Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bắc Giang: Hơn 70 năm đồng hành cùng kinh tế địa phương

20/02/2022 - 10:03 AM

Với vai trò là “mạch máu” của nền kinh tế, thời gian qua, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã có nhiều cách làm sáng tạo, sát với thực tiễn để thúc đẩy hệ thống các ngân hàng và các Tổ chức tín dụng (TCTD) hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ đồng thời giúp hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn tặng hoa chúc mừng Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Giang
đồng thời thăm và kiểm tra hoạt động kinh doanh đầu năm tại một số ngân hàng

 

Tăng trưởng huy động vốn, mở rộng cho vay 
Để đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, với các giải pháp tích cực, nguồn vốn huy động liên tục tăng trưởng ổn định và đa dạng phong phú qua các năm, đến 31/12/2021, vốn huy động đạt 75.544 tỷ đồng, tăng 6.872 tỷ đồng, tăng 10%, dư nợ đạt 70.930 tỷ đồng, tăng 10.095 tỷ đồng, tăng 16,6% so với năm 2020. Các TCTD cũng tích cực mở rộng cho vay trên nhiều lĩnh vực, tính đến ngày 29/12/2021, dư nợ cho vay đạt 70.398 tỷ đồng, tăng 9.563 tỷ đồng, tăng 15,7% so với 31/12/2021, tăng 2,5 lần so với năm 2016. Trong đó, các lĩnh vực được ưu tiên cho vay là nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao... Các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp như hội nghị tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do NHNN tỉnh phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp và Hội doanh nhân tỉnh; thiết lập đường dây nóng; thành lập bộ phận thường trực xử lý đã góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng. Trước những ảnh hưởng xấu của dịch bệnh Covid-19, các TCTD đã tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho khách hàng...

Lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh tỉnh Bắc Giang báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh doanh năm 2021
và mục tiêu nhiệm vụ năm 2022 với đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh


 
Nâng cấp dịch vụ, nâng cao tiện ích 
Nhằm đáp ứng nhu cầu về thủ tục thanh toán đơn giản, nhanh gọn, bên cạnh việc thực hiện tốt chức năng quản lý về tiền mặt, NHNN tỉnh áp dụng nhiều phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại và tiện ích như thanh toán điện tử liên ngân hàng, thanh toán điện tử song phương các NHTM, mở rộng thanh toán thẻ Visa, Master card, ATM, thanh toán chuyển mạch thẻ ngân hàng Smartlink, thanh toán bù trừ nội thẻ Visa, thanh toán qua Internet... Do vậy, doanh số thanh toán không dùng tiền mặt liên tục tăng qua các năm, năm 2016 đạt 196.230 tỷ đồng, năm 2017 đạt 198.598 tỷ đồng, năm 2018 đạt 218.120 tỷ đồng, năm 2019 đạt 242.163 tỷ đồng, năm 2020 đạt 303.552 tỷ đồng, năm 2021 đạt 342.867 tỷ đồng, trung bình tăng trưởng hàng năm 12%. Đồng thời tiếp tục lắp đặt thêm các máy ATM tại các địa điểm phù hợp với tổng số 200 máy ATM, tăng 52 máy so với năm 2016. Bên cạnh đó, NHNN tỉnh tích cực phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo triển khai đề án thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm kết nối để thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công và yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức tiên phong thực hiện.

Cán bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Bắc Giang kiểm tra hồ sơ, giải ngân cho khách hàng
 

Để có hệ thống ngân hàng và Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) hoạt động và cạnh tranh một cách lành mạnh, đồng thời đảm bảo tính an toàn của hệ thống, NHNN tỉnh luôn chú trọng tăng cường công tác thanh tra, giám sát các TCTD, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, cùng với đó kiến nghị chỉnh sửa các sai sót còn tồn tại trong hoạt động, tạo môi trường lành mạnh cho các ngân hàng, TCTD hoạt động tuân thủ quy định.

Đồng hành phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, NHNN tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn triển khai các giải pháp đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn và thực hiện các chương trình MTQG XDNTM, giảm nghèo bền vững. Để kịp thời hỗ trợ nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, năm 2020, NHNN tỉnh đã thực hiện các biện pháp giảm mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên, cho vay thỏa thuận, cho vay trung và dài hạn. Tích cực tiếp cận khách hàng, tăng cường cải cách thủ tục hành chính liên quan đến cấp tín dụng, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện về thủ tục hồ sơ vay như thẩm định online, mở tài khoản online, cắt giảm một số giấy tờ, rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ... Tiếp tục triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách. Thực hiện tốt cho vay qua tổ vay vốn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Hội nông dân, Hội phụ nữ các cấp thực hiện tốt Nghị định 55, Nghị định 116 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Khách hàng đến giao dịch tại Quỹ Tín dụng Nhân dân Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang

 
Xác định chương trình OCOP là động lực của Chương trình nông thôn mới, để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn, hợp tác xã, DNNVV và các đối tượng của Chương trình OCOP, NHNN tỉnh đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm của ngành ngân hàng tỉnh Bắc Giang. NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, các ngành, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển, đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, các dịch vụ có lợi thế trên địa bàn theo chuỗi giá trị, góp phần hoàn thành mục tiêu của Chương trình OCOP. Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng đối tượng, khách hàng; đổi mới quy trình cho vay và đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay. Nhờ đó, các nhu cầu vay vốn trên địa bàn tỉnh đều được đáp ứng đầy đủ. Đến ngày 30/9/2021, dư nợ cho vay nông thôn mới trên địa bàn đạt 30.019 tỷ đồng, tăng 2.408 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2020, với gần 209.521 khách hàng đang có dư nợ.

Phát huy vai trò của các QTDND 
Phát huy vai trò của nguồn vốn gần dân nhất, các QTDND trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định và tăng trưởng, đảm bảo an toàn, hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Là một trong những QTDND hoạt động rất hiệu quả, ông Vũ Văn Kiên - Giám đốc QTDND Tân Dĩnh (xã Tân Dĩnh - huyện Lạng Giang) cho biết, sở dĩ Quỹ tạo được niềm tin với người dân địa phương là do trong thời gian qua, tập thể lãnh đạo Quỹ đã quyết tâm làm tốt công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Từ đó, giúp cho việc làm các thủ tục vay vốn cùng tiền gửi tiền tiết kiệm của khách hàng được nhanh chóng, bảo đảm an toàn theo đúng quy định.

Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Giang II Nguyễn Hoàng Giang trao tiền ủng hộ
Quỹ Vì người nghèo năm 2020 và chương trình an sinh xã hội năm 2021

 

Nếu QTDND Tân Dĩnh là một trong những quỹ hoạt động hiệu quả tiêu biểu trên địa bàn tỉnh thì QTDND Tân An (Yên Dũng), QTDND Chũ (Lục Ngạn) lại đang có nhiều chuyển biến, khắc phục những khó khăn gặp phải như địa bàn hoạt động hẹp, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các TCTD. Ông Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc QTDND Tân An tâm sự: “Nhờ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Bắc Giang trang bị phần mềm quản lý quỹ nên việc cập nhật các thông tin hoạt động được chi tiết, thường xuyên hơn. Từ đây, NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Giang nắm bắt kịp thời, có sự hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn phát sinh từ thực tiễn hoạt động của các quỹ”.

Nhằm bảo đảm duy trì hoạt động của các QTDND hiệu quả, an toàn hơn, thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát các QTDND. Trong đó, thực hiện tốt phương án cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch thực hiện việc củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Oánh chia sẻ, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn vốn, tăng trưởng tín dụng hợp lý; chuyển dịch mạnh cơ cấu tín dụng, tập trung và đáp ứng đủ vốn cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, giữ cho hệ thống ngân hàng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững. Phát huy truyền thống của ngành, hệ thống ngân hàng Bắc Giang đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.

                                                                                         Trọng Nghĩa

 
 
 
 
 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top