Ngành dệt may Việt Nam đưa ra kịch bản “vượt sóng” trong năm 2023

11/04/2023 - 02:20 PM
Năm 2022, xuất khẩu dệt may của Việt Nam cán đích một cách đáng ghi nhận khi mang về 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, ngành dệt may Việt Nam được dự báo sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi. Do đó, hầu hết doanh nghiệp đều phải xây dựng các kịch bản ứng phó để “vượt sóng”.
 
Nhận định những khó khăn

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, năm 2022 là năm "đầu xuôi đuôi chưa lọt" đối với ngành dệt may Việt Nam khi thị trường nửa năm đầu tăng trưởng “quá nóng”, cuối năm lại rơi vào tình trạng “nguội lạnh”. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, ngành dệt may đã có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 15 năm trở lại đây, mức tăng 35-40%. Song bước sang 2 quí cuối năm 2022, đơn hàng quay đầu sụt giảm mạnh, có đơn vị giảm tới 70-80% đơn hàng.

Nhìn lại năm 2022, các doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng cho biết, có 2 giai đoạn rõ rệt: 6 tháng đầu năm không khí phấn khởi khi xu hướng đặt hàng tăng mạnh, đặc biệt diễn ra trong suốt quí I, nhiều doanh nghiệp không đủ lực lượng lao động để làm, phải thường xuyên tăng giờ làm hoặc chuyển cho các đơn vị khác thực hiện gia công để kịp tiến độ giao hàng. Ở quí II, mức tăng trưởng bắt đầu chậm hơn nhưng vẫn tích cực. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm sự sụt giảm từng bước nặng nề hơn, một phần do sức mua đã tăng mạnh trong nửa đầu năm, nhưng phần quan trọng hơn do tình hình lạm phát tại nhiều quốc gia, tâm lý người tiêu dùng bất an khiến cầu đột ngột co rút.


 
Ngành dệt may năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn

Theo lý giải của các doanh nghiệp, sau gần 2 năm giãn cách xã hội, người tiêu dùng nhiều quốc gia xuất hiện tâm lý “quá mua”, tức mua nhiều hơn thông thường. Phía các nhà phân phối do lo sợ tình trạng giao hàng chậm vì tắc nghẽn chuỗi cung ứng, khi thời điểm diễn ra dịch bệnh đã tăng đặt hàng số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu rất cao của các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Nhưng tình hình mua nhiều không kéo dài lâu sau những bất ổn địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine, thiếu hụt năng lượng… khiến kinh tế thế giới nhanh chóng rơi vào lạm phát. Người dân các nước, đáng chú ý là tại các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, châu Âu... siết chặt hầu bao với các sản phẩm không thiết yếu như dệt may. Trong khi đây là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam.

Cuối tháng 6, nhiều nhãn hiệu thời trang có lượng hàng tồn tăng tới 50%, thậm chí cao hơn thời điểm dịch bệnh diễn ra. Từ tháng 8, thị trường có dấu hiệu xấu hơn và tháng 9, dệt may đổi chiều đi xuống. Những tháng đầu quí IV, thị trường sợi gần như không có thanh khoản, đơn hàng may giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các doanh nghiệp liên tục được công bố, đặc biệt là các đơn vị sợi.

Theo đánh giá của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành dệt may Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu nên bị ảnh hưởng lớn bởi tổng cầu của thế giới, tổng cầu của thế giới lại phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế, lạm phát, việc làm, thu nhập của người dân tại các quốc gia. Trong khi kinh tế thế giới năm 2022 với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua là những con số chưa bao giờ xảy ra. Do đó, người dân thắt chặt chi tiêu, giảm sức mua đối với các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may.

Mặc dù sản xuất sụt giảm mạnh vào 3 tháng cuối năm nhưng nhờ mức tăng trưởng cao trong 3 quí trước đó, ngành dệt may năm 2022 vẫn cán đích xuất khẩu, tăng 10% so với năm 2021, đạt hơn 44 tỉ đô la, một con số kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam từ trước đến nay. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, đây là “nỗ lực tuyệt vời” của các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đảo chiều, tổng cầu dệt may năm 2022 giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các kịch bản "vượt sóng"

Theo các chuyên gia kinh tế, những tháng cuối cùng của năm thường là cao điểm sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu cần lượng lớn lao động như dệt may, nhưng thị trường xoay chiều lao dốc, ảm đạm, đơn hàng giảm sâu, tồn kho lớn… Các nhà mua hàng thay vì đặt đơn hàng số lượng lớn thì thời gian gần đây chỉ đặt theo sức mua của người tiêu dùng, thời gian giao hàng nhanh để toàn chuỗi cung ứng không bị tồn đọng nhiều sản phẩm. Điều này buộc các nhà sản xuất phải chấp nhận làm những mặt hàng mà trước đây họ chưa từng làm, nỗ lực xoay xở tìm kiếm đơn hàng mới, thị trường mới… Thậm chí nhận các đơn hàng nhỏ, giảm giá đơn hàng và cơ cấu lại sản xuất từ hàng dệt kim sang dệt thoi và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu… để nhà xưởng không bị đóng cửa và giữ chân người lao động.

Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM cho biết, so với giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022, cuối năm 2022 đơn hàng của ngành đã sụt giảm nhiều, chỉ còn 70-80%. Do đó các doanh nghiệp trong ngành dệt may đang cố gắng duy trì, tiếp tục giữ hoạt động sản xuất bằng các biện pháp tình thế như cắt giảm, không tăng ca như trước, hoặc nhận làm những đơn hàng với sản phẩm có giá thấp…Tuy vậy, vẫn có các doanh nghiệp FDI của ngành dệt may đang phải cắt giảm lao động.

Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM dự báo trong quí I/2023, thậm chí đến giữa năm 2023 tình hình vẫn còn khó khăn nhưng đa số doanh nghiệp vẫn kỳ vọng những bất ổn trên thế giới cải thiện, kinh tế sớm phục hồi, tình hình đơn hàng sẽ sớm hồi phục.

Tương tự, Vitas cho biết đơn hàng từ cuối năm 2022 tới quí I/2023 giảm 25-27% do sức mua của toàn cầu giảm. Doanh nghiệp làm hàng gia công chịu áp lực lớn hơn đơn vị làm FOB (tự chủ nguyên liệu) do không chủ động được thị trường, đầu vào nguyên nhiên liệu…Hiện, nhiều doanh nghiệp chỉ nhận được đơn hàng bằng 70-80% năng lực sản xuất. Cầu về sản phẩm may mặc vẫn yếu, ít nhất là quí đầu năm 2023 chưa khả quan.

Theo các doanh nghiệp trong ngành, các yếu tố tác động chính đến thị trường năm 2023, đó là chính sách lãi suất của FED, xung đột Nga - Ukraine chưa biết đến khi nào kết thúc, môi trường kinh doanh nói chung (tắc nghẽn chuỗi cung ứng, giá cước logistics, lạm phát toàn cầu…). Những yếu tố này cho thấy năm 2023 thị trường chưa thể có sự hồi phục sớm.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng cao hơn mức đạt kỷ lục của năm 2022. Cụ thể, ngành đặt ra hai kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt 47 - 48 tỉ đô la và kịch bản kém tích cực hơn là đạt khoảng 45 - 46 tỉ đô la, tức vẫn cao hơn mức hơn 44 tỉ đô la của năm 2022.

Trong điều kiện kịch bản thuận lợi, những bất ổn từ thị trường thế giới có thể được kiểm soát, ngành may mặc dự báo hết quí I năm 2023 mọi việc sẽ phục hồi. Vì vậy, kịch bản 47-48 tỉ đô la có thể thành hiện thực. Tuy nhiên, kịch bản 2 ít thuận lợi khi thị trường phục hồi vào nửa cuối năm 2023 - mức độ tăng trưởng vào khoảng 4,5% và cán mức ở mức 45 tỷ USD.

Theo Vitas, Việt Nam có cơ sở để đưa ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 2023 cao hơn năm 2022. Đó là thông tin về các hiệp định thương mại là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng. Đơn cử như trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm cho các nước đạo Hồi với tỷ trọng nhỏ, nhưng đến nay, doanh nghiệp đang cung cấp hàng cho thị trường này rất lớn, họ chuyển dịch một phần đơn hàng từ các nước Banglades, Myanma sang. Ngoài ra, dệt may Việt Nam đã và đang thúc đẩy giảm nhập khẩu, tăng nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước. Chính điều này là giải pháp để doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên phụ liệu sản xuất. Theo thống kê sơ bộ của Vitas, hiện dệt may đã nội địa hóa được khoảng 49%, thời gian 2023-2025 tới đây, dự kiến con số này sẽ được nâng lên mức 51-55%.

Bên cạnh đó, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây là giải pháp để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển tại Việt Nam; đặc biệt là sự khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.

Vinatex cho biết, là một ngành khá nhạy với nhu cầu thế giới, việc các doanh nghiệp chủ động chuyển hướng với các thay đổi từ thị trường sẽ quyết định nhiều đến việc giữ nhịp tăng trưởng của ngành dệt may trong năm 2023 trong bất kỳ kịch bản nào (Bài học của 6 tháng đầu năm 2022 khi quá mua, tạo ra lượng tồn kho rất lớn và phải xử lý trong 6 tháng cuối năm 2022). Hiện nay toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu đặt hàng căn cứ trên sức mua, giám sát theo sức mua, đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh, lượng hàng nhỏ để toàn chuỗi không bị tăng tồn kho ngoài dự kiến.

Cũng theo Vinatex, giai đoạn hiện nay không chỉ có khó khăn của riêng ngành dệt may Việt Nam mà là khó khăn của thị trường toàn cầu khi tổng lượng cầu của thế giới đột ngột giảm sút do kinh tế suy giảm. Đây là giai đoạn mang tính chất ngắn hạn, do đó, giải pháp quan trọng cần xác định đâu là những tài sản cần bảo vệ trong dài hạn. Đối với ngành dệt may, thứ nhất là làm sao phục vụ được các đối tác dài hạn có tên tuổi. Thứ hai, phải giữ được đội ngũ lao động có trình độ cao để đảm bảo khi thị trường phục hồi có ngay lực lượng đáp ứng cho yêu cầu của thị trường. Giải pháp xoay quanh trọng tâm là giữ được hai tài sản chiến lược này. Đồng thời, tập trung vào việc cải thiện năng suất lao động, hiệu quả quản trị, giảm chi phí… song song với tập trung đổi mới công nghệ tự động hóa, giảm sức lao động cũng như số lượng lao động.

Trong bối cảnh đó, để tăng khả năng cạnh tranh, ngành may mặc Việt Nam cần ưu tiên khả năng cung ứng trọn gói, sản xuất được cả sợi, vải và may; tiên phong sản xuất sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế để thúc đẩy xuất khẩu sang các nước châu Âu. Vì vậy, Việt Nam cần kiên trì định hướng sản xuất theo chuỗi nâng cao tỷ lệ sản phẩm xanh; Kiên trì bám sát khách hàng, bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt với thị trường và đảm bảo việc làm cho người lao động; bảo vệ nguồn lực doanh nghiệp để chống chọi trong bối cảnh khó khăn có thể kéo dài…

Tuy nhiên, trước mắt để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, Vitas đưa ra kiến nghị lên Chính phủ và các bộ, ngành, cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp trong năm 2023. Cùng với đó, tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.

Đối với lãi suất ngân hàng, Nhà nước có thể cân nhắc với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm, thì giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động./.
ThS. Lưu Thị Duyên - ThS. Nguyễn Hữu Bình
Trường Đại học Lao động - Xã hội
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top