Một số tín hiệu đáng mừng từ thị trường nông, lâm, thủy sản

07/10/2021 - 12:26 PM
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh cả trong nước và trên thế giới, ngành hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vẫn đang nỗ lực hết sức nhằm điều chỉnh phù hợp với diễn biến chung của thị trường. Những tháng đầu năm 2021, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong nước diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác trên biển, cây trồng, vật nuôi phát triển. Đây được coi là tín hiệu tốt đối với ngành hàng nông, lâm, thủy sản với dự ước về nguồn cung ổn định và đảm bảo chất lượng. Đồng thời, những diễn biến khả quan từ thị trường trong và ngoài nước đã tạo thêm động lực cho kỳ vọng phấn đấu kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đạt 42 tỷ USD trong năm nay.

Sản xuất trong nước gặp nhiều thuận lợi

Những thuận lợi đến ngay từ tháng đầu tiên của năm 2021, sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa đông xuân, gieo trồng cây hoa màu trên cả nước và thu hoạch cây vụ đông ở miền Bắc. Chăn nuôi lợn tiếp tục đà phục hồi, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Ước tính trong tháng 1/2021, tổng số bò cả nước tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số trâu giảm 2,7%; tổng số lợn tăng 16,2%; tổng số gia cầm tăng 6,5%. Sản xuất lâm nghiệp tập trung chuẩn bị mặt bằng, ươm và chăm sóc cây giống. Ngành thủy sản đạt sản lượng khai thác khá do thời tiết ngư trường thuận lợi, người dân tích cực bám biển trong tháng cận Tết. Nhờ đó, sản lượng thủy sản tháng 01/2021 ước tính đạt 497,9 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 252,5 nghìn tấn, tăng 1%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 245,4 nghìn tấn, tăng 2,5%, trong đó sản lượng thủy sản khai thác biển ước tính đạt 232,3 nghìn tấn, tăng 2,7%.

Các tháng tiếp theo, sản lượng nông, lâm, thủy sản vẫn đạt được mức tăng ấn tượng qua từng tháng. Kết thúc 3 tháng đầu năm, diện tích gieo trồng lúa trên cả nước xấp xỉ cùng kỳ năm trước nhưng sản lượng và năng suất đều tăng. Một số cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả cũng cho năng suất tăng như: Cao su tăng 1,6%, chè búp tăng 1,9%, bưởi tăng 2,4%, thanh long tăng 4,3%, dứa tăng 7%... Chăn nuôi cũng giữ được đà tăng so với đầu năm: Tổng số lợn tăng 11,6%, gia cầm tăng 8,3%, tổng số bò tăng 4,4%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác trong tháng 3 tăng 3% và đạt mức tăng 2,1% trong quý I/2021 so với quý I/2020.

 
Một số tín hiệu đáng mừng từ thị trường nông, lâm, thủy sản
Ảnh minh họa

Tình  hình  sản  xuất  nông,  lâm,  thủy  sản  trong  nước  vẫn  được  tiếp  nối  đà  thuận  lợi  khi  đến  hết  tháng 6/2021, sản xuất nông nghiệp vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về sản lượng và năng suất lúa. Sản xuất lâm nghiệp tiếp tục tập trung vào trồng rừng mới vụ xuân hè, đẩy mạnh khai thác gỗ ở nhiều địa phương có diện tích rừng đã đến tuổi khai thác với giá thu mua gỗ ổn định. Với các cây trồng công nghiệp lâu năm, điển hình là cà phê, dù giảm diện tích canh tác nhưng sản suất cà phê trong nước đang hướng đến đầu tư kỹ thuật thu hái và phơi sấy sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến nâng cao giá trị. Hiện năng suất cà phê của Việt Nam vẫn đang ở vị trí cao nhất thế giới, trung bình đạt 2,6 tấn/ha nhân đối với cà phê robusta và 1,4 tấn/ha nhân đối với cà phê arabica; đứng thứ 3 về diện tích cà phê được chứng nhận bền vững; đứng thứ 2 về xuất khẩu và chiếm 8,3% thị phần xuất khẩu cà phê toàn cầu.

Về chăn nuôi, đến thời điểm cuối tháng 6/2021, ngoại trừ tổng số trâu của cả nước giảm 3,1% so với cùng thời điểm năm 2020; còn lại các gia súc gia cầm chăn nuôi trong nước đều ghi nhận mức tăng; trong đó, tổng số bò tăng 2,5%, tổng số lợn tăng 11,6%, tổng số gia cầm tăng 5,4%. Đến ngày 21/6/2021, cả nước không còn dịch tai xanh ở lợn.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng cũng tăng khá do nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến thủy sản tăng và thời tiết của ngư trường thuận lợi cho khai thác xa bờ. 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.096,3 nghìn tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng khai thác đạt 1.991,5 nghìn tấn, tăng 1,4%. Riêng trong quý II/2021, sản lượng thủy sản đạt 2.269,6 nghìn tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

 

Giá một số ngành hàng tăng


Bên cạnh những thuận lợi về sản xuất, xuất khẩu, bức tranh thị trường nông, lâm, thủy sản còn mang gam màu sáng khi giá cả một số mặt hàng nông sản cũng ghi nhận sự gia tăng trong những tháng qua. Theo Bộ Công Thương, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su hầu hết đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ cao su tổng hợp và cao su tái sinh có giá xuất khẩu bình quân giảm. Điển hình tại Quảng Trị, sau nhiều năm rớt giá, trong vụ khai thác mủ cao su năm 2021, người dân trồng cao su đã rất phấn khởi khi giá mủ cao su tăng đột biến gần 50% so với những năm trước. Trong những năm từ 2012-2020 giá mủ cao su khô thấp chỉ đạt từ 25-30 triệu đồng/tấn thì hiện nay, mủ có giá từ 43-45 triệu đồng/tấn; mủ nước trước kia có giá từ 8.000-10.000 đồng/kg thì nay đạt từ 15.000-17.000 đồng/kg. Một số chủng loại cao su có giá xuất khẩu bình quân tăng mạnh trên cả nước như: RSS1 tăng 34,9%, Latex tăng 32,6%, RSS3 tăng 29,8%, SVR CV60 tăng 27,9%, SVR 3L tăng 26,4%...

Một mặt hàng nông sản khác có thế mạnh của Việt Nam là cà phê với 2 chủng loại là cà phê Robusta và Arabica trên thế giới cũng có mức gia tăng trở lại, kéo theo giá cà phê trong nước cũng bắt đà tăng. Tính đến ngày 28/5/2021, giá cà phê Robusta tăng từ 1,2-2,1% so với ngày 30/4/2021. Mức tăng cao nhất là 2,1% tại huyện Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk); mức tăng thấp nhất 1,2% tại huyện Đắk Hà (tỉnh Kon Tum). Giá cà phê phổ biến ở mức 32,8-34,0 nghìn đồng/kg. Tại cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta loại R1 tăng 1,7% so với ngày 30/4/2021, lên mức 35,2 nghìn đồng/kg.

Bên cạnh đó, những mặt hàng nông, lâm, thủy sản khác cũng có nhiều dấu hiệu lạc quan. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều tháng 5/2021 ước đạt 6.164 USD/tấn, tăng 4,2% so với tháng 4/2021 và tăng 0,3% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt điều ước đạt 5.953 USD/tấn, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cũng trong thời gian này, giá cá tra nguyên liệu tại tỉnh An Giang ổn định so với tuần trước đó; giá một số cỡ tôm sú nguyên liệu tại tỉnh Cà Mau tăng. Đáng chú ý là trị giá xuất khẩu các mặt hàng này đều tăng mạnh hơn so với mức tăng về lượng cho thấy giá xuất khẩu trung bình của ngành hàng thủy sản đã tăng so với cùng kỳ năm 2020.

 

Tăng tốc xuất khẩu từ những tháng đầu năm


Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam liên tục gia tăng qua các tháng đang cho thấy đà phục hồi sau những biến cố do dại dịch năm 2020 khiến kim ngạch xuất - nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Lũy kế đến hết tháng 6/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 19,85tỷ USD; trong đó nhóm hàng nông, lâm sản đạt 11,58 tỷ USD, tăng 15,8%, nhóm hàng thủy sản đạt 4,05 tỷ USD, tăng 12,4%. Nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực đã có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ, thậm chí đạt mức giá cao khiến cho trị giá tăng mạnh.

Điển hình là hạt tiêu, dù kim ngạch xuất khẩu về lượng đạt 155 nghìn tấn, giảm 6,7%, nhưng trị giá xuất khẩu lại đạt 499 triệu USD, tăng tới 40,5% so với cùng kỳ năm 2020. Sản phẩm chè xuất khẩu đạt 58 nghìn tấn với trị giá 95 triệu USD, tăng 0,1% về lượng và 4,5% về trị giá; sắn và sản phẩm của sắn xuất khẩu đạt 1,6 triệu tấn với trị giá 614 triệu USD, tăng 16,3% về lượng và 30,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Ngoài ra mặt hàng rau quả xuất khẩu cũng đạt 2,06 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Thị phần xoài các loại của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ giữ được ổn định, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Đối với quả vải, năm 2020, khi quả vải lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã nhận được đánh giá cao về chất lượng, do đó, mùa vụ 2021, vải Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn trong xuất khẩu sang Nhật Bản. Đồng thời, Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng đã tiến hành đề xuất với các cơ quan của Úc để thúc đẩy việc thông quan được thuận lợi khi trái vải đến Úc. Dự ước, năm nay sẽ có khoảng 100 tấn vải thiều Việt Nam xuất khẩu sang bang Nam Úc và Tây Úc. Ngoài ra, ngày 12/6 vừa qua, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại phát triển đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không với những ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Điều này có ý nghĩa quan trọng mở đường cho quả vải Việt Nam hướng tới kế hoạch xuất khẩu hơn 10 tấn qua đường hàng không và đường biển cho năm 2022 nếu doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể đảm bảo chất lượng.

6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su cả nước ước đạt 681 nghìn tấn, trị giá 1,14 tỷ USD, tăng 41,3% về lượng và tăng 80% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong 4 tháng đầu năm, sau Thái Lan, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 705,64 triệu USD, tăng 81,6%, chiếm 16,6% tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức tăng 11,65% của cùng kỳ năm 2020.

Với hạt điều, sản phẩm Việt Nam đang có nhiều ưu thế, đã xuất khẩu 274 nghìn tấn với trị giá 1,65 tỷ USD, tăng 22,2% về lượng và 11,1% về trị giá. Pháp được coi là thị trường xuất khẩu hạt điều tiềm năng lớn của Việt Nam, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ hạt điều của Pháp được dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian tới. Quý I/2021, Pháp giảm nhập khẩu hạt điều từ nhiều nguồn cung, nhưng tăng mạnh từ Việt Nam, Hà Lan. Theo đó, nhập khẩu hạt điều của Pháp từ Việt Nam đạt 2,93 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 22 triệu USD trong quý I/2021, tăng 42,4% về lượng và tăng 28,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Pháp tăng từ 58,70% trong quý I/2020, lên 63,35% trong quý I/2021.
Xuất khẩu thủy sản cũng ghi nhận những tín hiệu mừng, ngay sau cú bứt tốc từ tháng 1 đầu năm với trị giá xuất khẩu đạt 600 triệu USD, tăng 19,1% so với tháng trước, xuất khẩu thủy sản các tháng về sau vẫn tiếp tục duy trì ở mức tăng. Tổng kết 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 4,05 tỷ USD, tăng 12,5% so với 6 tháng đầu năm 2020. Sự tăng trưởng về trị giá kim ngạch xuất khẩu trong các mặt hàng nông lâm, thủy sản phải đặc biệt kể đến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Nhờ cải tiến công nghệ sản xuất và tận dụng tốt các cơ hội thị trường, ngành gỗ, đặc biệt là nhóm mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm tăng tới 61,1%, đạt 8,12 tỷ USD. Ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ là những mặt hàng xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao.

Trong khi đó, ngày 15/5/2021, Philippines đã ký Sắc lệnh số 135 năm 2021 về việc “Tạm thời điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với gạo căn cứ theo Mục 1611 của Đạo luật số 10863, hay còn gọi là Đạo luật hiện đại hóa Hải quan và Thuế quan”. Theo đó, mức thuế Tối huệ quốc (MFN) đối với gạo nhập khẩu trong hạn ngạch và ngoài hạn ngạch sẽ giảm lần lượt từ 40% và 50% xuống cùng mức 35% trong vòng 12 tháng kể từ ngày Sắc lệnh có hiệu lực. Việc Philippines giảm thuế nhập khẩu xuống còn 35% đã mở thêm cơ hội để Việt Nam cung cấp nguồn gạo ổn định cho thị trường nhập khẩu gạo truyền thống và quan trọng này của Việt Nam.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội khiến cho việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn. Trước tình hình đó, ngày 25/5/2021, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương đã ban hành công văn số 334/XNK-XXHH đề nghị các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực tạo điều kiện thuận lợi nhất khi cấp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu để góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ nông sản của các địa phương, đặc biệt là các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch và các mặt hàng đang vào vụ, có thời gian thu hoạch ngắn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng năm 2021, thị trường nông, lâm, thủy sản của Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng ở hầu hết các ngành hàng. Bởi ngoài những dấu hiệu lạc quan trong sản xuất, xuất khẩu và tình hình thị trường thế giới cũng như giá cả, Việt Nam còn có cơ hội hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do đã ký như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA). Trong đó, ngoài các FTA đã có hiệu lực từ và được các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác lợi thế thuế quan thì UKVFTA cùng một số Hiệp định chuẩn bị có hiệu lực và đang đàm phán cũng đang mang đến những cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam./.

 
Minh Hà
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top