Ngân hàng nhà nước Việt Nam – Tích cực thực hiện nhiều giải pháp nâng cao tính đầy đủ, kịp thời và cải thiện chất lượng số liệu thống kê

08/03/2022 - 04:20 PM
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ( NHNNVN) là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, là Ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm sự an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
 
Công tác đảm bảo thông tin thống kê
 
Là một ngành đặc thù, hoạt động quản lý chi phối toàn bộ nền kinh tế, NHNNVN luôn xác định thông tin báo cáo thống kê là công cụ quan trọng trong hoạt động công tác của Ngành, chính vì vậy trong thời gian vừa qua NHNN đã quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao tính đầy đủ, kịp thời và cải thiện chất lượng số liệu thống kê. Nhờ vậy thông tin thống kê của Ngành ngày càng đảm bảo về số lượng, chất lượng, tính kịp thời phục vụ đắc lực lãnh đạo Bộ, ngành trong quản lý nhà nước; công tác phân tích, dự báo ngày càng chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu của các đối tượng dùng tin khác trong và ngoài nước:
 
Để có cơ sở thu thập thông tin, báo cáo thống kê phục vụ nhu cầu điều hành và cung cấp cho các đơn vị liên quan, NHNN đã trình Chính phủ và ban hành các quy định sau: Nghị định 16/2014/NĐ-CP ngày 03/3/2014 về quản lý Cán cân thanh toán (CCTT), Thông tư 35/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 quy định chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (đã được sửa đổi bởi Thông tư 11/2018/TT-NHNN), Thông tư 26/2018/TT-NHNN ngày 26/11/2018 quy định về điều tra thống kê tiền tệ, ngân hàng và ngoại hối ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia. Để đảm bảo thông tin đầy đủ, phù hợp với các quy định mới, diễn biến thực tế thị trường, NHNN thường xuyên rà soát các quy định báo cáo để sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin chỉ đạo điều hành của NHNN trong từng thời kỳ.
 
Về Cơ sở dữ liệu thông tin, báo cáo thống kê: từ năm 2017, NHNN đã vận hành hệ thống SG4 (Hệ thống báo cáo NHNN) cho phép NHNN thu thập thông tin từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và xây dựng kho dữ liệu báo cáo thống kê tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Cho đến nay, hệ thống báo cáo NHNN vẫn hoạt động ổn định và tiếp tục được hoàn thiện các tính năng theo hướng đáp ứng tối đa nhu cầu người sử dụng. Bên cạnh dữ liệu báo cáo thống kê, NHNN thực hiện cập nhật theo định kỳ các số liệu về kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính trong nước và quốc tế để chia sẻ với các đơn vị liên quan trong NHNN. Các dữ liệu, thông tin báo cáo cập nhật trên Hệ thống báo cáo NHNN đảm bảo dữ liệu lưu trữ theo chuỗi thời gian, phục vụ hữu hiệu cho công tác chia sẻ, khai thác báo cáo giữa các đơn vị trong nội bộ cũng như công tác phân tích, dự báo. Có thể nói, kho dữ liệu thông tin, báo cáo từ Hệ thống báo cáo NHNN là một cơ sở dữ liệu quan trọng của NHNN, bảo đảm thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của NHNN cũng như trách nhiệm tổng hợp, cung cấp các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, cung cấp cho các Tổ chức quốc tế và Cơ quan liên quan.
 
Thực hiện quy định tại Nghị định số 16/2014/NĐ-CP, NHNN đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ (Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xây dựng báo cáo CCTT hàng quý, dự báo CCTT hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ. Để thông tin, số liệu CCTT được cập nhật kịp thời, đầy đủ và có độ chính xác cao, định kỳ hàng quý (hoặc khi điều kiện cho phép) NHNN đã tổ chức họp Tổ Công tác liên ngành về CCTT với thành viên là đại diện của các Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan của NHNN để trao đổi, thảo luận thông tin, số liệu phục vụ công tác lập, phân tích và dự báo CCTT. Nhờ đó, các báo cáo CCTT được hoàn thành đảm bảo thời hạn và chất lượng, đem lại nhiều thông tin hữu ích cho công tác điều hành vĩ mô của Chính phủ.
 
- Về Công tác điều tra thống kê: Theo định kỳ NHNN tổ chức triển khai Chương trình điều tra thống kê tiền tệ và ngân hàng, bao gồm: Điều tra kỳ vọng lạm phát theo định kỳ tháng; Điều tra xu hướng kinh doanh theo định kỳ quý; và Điều tra xu hướng tín dụng định kỳ 6 tháng đối với các TCTD& Chi nhánh NHNN theo hình thức trực tuyến. Hiện nay NHNN đang triển khai thí điểm cuộc điều tra kỳ vọng lạm phát đối với các chuyên gia kinh tế định kỳ quý. Các cuộc điều tra đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực từ phía các TCTD cũng như của các chuyên gia kinh tế. Kết quả điều tra thu được đã giúp các nhà hoạch định chính sách nắm bắt xu hướng diễn biến và kỳ vọng trên thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng một cách xuyên suốt và kịp thời. Bên cạnh các cuộc điều tra do NHNN thực hiện, NHNN tích cực phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các cuộc điều tra thống kê trong chương trình điều tra thống kê quốc gia như Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021.
 
- Đối với công tác phổ biến thông tin thống kê: NHNN đã đăng tải thường xuyên, kịp thời, đầy đủ nội dung cũng như đề cương giới thiệu nội dung nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định báo cáo thống kê trên Cổng thông tin điện tử NHNN như: Luật Thống kê năm 2015; Thông tư 35/2015/TT-NHNN, Thông tư 11/2018/TT-NHNN,… và các văn bản hướng dẫn liên quan.
 
Bên cạnh đó, để văn bản quy phạm pháp luật của NHNN ban hành sớm đi vào cuộc sống, NHNN đã xây dựng chuyên mục Thống kêtrên Cổng TTĐT NHNN đăng tải công khai, rộng rãi các số liệu thống kê thuộc lĩnh vực tài chính, tiền tệ như: số liệu về CCTT; Tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại TCTD (chi tiết theo tổ chức kinh tế và dân cư); Tỷ trọng tiền mặt trong lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán; Kết quả đấu thầu thị trường mở và đấu thầu tín phiếu Kho bạc nhà nước; Số lượng giao dịch, giá trị giao dịch của Hệ thống thanh toán quốc gia; Số lượng giao dịch, giá trị giao dịch thanh toán nội địa qua kênh Internet Banking và Mobile Banking; Số lượng và tổng số dư tài khoản tiền gửi thanh toán của cá nhân; Số lượng máy, số lượng giao dịch và giá trị giao dịch qua ATM, POS/EFTPOS/EDC; Tốc độ tăng trưởng và dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế; Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn; Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động; Tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng…
 
NHNN cũng xây dựng chuyên mục “Ấn phẩm phát hành” trên Cổng TTĐT NHNN, gồm các ấn phẩm như: Báo cáo thường niên (theo từng năm); Thời báo Ngân hàng; Tạp chí Ngân hàng… trong đó có các nội dung liên quan đến báo cáo thống kê. Cổng TTĐT NHNN thu hút đông đảo đối tượng tiếp cận thông tin thống kê với lượt truy cập không ngừng tăng, (Năm 2017: 1,4 triệu lượt; năm 2019: 2,5 triệu lượt năm 2021: 3,5 triệu lượt truy cập).
 
Ngoài ra, nhằm tăng cường hoạt động phổ biến thông tin thống kê đến công chúng, nâng cao hiệu quả sử dụng số liệu thống kê, trong các cuộc họp báo do NHNN tổ chức cũng có công bố số liệu thống kê tình hình hoạt động tiền tệ - ngân hàng. Thông qua các cuộc họp báo đã góp phần định hướng các đối tượng sử dụng số liệu thống kê.
 
- Công tác triển khai công tác thống kê đối với các địa phương: Các quy định, hướng dẫn về báo cáo thống kê được NHNN triển khai thống nhất đến các Vụ, Cục, Cơ quan thuộc NHNN và các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố. Sau khi NHNN ban hành Thông tư 35/2015/TT-NHNN, NHNN đã thực hiện tổ chức tập huấn đến các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD. Các vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện quy định về báo cáo thống kê được NHNN giải đáp đầy đủ, kịp thời, các nội dung vướng mắc chung được NHNN đăng tải rộng rãi trên Cổng TTĐT NHNN để các đơn vị thống nhất thực hiện.
 
Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê với Tổng cục Thống kê
 
Hoạt động thống kê tại NHNN bên cạnh thực hiện theo quy định tại Luật NHNN, Luật các Tổ chức tín dụng còn chịu sự điều chỉnh của Luật Thống kê. Do đó, trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện công tác thống kê, NHNN luôn phối hợp chặt chẽ với TCTK – Cơ quan thống kê trung ương nhằm đảm bảo thực thi đúng quy định pháp luật về thống kê.
 
- Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Trong quá trình xây dựng, dự thảo Thông tư quy định về Chế độ báo cáo thống kê (Thông tư 35/2015/TT-NHNN, 11/2018/TT-NHNN,….), dự thảo Thông tư quy định về điều tra thống kê trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng (26/2018/TT-NHNN) và các phương án điều tra thống kê, NHNN đều gửi TCTK để lấy ý kiến thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê. Bên cạnh đó, NHNN đã tích cực phối hợp chặt chẽ với TCTK trong việc tham gia góp ý với các dự thảo Văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật Thống kê (như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê, Nghị định quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia, dự thảo hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, dự thảo bảng phân loại tiêu dùng theo mục đích sử dụng của hộ gia đình,….).
 
- Thực hiện quy định tại Nghị định 60/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia, theo định kỳ NHNN thường xuyên cung cấp đầy đủ, đúng hạn 08 mẫu biểu báo cáo bao gồm các số liệu chi tiết về Tổng phương tiện thanh toán, Dư nợ tín dụng, huy động vốn, lãi suất, tỷ giá, CCTT cho TCTK nhằm phục vụ công tác lập, công bố các chỉ tiêu thống kê quốc gia. Ngoài quy định tại Nghị định số 60/2018/NĐ-CP, theo định kỳ hàng năm, NHNN thực hiện cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu để cập nhật vào Niên giám thống kê quốc gia.
 
Công tác phương pháp chế độ thống kê
 
NHNN đã tích cực nghiên cứu, áp dụng phương pháp thống kê (CCTT, thống kê tiền tệ) theo hướng dẫn của IMF vào công tác thống kê của Việt Nam và đang triển khai các giải pháp nhằm hướng tới đáp ứng cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết theo yêu cầu của IMF và các tổ chức quốc tế.
 
Bên cạnh đảm bảo sự phù hợp với chuẩn mực, hướng dẫn của các tổ chức quốc tế về phương pháp luận thống kê, công tác thống kê của NHNN luôn hướng tới đảm bảo phù hợp, đúng quy định của Luật Thống kê. Cụ thể:
 
- Về ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành: Hoạt động của ngành ngân hàng mang tính đặc thù, chứa đựng nhiều rủi ro nên cần thực hiện giám sát chặt chẽ. Vì vậy hệ thống thông tin, báo cáo rất lớn và chi tiết, các thông tin báo cáo cần kết hợp nhiều chiều để phục vụ công tác phân tích, đánh giá, giám sát. Do đó, NHNN không ban hành quy định về hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành ngân hàng riêng mà kết hợp việc định nghĩa chỉ tiêu cụ thể tại Chế độ báo cáo thống kê. Đối với các chỉ tiêu thống kê quốc gia thuộc lĩnh vực ngân hàng, NHNN đã phối hợp với TCTK xây dựng và định nghĩa tại Nghị định quy định chi tiết nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
 
- Về ban hành Chế độ báo cáo thống kê cấp Bộ, ngành: NHNN đã ban hành Thông tư 35/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 quy định chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Thông tư 11/2018/TT-NHNN ngày 11/4/2018 sửa đổi bổ sung quy định Thông tư 35/2015/TT-NHNN. Đến nay, đây vẫn là cơ sở pháp lý quan trọng để NHNN thu thập báo cáo từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hang nước ngoài phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN cũng như cung cấp cho các đơn vị liên quan.
 
Về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê
 
NHNN đã triển khai hệ thống báo cáo NHNN thay thế nhiều hệ thống CNTT tồn tại song song trước đây như hệ thống báo cáo thống kê tập trung, hệ thống báo cáo QTDND, hệ thống báo cáo tài chính. Hệ thống báo cáo NHNN có một số ưu điểm như sau:
 
- Là hệ thống duy nhất thu thập toàn bộ các báo cáo từ các TCTD (bao gồm cả QTDND), NHNN chi nhánh, các đơn vị sự nghiệp và các doanh nghiệp trực thuộc NHNN, các công ty tài chính vi mô,…với các tính năng tiên tiến (định dạng mẫu biểu theo thông lệ quốc tế XBRL hoặc Excel, đa dạng hóa kênh nộp báo cáo, tăng tính chính xác của báo cáo thông qua việc thiết lập các chính sách kiểm tra chặt chẽ, hệ thống được thiết kế mở có khả năng bổ sung, thay đổi các mẫu báo cáo thu thập mới khi nghiệp vụ có nhu cầu);
 
- Hệ thống sử dụng công nghệ ESB để trao đổi dữ liệu với các hệ thống CNTT và tích hợp hoàn toàn với ứng dụng theo cơ chế đăng nhập một lần (SSO), phân quyền, quản lý người sử dụng và ký báo cáo bằng chữ ký điện tử; hệ thống báo cáo chạy trên hạ tầng máy chủ ảo hóa tập trung giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên dùng chung của NHNN và dễ dàng bổ sung tài nguyên khi mở rộng hoạt động; hạ tầng CNTT sẵn sàng cao với các máy chủ, tủ đĩa được dự phòng nóng tại chỗ và lưu trữ tức thời lên trung tâm dữ liệu dự phòng, … đảm bảo tính sẵn sàng cao và hoạt động liên tục của hệ thống báo cáo;
 
- Phần khai thác báo cáo được thiết kế mềm dẻo đáp ứng mục đích hỗ trợ tối đa các đơn vị NHNN khai thác theo 2 dạng: báo cáo được dựng sẵn, cố định; báo cáo khai thác thông qua công cụ BI dựa trên các Data Mart đáp ứng yêu cầu lập báo cáo phân tích theo yêu cầu thay đổi thường xuyên của các Vụ/Cục (adhoc query) xây dựng trên tầng ngữ nghĩa, trực quan đối với người sử dụng nghiệp vụ.
 
- Hiện tại, NHNN cũng đã hoàn thành liên thông hệ thống báo cáo NHNN với hệ thống báo cáo Chính phủ để gửi báo cáo theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.
 
Công tác điều tra thống kê
 
Năm 2016, NHNN đã hoàn thành triển khai xây dựng và triển khai thí điểm phần mềm xử lý, tổng hợp số liệu của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh và điều tra kỳ vọng lạm phát với các chức năng chính như: cho phép lập các câu hỏi, thiết kế các mẫu phiếu phục vụ điều tra thống kê; cho phép người dùng truy cập theo phân quyền để thực hiện trả lời các phiếu online, phê duyệt phiếu trước khi gửi về NHNN; cho phép người dùng NHNN có thể tiếp nhận các phiếu trả lời hoặc trả lại, đồng thời hướng dẫn người dùng chỉnh sửa phiếu khi cần; hệ thống tự động quản lý thời hạn nhận phiếu, gửi email nhắc nhở khi bắt đầu kỳ điều tra, khi sắp hết hạn điều tra, khi quá hạn nộp phiếu; hệ thống tự động tổng hợp phiếu để đưa ra các thống kê kết quả, thống kê quan sát, thống kê theo khoảng thời gian, vẽ đồ thị,…; cho phép quản lý các đơn vị tham gia điều tra thống kê và các thông tin liên quan, quản lý phân quyền người dùng hệ thống,….. Từ tháng 3/2017, các hệ thống điều tra trực tuyến này đã đi vào hoạt động chính thức. Năm 2020, NHNN đã thực hiện chỉnh sửa nâng cấp phần mềm đáp ứng Quyết định 297/QĐ-NHNN ngày 27/02/2020 của Thống đốc NHNN v/v tổ chức điều tra xu hướng kinh doanh đối với TCTD và chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam thời kỳ 2020-2024.
 
Các hệ thống điều tra thống kê trực tuyến đi vào hoạt động đã thay thế việc thực hiện điều tra bằng giấy như cách truyền thống tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong việc nộp phiếu điều tra, đồng thời giúp giảm thời gian gửi phiếu, xử lý, tổng hợp kết quả điều tra.
 
 Trong năm 2021, NHNN đã phối hợp cùng Tổng cục thống kê cấu hình đường dẫn trên Hệ thống phổ biến dữ liệu chung tăng cường e-GDDS (nsdp.gso.gov.vn) đối với chỉ số thống kê liên quan đến tỷ giá, lãi suất, CCTT cho phép NHNN chủ động trong việc công bố các chỉ số này trên hệ thống e-GDDS.
 
Công tác đào tạo, bồi dưỡng
 
Từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức/phối hợp tổ chức 57 khóa bồi dưỡng về chủ đề thống kê, phân tích, dự báo cho 728 lượt cán bộ NHNN tham dự (208 cán bộ tham gia 08 khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước, 471 cán bộ tham gia 23 khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước dưới hình thức trực tuyến, lớp học ảo, 49 cán bộ tham gia 26 khóa đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài). Trong số đó, có lượt 279 lượt cán bộ Vụ Dự báo, thống kê được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; có 04 cán bộ được cử đi đào tạo sau đại học.
 
Được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, hiệu quả của Lãnh đạo NHNN,  công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm thống kê đã tập trung trang bị những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết cho cán bộ làm công tác thống kê để xử lý kịp thời những nhiệm vụ đặt ra. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức và phối hợp tổ chức được nhiều khóa bồi dưỡng nâng cao, nhiều khóa học có tính ứng dụng thiết thực, trực tiếp như: Điều tra xu hướng kinh doanh; Bồi dưỡng các mô hình tiên tiến trong phân tích, dự báo kinh tế - tiền tệ (VAR, SVAR, BVAR, VEMC, DSGE, Mô hình bảng cân đối liên ngành I/O,…); Thống kê tài chính - tiền tệ, CCTT, thương mại hàng hóa dịch vụ, đầu tư trực tiếp; Kinh tế lượng nâng cao.
 
 Đặc biệt, công tác ĐT, BD nghiệp vụ thống kê của NHNN được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế, đặc biệt là IMF. Các hỗ trợ được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng như khóa học, tập huấn, hội thảo, khảo sát, tư vấn,…. Giảng viên tham gia giảng dạy là những chuyên gia có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu; Nội dung của các khóa học, hội thảo nước ngoài thường xuyên cập nhật, bám sát chuẩn quốc tế, được học viên đánh giá cao.
 
Về Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê: NHNN đã và đang tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuận của IMF về tăng cường năng lực thống kê khu vực đối ngoại (ESS): Giai đoạn 1 của dự án (2012-2017), IMF đã hỗ trợ NHNN soạn lập và công bố bảng CCTT theo Sổ tay hướng dẫn soạn lập CCTT và vị thế đầu tư quốc tế lần thứ 6 (BPM6), thực hiện thành công điều tra vốn trực tiếp nước ngoài các năm 2014, 2015 để lập vị thế đầu tư quốc tế (IIP) và hệ thống tích hợp điều tra trực tiếp nước ngoài (CDIS). Giai đoạn 2 dự án (2018-2020), IMF dự kiến giúp NHNN tăng cường năng lực về thống kê xuất nhập khẩu thương mại dịch vụ, rà soát nguồn số liệu và đề xuất giải pháp cải thiện việc cung cấp số liệu, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dự án tạm thời gián đoạn trong năm 2020 và mới chỉ triển khai 01 đợt vào tháng10/2021.
 
Thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao tại các Đề án liên quan đến công tác thống kê do Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì: Trên cơ sở các nhiệm vụ của Đề án, NHNN đã xây dựng kế hoạch triển khai trong nội bộ ngành ngân hàng (công văn 9120/NHNN-DBTK ngày 07/11/2017 về việc kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng thống kê đến năm 2030 trong ngành ngân hàng, Kế hoạch thực hiện Đề án 501 trong ngành ngân hàng giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2030).
 
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê, NHNNVN sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác thống kê, rà soát hệ thống thông tin, báo cáo thống kê đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và giám sát đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, đảm bảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp, công bố thông tin của NHNN theo Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn dưới Luật.
 
- Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thống kê tiền tệ, ngân hàng và thống kê CCTT, điều tra thống kê nhằm đảm bảo độ tin cậy của thông tin, số liệu thống kê phục vụ cho công tác phân tích, dự báo, hoạch định, điều hành chính sách tiền tệ, giám sát đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và cung cấp cho các đơn vị liên quan.
 
- Tăng cường trao đổi thông tin, số liệu về CCTT thông qua Tổ Công tác liên ngành về CCTT, tăng cường phối hợp giữa NHNN và Tổng cục Thuế để bóc tách số liệu thu nhập đầu tư của doanh nghiệp FDI, tiếp tục triển khai các khuyến nghị từ các đợt hỗ trợ kỹ thuật của IMF về nâng cao chất lượng thống kê khu vực đối ngoại.
 
- Tích cực phối với với TCTK cũng như các Bộ, ngành liên quan trao đổi, chia sẻ thông tin thống kê nhằm đảm bảo nâng cao tính kịp thời, đầy đủ, chất lượng thông tin thống kê. Đồng thời NHNN tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đầy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính toàn diện, phục vụ cho việc đánh giá, giám sát chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
 
- Tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông liên quan đến công tác thống kê như: kịp thời đăng tải các quy định, hướng dẫn của NHNN liên quan đến thống kê; kịp thời đăng tải, cập nhật thông tin thống kê định kỳ theo quy định của pháp luật; đăng tải kết quả điều tra thống kê trên Website NHNN, ….
 
- Phối hợp chặt chẽ với TCTK trong xây dựng các quy định chi tiết hướng dẫn, thi hành Luật sửa đổi bổ sung Luật Thống kê (như dự thảo Nghị định quy định chi tiết nội dung chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn GDP, DRDP, dự thảo Nghị định quy định chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia,…) nhằm đảm bảo tính phù hợp với các quy định của ngành cũng như đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện./.
 
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top