Tóm tắt: Tại Việt Nam, nền kinh tế số được dự đoán sẽ đóng vai trò then chốt trong tham vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Trong những năm qua, doanh nghiệp Việt Nam ở các ngành nghề đều đã số hóa hoạt động và quy trình, sử dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quy trình làm việc, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tự động hóa và tăng cường cá nhân hóa ở quy mô lớn. Do đó, lực lượng lao động cần có những kỹ năng số để đáp ứng, thích nghi nhu cầu việc làm của thị trường lao động trong và ngoài nước và việc trang bị kỹ năng số cho người lao động là một trong những điều kiện quan trọng, quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam.
Từ khóa: Kỹ năng, kỹ năng số, nhân lực số.
Abstract: In Vietnam, the digital economy is expected to playing a key role in the country’s ambition to become a high-income economy by 2045. In recent years, Vietnamese enterprises in all industries have digitized their operations and processes, and businesses are using the achievements of the 4.0 industrial revolution in their work, production, and business processes, promoting automation and increasing personalization on a large scale. Therefore, the workforce needs digital skills to meet and adapt to the employment needs of the domestic and foreign labor markets, and the issue of equipping workers with digital skills is one of the important and decisive factors for the quality of human resources in Vietnam.
Keywords: skills, digital skills, digital human resources.
Những vấn đề chung về kỹ năng số
Kỹ năng số là kỹ năng và kiến thức cho phép sử dụng hợp lý các công cụ công nghệ, cả trong lĩnh vực cá nhân và chuyên môn. Những kỹ năng này cho phép mọi người nâng cao khả năng tuyển dụng, năng suất, sự sáng tạo và khả năng phục hồi nghề nghiệp. Theo định nghĩa UNESCO, kỹ năng số là "một loạt các khả năng sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, ứng dụng truyền thông và mạng để truy cập và quản lý thông tin. Chúng cho phép mọi người tạo và chia sẻ nội dung kỹ thuật số, giao tiếp và cộng tác, giải quyết các vấn đề để tự hoàn thiện hiệu quả và sáng tạo trong cuộc sống, học tập, công việc và các hoạt động xã hội".
Theo phân loại do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) thiết lập, có ba cấp độ kỹ năng số:
Trình độ cơ bản: Đây là những kỹ năng cơ bản cho phép bạn thực hiện các tác vụ cơ bản như sử dụng màn hình cảm ứng, vận hành trình xử lý văn bản, quản lý tệp, gửi email, điền biểu mẫu và tìm kiếm trên web.
Trình độ trung cấp: Kỹ năng số trung cấp là những kỹ năng cho phép bạn sử dụng các công nghệ liên quan đến việc tạo nội dung, làm việc trên các quy trình tự động hơn hoặc đánh giá công nghệ.
Trình độ nâng cao: Trình độ này thường bao gồm các kỹ năng cần thiết cho công việc CNTT hoặc các công việc có liên quan chặt chẽ, chẳng hạn như thiết kế đồ họa, phát triển đa phương tiện, phân tích dữ liệu, v.v.
Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn 3139/BTTTT-KTS&XHS hướng dẫn Khung chương trình, tài liệu và bài giảng mẫu phục vụ phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân nông thôn (phiên bản 1.0) để Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham khảo, chỉ đạo triển khai tại địa phương.
Hiện nay, tầm quan trọng của các kỹ năng số đang ngày càng được chú ý. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự đoán rằng 42% nhiệm vụ sẽ được tự động hóa vào năm 2027, do việc triển khai AI và các công nghệ mới nổi khác. Những thay đổi như vậy đòi hỏi các công ty phải có đủ nguồn nhân lực có khả năng thích ứng với các công nghệ mới này, cũng như sở hữu các kỹ năng số cần thiết để tận dụng tối đa chúng. Có đến 80% các ngành nghề hiện đã tuyển dụng nhân sự với các kỹ năng số nhiều hơn, trong đó ngành truyền thông ghi nhận con số lên gấp 5 lần so với các ngành khác.
Những khảo sát gần đây cho thấy, chỉ trong 3-4 năm tới, tỉ lệ tự động hóa các quy trình công việc nhờ vào các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tăng mạnh, chẳng hạn như trong sản xuất, máy móc sẽ dần thay thế con người trong việc thực thi các công việc liên quan đến lao động chân tay một cách hiệu quả hơn. Do đó, nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực số mang lại nhiều lợi ích trong việc học tập, tiếp cận với nguồn kiến thức văn hóa phong phú, giúp nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu của công việc và dễ dàng hội nhập với nguồn nhân lực số trên thế giới.
Thực trạng kỹ năng số của nguồn nhân lực số Việt Nam hiện nay
Trong thập kỷ tới, Việt Nam đang đặt mục tiêu chuyển đổi thành quốc gia có thu nhập cao bằng cách ưu tiên nền kinh tế kỹ thuật số và trở thành một xã hội kỹ thuật số hoàn toàn vào năm 2030, thông qua tích hợp công nghệ nhiều hơn trong các dịch vụ trực tuyến, giáo dục kỹ thuật số và thanh toán điện tử... Một yếu tố quan trọng để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng này sẽ là xác định và thu hẹp khoảng cách kỹ năng bằng cách trang bị cho lực lượng lao động những năng lực phù hợp trong toàn bộ nền kinh tế.
Theo cuộc khảo sát Economist Impact (được hỗ trợ bởi Google) thực hiện với 1.375 nhân viên trên khắp châu Á - Thái Bình Dương (APAC), trong đó có 100 người đến từ Việt Nam, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2022 đến tháng 1/2023. Kỹ năng phân tích (62%) và kỹ năng số (52%) là hai kỹ năng hàng đầu được nhân viên tại Việt Nam ưu tiên. Trong các kỹ năng kỹ thuật số, cả kỹ năng cơ bản và nâng cao đều được đánh giá cao. Một số khả năng tiên tiến như thiết kế UX, trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML), điện toán đám mây và IoT và an ninh mạng được đánh giá cao hơn mức trung bình của APAC. Kỹ năng số được hơn một nửa (52%) nhân viên Việt Nam đánh giá cao.
Bảng 1: Nhóm kỹ năng số cơ bản
1
|
Kỹ năng tìm kiếm, khai thác thông tin trên môi trường internet |
Tìm kiếm, chọn lọc thông tin trên Internet |
Đánh giá dữ liệu, thông tin và nội dung trên môi trường Internet |
Quản lý dữ liệu, thông tin và nội dung |
2
|
Kỹ năng giao tiếp và phối hợp sử dụng công nghệ số |
Giao tiếp trên Internet |
Chia sẻ thông tin trên Internet |
Trở thành công dân số |
Phối hợp, cộng tác qua công nghệ số |
Quy tắc ứng xử trên Internet |
Quản lý danh tính số |
3
|
Kỹ năng sáng tạo nội dung trên thiết bị, trên môi trường Internet |
Phát triển nội dung trên thiết bị, trên môi trường Internet |
Tích hợp và tạo mới nội dung số |
Bản quyền và giấy phép |
Lập trình |
4
|
Kỹ năng an toàn thông tin |
Bảo vệ thiết bị |
Bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư |
Bảo vệ sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần |
Bảo vệ môi trường |
5
|
Kỹ năng giải quyết vấn đề |
Giải quyết vấn đề kỹ thuật |
Xác định nhu cầu và khả năng đáp ứng công nghệ |
Sáng tạo nhờ sử dụng công nghệ số |
Xác định khoảng cách về năng lực số |
Hình 1: Phần trăm tăng trưởng hằng năm của nhân sự tuyển dụng với các kỹ năng số trong tổng lượng nhân sự tuyển dụng trong các ngành nghề
Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)
Hình 2: Kết quả khảo sát các kỹ năng của 100 người tại Việt Nam
Nguồn: Economist Impact,2023
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Đề án“ Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định: Phổ cập kỹ năng số là chìa khóa để người dân được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, giúp xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực. Mục tiêu của đề án đến năm 2025 và 2030 tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin lần lượt là 70% và 90%.
Về thực trạng lao động tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2023, Việt Nam có khoảng 52,4 triệu người trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên, tăng 175,8 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022 (xem hình 3). Điều này phản ánh sự gia tăng đáng kể của lực lượng lao động Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Với nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiềm năng trong việc thu hút đầu tư và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính là 14,1 triệu người, chiếm 27% và còn 38,3 triệu lao động chưa qua đào tạo. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Do đó, việc xây dựng các chính sách và chương trình đào tạo kỹ năng số phù hợp với vị trí việc làm là một trong những yêu cầu rất cấp thiết trong thời gian tới.
Hình 3: Lực lượng lao động, giai đoạn 2019 - 2023
ĐVT: Triệu người
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Năm 2023, tình hình thiếu việc làm của người lao động tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,01%, giảm 0,2% so với 2022; tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn (tương ứng là 1,61% và 2,26%). Cả nước có gần 1,5 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11,5% tổng số thanh niên), trong đó, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn: 13,3%, khu vực thành thị: 9,8%.
Hình 4: Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động, giai đoạn 2019-2023
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Phát triển nền kinh tế số Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu đồng thời tồn tại nhiều thách thức, cụ thể:
Một là, lực lượng lao động còn yếu về kiến thức và kỹ năng để nắm vững các công nghệ then chốt của chuyển đổi số (trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, tự động hóa và chuỗi công nghệ blockchain). Nguyên nhân chính là do đào tạo chưa thực sự có hệ thống hoặc chuyên sâu.
Hai là, lao động chủ yếu là lao động lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế, thiếu nghiêm trọng lao động có kỹ năng số, trình độ cao. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, tác phong lao động công nghiệp còn yếu dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp. Đa số doanh nghiệp chưa hài lòng về chất lượng lao động, nhất là kỹ năng làm việc.
Ba là, trong bối cảnh kinh doanh có cạnh tranh khốc liệt, cắt giảm nhân sự đã trở thành chiến lược phổ biến nhằm tối ưu hóa chi phí và cải thiện hiệu suất. Sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, phát triển công nghệ và áp lực cạnh tranh buộc các doanh nghiệp điều chỉnh tổ chức để duy trì bền vững. Trong khi đó, lực lượng lao động tại Việt Nam hiện nay còn thụ động, chưa chủ động trong việc tìm kiếm, học tập và áp dụng kiến thức mới, phát triển kỹ năng đa dạng và nâng cao giá trị bản thân để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.
Bốn là, xu hướng đào tạo nguồn nhân lực tại các cơ sở đào tạo chưa bắt kịp yêu cầu xu hướng, nhu cầu phát triển việc làm của nền kinh tế Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Chưa mạnh dạn áp dụng đào tạo theo hướng phát huy tư duy sáng tạo, tăng thời lượng thực hành, áp dụng các tiến bộ, thành tựu khoa học nhằm nâng cao chất lượng, trang bị cho người học, người lao động những kiến thức để làm chủ khoa học và công nghệ trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Có thể nói, dù thị trường lao động Việt Nam đã hồi phục nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên còn cao và có sự chênh lệch lớn về kỹ năng. Để thu hút đầu tư và đáp ứng nhu cầu thị trường, Việt Nam cần tăng cường cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và khuyến khích phát triển bền vững, cần có các giải pháp hiệu quả hơn để tạo thêm việc làm, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Giải pháp nâng cao kỹ năng số cho nguồn nhân lực số tại Việt Nam
Năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển thành trung tâm công nghệ số quan trọng trong khu vực và trên thế giới, với các công nghệ và sản phẩm cốt lõi được phát triển trong nước. Mục tiêu là tận dụng lực lượng lao động của đất nước như một tài sản quan trọng trong ngành công nghệ số và tích hợp các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số của Việt Nam vào các lĩnh vực kinh tế xã hội quan trọng. Mặc dù có lợi thế với lực lượng lao động trẻ, chiếm đông đảo, nhưng lại thiếu nhiều kỹ năng cần thiết để làm chủ nền kinh tế số, do đó, việc nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động cần sớm thực hiện để tận dụng được thế mạnh của công nghệ số. Một số giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động:
Một là, Chính phủ cùng với các cơ quan, ban, ngành và địa phương chú trọng ban hành các chính sách phát triển các kỹ năng số cho nguồn nhân lực số, đồng thời xây dựng các hành lang pháp lý, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm của thị trường lao động.
Hai là, cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các khóa đào tạo, hội thảo tập huấn cập nhật kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về chuyển đổi số, nhất là chú trọng đào tạo, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số, phân tích dữ liệu, khai thác dữ liệu phục vụ ra quyết định.
Ba là, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, tích cực đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, khung chương trình đào tạo và phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp học, đưa kỹ năng số và trí tuệ nhân tạo vào giáo dục tại các cơ sở đào tạo, bắt đầu từ cấp phổ thông trung học. Các trường đại học, cao đẳng, trường kỹ thuật, trung tâm đào tạo nghề cần nâng cao chất lượng đào tạo trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu thực tế.
Bốn là, mỗi lao động cần có sự chủ động và quyết tâm trong việc tìm kiếm và áp dụng kiến thức mới, phát triển kỹ năng đa dạng và nâng cao giá trị bản thân. Đó là việc không ngừng cập nhật các xu hướng mới, công nghệ tiên tiến và kỹ năng cần thiết để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của công việc. Tự học chủ động còn giúp nhân viên không chỉ duy trì mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động, chứng minh được giá trị qua những đóng góp cụ thể và khả năng ứng phó với các thay đổi trong môi trường làm việc.
Kết luận
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Việc đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng đã được cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện. Nguồn nhân lực số với kỹ năng số tốt sẽ là lực lượng lao động có năng lực làm chủ thiết bị công nghệ số, có tư duy đột phá, sáng tạo; có khả năng thích ứng nhanh với môi trường lao động và sự biến đổi của khoa học công nghệ, đồng thời sẽ là lực lượng then chốt góp phần thực hiện chuyển đổi số thành công./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Economist Impact, 2023
3. Hà Châu (2024), Training workforce for digital transformation. https://en.nhandan.vn/training- workforce-for-digital-transformation-post138664.html
4. LinkedIn. 2017. The Digital Workforce of the Future.
5. Ritu Bhandari (2023), Bridging the skills gap: Fuelling careers and the economy in Vietnam. https:// impact.economist.com/perspectives/talent-education/bridging-skills-gap-fuelling-careers-and-economy- vietnam
6. Tổng cục Thống kê: https://digital.fpt.com/dxarticles/nhan-luc-voi-ky-nang-so.html
8. https://vietnamhoinhap.vn/vi/thach-thuc-trong-nhan-luc-kinh-te-so-45388.htm
ThS. Nguyễn Phan Yến Phương
ThS. Đào Tuấn Khanh
Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên