Ngành dịch vụ giữa mùa dịch và triển vọng trong năm 2022

16/02/2022 - 03:08 PM
Sau 2 năm liên tiếp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các ngành dịch vụ đã gánh chịu tác động nặng nề và có sự suy giảm sâu so với thời điểm trước đại dịch. Tuy nhiên bước sang năm 2022 nền kinh tế nói chung, cũng như ngành dịch vụ nói riêng xuất hiện những tín hiệu khả quan là cơ hội để phục hồi trở lại.
 
Doanh thu du lịch lữ hành

Chịu tác động nặng nề nhất trong năm 2021 là du lịch lữ hành với mức tăng trưởng âm, lên tới 59,9% chủ yếu do lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 157,3 nghìn lượt khách, bằng 4,1% so với cùng kỳ. Cũng cần nhớ lại rằng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2020 cũng chỉ đạt 3,8 triệu lượt khách (bằng 21,3% so với con số 18 triệu lượt khách năm 2019).

 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Bên cạnh đó, các hình thức du lịch trong nước cũng sụt giảm lớn do biện pháp giãn cách xã hội tại các địa phương dẫn tới doanh thu du lịch lữ hành của cả năm 2021 chỉ đạt 6,5 nghìn tỷ đồng (năm 2020 là 16,3 nghìn tỷ đồng; năm 2019 là 44,3 nghìn tỷ đồng). Tăng trưởng ở một số tỉnh, thành phố có sự sụt giảm doanh thu lớn trong năm 2021 như: Hà Nội giảm 45,56%; TP. Hồ Chí Minh giảm 60,22%; Hải Phòng giảm 70,27%; Huế giảm 71,32%; Cần Thơ giảm 52,08%; Đà Nẵng giảm 40,63%; Thanh Hóa giảm 67,8%; Quảng Bình 45,9%; Quảng Ninh giảm 32,86%.
 
 

Doanh thu lưu trú ăn uống

Ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống trải qua một năm đầy khó khăn, dịch bệnh Covid-19 với những biến thể mới trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của ngành. Dịch bùng phát mạnh từ cuối tháng 4 tại các tỉnh phía Nam, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, dẫn tới doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, doanh thu quý III chỉ bằng 52,7% quý III/2020.

Tính chung cả năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 398 nghìn tỷ đồng, giảm 19,32% so với năm 2020. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 28,2 nghìn tỷ đồng, giảm 37,94%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 369,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17,43% so với năm trước.

Tăng trưởng ở một số tỉnh, thành phố có sự sụt giảm lớn trong năm 2021 như: Hà Nội giảm 13,95%; TP. Hồ Chí Minh giảm 46,11%; Đà Nẵng giảm 20,02%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 52,18%; Tiền Giang giảm 35,56%; Nghệ An giảm 30,74; Bình Dương giảm 23,45%; Cà Mau giảm 23,44%; Hải Phòng giảm 17,8%; Cần Thơ giảm 12,9%; Quảng Ninh giảm 10,32%.

 

Doanh thu dịch vụ khác

Doanh thu dịch vụ khác năm 2021 ước đạt 434,1 nghìn tỷ đồng, giảm 16,83% so với cùng kỳ năm trước (năm 2020 cũng sụt giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2019).

Một số tỉnh, thành phố có tăng trưởng âm như: TP. Hồ Chí Minh giảm 29,13%; Khánh Hòa giảm 20,44%; Cà Mau giảm 17,68%; Vĩnh Long giảm 16,33%; Cần Thơ giảm 15,09%; Đà Nẵng giảm 13,18%; TP. Hà Nội giảm 13,14%; Bình Định giảm 8,76%; Bình Dương giảm 7,91%; Phú Yên giảm 2,29%.

Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát cao điểm từ tháng 7 đến tháng 9 nên doanh thu các ngành dịch vụ bị sụt giảm lớn. Các ngành ảnh hưởng nhất đó là dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 37,72% do học sinh phải nghỉ học; Dịch vụ vui chơi và giải trí tại các khu vui chơi phải đóng cửa nên giảm 20,6%; Dịch vụ hành chính và hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở cá thể ngừng hoạt động giảm 12,98%; Dịch vụ phục vụ cá nhân và cộng đồng các doanh nghiệp và cơ sở massage, các cơ sở dịch vụ cắt tóc, gội đầu cũng phải tạm dừng hoạt động, đến nay hoạt động trở lại nhưng vừa hoạt động cầm chừng, vừa chống dịch nên hiệu quả chưa cao.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa

Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2021 ước đạt 3.950,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,15% so với năm 2020, cụ thể từng nhóm hàng như sau:

Nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 1.402 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các nhóm ngành hàng (35,49%), tăng 10,57% so với năm trước, do đây là nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu ăn uống sinh hoạt hàng ngày của người dân nên vẫn duy trì ổn định;

Nhóm hàng may mặc ước tính đạt 197 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,0%, giảm 9,31% so với năm trước;
Nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 472 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, giảm 8,03% so với năm trước;

Nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục ước tính đạt 47,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,2%, giảm 5,95% so với cùng kỳ năm trước;

Nhóm phương tiện đi lại ước đạt 213,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,4%, giảm 1,57% so với cùng kỳ năm trước;

Nhóm xăng dầu các loại ước đạt 440,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,16%, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao;

Doanh thu tổng mức bán lẻ của một số địa phương so với cùng kỳ như sau: Hà Nội tăng 3,51%; Quảng Ninh tăng 6,03%; Hải Phòng tăng 13,37%; Đà Nẵng tăng 6,73%; Khánh Hòa giảm 9,91 %; Bình Dương tăng 9,64%; Đồng Nai tăng 7,06%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 5,46%; TP. Hồ Chí Minh giảm 22,23%, Cần Thơ tăng 1,69%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong giai đoạn 2016-2019 (trước khi chịu tác động bởi đại dịch Covid-19) luôn đạt mức tăng trưởng trên 10%. Tuy nhiên, năm 2020 chỉ đạt 0,73% và năm 2021 đạt tăng trưởng âm là 3,76%.

Xét theo nhóm ngành dịch vụ, cơ cấu doanh thu lưu trú ăn uống trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã giảm 3,6 điểm % so với năm 2019 (từ 11,9% năm 2019 xuống còn 8,3% năm 2021); cơ cấu doanh thu du lịch lữ hành giảm 0,8 điểm % (từ 0,9% năm 2019 xuống còn 0,1% năm 2021); doanh thu dịch vụ khác cũng giảm 2,2 điểm % (từ 11,3% năm 2019 xuống còn 9,1% năm 2021). Tính chung cơ cấu của tổng mức doanh thu bán lẻ tăng lên 4,8 điểm % (từ 75,9% năm 2019 lên 82,5% năm 2021).

Bảng 1: Doanh thu và cơ cấu các nhóm ngành dịch vụ giai đoạn 2019-2021
 
  2019 2020 2021
Giá trị (Tỷ đồng) Cơ cấu (%) Giá trị (Tỷ đồng) Cơ cấu (%) Giá trị (Tỷ đồng) Cơ cấu (%)
Tổng mức BL và DTDVTD 4,930,838 100.0 4,976,455 100.0 4,789,495 100.0
Bán lẻ hàng hóa 3,743,000 75.9 3,944,936 79.3 3,950,894 82.5
Trong đó:            
- Lương thực, thực phẩm 1,149,431 30.7 1,267,998 32.1 ,401,992 35.5
- Hàng may mặc 215,202 5.7 217,200 5.5 196,976 5.0
- Đồdùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình  
496,386
 
13.3
 
513,170
 
13.0
 
471,984
 
11.9
- Vật phẩm văn hóa, giáo dục  
52,088
 
1.4
 
50,473
 
1.3
 
47,471
 
1.2
- Phươngtiệnđilại(trừôtô, kể cảphụtùng)  
218,401
 
5.8
 
216,679
 
5.5
 
213,272
 
5.4
Dịchvụlưutrú, ănuống 586,491 11.9 493,270 9.9 397,950 8.3
Lưu trú 64,343 11.0 45,518 9.2 28,249 7.1
Ăn uống 522,148 89.0 447,753 90.8 369,701 92.9
Du lịch lữ hành 44,259 0.9 16,263 0.3 6,522 0.1
Dịch vụ khác 557,088 11.3 521,985 10.5 434,129 9.1

Cơ cấu các nhóm ngành hàng trong tổng mức bán lẻ cũng có sự thay đổi trong 3 năm 2019-2021: Nhóm hàng may mặc giảm 0,7 điểm % (từ 5,7% năm 2019 xuống còn 5,0% năm 2021); nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 0,6 điểm % (từ 13,3% năm 2019 xuống còn 11,9% năm 2021); Vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 0,2 điểm % (từ 1,4% năm 2019 xuống còn 1,2% năm 2021); nhóm hàng phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) giảm 0,4 điểm % (từ 5,8% năm 2019 xuống còn 15,4% năm 2021).

Thực trạng cho thấy, đại dịch Covid-19 đã có tác động rất sâu rộng đến các ngành dịch vụ làm giảm đáng kể sức mua và thay đổi thói quen tiêu dùng. Người dân đã hạn chế chi tiêu cho các dịch vụ không thiết yếu như đi du lịch, ăn uống ngoài gia đình, sử dụng các dịch vụ xã hội…, đồng thời giảm chi tiêu cho những sản phẩm không thiết yếu.

Triển vọng năm 2022

Tuy chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong 2 năm liên tiếp, nhưng các ngành dịch vụ vẫn được đánh giá là có triển vọng phát triển khá trong năm 2022 ở 03 điểm sáng sau:

Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, tuy nhiên Việt Nam đã có cách tiếp cận thích ứng an toàn để phát triển kinh tế, các địa phương thực hiện việc khoanh vùng nhỏ nhất, xử lý triệt để các ổ dịch, do vậy hoạt động kinh doanh các ngành dịch vụ chắc chắn sẽ có mức tăng trưởng khá so với năm 2021.

Thứ hai, từ 01/01/2022, các đường bay quốc tế có thể được mở cửa trở lại và mở thêm, khách quốc tế có cơ hội đến Việt Nam và người Việt Nam có thể đi du lịch nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để ngành du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, từ đó kích thích các ngành dịch vụ khác phát triển như lưu trú, ăn uống, bán buôn, bán lẻ... Đồng thời, với việc mở rộng các hình thức vận chuyển (đường bộ và đường sắt), kết nối với thương mại quốc tế của Việt Nam sẽ linh động hơn đối với cả hàng hóa và hành khách, ngành vận tải chắc chắn cũng sẽ có kỳ vọng tăng trưởng cao trở lại.

Thứ ba, tỷ lệ tiêm phòng của Việt Nam cũng đã đạt ở mức rất cao; đồng thời dự kiến trong năm 2022 sẽ có thuốc điều trị Covid-19. Đây chính là động lực lớn nhất cho thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam để phục hồi trở lại sau đại dịch./.

 
Nguyễn Việt Phong
Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ - TCTK
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top