Năm 2020, mặc dù sự xuất hiện và bùng nổ của đại dịch Covid-19 đã ngăn cản kỳ vọng nối dài những con số ấn tượng của năm 2019 về đầu tư nước ngoài, nhưng Việt Nam vẫn duy trì sức hút và chứng tỏ là điểm đến đầy hấp dẫn của giới đầu tư thế giới.
Ngay từ những tháng đầu năm 2020, đại dịch covid 19 đã khiến cho tình hình đầu tư nước ngoài toàn cầu sụt giảm mạnh. Tất cả các hình thức đầu tư nước ngoài, từ tài trợ cơ sở hạ tầng đến sáp nhập và mua lại đều bị ảnh hưởng, nhiều nhà máy trên toàn thế giới đóng cửa. Theo số liệu công bố ngày 27/10/2020 của tổ chức Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại, Đầu tư và Phát triển (UNCTAD), các biện pháp phong tỏa chống dịch và viễn cảnh suy thoái toàn cầu trầm trọng đã thu hẹp đáng kể nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 6 tháng đầu năm 2020, FDI toàn cầu giảm 49% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm xuống 40% trong cả năm 2020.
Trong bối cảnh chung đó, tại Việt Nam, tình hình thu hút FDI cũng tụt dốc bởi các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư hay hoạt động M&A của các nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn, nhiều cuộc xúc tiến đầu tư và diễn đàn đã bị hoãn lại, các quyết định đầu tư mới, tăng vốn hoặc mở rộng quy mô dự án ĐTNN không thể triển khai thực hiện…. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm chỉ đạt 15,67 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 6 tháng cuối năm, tình hình cũng không khả quan hơn nhiều, nên tính chung cả năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN chỉ đạt 28,53 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2020 ước đạt 19,98 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy có mức giảm so với năm trước nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì kết quả này được đánh giá là tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư đang thực hiện đầu tư tại Việt Nam, thể hiện ở vốn đăng ký điều chỉnh năm 2020 tăng 10,6% so với 2019.
Theo lĩnh vực đầu tư, trong năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 7,2 tỷ USD, chiếm 49,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đứng thứ 2 là ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,1 tỷ USD, chiếm 34,7%; các ngành còn lại đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 16,2%. Nếu tính cả vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 56% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 4,9 tỷ USD, chiếm 23,5%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 10,6%; các ngành còn lại đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 9,9%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh bất động sản đạt gần 2 tỷ USD, chiếm 26% giá trị góp vốn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,8 tỷ USD, chiếm 24,3%; các ngành còn lại đạt 3,7 tỷ USD, chiếm 49,7%.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Theo đối tác đầu tư, trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2020, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 6,2 tỷ USD, chiếm 42% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đứng thứ 2 là Trung Quốc 1,6 tỷ USD, chiếm 10,8%. Giữ các vị trí tiếp theo lần lượt là Đài Loan (TQ) 1,5 tỷ USD, chiếm 10,3%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 1,3 tỷ USD, chiếm 8,7%; Hàn Quốc 1,2 tỷ USD, chiếm 8,2%; Nhật Bản 786 triệu USD, chiếm 5,4%.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong năm 2020, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 60 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đạt 4,36 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư. Đây là kết quả của việc TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, đồng thời tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư qua các kênh trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhất là các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Cũng như thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức gặp gỡ và làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp, nhà đầu tư về tiến độ triển khai các dự án trọng điểm. Sự nỗ lực này đã giúp Bạc Liêu đã trở thành “điểm sáng” thứ hai trong thu hút FDI năm vừa qua với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là Hà Nội với gần 3,6 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư (trong đó vốn đầu tư tập trung nhiều vào phương thức mở rộng dự án hiện có và GVMCP, chiếm lần lượt 35,2% và 45% tổng vốn đầu tư đăng ký của Hà Nội). Tiếp theo lần lượt là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng…
Dự án Nhà máy sản xuất điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore) được cấp GCNĐKĐT vào tháng 1/2020 là dự án lớn nhất trong năm 2020 và cũng là dự án thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất tại tỉnh Bạc Liêu từ trước đến nay với vốn đầu tư đăng ký là 4 tỷ USD.
Đặc biệt, bất chấp trong thời điểm dịch bệnh vẫn đang bùng phát mạnh, Việt Nam vẫn chứng tỏ sức hút của mình đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi đón nhận Dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào tháng 4/2020, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ và Dự án Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây (Hàn Quốc) tại Hà Nội, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 774 triệu USD vào tháng 6/2020. Còn hai dự án lớn khác trong năm 2020 được nhắc đến là Dự án Pegatron Việt Nam (Đài Loan), vốn đầu tư 481 triệu USD với mục tiêu sản xuất thiết bị chơi game, phụ kiện điện thoại, loa thông minh, bộ điều khiển game, các loại máy tính tại thành phố Hải Phòng được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 30/10/2020 và Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR (do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Tây Ninh) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 21/1/2020.
Năm 2020 còn có thể nhìn thấy rõ dòng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu vào Việt Nam, điển hình như Foxconn và nhiều thương hiệu lớn nổi tiếng khác từ các quốc gia truyền thống như Nhật Bản, Hàn quốc, EU... đã có những dự án mới có quy mô lớn và triển khai rất nhanh ở nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang... Trong số đó chủ yếu là các dự án đầu tư vào ngành chế biến, chế tạo. Đơn cử như Công ty TNHH LUXSHARE-ICT (là công ty con của Tập đoàn LUXSHARE-ICT Precision, 1 trong 3 tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu Trung Quốc) đầu tư dự án mới có quy mô lớn vào Bắc Giang trong tháng 3/2020, chỉ sau thời gian ngắn hoạt động đã tạo ra doanh thu trên 33 nghìn tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm cho 30.000 lao động và là nhân tố chủ yếu giúp cho chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp Bắc Giang tăng lên trong năm vừa qua.
Bên cạnh đó, cơ cấu FDI năm 2020 được đánh giá bước đầu có sự điều chỉnh hợp lý hơn, tỷ trọng thu hút phát triển công nghiệp ngày càng tăng, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành thu hút đầu tư FDI lớn nhất trong các ngành kinh tế, thể hiện ở số vốn đăng ký đạt 7,2 tỷ USD, chiếm tới 49,1% tổng vốn đăng ký cấp mới của cả năm; vốn đầu tư thực hiện đạt 14,1 tỷ USD, chiếm 70,6% tổng vốn FDI thực hiện năm 2020.
Dù những con số trên đã chứng minh Việt Nam mạnh mẽ vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19 và vẫn là điểm đến an toàn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, song một số chuyên gia nhận định, kết quả thu hút FDI năm vừa qua chưa thực sự đạt chưa đạt yêu cầu về chất lượng. Trừ một vài dự án lớn, thì đa số là dự án trong năm 2020 có số vốn quá nhỏ, giá trị từ 1 - 1,5 triệu USD. Bên cạnh đó, mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI chưa đạt kết quả mong muốn, còn vắng bóng những dự án công nghiệp tương lai, hiện đại. Hiệu ứng lan tỏa, tính liên kết của khu vực đầu tư nước ngoài đối với khu vực trong nước chưa cao. Thực tế, một số dự án được cấp phép nhưng chưa đảm bảo tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, sử dụng nguồn tài nguyên không hiệu quả. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp chưa tự giác tuân thủ pháp luật, chưa đảm bảo quyền lợi của người lao động...
Bước sang năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục lây lan với tốc độ nhanh trên diện rộng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt đã xuất hiện chủng vi rút mới có khả năng lây lan mạnh hơn vi rút SARS-CoV-2 tại khoảng 40 quốc gia, khiến nhiều nước phải áp dụng các biện pháp mạnh, tái phong tỏa để phòng, chống dịch. Trong bối cảnh này, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến an toàn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Theo thông tin từ các cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác khu vực châu Á (Nhật Bản, Singapore) hay châu Âu (Pháp) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức gần đây cho thấy, hiện có nhiều tập đoàn, hãng sản xuất đa quốc gia lớn như Apple, Foxconn, Luxshare, Toyota, Ford, Honda, Hyundai, Mazda, Mitsubishi, Samsung... triển khai kế hoạch gia tăng đặt hàng các nhà cung ứng ở Việt Nam cũng như gia tăng hoạt động đầu tư tại Việt Nam với số vốn đầu tư lên tới tỷ USD. Không chỉ có“đại bàng”, nhiều nhà đầu tư vừa và nhỏ đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ với những dự án FDI nhỏ, tận dụng các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, sẽ tiếp tục vào nước trong năm tới. Ngoài vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường thuận lợi, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nguồn nhân lực dồi dào… thì những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư đặt niềm tin đến Việt Nam trong năm 2021 chính là sự ổn định về chính trị, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, đưa tốc độ tăng trưởng nền kinh tế năm 2020 đạt 2,91%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao thế giới. Cùng với đó, ngay từ đầu năm 2021, Luật đầu tư sửa đổi (2020) chính thức có hiệu lực với những ưu đãi đặc biệt sẽ tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay.
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030). Để tạo thêm lực hấp dẫn, thu hút FDI vào Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã chuẩn bị các điều kiện và tăng cường xúc tiến thu hút có chọn lọc và hợp tác đầu tư nước ngoài. Trong đó, Bộ KH&ĐT sẽ rà soát, chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tập trung hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Tranh thủ thời cơ, nắm bắt tình hình và kế hoạch hoạt động của một số quốc gia trong việc khuyến khích và hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp dịch chuyển cơ sở sản xuất. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đặc biệt, trong "cuộc chơi" với các doanh nghiệp FDI, theo tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về thu hút FDI, Việt Nam sẽ lựa chọn dự án có sức lan tỏa, gắn kết, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ được tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp mới này.
Chắc chắn rằng những kết quả đạt được trong năm 2020 cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên, Việt Nam sẽ tiếp tục là nơi gửi gắm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc, từ đó đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo./.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội