Năm 2018 công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng ấn tượng

20/05/2019 - 03:21 PM
Năm 2018, mặc dù ngành khai khoáng tiếp tục suy giảm theo xu hướng đã được dự báo, nhưng ngành công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng cao trên hai con số nhờ vào sự tăng trưởng cao của ngành chế biến, chế tạo và sự phát triển ổn định của ngành điện.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 mặc dù thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với mức tăng của cùng kỳ năm 2017, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng 10,2% và cao hơn nhiều so với mức tăng của ngành này trong giai đoạn 2012-2016.

 
Bảng 1. Chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2014-2018
(Năm sau so với năm trước)

                                                                                                            Đơn vị tính:%
Năm 2018 công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng ấn tượng

Đóng góp tích cực nhất vào mức tăng trưởng cao của ngành công nghiệp năm 2018 là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 12,3% (hiện chiếm khoảng gần 70% giá trị gia tăng của toàn ngành công nghiệp), đồng thời, đây cũng là ngành có đóng góp chính vào tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế năm 2018. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng cao trong năm 2018 phải kể đến: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 65,5% (nhờ năng lực sản xuất mới của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, là doanh nghiệp quy mô lớn mới đi vào sản xuất từ giữa năm 2018); sản xuất kim loại tăng 25,1% (do đóng góp tích cực của Tập đoàn Formosa có quy mô sản xuất lớn mới đi vào sản xuất từ năm 2017 và tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất năm 2018); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 20%; sản xuất xe có động cơ tăng 16,8%... Một số ngành mức tăng khá: Sản xuất giấy, sản phẩm từ giấy tăng 14%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 13,7%; dệt tăng 12,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 12,4%...

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm mũi nhọn của ngành chế biến, chế tạo cũng từng bước được nâng cao chất lượng, tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước và xuất khẩu, gồm: Xăng dầu các loại tăng 51,2%; sắt thép thô tăng 43,8%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 29,8%; ti vi các loại tăng 24%; alumin tăng 23,3%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 18,9%; thức ăn cho thủy sản tăng 17,3%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 16,2%. Một số sản phẩm có mức tăng khá: Đường kính tăng 15,2%; ô tô tăng 14,1%; quần áo mặc thường tăng 12,1%; sữa bột tăng 11,8%;...

Sự phát triển của ngành chế biến, chế tạo năm 2018 có sự đóng góp tích cực của khu vực doanh nghiệp FDI. Trong 244,72 tỷ USD kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 (tăng 13,8% so với năm 2017), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thuộc ngành chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chi phối với sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp FDI (xuất khẩu của khu vực này chiếm tới 71,7%). Những mặt hàng do ngành chế biến, chế tạo sản xuất và xuất khẩu có giá trị lớn, tăng cao trong năm 2018 phải kể đến: Điện thoại và linh kiện đạt 50 tỷ USD, tăng 10,5%; hàng dệt may đạt 30,4 tỷ USD, tăng 16,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD, tăng 13,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD, tăng 28%; giày dép đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11%... Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu   vực đầu tư trực tiếp nước ngoài hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo, trong đó: Điện thoại và linh kiện chiếm 99,7%; điện tử, máy tính và linh kiện 95,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 89,1%; hàng dệt may 59,9%;...

 
Năm 2018 công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng ấn tượng 1
Cùng với sự phát triển của ngành chế biến, chế tạo, năm 2018, ngành điện cũng đạt được mức tăng trưởng khá cao và ổn định với mức tăng 10% (cao hơn mức tăng 8,9% của năm 2017), đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của dân cư, góp phần tích cực vào tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế. Đáng chú ý là, chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp trong những năm gần đây đang có những chuyển biến tích cực, từ dựa vào sự tăng trưởng cao của ngành khai khoáng đã chuyển sang phát triển và tăng trưởng cao của ngành chế biến, chế tạo. Số liệu thống kê cho thấy, trong ba năm qua, ngành khai khoáng liên tục suy giảm (năm 2016 giảm 6,8%; năm 2017 giảm 4,1%; năm 2018 giảm 2%), do đó, ảnh hưởng đáng kể tới tốc độ tăng của ngành công nghiệp cũng như của toàn bộ nền kinh tế; bù lại ngành chế biến, chế tạo liên tục tăng cao (năm 2016 tăng 11,3%; năm 2017 tăng 14,7%; năm 2018 tăng 12,3%), là điểm sáng duy trì được sự tăng trưởng cao của ngành công nghiệp và đóng góp chủ yếu (35,3%) vào tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế năm 2018. Đáng mừng là trong nội tại ngành chế biến, chế tạo cũng thể hiện được tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, an toàn và bền vững hơn: Chỉ số sản xuất ngành chế biến, chế tạo năm 2018 tăng 12,2%, trong khi chỉ số tiêu thụ tăng 12,4% và tỷ lệ tồn kho bình quân cả năm đạt 64,4% (trong khi tỷ lệ tồn kho kỳ vọng là 65%; tỷ lệ tồn kho các năm 2016, 2017 lần lượt là: 65,4% và 65,9%). Trong ngành chế biến, chế tạo, các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng và lợi nhuận cũng tăng trưởng nhanh hơn, đóng góp thị phần ngày càng cao hơn so với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghệ trung bình và thấp. Cụ thể giai đoạn 2010-2018, các doanh nghiệp có công nghệ cao đóng góp trong ngành chế biến, chế tạo biến động như sau: Tỷ trọng lao động tăng từ 15% năm 2010 lên 21% năm 2018 (lao động tăng bình quân 11,7%/năm, trong khi toàn ngành chế biến, chế tạo tăng bình quân 6,9%/năm); tỷ trọng doanh thu tăng từ 20,8% lên 29% (doanh thu tăng bình quân 21,7%/năm, trong khi toàn ngành chế biến, chế tạo tăng bình quân 16,6%/năm); tỷ trọng lợi nhuận trước thuế tăng từ 28,2% lên 55% (lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 36,8%/năm, trong khi toàn ngành chế biến, chế tạo tăng bình quân 23,1%/năm).
 
Năm 2018 công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng ấn tượng 2
 
Bước sang năm 2019, các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cũng rất kỳ vọng vào đà tăng trưởng tốt của năm 2018 với các dự báo lạc quan cho 6 tháng đầu năm 2019 (so với 6 tháng cuối năm 2018) như sau: 89,9% doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất tăng và giữ ổn định; 90,8% doanh nghiệp dự báo đơn hàng mới tăng lên và giữ ổn định; 90,4% doanh nghiệp lạc quan cho rằng đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng lên và giữ ổn định.

Năm 2019, với sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt hơn, hiệu quả hơn của các cấp, các ngành, các địa phương, môi trường kinh doanh nước ta sẽ tiếp đà thuận lợi của năm 2018, đồng thời năm 2019 cũng là năm nước ta chính thức tham gia Hiệp định thương mại CPTPP-Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, kỳ vọng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngành công nghiệp nói riêng tiếp tục khởi sắc, phát triển, tăng trưởng cao và ổn định, tiếp tục là điểm sáng đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế./.
TS.Phạm Đình Thúy
Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp-TCTK

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top