Mực nước biển trên toàn cầu đang dâng nhanh hơn và cao hơn bao giờ hết và là biểu hiện rõ rệt của biến đổi khí hậu, tạo ra "mối đe dọa cấp bách và leo thang" đối với người dân trên toàn thế giới. Để giải quyết tốt nhất mối đe dọa này, vừa qua, các nhà lãnh đạo và chuyên gia toàn cầu đã tập trung tại Liên Hợp Quốc (LHQ) để thảo luận.
Mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu
Kể từ năm 1880, mực nước biển đã dâng cao khoảng 20-23 cm. Năm 2023, mực nước biển trung bình trên toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục mà Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) xác nhận, theo hồ sơ vệ tinh được lưu giữ từ năm 1993. Đặc biệt, khi so sánh tốc độ mực nước biển dâng trong trong 10 năm qua với thập kỷ đầu tiên của hồ sơ vệ tinh, từ năm 1993 đến năm 2002 cho thấy, tốc độ mực nước biển dâng tăng cao gấp đôi. Nguyên nhân của mực nước biển dâng cao là kết quả của sự nóng lên của đại dương và sự tan chảy của các sông băng và các tảng băng, những hiện tượng là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu.
Ảnh hưởng của mực nước biển dâng cao không chỉ tác động sâu rộng đến môi trường vật lý mà còn đến nền kinh tế, xã hội và văn hóa của các quốc gia dễ bị tổn thương trên toàn thế giới. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã mô tả hiện tượng mực nước biển dâng cao là "hệ số nhân mối đe dọa".
Theo ước tính, có khoảng 900 triệu người, tức là cứ 10 người thì có 1 người trên trái đất sống gần biển. Người dân sống ở các vùng ven biển của các quốc gia đông dân như: Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan và Pakistan sẽ gặp rủi ro và có khả năng phải hứng chịu lũ lụt thảm khốc. Các thành phố lớn trên mọi châu lục cũng có nguy cơ, bao gồm: Bangkok (Thái Lan), Buenos Aires (Argentina), Lagos (Nigeria), London (Anh), Mumbai (Ấn Độ), New York (Mỹ) và Thượng Hải (Trung Quốc). Đặc biệt, các đảo nhỏ có vùng đất thấp đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng nhất.
Tại khu vực Thái Bình Dương, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã đưa ra báo động khẩn cấp về tình trạng mực nước biển đang dâng cao với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Theo dõi các máy đo thủy triều được lắp đặt trên các bãi biển nổi tiếng của Thái Bình Dương kể từ đầu những năm 1990, Tổ chức Khí tượng thế giới phát hiện rằng mực nước biển ở một số khu vực của Thái Bình Dương đã dâng cao khoảng 15 cm trong 30 năm qua, trong khi mực nước dâng trung bình toàn cầu là 9,4 cm. Theo các nhà nghiên cứu, biến đổi khí hậu là mối đe dọa an ninh hàng đầu đối với các đảo quốc Thái Bình Dương và giảm ô nhiễm khí hậu là yếu tố then chốt đối với tương lai của khu vực này.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt, đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi nước biển dâng. Theo số liệu năm 2018, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi sản xuất 12 triệu tấn gạo/năm (xuất khẩu 6 triệu tấn), khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. Gần đây, các dự báo cũng đều khẳng định, mực nước biển của nước ta có thể tăng thêm 33,3 cm vào năm 2050 và 45 cm vào năm 2070, khoảng 1 mét vào năm 2100. Nếu kịch bản này diễn ra, nhiều khu vực đất liền ven biển và vùng đất trũng sẽ bị chìm trong nước. Thậm chí, có khu vực sẽ bị ngập sâu vĩnh viễn.
Để giảm thiểu tác động của nước biển dâng, giải pháp cần thực hiện là làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu bằng cách giảm phát thải khí nhà kính, động lực chính của biến đổi khí hậu; Xây dựng cơ sở hạ tầng như: Tường chắn biển và rào chắn bão, để bảo vệ chống lũ lụt và xói mòn; Cải thiện hệ thống thoát nước và xây dựng các tòa nhà chống lũ lụt; Khôi phục rừng ngập mặn; Bảo vệ vùng đất ngập nước và rạn san hô để hấp thụ năng lượng sóng và giảm tác động của nước dâng do bão.
Nhiều quốc gia cũng đang đẩy mạnh các kế hoạch giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng như thông qua các hệ thống cảnh báo sớm do LHQ hỗ trợ để ứng phó với các sự cố liên quan đến mực nước biển. Ngoài ra, trong một số trường hợp, cộng đồng cũng có thể được di dời khỏi các khu vực ven biển dễ bị tổn thương như một phần của các biện pháp thích ứng.
Rừng ngập mặn được xem là "bức tường xanh" bảo vệ đê biển và thích ứng với biến đổi khí hậu
Tại Việt Nam để đối phó với các hiểm họa nước biển dâng, Việt Nam đã và đang chú trọng đến việc giảm lượng khí thải carbon, xây dựng và phát huy hiệu quả các hệ thống và công trình thủy lợi. Làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch thủy lợi, thực hiện các dự án trong tương lai. Các biện pháp công trình kiểm soát lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long như: Làm đê bao, bờ bao và hệ thống cống điều tiết lũ. Ngoài ra, xây dựng các đê kiên cố hóa bờ biển, bờ sông và trồng rừng ngập mặn để bảo vệ cuộc sống của người dân vùng ven biển. /.
PV