Thương mại điện tử (TMĐT) đang nổi lên như một trụ cột tăng trưởng cho kinh tế số của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Năm 2021, TMĐT Việt Nam có những điểm sáng và tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng. Theo đó, TMĐT giữa doanh nghiệp với các cá nhân (B2C) Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 16 - 17%, đạt mốc 13,7 tỷ USD, chiếm gần 6% tổng mức tiêu chuẩn hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo, năm 2022, TMĐT sẽ tiếp tục phát triển và tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới và đến năm 2025, quy mô TMĐT Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD, trở thành nền kinh tế có thị trường TMĐT đứng thứ 3 khu vực ASEAN.
Cuộc bứt tốc của thương mại điện tử
Đồng hành với những thách thức, khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19, giai đoạn 2020-2021, thị trường TMĐT Việt Nam chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực từ thói quen mua sắm, kinh doanh trực tuyến của cộng đồng người tiêu dùng và doanh nghiệp trong cả nước. Năm 2020, được xem là năm người tiêu dùng "làm quen" mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc. Doanh thu TMĐT B2C năm 2020 đạt 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng ổn định 18%. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người đã tăng từ 170 USD năm 2016 lên 240 USD vào năm 2020. Năm 2020, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng khá nhanh về thị phần bán lẻ trực tuyến, khi năm 2016, tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước là 3% thì đến năm 2020 đã tăng 5,5%.
Báo cáo “Kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á năm 2020" của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, tỷ lệ người mua sắm trực tuyến mới trong tổng số người mua sắm trực tuyến Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 41%. Mua sắm trực tuyến mặt hàng thiết yếu đã trở thành một xu hướng TMĐT tại Việt Nam, trong đó loại hình hàng hóa, dịch vụ thường được mua trên mạng nhiều nhất năm 2020 là thực phẩm chiếm 52%. Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, với số lượng đơn hàng thanh toán qua ví điện tử tăng lên. Năm 2019, hình thức thanh toán qua ví điện tử là 18%, năm 2020 tăng lên 23%.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2021 -2025, theo đó, đã có các giải pháp hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT để các doanh nghiệp có khả năng chống chọi với dịch bệnh Covid -19. Năm 2021, trong khi nhiều ngành hàng, lĩnh vực gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19, thị trường TMĐT vẫn có mức tăng trưởng và phát triển theo hướng đồng bộ giữa người mua và người bán.
Nếu năm 2020, người tiêu dùng bắt đầu làm quen hơn với việc mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc, thì năm 2021 là năm bùng nổ của làn sóng chuyển đổi số khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn kinh doanh trực tuyến. Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và cá nhân, các nền tảng TMĐT đã áp dụng nhiều chính sách đơn giản hóa quy trình đăng ký, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, cung cấp nhiều công cụ tiếp thị phù hợp, hỗ trợ về dịch vụ chăm sóc khách hàng và quy trình giao hàng dành cho nhà bán hàng. Bên cạnh đó, các nền tảng TMĐT cũng chú ý tới việc xây dựng hiệu quả một cộng đồng nhà bán hàng vững mạnh để giữ chân nhà bán hàng đang hoạt động và thu hút thêm nhà bán hàng mới.
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự tăng trưởng nhanh chóng đến từ người dùng trong lĩnh vực TMĐT. Người tiêu dùng cũng đã thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm khi mua sắm trực tuyến (online) nhiều hơn, khi có đến 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Việc duy trì mức độ cao trong tiêu dùng kỹ thuật số đã trở thành một lối sống. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Những thay đổi trong cách thức tiếp cận mua bán hàng dựa trên nền tảng số đã giúp TMĐT chuyển mình với những thay đổi mạnh mẽ từ một kênh phụ, trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng của thương hiệu và nhà bán hàng và trở thành kênh mua sắm tiện lợi ngày càng được người tiêu dùng quan tâm sử dụng. Năm 2021, thị trường TMĐT Việt Nam đã ghi dấu mốc với một chuỗi các sự kiện, hoạt động đột phá cho doanh nghiệp Việt trong việc phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu khi lần đầu tiên hàng chục loại nông sản, trái cây vùng miền của Việt Nam được tổ chức phân phối trên TMĐT thông qua "Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia" và các sàn TMĐT.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện có quy mô người tiêu dùng khá lớn sẽ tạo dư địa rất lớn cho tăng trưởng quy mô TMĐT trong thời gian tới. Ngoài ra, niềm yêu thích công nghệ của người Việt, độ phong phú của các nền tảng tham gia và giãn cách xã hội vì Covid-19 đang tạo ra sự sôi động, thúc đẩy quá trình tăng tốc nhanh hơn cho thị trường TMĐT. Báo cáo thường niên "SYNC Southeast Asia" (SYNC Đông Nam Á) của Facebook và Công ty tư vấn Bain & Company (Mỹ) năm 2021 cho thấy, Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa TMĐT đạt 56 tỷ USD. Hiện, Việt Nam đang đi đầu trong việc thúc đẩy các thay đổi và nắm bắt cơ hội phát triển dựa trên sự chuyển đổi kỹ thuật số trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.
Dự báo thị trường TMĐT năm 2022
Năm 2022, TMĐT Việt Nam được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, từ đó mở rộng thị trường sẵn sàng cho phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, năm 2022 hứa hẹn cuộc đua giành thị phần giữa các ông lớn như: Lazada, Shopee, Tiki và Sendo… trên sàn TMĐT. Cuộc đua giành thị phần này sẽ tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ của thị trường. Để tăng năng lực chiếm lĩnh thị phần trên thị trường, nhiều ông lớn đang đổ vốn đầu tư vào thị trường TMĐT. Cụ thể, tháng 11/2021, sàn TMĐT Tiki đã nhận thêm 258 triệu USD trong vòng gọi vốn thứ năm từ một loạt nhà đầu tư như AIA, Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund, Taiwan Mobile, Yuanta Fund và STIC Investments Trong khi đó, sàn TMĐT Shopee với sự hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ của Sea Group (công ty mẹ của Shopee) năm 2021, Shopee liên tục mở rộng thị trường tới hơn 10 quốc gia trên thế giới và trở thành ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều nhất trên thế giới trong năm 2021, với hơn 200 triệu lượt tải, vượt trên cả ông lớn Amazon.
Chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á với Lazada. Alibaba đã công bố nâng tổng giá trị hàng hóa lên gấp 5 lần, tổng số giao dịch trên các nền tảng của Lazada đạt 100 tỷ USD. Ngoài ra, Alibaba cũng muốn Lazada phục vụ hơn 300 triệu người dùng cuối cùng. Trong đó, Việt Nam là thị trường trọng điểm của Lazada.
Ngoài ra, VNG được xem là “Kỳ lân công nghệ Việt Nam” cũng đã đầu tư vào Telio, nền tảng TMĐT B2B đầu tiên của Việt Nam. Khoản đầu tư trị giá 22,5 triệu USD, tương đương 510 tỷ đồng.
Cùng với cuộc chạy đua đổ vốn mở rộng thị trường chiếm lĩnh thị phần của các ông lớn trên sàn TMĐT, một lượng lớn người dùng kỹ thuật số tương tác cao và hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển như: Các vườn ươm, những trung tâm tăng tốc phát triển và các phòng thí nghiệm đổi mới… cũng đang tạo ra các nền tảng cho tăng trưởng mạnh mẽ giúp nền kinh tế Internet của Việt Nam tiếp tục thu hút vốn toàn cầu. Thị trường TMĐT sẽ tiếp tục phát triển khi người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến.
Dự báo về thị trường TMĐT Việt Nam 2022, các chuyên gia đã đưa ra một số xu hướng trong đó có thể chỉ ra 3 xu hướng. Xu hướng thứ nhất là cá nhân hóa trải nghiệm người mua hàng. Theo đó, năm 2022 các thương hiệu sẽ tìm cách làm cho trải nghiệm thương mại xã hội trở nên dễ dàng hơn đối với người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhận được sự trợ giúp của các thương hiệu trong tìm sản phẩm họ cần, gợi ý phiếu giảm giá. Các thương hiệu thực hiện việc tinh gọn chuỗi cung ứng để rút ngắn thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm chuẩn. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ trở nên phổ biến hơn với việc cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm trực tuyến giúp người tiêu dùng trực quan hóa sản phẩm và được kỳ vọng sẽ giúp các thương hiệu tìm kiếm khách hàng mới trong năm 2022.
Xu hướng thứ hai là thanh toán không tiền mặt. Theo Báo cáo của Facebook và Bain & Company, lần đầu tiên tỷ lệ thanh toán tiền mặt (COD) sụt giảm đáng kể từ 60% năm 2020 xuống còn 42% năm 2021. Trong khi đó, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiếp tục là phương thức thanh toán được người tiêu dùng ưa chuộng trong hoạt động mua sắm trực tuyến trên các sàn TMĐT.
Xu hướng thứ ba là tiêu dùng thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng ngày càng ý thức rõ ràng sản phẩm không chỉ cần có chất lượng tốt mà còn phải an toàn cho sức khỏe và không ảnh hưởng đến môi trường sống. Do đó, năm 2022 các sản phẩm có quy trình sản xuất, đóng gói và giao hàng mang tính bền vững sẽ được người tiêu dùng quan tâm sử dụng nhiều hơn.
Đánh giá về phát triển của thị trường TMĐT Việt Nam trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, TMĐT Việt Nam đang có một tiền đề vững chắc để phát triển, với một khuôn khổ pháp lý cho TMĐT khá hoàn thiện, hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, sự phổ cập của internet và điện thoại thông minh cho người tiêu dùng... Bên cạnh đó, những cú hích từ dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn 2020-2021 đã mang lại những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, thói quen tiêu dùng và những yêu cầu phải chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các doanh nghiệp lớn để có thể đương đầu được trước những thách thức của dịch bệnh Covid-19 mang lại. Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, những động lực này sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và đưa TMĐT Việt Nam phát triển đến mức độ trước nay chưa từng thấy.
Để tiếp tục phát triển thị trường TMĐT, năm 2022, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ tiếp tục thúc đẩy TMĐT đi đôi với hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử và nâng cao chất lượng hoạt động vận tải giao nhận hàng hóa, tạo nên một môi trường mua sắm, giao thương sôi động và đầy tiềm năng. Theo kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025 quy mô thị trường TMĐT B2C sẽ đạt khoảng 35 tỷ USD.
Có thể thấy, với việc nắm bắt kịp thời cùng với sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị lĩnh vực TMĐT sẽ tạo nên xung lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng, thị trường TMĐT Việt Nam ngày càng hoàn thiện, tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng./.
Minh Thư