Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 13/2, Quốc hội thảo luận ở Tổ về 03 nội dung: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân
Phát biểu tại thảo luận tại Tổ 01 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chủ trương của Đảng về tinh gọn, sắp xếp bộ máy được Nhân dân, các cơ quan và Quốc hội đồng tình, ủng hộ; tổ chức triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả. Điều này cho thấy chủ trương đúng, đáp ứng mong đợi của người dân. Mục tiêu tinh gọn bộ máy không chỉ tiết kiệm ngân sách, mà quan trọng hơn là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đưa đất nước phát triển.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đất nước muốn phát triển, muốn bứt phá phải sắp xếp, tinh gọn. Đây cũng là thời điểm chín muồi để thực hiện và được người dân đồng tình. Trong nhiều nhiệm vụ, có hai nhiệm vụ quan trọng là tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân – là những mục tiêu xuyên suốt mà Đảng ta đặt ra. Vì vậy, cần xác định tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả, xác định đúng chức năng, nhiệm vụ. Để làm được điều này, Tổng Bí thư cho rằng, điều đầu tiên cần làm là tổ chức mô hình tổ chức bộ máy và có hệ thống pháp luật để toàn xã hội đồng lòng thực hiện; cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Nghị quyết trung ương các khóa đã nhận định bộ máy nhà nước hoạt động cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII tiếp tục khẳng định điều này. Do vậy, đến khóa XIII chúng ta tổng kết Nghị quyết 18 và nhận thấy còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành. Đây là thời điểm vàng để tinh gọn bộ máy, trong quá trình thực hiện đã nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo kinh nghiệm các nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Mỗi giai đoạn cách mạng phải có bộ máy để thực thi đường lối. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ máy phải đảm bảo được mục tiêu đó; chính sách, pháp luật phải đảm bảo mục tiêu đó”
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật và hành chính để toàn dân thực hiện. Bố trí bộ máy không chỉ để bộ máy hoạt động, mà phải phù hợp với Quốc hội, phù hợp với Chính phủ, phù hợp với các bộ, ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó phải tính đến khả năng phối hợp, năng lực dữ liệu, năng lực thực thi chính sách, chất lượng bộ máy, khả năng quản lý ngân sách. Chúng ta cũng cần kiểm điểm, đánh giá hàng năm, định kỳ về hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Mặc dù vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang được nâng cao nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia vẫn còn thấp so với thế giới; nguy cơ tụt hậu của nước ta cũng được Đảng ta nhận diện từ sớm, trong đó nguy cơ tụt hậu là một trong bốn nguy cơ; nguy cơ này vẫn đang hiện hữu, thậm chí còn phức tạp hơn, vì các quốc gia trên thế giới đang phát triển nhanh.
Tổng Bí thư cũng đề cập đến mục tiêu phát triển con người – động lực phát triển của đất nước, cần tính đến lợi ích của người dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. “Cần tính đến các cơ chế hành pháp, tính công bằng pháp quyền, mức độ liêm chính của Chính phủ, của Nhà nước. Chúng ta tăng cường phòng, chống tham nhũng để chứng minh được được bộ máy hành chính liêm chính… Đây chính là những tiêu chí để đánh giá hiệu năng, hiệu lực của bộ máy nhà nước, của chính quyền”, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, đạt được mục tiêu tăng trưởng thì mới có đủ tiềm lực để bảo vệ Tổ quốc, đủ điều kiện thực thi các chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo Tổng Bí thư, có nhiều giải pháp đạt được mục tiêu tăng trưởng, nhưng bộ máy tổ chức hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu quan trọng. Tổ chức bộ máy nhà nước phải động viên được Nhân dân tham gia đóng góp vào sự phát triển của đất nước; Cần xác định điểm nghẽn cản trở mục tiêu phát triển hai con số trong khi tiềm năng của chúng ta rất lớn; Cần nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân; thúc đẩy sự tham gia của xã hội vào quá trình nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính và củng cố nền dân chủ…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Phải chọn được người tinh hoa, người tài để phụng sự đất nước
Tại thảo luận ở Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang) về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Phát biểu ý kiến tại Tổ 13 về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Chính phủ đã thống nhất quan điểm phải phân cấp mạnh cho Chính phủ để Chính phủ chủ động, kịp thời quyết định các vấn đề thực tiễn, giải quyết các điểm nghẽn, các rào cản để khơi thông nguồn lực phát triển.
"Thực tiễn là thước đo. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì phải giải quyết ngay, không vì những quy trình, thủ tục cứng nhắc mà làm chậm quá trình phát triển của đất nước", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Trao đổi làm rõ hơn một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra, như đề xuất bỏ HĐND cấp xã trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, vừa qua Quốc hội đã cho thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... Những nơi thí điểm thì tiếp tục triển khai thực hiện, tổng kết và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét có nhân rộng được hay không.
Nêu rõ, hiện nay không thể "bỏ" HĐND cấp xã, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu không tổ chức HĐND cấp xã thì phải nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp; đây là vấn đề liên quan đến cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Quốc hội xem xét, thông qua các luật rất kỹ lưỡng. Thực tế, cùng một hệ thống pháp luật, có địa phương thực hiện tốt, rất chủ động, sáng tạo, không than khó gì với Trung ương, nhưng cũng có địa phương không thực hiện được, ách tắc việc này, việc kia thì lại đổ cho luật, cho nghị định, thậm chí có địa phương chưa làm đã than khó.
Để xử lý nhanh các công việc, vừa qua Quốc hội đã đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, giao quyền mạnh hơn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ủy quyền mạnh hơn cho Chính phủ.
"Lần này sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương là giao quyền mạnh cho Chính phủ, phân cấp mạnh cho Chính phủ, phân cấp mạnh cho địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát. Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện Luật, giám sát việc ban hành nghị định, thông tư của Chính phủ có đúng với là luật hay không. Hội đồng nhân dân địa phương cũng phải tăng cường chức năng giám sát mạnh hơn", Chủ tịch Quốc hội nói.
Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về quy định xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhất trí việc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét ban hành các văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội và định kỳ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Đây là điểm mới trong dự thảo Nghị quyết.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy tới đây còn nhiều việc phải làm. Chỉ riêng về pháp luật đã có tới hơn 300 luật liên quan, hơn 5.000 văn bản liên quan nghị định, thông tư, không thể chỉ trong một Kỳ họp bất thường 6,5 ngày này có thể xử lý được hết mà phải tiếp tục thực hiện. Do đó, cần có cơ chế cho phép Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét ban hành các văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh để từ 1/3 tới bộ máy của nhà nước đi vào hoạt động.
"Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được sự hưởng ứng rất tốt trong Nhân dân, trong cán bộ, đảng viên. Chúng ta sắp xếp để bộ máy tinh gọn nhưng phải mạnh. Muốn mạnh phải có con người. Phải chọn được người tinh hoa, người tài, người có đủ năng lực, phẩm chất để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân", Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh việc sửa đổi các Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý một số vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy phải bám sát chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật để bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tạo cơ sở pháp lý để bộ máy đi vào hoạt động, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn một lần nữa nêu rõ "phải quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm nhưng phải bằng quyết làm nữa thì mới có sản phẩm cho đất nước".
Tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
Tại phiên thảo luận ở Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ngãi, An Giang và Phú Thọ, quan tâm đến phân định “thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền” giữa chính quyền địa phương các cấp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, cần nghiên cứu thêm vấn đề phân quyền cho chính quyền địa phương tại Điều 13, phân cấp cho chính quyền địa phương tại Điều 14 của dự thảo Luật. Đáng lưu ý, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, còn có những điều ủy quyền nằm trong nội dung phân cấp cho chính quyền địa phương lại không đưa vào Điều 15 quy định về ủy quyền cho chính quyền địa phương, do đó, cần nghiên cứu lại nội dung này.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các điều kiện ủy quyền phải tính toán cho hợp lý, khi đã ủy quyền sẽ thay đổi trình tự, thủ tục. “Hiện nay “vướng nhất”, “ngại nhất” là thủ tục, vì thủ tục mới ủy quyền. Một là vì tính cấp bách của vấn đề, hai là sự phù hợp với thực tiễn, ba là trình tự thủ tục rườm rà, cái gì cũng báo cáo với tỉnh, báo cáo với trung ương thì mới ủy quyền, cho nên phải làm thay đổi trình tự, thủ tục thì mới nhanh được, mới quyết được”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Các Đại biểu Quốc hội Tổ 10 thảo luận
P.V