Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức

25/03/2020 - 04:13 PM
Thị trường ảm đạm

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, năm 2019 là năm ảm đạm của ngành ô tô toàn cầu khi sức mua đang trên đà sụt giảm, kéo doanh số bán ô tô về mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc từng bước đẩy lùi đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, qua đó đã tác động trực tiếp lên ngành sản xuất, kinh doanh ô tô. Theo CNN Business, kể từ giữa năm 2018 đến nay, doanh số bán ô tô toàn cầu bắt đầu bước vào giai đoạn “lao dốc không phanh”.

Theo các chuyên gia phân tích của Fitch Ratings - trang xếp hạng tín nhiệm trên toàn cầu, doanh số bán ô tô toàn cầu trong năm 2019 sẽ dừng lại ở mức 77,5 triệu xe, giảm khoảng 4% so với năm 2018. Đây là năm thứ 2 liên tiếp doanh số bán ô tô toàn cầu sụt giảm. Trước đó, vào năm 2017 đã có 81,8 triệu xe ô tô mới bán ra trên toàn thế giới và đến năm 2018 giảm còn 80,6 triệu xe.

 
Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Nguyên nhân khiến nhu cầu sắm ô tô toàn cầu trở nên ảm đảm như vậy là do sự sụt giảm tại Trung Quốc và Mỹ - hai thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Theo báo cáo bán hàng của Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc (CPCA) cho thấy, trong 10 tháng năm 2019, doanh số bán ô tô tại thị trường này đã giảm 11% so với cùng kỳ năm 2018. Giới phân tích cho rằng, sở dĩ thị trường ô tô Trung Quốc bị chững lại trước hết là do những căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến một số người thận trọng hoãn lại dự án mua xe. Tiếp đến, Bắc Kinh đã siết lại các khoản trợ cấp khuyến khích người tiêu dùng mua xe điện, thậm chí còn dự trù bỏ hẳn khoản hỗ trợ này.
 
Tại Mỹ - thị trường ô tô lớn thứ 2 thế giới, tình hình cũng không mấy khả quan khi người tiêu dùng ngày càng tỏ ra ngần ngại với việc chi tiền để sắm ô tô mới. Các hãng xe hơi lớn như General Motors (GM), Ford và Honda tại thị trường Mỹ đều đã phải cắt giảm sản lượng xe do thị trường yếu đi. Trước thực trạng này, Fitch Ratings dự báo doanh số bán ô tô tại Mỹ chỉ đạt khoảng 16,9 triệu xe khi năm 2019 khép lại, giảm khoảng 2% so với năm 2018.

Trong khi đó, tại châu Âu, ngành ô tô Đức cũng đang đứng bên bờ vực suy thoái. Cuối năm 2019, Audi - một trong những hãng xe sang của Đức đã tuyên bố sẽ cắt giảm 7.500 lao động.

Tại các thị trường khác như Nga, Brazil và các quốc gia thuộc khu vực Tây Âu… doanh số bán ô tô của nhiều hãng xe cũng sụt giảm. Ngay cả Ấn Độ - thị trường ô tô vốn được xem là mảnh đất màu mỡ đối với các hãng ô tô phổ thông, tình hình kinh doanh trong năm 2019 cũng không mấy khả quan. Chỉ riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, tiêu thụ ô tô tại Ấn Đđã giảm tới 31% so với cùng kỳ năm 2018.

Trước thực trạng của ngành ô tô toàn cầu, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, có rất ít lý do để hy vọng vào sự phục hồi của thị trường ô tô toàn cầu vào năm 2020, ngay cả khi doanh số bán hàng tại những thị trường lớn như Trung Quốc có mức phục hồi khoảng 1%. Vì vậy, các hãng xe cần tính toán lại việc sản xuất đđáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

 
Cơn ác mộng mang tên “khí thải CO2
Do đâu các “ông lớn” trong ngành sản xuất xe hơi của thế giới phải lao đao? Các chuyên gia trong ngành cho rằng, xe hơi điện và CO2 là những cơn ác mộng của các nhà sản xuất. Theo cơ quan tư vấn Mỹ chuyên về công nghệ xe hơi AlixPartners, các phương tiện di chuyển đang bước vào một giai đoạn mới, thời kỳ mà xe hơi không còn là phương tiện được người tiêu dùng yêu thích nhất. Từ nạn tắc đường đến ô nhiễm không khí khiến một phần dân cư ở các thành phố lớn có cái nhìn kém thiện cảm với các loại xe bốn bánh.

Chính vì muốn chinh phục lại thị phần này mà các nhà sản xuất đang bỏ ra rất nhiều tiền đđầu tư vào cả một thế hệ xe hơi cho tương lai và tương lai đang thuộc về các kiểu xe điện. Theo AlixPartners, trong 5 năm sắp tới, thế giới sẽ dành ra đến 230 tỉ đô la để phát triển xe điện, 60 tỉ để phát triển xe không người lái. Vấn đđặt ra là các hãng xe đã trông thấy các khoản xuất ra vô cùng to lớn nhưng không hề biết là sẽ thu hồi lại được bao nhiêu. Đó là lý do thách thức ngành sản xuất ô tô của thế giới.

Bên cạnh đó, cơn ác mộng đối với ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu chính là “khí thải CO2”. Châu Âu đang trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nên đang siết chặt các chuẩn mực về lượng thải khí carbon. Giới trong ngành gọi đây là “một bức tường thành kiên cố” mà họ phải vượt qua. Có hai vấn đđặt ra cùng một lúc cho các hãng xe. Trong lúc xe chạy bằng dầu diesel đã bị chê là độc hại vì phát ra những hạt bụi cực nhỏ không tốt cho sức khỏe, người tiêu dùng quay lại với các kiểu xe chạy bằng xăng. Tuy nhiên, xe chạy bằng xăng hiện vẫn thải nhiều CO2.

Bài toán càng thêm nan giải khi người tiêu dùng có khuynh hướng sắm các kiểu SUV, xe lớn và nặng, vừa tốn năng lượng vừa thải nhiều khí carbon. Trong các điều kiện hiện nay, ba tổ hợp tên tuổi của châu Âu là Volkswagen của Đức, Fiat của Ý và PSA của Pháp có nguy cơ bị phạt trên 500 triệu euro mỗi bên vì vẫn đang vượt quá ngưỡng CO2 châu Âu cho phép.
Hợp lực để vượt qua những lực cản
Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành, hiện đang có xu hướng chung đặt ra cho ngành công nghiệp xe hơi thế giới, đó là các công ty có khả năng sản xuất trên 7 triệu chiếc xe một năm thì mới đủ sức chống chọi với sức cạnh tranh trên trường quốc tế, có đủ sức đầu tư thêm vào các lĩnh vực nghiên cứu và phát minh mà không ảnh hưởng đến giá thành của mỗi chiếc xe.

Theo chiều hướng này, hai tập đoàn lớn của nền công nghiệp châu Âu: Peugeot Citroen (PSA) của Pháp và Fiat Chrysler (FCA) của Ý đã chính thức hợp lực với nhau để hình thành tập đoàn sản xuất xe hơi lớn thứ tư trên thế giới. Khi cả hai hợp lực lại, doanh số bán xe hàng năm đạt 8,7 triệu chiếc, với doanh thu lên tới 184 tỉ Euro.

Theo giới quan sát, cuộc sát nhập này được đánh giá là có nhiều khả năng lâu bền bởi cả hai đang đều rất “môn đăng hộ đối”: Peugeot và Fiat là hai nhà “quý tộc trong số các tập đoàn công nghiệp truyền thống của châu Âu”. Khối lượng tài sản của cả hai hãng xe đều rất tương xứng: PSA là một tổng thể bao gồm 5 nhãn hiệu xe hơi có uy tín; trong khi Fiat có 9 nhãn hiệu xe quen thuộc từ Fiat Chrysler đến Maserati hay Dodge... Hãng xe của Ý thành công trên thị trường Mỹ với những chiếc xe Jeeep hay Maserati nhưng lại yếu thế ngay tại châu Âu. Ngược lại, PSA của Pháp rất được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng, nhưng lép vế trên thị trường Mỹ. Đây là cơ hội bằng vàng để Peugeot PSA chinh phục thị trường Mỹ. Nhưng không chỉ có thế, hai nhà sản xuất lâu đời này của châu Âu cùng cần có nhau đđối mặt với cạnh tranh của quốc tế ngày càng gay gắt.

Cuối cùng, viễn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài, Tổng thống Mỹ vẫn dọa đánh thuế nhập khẩu nhắm vào xe hơi của thế giới thì các nhà sản xuất vẫn sẽ tiếp tục đứng ngồi không yên./.
 
Trúc Linh
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top