Một số nội dung chính của Dự thảo Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam trong giai đoạn mới

25/03/2021 - 10:37 AM
Ngày 18/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là văn bản Chiến lược phát triển đầu tiên của Thống kê Việt Nam, được xây dựng một cách công phu, bài bản và khoa học với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế (PARIS21, UNDP, WB, UNFPA). Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong 10 năm qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng lực, vị thế của Ngành.

Bên cạnh những thành công, phát triển Thống kê Việt Nam cũng còn một số hạn chế trong việc công bố, phổ biến thông tin thống kê; phương pháp, tiêu chuẩn, quy trình thống kê chưa được hoàn thiện và áp dụng một cách hệ thống theo chuẩn quốc tế; việc tư liệu hóa, số hóa các hoạt động thống kê còn bất cập.

Trong thời gian tới, Thống kê Việt Nam đối mặt trước những thách thức lớn: Nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng của xã hội; ngân sách cho hoạt động thống kê ngày càng giảm; yêu cầu ngày càng cao về trình độ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp của người làm thống kê; thói quen, ngại đổi mới, thỏa mãn, thiếu tính kế thừa để phát triển của một bộ phận không nhỏ công chức thống kê; thiếu kiến thức thống kê cơ bản đối với người làm công tác thống kê ở Bộ, ngành ở trung ương, sở ngành ở địa phương; chưa hình thành được đội ngũ công chức giỏi/chuyên sâu ở một số lĩnh vực; sự phát triển của thống kê ngoài thống kê nhà nước...

Tất cả những hạn chế và thách thức nói trên đặt ra yêu cầu cho việc xây dựng Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phải phù hợp với xu hướng phát triển của thống kê thế giới và thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đặc biệt trong bối cảnh cộng đồng thống kê quốc tế đang có nhiều biến đổi: Vai trò của thống kê đối với hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng ngày càng được tin tưởng và nâng cao với các khẳng định: Dữ liệu tốt hơn cho cuộc sống tốt hơn, dữ liệu tốt hơn cho chính sách tốt hơn, dữ liệu tốt hơn để đưa ra quyết định tốt hơn; sự xuất hiện của phương pháp tiếp cận mới để phát triển năng lực thống kê (PARIS21); xu hướng hiện đại hóa thống kê chính thức (UNSD); cách mạng dữ liệu cho phát triển bền vững…

Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 với các nội dung mấu chốt của giai đoạn 2021-2025 là thực thi chính sách; giai đoạn 2025-2030 là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá chiến lược. Đây cũng là thời gian kết thúc chu kỳ thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê đầu tiên của Việt Nam và chuyển sang chu kỳ Chiến lược phát triển mới: Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược giai đoạn 2021-2030).

Ngày 13 tháng 7 năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 1122/QĐ-TCTK về Kế hoạch tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Tổng cục Thống kê, các đơn vị trong toàn Ngành đang tích cực triển khai các hoạt động như: Ban hành Quyết định số 1251/QĐ-TCTK ngày 06/8/2020 về Kế hoạch tổng kết của Tổng cục Thống kê thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; thành lập Tổ công tác xây dựng Chiến lược giai đoạn 2021-2030; phân công nghiên cứu các định hướng quan trọng của Ngành; tổ chức tham vấn, hội thảo về định hướng phát triển thống kê trong tương lai… Đến nay, các báo cáo tổng kết của các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê, các Bộ, ngành và địa phương đã và đang được gửi về Tổng cục Thống kê (Viện Khoa học Thống kê đầu mối thu thập tổng hợp). Khung Chiến lược giai đoạn 2021-2030 đã hình thành và hiện đang được gấp rút hoàn thiện với một số nội dung cơ bản như sau:
  • Sứ mệnh: Điều phối, thu thập, biên soạn, phân tích và phổ biến các số liệu thống kê chính thức có chất lượng cao nhằm hỗ trợ việc ra quyết định đúng đắn của Chính phủ, doanh nghiệp và người dùng tin trong nước và quốc tế.
  • Tầm nhìn: Thống kê Việt Nam trở thành tổ chức thống kê hiện đại vào năm 2045.
  • Giá trị cốt lõi: “Độc lập, minh bạch, chính trực, bảo mật, chất lượng, khả năng tiếp cận và định hướng người dùng thông tin thống kê”.
  • Mục tiêu tổng quát: Thống kê Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển nhanh, bền vững theo hướng hiện đại để đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng thông tin ngày càng tăng của xã hội.
  • Mục tiêu cụ thể:
Mục tiêu 1: Bộ tiêu chuẩn thống kê Việt Nam được xây dựng, hoàn thiện, áp dụng theo chuẩn quốc tế;
Mục tiêu 2: Hệ thống quy trình thống kê Việt Nam được xây dựng, hoàn thiện và áp dụng; công nghệ mới được áp dụng tối đa trong các hoạt động thống kê;

Mục tiêu 3: Tư liệu hóa và số hóa các hoạt động thống kê;

Mục tiêu 4: Nguồn dữ liệu mới được khai thác để sản xuất số liệu thống kê nhà nước; Mục tiêu 5: Hiện đại hóa hoạt động phổ biến thông tin thống kê.

- Chương trình hành động

Chương trình hành động số 1: Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, áp dụng phương pháp, tiêu chuẩn thống kê Việt Nam theo chuẩn quốc tế.
  • Mục đích: Thực hiện tốt chương trình hành động này, đến năm 2030 sẽ đạt được mục tiêu 1 của Chiến lược giai đoạn 2021-2030.
  • Hoạt động chính: Rà soát, đánh giá phương pháp, tiêu chuẩn thống kê của từng lĩnh vực thống kê; nghiên cứu phương pháp, tiêu chuẩn thống kê quốc tế và thống kê ASEAN; xây dựng, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành bộ tiêu chuẩn thống kê Việt Nam theo chuẩn quốc tế; tuyên truyền, phổ biến, đào tạo và hướng dẫn áp dụng bộ tiêu chuẩn thống kê Việt Nam; kiểm tra, đánh giá và báo cáo kết quả áp dụng bộ tiêu chuẩn thống kê Việt Nam.
Chương trình hành động số 2: Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, áp dụng các quy trình thống kê theo chuẩn quốc tế.
  • Mục đích: Thực hiện tốt chương trình hành động này, đến năm 2030 sẽ đạt được mục tiêu 2 của Chiến lược giai đoạn 2021-2030.
  • Hoạt động chính: Rà soát, đánh giá các quy trình thống kê của Thống kê Việt Nam; nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng bộ quy trình tác nghiệp thống kê theo GSBPM5.1; kiểm tra, đánh giá và báo cáo kết quả áp dụng các quy trình tác nghiệp thống kê.
Chương trình hành động số 3: Hiện đại hóa công nghệ sử dụng trong lĩnh vực thống kê.
  • Mục đích: Thực hiện tốt chương trình hành động này, đến năm 2030 sẽ đạt được mục tiêu 3 của Chiến lược giai đoạn 2021-2030.
  • Hoạt động chính: Công nghệ mới, hiện đại được áp dụng trong hoạt động thống kê (thu thập, xử lý, phân tích, phổ biến, lưu trữ, đánh giá); sử dụng các kỹ thuật thống kê mới, hiện đại.
Chương trình hành động số 4: Khai thác, sử dụng nguồn dữ liệu mới, dữ liệu mở để sản xuất số liệu thống kê nhà nước (dữ liệu hành chính, dữ liệu lớn,…).
  • Mục đích: Thực hiện tốt chương trình hành động này, đến năm 2030 sẽ đạt được mục tiêu 3 của Chiến lược giai đoạn 2021-2030.
  • Hoạt động chính: Khai thác sử dụng nguồn dữ liệu từ hồ sơ hành chính phục vụ mục đích thống kê; khai thác nguồn dữ liệu lớn để sản xuất số liệu thống kê; nghiên cứu, xây dựng hệ sinh thái dữ liệu thống kê.
Chương trình hành động số 5: Tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Thống kê Việt Nam.
  • Mục đích: Phục vụ tất cả các mục tiêu của Chiến lược giai đoạn 2021-2030.
  • Hoạt động chính: Đổi mới cơ cấu tổ chức thống kê theo hướng hiện đại; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Giải pháp chính

Giải pháp về thể chế: Đảm bảo tính độc lập của cơ quan thống kê quốc gia; thành lập Hội đồng thống kê quốc gia; đổi mới cơ cấu tổ chức theo hướng tinh giản; tăng cường vị thế của Thống kê Việt Nam.

Giải pháp về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông: Hiện đại hóa trong thu thập dữ liệu; tăng cường sử dụng nguồn dữ liệu từ hồ sơ hành chính, dữ liệu lớn để thay thế nguồn dữ liệu điều tra/tổng điều tra thống kê; sử dụng tối đa 8 cơ sở dữ liệu quy định trong Luật Thống kê; xây dựng hệ sinh thái dữ liệu.

Giải pháp về nguồn lực: Xây dựng văn hóa học tập (học tập hệ thống, liên tục, hiệu quả); hình thành, sử dụng hiệu quả lực lượng nòng cốt ở một số lĩnh vực thống kê; thành lập một số ban chỉ đạo, tổ công tác về tiêu chuẩn và quy trình thống kê; tư liệu hóa và chuyển đổi số các hoạt động thống kê; huy động các nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động thống kê.

Hợp tác quốc tế: Duy trì và phát triển quan hệ song phương, đa phương; tham gia đóng góp, sử dụng sản phẩm của các nhóm công tác toàn cầu của thống kê Liên hợp quốc…

Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam là văn bản quan trọng, có vai trò định hướng cho Thống kê Việt Nam phát triển trong giai đoạn tiếp theo, chính vì vậy, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo Tổng cục Thống kê, các đơn vị và sự chung tay nghiên cứu, đóng góp ý kiến của tất cả công chức, viên chức trong ngành Thống kê để Chiến lược phù hợp, hiệu quả và khả thi./.

 
(Nguồn: Viện Khoa học Thống kê)

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top