhiều hộ tham gia hoạt động NLTS sẽ được tách thành các ĐBĐT khác nhau để bảo đảm số hộ trung bình tham gia hoạt động NLTS. Trường hợp một phường, thị trấn khi ghép hết các tổ dân phố với nhau nhưng số hộ tham gia hoạt động NLTS vẫn dưới 150 hộ thì phường, thị trấn được quy định là 01 ĐBĐT.
Thứ hai, bảng kê hộ là bảng danh sách các hộ dân cư và một số thông tin về hộ dân cư, gồm: Số thứ tự hộ, họ và tên chủ hộ, địa chỉ của hộ, hộ tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ nông nghiệp, lâm nghiệp (tự làm hay làm thuê).
Bảng kê hộ được lập dựa trên thông tin từ phiếu bảng kê hộ và được lập theo từng ĐBĐT đối với khu vực nông thôn; lập theo từng tổ dân phố đối với khu vực thành thị.
Thứ ba, hộ dân cư (hộ) bao gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung. Đối với hộ có từ 02 người trở lên, các thành viên trong hộ có thể có hay không có quỹ thu chi chung; có hoặc không có mối quan hệ ruột thịt, hôn nhân hay nuôi dưỡng; hoặc kết hợp cả hai. Một hộ thường sử dụng toàn bộ hay một phần của một đơn vị nhà ở1, nhưng cũng có những hộ sống trong các lều, lán, trại, nhà trọ, khu nhà ở cho người lao động,...
Các quy định về xác định hộ đối với một số trường hợp đặc biệt như sau:
Một người tuy ở chung trong ngôi nhà/căn hộ/nơi ở với một hộ nhưng lại nấu ăn riêng hoặc ăn, ở nơi khác, thì người đó không được coi là thành viên hộ, mà phải tách ra thành một hộ riêng.
Nếu 01 gia đình có (hoặc thuê) 02 ngôi nhà hoặc căn phòng sát nhau để ở thì tính là 01 hộ.
Đối với những người ở chung trong một phòng trọ nhưng ăn riêng thì quy ước mỗi phòng trọ là một hộ (Ví dụ: Có 3 công nhân ở chung phòng trọ nhưng ăn riêng thì vẫn tính họ là một hộ).
Một nhóm người tuy ăn chung nhưng lại ngủ riêng ở các ngôi nhà/căn hộ/nơi ở khác nhau, thì nhóm này tạo thành các hộ khác nhau, mỗi nhóm người ngủ ở những ngôi nhà/căn hộ/nơi ở cùng nhau được xác định là một hộ (Ví dụ: Một nhóm gồm 02 người góp tiền nấu cơm ăn chung vào buổi trưa hoặc buổi chiều tối nhưng đến tối ai về nhà người đó ngủ thì tính là hai hộ khác nhau).
Trường hợp đặc biệt, khi các trẻ em (hoặc người già) đang phụ thuộc kinh tế vào bố, mẹ (hoặc con) nhưng lại ngủ ở (các) ngôi nhà/căn hộ/nơi ở gần đó (hộ có nhiều nơi ở) thì quy ước coi số trẻ em (hoặc người già) này là thành viên hộ của bố, mẹ (hoặc con) và được điều tra chung vào một hộ.

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp 2025 các cấp cần nắm rõ quy trình phân chia địa bàn
và lập bảng kê đơn vị điều tra ; hiểu rõ các khái niệm, quy ước
Thứ tư, hộ tham gia hoạt động NLTS là hộ tham gia ít nhất một trong các hoạt động sau: Nông nghiệp, lâm nghiệp, khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, hoạt động dịch vụ có liên quan hoặc hộ có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi hỗn hợp.
(i) Hộ tham gia hoạt động nông nghiệp và dịch vụ có liên quan là hộ thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
Một là, hộ có hoạt động trồng/thu hoạch sản phẩm cây hằng năm/cây lâu năm và có sử dụng đất sản xuất nông nghiệp từ 200m2 trở lên hoặc có ít nhất 01 lao động chuyên (lao động có tổng thời gian lao động quy đổi từ 30 ngày (có thể không liên tục) hoặc 240 giờ trở lên trong năm) thực hiện hoạt động nhân và chăm sóc giống cây hằng năm/cây lâu năm của hộ;
Hai là, hộ chăn nuôi từ 01 gia súc (trâu/bò/lợn/dê/cừu...) hoặc từ 30 con gia cầm (không bao gồm gia cầm dưới 7 ngày tuổi) trở lên hoặc nuôi vật nuôi khác (đà điểu, rắn, thỏ, nhím,...) với mục đích sản xuất hàng hóa (không tính nuôi tạm của thương lái - là hoạt động chăn nuôi với mục đích chính là chờ để bán lại, nhằm thu lợi nhuận thương mại);
Ba là, hộ tham gia hoạt động nuôi yến;
Bốn là, hộ có hoạt động trồng trọt, chăn nuôi hỗn hợp: Hộ có hoạt động trồng trọt và chăn nuôi, từng hoạt động không đáp ứng tiêu chí quy mô như quy định ở trên nhưng có ít nhất 01 lao động có tổng thời gian tham gia hoạt động trồng trọt và chăn nuôi từ 30 ngày (hoặc 240 giờ) trở lên trong năm;
Năm là, hộ hoạt động dịch vụ nông nghiệp: Hộ cung cấp dịch vụ nông nghiệp hoặc có ít nhất 01 lao động chuyên làm thuê hoạt động trồng trọt, chăn nuôi.
(ii) Hộ tham gia hoạt động lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan là hộ thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
Một là, hộ có hoạt động trồng hoặc chăm sóc rừng và có diện tích đất lâm nghiệp từ 3000 m2 trở lên;
Hai là, hộ có ít nhất 01 lao động chuyên thực hiện hoạt động ươm giống cây lâm nghiệp, khai thác gỗ hoặc khai thác, thu nhặt lâm sản khác ngoài gỗ của hộ;
Ba là, hộ có ít nhất 01 lao động chuyên thực hiện dịch vụ lâm nghiệp (chăm sóc, bảo vệ rừng,...);
(iii) Hộ tham gia hoạt động khai thác thủy sản và nuôi trồng thủy sản là hộ thỏa mãn một trong các điều kiện sau:
Một là, hộ có hoạt động nuôi trồng các loại thủy sản và có từ 300 m2 đất nuôi trồng thủy sản trở lên hoặc có lồng bè, bể bồn nuôi thủy sản;
Hai là, hộ thực hiện hoạt động nuôi giống/ươm giống thủy sản với mục đích sản xuất hàng hóa;
Ba là, hộ có ít nhất 01 lao động chuyên thực hiện hoạt động khai thác thủy sản (có hoặc không có tàu thuyền khai thác);
Bốn là, hộ có ít nhất 01 lao động chuyên làm thuê hoạt động khai thác, nuôi trồng/ươm giống thủy sản.
Thứ năm, chủ hộ là một thành viên trong hộ, am hiểu thông tin của các thành viên khác, được các thành viên khác thừa nhận. Chủ hộ có thể trùng hoặc không trùng với chủ hộ được ghi trong số hộ khẩu do ngành Công an cấp.
Thứ sáu, nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ là những người thực tế thường xuyên ăn, ở tại hộ tính đến thời điểm lập Bảng kê hộ đã được 6 tháng trở lên; những người mới chuyển đến hộ dưới 06 tháng nhưng xác định sẽ ăn, ở ổn định tại hộ; trẻ em mới sinh trước thời điểm lập Bảng kê hộ và những người tạm vắng, không phân biệt họ có hay không có hộ khẩu thường trú.
NKTTTT tại hộ bao gồm cả những người làm trong ngành công an, quân đội thường xuyên ăn, ở tại hộ nhưng không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an.
Thứ bảy, trang trại là cơ sở sản xuất do cá nhân, hộ gia đình hoặc nhóm người thực hiện các hoạt động sản xuất NLTS đạt tiêu chí kinh tế trang trại theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trang trại chuyên ngành được xác định theo lĩnh vực sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp và tỷ trọng giá trị sản xuất5 của lĩnh vực chiếm trên 50% cơ cấu tổng giá trị sản xuất của trang trại trong năm. Trang trại chuyên ngành gồm 5 loại: Trang trại trồng trọt; Trang trại chăn nuôi; Trang trại lâm nghiệp; Trang trại nuôi trồng thủy sản; Trang trại sản xuất muối. Các trang trại được phân loại dựa trên tiêu chí về giá trị sản xuất hàng năm và tổng diện tích đất sản xuất./.
Ngọc Linh