Trong bối cảnh thị trường bất động sản trải qua nhiều biến động, phân khúc nhà ở xã hội đang nổi lên như một điểm sáng, hứa hẹn sự bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2025. Với những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, nhu cầu thực tế từ người dân và sự tham gia ngày càng lớn của các doanh nghiệp, nhà ở xã hội đang trên đà phát triển bền vững và rộng khắp.
Địa phương rốt ráo đẩy mạnh nhà ở xã hội
Những năm gần đây, việc sở hữu một căn nhà đã trở thành thách thức lớn đối với nhiều người lao động có thu nhập trung bình và thấp. Giá nhà đất không ngừng leo thang, trong khi thu nhập chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, vì vậy, nhu cầu về nhà ở xã hội (NOXH) ngày càng trở nên cấp thiết. Trước thực trạng này, Chính phủ đã có những động thái quyết liệt nhằm thúc đẩy phát triển phân khúc này, từ việc nới lỏng các thủ tục hành chính, ưu đãi thuế cho chủ đầu tư đến việc hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà.
Các chuyên gia nhận định, nguồn cung NOXH sẽ cải thiện đáng kể nhờ các chính sách mới từ Luật Nhà ở 2023. Theo đó, Luật đã mở rộng đối tượng mua và thuê NOXH, đồng thời cho phép doanh nghiệp trong khu công nghiệp thuê lại nhà lưu trú công nhân để bố trí cho lao động. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư không chỉ được hưởng lợi nhuận tối đa 10% từ dự án, mà còn có thể khai thác thêm diện tích thương mại, dịch vụ chiếm 20% quy mô dự án, tạo động lực kinh tế hấp dẫn hơn. Trong bối cảnh giá nhà thương mại tăng cao vượt khả năng chi trả của đại bộ phận người lao động, NOXH đang trở thành giải pháp thiết thực, giúp nhiều người hiện thực hóa giấc mơ sở hữu nhà và cải thiện chất lượng sống.
Báo cáo từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm 2024 cả nước đã hoàn thành có 108 dự án với tổng cộng 47.532 căn nhà ở xã hội. Sang năm 2025, dựa trên số liệu các địa phương đăng ký, dự kiến cả nước có 135 dự án, với gần 101.900 căn, tăng 2,1 lần.

Ảnh minh họa
Mới đây, Hà Nội công bố 8 dự án nhà ở xã hội có tổng diện tích sàn là 255.722m2, với 1.583 căn hộ tập trung tại quận Long Biên, Hoàng Mai và huyện Thường Tín. Trong danh mục 72 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị (đợt 4) do UBND TP. Hà Nội mới ban hành, có 44 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, 11 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư (4 dự án đang triển khai, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025, còn 7 dự án hoàn thành giai đoạn sau năm 2025).
Danh mục nhà ở xã hội gồm 8 dự án cập nhật với tổng diện tích sàn là 255.722 m2 (1.583 căn hộ). Trong đó, trên địa bàn huyện Thường Tín có tới 5 dự án, quận Long Biên có 2 dự án và quận Hoàng Mai có 1 dự án. Ngoài ra, 7 dự án NOXH được điều chỉnh thông tin với tổng diện tích 75.366 m2 sàn (1.140 căn hộ).
Trong 5 năm tới, Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 50 dự án mới đăng ký, quy mô 57.200 căn.
Năm 2025, tỉnh Hải Dương sẽ khởi công xây dựng 7 dự án phát triển nhà ở xã hội, tương ứng với 4.515 căn hộ. Cụ thể, trong quý I/2025, Hải Dương sẽ khởi công 1 dự án phát triển nhà ở xã hội (tương ứng 390 căn hộ). Quý II, khởi công xây dựng 1 dự án nhà ở xã hội (tương ứng 1.479 căn hộ). Quý III, khởi công 2 dự án (tương ứng 1.730 căn hộ) và quý IV, khởi công 3 dự án (tương đương 916 căn hộ).
TP. Hồ Chí Minh đưa ra kế hoạch đầy tham vọng với mục tiêu đạt 70.000 căn NOXH vào năm 2030. Trong đó, 21 doanh nghiệp đã đăng ký xây dựng 52.000 căn trên quỹ đất tự tạo lập, 8.000 căn từ các khu đất kêu gọi đầu tư, và 10.000 căn từ nguồn đầu tư công. Thành phố đồng thời cam kết rút ngắn thủ tục hành chính và mở rộng quỹ đất, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển phân khúc nhà ở này.
Tại Đà Nẵng, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, trong năm 2025, Thành phố tiếp tục hoàn thành Dự án Khu ký túc xá sinh viên tập trung phía Tây và phía Tây mở rộng tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh với 728 căn; hoàn thành công tác lựa chọn chủ đầu tư 2 Dự án NOXH tại Khu đất chung cư số 3 và số 5 thuộc Khu B - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ với quy mô 1.955 căn. Đồng thời, thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư và kêu gọi đầu tư 5 dự án NOXH với quy mô khoảng 3.300 căn gồm: Chung cư số 10 Trịnh Công Sơn; Khu chung cư Hòa Minh; NOXH tại lô đất A1-7, đường Chu Huy Mân; NOXH tại khu đất A2-4, đường Ngũ Hành Sơn và đường dẫn lên cầu Tuyên Sơn; NOXH tại lô đất B3 thuộc khu E (giai đoạn 1) - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ.
Cùng với đó, nhiều địa phương khác cũng đẩy mạnh các kế hoạch phát triển NOXH cho người có thu nhập thấp. Đồng Nai dự kiến khởi công 8.800 căn hộ trong năm nay, Bình Dương triển khai thêm 26.552 căn, cùng các chính sách ưu đãi thuế phí để khuyến khích doanh nghiệp tham gia. Hải Phòng, với vai trò là điểm sáng trong phát triển NOXH, đang đặt mục tiêu hoàn thành 15.000 căn từ 9 dự án vào cuối năm 2025...
Triển vọng tươi sáng trong năm 2025
Theo Viện nghiên cứu đánh giá thị trường Ƅất động sản Việt Nam, nguồn cung NOXH sẽ được cải thiện đáng kể trong năm 2025, khi mà Luật Nhà ở bổ sung các đơn vị được phép tham gia phát triển dự án. Quy định này sẽ khuyến khích thêm các thành phần kinh tế tham gia phát triển NOXH. Nguồn NOXH sẽ có sự tăng trưởng trong thời giɑn tới, đáp ứng nhu cầu an cư của đại Ƅộ phận dân chúng có thu nhập thấp trong xã hội.
Giới chuyên gia đánh giá, Luật Nhà ở 2023 đã tạo khung pháp lý vững chắc, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực nhà ở xã hội. Theo đó, Luật mới có rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội: Được miễn tiền thuê đất, sử dụng đất; giảm thiểu quy trình thủ tục; mở rộng đối tượng mua; cơ chế linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội…
Dưới góc độ doanh nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp cũng cho rằng, phân khúc nhà ở xã hội sẽ sáng hơn nhờ một loạt chính sách ưu đãi từ Nhà nước. Theo đó, năm 2025, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội có thể được miễn tiền thuê, sử dụng đất, không phải thực hiện xác định giá đất, tính tiền sử dụng hay thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng, tiền thuê đất.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được ưu đãi thuế giá trị gia tăng (VAT), thu nhập doanh nghiệp, mở rộng đối tượng mua và cơ chế linh hoạt trong bố trí quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội. Ngoài chính sách ưu đãi, các địa phương cũng hoàn thiện, rút ngắn thủ tục hành chính, hỗ trợ quỹ đất cho chủ đầu tư làm loại nhà ở này.
Bên cạnh các yếu tố chính sách, sự chuyển dịch của doanh nghiệp bất động sản cũng là một lý do quan trọng giúp nhà ở xã hội bùng nổ trong năm 2025. Trong bối cảnh thị trường bất động sản thương mại gặp nhiều khó khăn, nhiều chủ đầu tư đã nhận ra tiềm năng của phân khúc nhà ở giá rẻ và bắt đầu dịch chuyển sang lĩnh vực này. Điều này không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn cung mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp chất lượng nhà ở xã hội được nâng cao.
Ngoài ra, xu hướng đô thị hóa nhanh chóng và sự gia tăng dân số tại các thành phố lớn cũng là động lực thúc đẩy nhu cầu nhà ở xã hội. Khi dòng người di cư từ nông thôn ra thành phố để tìm kiếm cơ hội việc làm ngày càng tăng, việc đảm bảo chỗ ở giá rẻ, phù hợp với thu nhập của họ trở thành một bài toán cần giải quyết cấp bách. Các khu nhà ở xã hội không chỉ giúp người lao động có nơi an cư mà còn góp phần ổn định trật tự đô thị, tránh tình trạng xây dựng nhà trọ tạm bợ kém chất lượng.
Một khía cạnh khác không thể bỏ qua là yếu tố công nghệ và mô hình xây dựng mới. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng công nghệ xây dựng hiện đại như: Vật liệu xanh, quy trình thi công nhanh để giảm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng. Việc áp dụng công nghệ cũng giúp rút ngắn thời gian hoàn thành dự án, tăng khả năng cung cấp nhà ở xã hội trong thời gian ngắn.
Mới đây, phân khúc NOXH còn tiếp tục đón “tin vui” về nguồn vốn tín dụng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 55/NHNN-TD gửi tới 9 ngân hàng thương mại về việc triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó, thông tin đáng chú ý là việc hạn mức tín dụng của gói 120.000 tỷ đồng (nay tăng lên 145.000 tỷ đồng) sẽ không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm. Chính sách sẽ áp dụng đến năm 2030, với điều kiện doanh số cho vay không vượt quá số tiền cam kết ban đầu của các ngân hàng. Quy định này sẽ giúp các ngân hàng có đủ dư địa để hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội, mà không bị ràng buộc bởi giới hạn “room” tín dụng.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, song nhà ở xã hội vẫn phải đối mặt với một số thách thức nhất định. Vấn đề lớn nhất là quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, một số quy định pháp lý vẫn cần điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của Chính phủ, cùng sự thay đổi trong chiến lược của các chủ đầu tư, phân khúc nhà ở xã hội hoàn toàn có cơ sở để bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2025. Với sự hỗ trợ từ nhiều phía, giấc mơ sở hữu một căn nhà giá rẻ của người thu nhập thấp đang ngày càng trở thành hiện thực./.
Thu Hường