Một số nét chính Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng Mười và 10 tháng năm 2021

07/11/2021 - 11:06 AM
Kinh tế - xã hội tháng Mười và 10 tháng năm 2021 của nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, mặc dù vẫn xuất hiện ca mắc mới tại nhiều địa phương. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực, quyết tâm cao và đạt được kết quả quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, ổn định đời sống của nhân dân, từng bước phục hồi và phát triển kinh tế. Tiến độ tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 đạt kết quả khả quan và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ được ban hành kịp thời đã đảm bảo việc tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Tình hình kinh tế - xã hội tháng Mười và 10 tháng năm 2021 của nước ta đã có nhiều khởi sắc với một số nét chính như sau:
 
1. Điểm sáng và khởi sắc
 
(1) Thời tiết vụ hè thu năm nay cơ bản thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển nên năng suất nên năng suất lúa các vụ mùa đạt khá. Vụ hè thu diện tích gieo trồng đạt 1.954 nghìn ha, tăng 8,9 nghìn ha so với vụ hè thu năm 2020, năng suất đạt 56,5 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha; sản lượng đạt 11,04 triệu tấn, tăng 282,8 nghìn tấn.
 
(2) Sản xuất công nghiệp trong tháng Mười khởi sắc khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường mới. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước; tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020.
 
(3) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười tăng mạnh so với tháng trước do các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười tăng 18,1% so với tháng trước.
 
(4) Sản lượng vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng khá cao so với tháng trước. Vận chuyển hành khách tháng 10/2021 ước tính tăng 47,2% so với tháng trước và luân chuyển tăng 41,6%; vận tải hàng hóa tăng 13,5% và luân chuyển tăng 10,7%.
 
(5) Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao[1], 10 tháng năm 2021 đạt 539 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:
 
- Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 269,58 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
 
- Kim ngạch nhập khẩu đạt 269,42 tỷ USD, tăng 28,2% chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm đến 93,6% tổng kim ngạch (tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước).
 
Tháng 10/2021 xuất siêu tăng mạnh đạt 2,85 tỷ USD , do đó 10 tháng cán cân thương mại xuất siêu trở lại 160 triệu USD.
 
(6) So với tháng trước, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký.
 
 Trong tháng 10/2021, cả nước có 8.233 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 108,6 nghìn tỷ đồng, tăng 111,2% về số doanh nghiệp và tăng 73,9% về vốn đăng ký so với tháng 09/2021.
 
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng Mười đạt 4.304 doanh nghiệp, tăng 29,8% so với tháng 9/2020.
 
(7) Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng mạnh so với tháng trước; vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới vào Việt Nam tính đến 20/10/2021 tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020.
 
- Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính tăng 18,6% so với tháng trước.
 
- Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/10/2021 có 1.375 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13,02 tỷ USD, tăng 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020;
 
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1%; có 776 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 7,09 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.
 
(8) Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,77% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%.
 
(9) Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm trong bối cảnh đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19.
 
2. Hạn chế, tồn tại
 
(1) Chăn nuôi gặp khó khăn do giá bán thấp, nguồn cung tăng cao trong khi đó nhu cầu về thực phẩm vẫn thấp do tác động của dịch bệnh. Giá thịt lợn hơi trong tháng Mười tiếp tục giảm sâu so với tháng trước do nguồn cung đã phục hồi nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn thấp.
 
(2) Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực khôi phục lại sản xuất kinh doanh trong tình trạng thiếu lao động, thiếu nguyên vật liệu, thiếu vốn do phải duy trì hoạt động trong những tháng giãn cách xã hội.
 
 Giá xăng tăng cao nhất trong 7 năm qua, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều nguyên liệu khan hiếm làm ảnh hưởng đến kế hoạch phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.
 
(3) Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4/2021, thực hiện giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều địa phương nên doanh thu các ngành du lịch, dịch vụ ăn uống giảm mạnh, người dân thắt chặt chi tiêu. Uớc tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng năm 2021 đạt 3.720,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,2%).
 
(4) Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Mười mặc dù đã khởi sắc hơn so với tháng trước nhưng vẫn giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng giảm 8,3% so với 10 tháng năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 31,6%). Bên cạnh đó, tháng 10 là tháng cao điểm bị ảnh hưởng bởi mưa bão, đặc biệt tại một số tỉnh miền Trung đã gây ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
 
(5) Hoạt động vận tải dần được khôi phục trở lại trong tháng Mười nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
 
- Vận chuyển hành khách tháng Mười ước tính giảm 58,1% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển giảm 72,5%; vận tải hàng hóa giảm 18,3% về sản lượng vận chuyển và giảm 10,3% về sản lượng luân chuyển.
 
- Tính chung 10 tháng năm 2021, vận chuyển hành khách giảm 27,1% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển hành khách giảm 34,9%; vận chuyển hàng hóa giảm 6,7% và luân chuyển hàng hóa giảm 1,4%.
 
- Khách quốc tế đến nước ta (chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam) trong tháng Mười đạt 10,6 nghìn lượt người, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Tính chung 10 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 125,1 nghìn lượt người, giảm 96,7% so với cùng kỳ năm trước.
 
(6) Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, nhất là sau khi nhiều địa phương phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Chính phủ. Nguy cơ thiếu hụt lao động ở một số địa phương, một số ngành, lĩnh vực là vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, kế hoạch đưa người lao động quay trở lại sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.
 
3. Kiến nghị, giải pháp
 
(1) Để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế, giải pháp tăng cường đầu tư trong lĩnh vực y tế, phòng chống dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu. Tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K + vắc xin, thuốc chữa bệnh, công nghệ và ý thức của người dân trong phòng, chống dịch.
 
Cần xây dựng, hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị, các địa bàn theo các cấp độ dịch để ứng phó kịp thời, hiệu quả với dịch Covid 19.
 
(2) Chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội. Tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm. Đẩy nhanh tiến độ chi trả hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ.
 
(3) Xây dựng kế hoạch khôi phục thị trường lao động, giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động tại các vùng, khu vực sản xuất trọng điểm gắn với kiểm soát, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Có kế hoạch bố trí, đào tạo người lao động đã di chuyển về địa phương do ảnh hưởng của dịch bệnh.
 
(4) Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Có chính sách tín dụng phù hợp để các tổ chức tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Xây dựng, triển khai chương trình tín dụng quy mô lớn dành cho các ngành, lĩnh vực, dự án, doanh nghiệp có khả năng tạo đột phá và sức lan tỏa lớn về tăng trưởng.
 
(5) Các Bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trong những tháng cuối cùng của năm 2021 nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế như: Chủ động rà soát tiến độ dự án, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai, mưa lũ trong bối cảnh dịch bệnh, đảm bảo an toàn và tiến độ thi công công trình; tập trung tháo gỡ vướng mắc đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công bao gồm cả vốn đầu tư của năm trước chuyển sang.
 
(6) Các địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến của dịch bệnh phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung. Từng bước mở cửa nhà máy, phân xưởng sản xuất, đảm bảo lưu thông hàng hóa, các cấp chính quyền chú trọng đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp./.
 
TỔNG CỤC THỐNG KÊ

___________________

[1] Theo số liệu của Tổng cục Hải quan đến ngày 31/10/2021.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top