Vừa qua, Phiên đàm phán lần thứ 8 nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) đã diễn ra tại Việt Nam với sự tham gia của hơn 180 đại biểu đến từ 10 nước thành viên ASEAN, Trung Quốc và Ban Thư ký ASEAN.
Tại đây, Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định ACFTA đối với sự phát triển quan hệ thương mại, đầu tư giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời nêu bật sự cần thiết của việc nâng cấp Hiệp định ACFTA theo chỉ đạo của Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc. Qua đó, góp phần cải thiện các cam kết đã có trong ACFTA và đem lại các lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc.
Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc được bắt đầu với việc ký kết Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện vào tháng 11/2002. Trên cơ sở đó, hai bên tiếp tục đàm phán và ký hết các Hiện định về Thương mại Hàng hóa (có hiệu lực từ tháng 7/2005), Hiệp định về Thương mại Dịch vụ (có hiệu lực từ tháng 7/2007), Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực từ tháng 2/2010). ACFTA bao gồm một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với thị trường hơn 1,9 tỷ người. Với ACFTA, thuế quan đối với hơn 7.000 chủng loại sản phẩm được giảm xuống 0.
Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa và đầu tư, Hiệp định ACFTA nâng cấp
dự kiến bao gồm các lĩnh vực mới như kết nối chuỗi cung ứng, kinh tế xanh, kinh tế số
Vào tháng 11 năm 2022, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 25, Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã tuyên bố khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định ACFTA, góp phần làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế ASEAN - Trung Quốc. Việc ASEAN và Trung Quốc phê chuẩn Nghị định thư nâng cấp ACFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi đối với ACFTA bằng cách đơn giản hóa các quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan, các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và các quy định đầu tư. Nghị định thư nâng cấp ACFTA thực hiện các thay đổi quan trọng đối với Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc ban đầu được ký kết vào tháng 11 năm 2002. Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa và đầu tư, Hiệp định ACFTA nâng cấp dự kiến bao gồm các lĩnh vực mới như kết nối chuỗi cung ứng, kinh tế xanh, kinh tế số. Nghị định thư nâng cấp ACFTA cũng cho phép Trung Quốc tiếp cận tốt hơn với khu vực láng giềng nói chung và đa dạng hóa trọng tâm khỏi các thị trường châu Âu và Mỹ
Theo Bộ Công Thương, từ khi Hiệp định ACFTA có hiệu lực vào năm 2005, kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đã tăng gấp bảy lần, đạt lần lượt 722 tỷ USD và 702 tỷ USD vào năm 2022 và năm 2023. Với ACFTA, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN kể từ năm 2009 đến nay. Năm 2020, ASEAN vượt qua EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và duy trì vị trí này trong các năm tiếp theo. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư vào khu vực ASEAN, với tổng vốn đầu tư FDI đạt 15,3 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2022, tương đương 6,9% tổng dòng vốn FDI vào ASEAN.
Kể từ tháng 11/2022, các đoàn đàm phán các nước ASEAN và Trung Quốc đã kết thúc đàm phán 04 chương và hoàn thành khoảng 70% tiến độ công việc sau 07 phiên đàm phán. Theo đó, phiên đàm phán thứ 8 tại Việt Nam diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm thành lập ASEAN (08/8/1967) là phiên bản lề trước khi bước vào phiên cuối cùng tháng 9/2024 tại Thái Lan. Do đó, các đoàn đàm phán đã tích cực trao đổi, giải quyết các vấn đề tồn đọng để hướng tới mục tiêu kết thúc đáng kể đàm phán vào tháng 9/2024, đây cũng là một trong những sáng kiến ưu tiên kinh tế của Lào trong năm Chủ tịch ASEAN 2024.
Việc nâng cấp ACFTA thể hiện nỗ lực mạnh mẽ của các nước khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc trong củng cố mối quan hệ thương mại và đầu tư trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Ngoài ACFTA, ASEAN và Trung Quốc còn tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), được ký kết vào ngày 15/11/2020, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế và thương mại giữa các thành viên ASEAN và năm đối tác thương mại - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Hiệp định ACFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do có tỉ lệ tận dụng tốt của Việt Nam, góp phần nâng cao tỷ trọng xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc kể từ khi Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Trung Quốc được ký kết vào năm 2005. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2023, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 2 chiều lên tới 171,85 tỷ USD. Trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc ước đạt 112,6 tỷ USD; trong đó Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 45,8 tỷ USD, tăng 65,4% so với cùng kỳ năm 2023./. |
T.H