Những năm gần đây, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh và suy thoái kinh tế, song ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch An (Cao Bằng) đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Một số giải pháp đã được ngành giáo dục Thạch An tập trung thực hiện như: Đổi mới công tác quản lý giáo dục, làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ, bảo đảm đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ; đổi mới công tác kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Khuyến khích cán bộ, giáo viên tham gia đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ; tăng cường năng lực quản lý, chuyên môn ở các cấp học, đặc biệt là đội ngũ giáo viên nòng cốt, thực hiện tốt phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chúc mừng Trường Tiểu học và THCS Đức Xuân,
huyện Thạch An đón Bằng công nhận đạt chuẩn Quốc gia
Thực hiện chủ trương về rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học, Phòng Giáo GD&ĐT huyện Thạch An đã tham mưu cho UBND Huyện tiến hành sáp nhập các trường, đồng thời tăng cường đưa học sinh khối lớp 3, 4, 5 từ các điểm lẻ về trường trung tâm để học sinh được học tập trong môi trường tốt hơn, phát triển được năng lực và phẩm chất.
Sau quá trình triển khai sắp xếp, hiện quy mô mạng lưới trường lớp các cấp học Mầm non, Tiểu học và THCS của Huyện được duy trì ổn định, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Năm học 2023-2024, toàn huyện Thạch An có 35 đơn vị trường học, bao gồm: 32 Trường Mầm non, Tiểu học, THCS; 02 trường THPT và 01 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện với tổng số 7.150 học sinh, trên 600 giáo viên. Đến nay, toàn Huyện có 11 trường học đạt chuẩn quốc gia; Huyện Thạch An đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục Tiểu học đạt chuẩn mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS và xóa mù chữ đạt chuẩn mức độ 2.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Việt, xã Lê Lai, huyện Thạch An
Đặc biệt, do nhu cầu đầu tư về công tác giáo dục và đào tạo là rất lớn, huyện Thạch An đã tập trung ưu tiên nguồn lực cho các trường thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, trường trong lộ trình đạt chuẩn quốc gia và nâng mức độ đạt chuẩn. Trong đó, nội dung tập trung đầu tư bao gồm: Xây dựng phòng học văn hóa, phòng học bộ môn, thư viện, đầu tư các trang thiết bị dạy học hiện đại cho phòng học kết nối, phòng tin học, phòng ngoại ngữ, máy chiếu đa năng; xây dựng các công trình phụ trợ như: bếp nấu, nhà ăn bán trú, nhà tắm, nhà vệ sinh… đáp ứng cơ bản yêu cầu của các Nhà trường. Năm học 2023-2024, toàn huyện Thạch An có 427 phòng học, cơ sở vật chất các trường từng bước được chuẩn hóa, tỷ lệ trường học được kiên cố hóa đạt cao. Về phát triển mạng lưới trường lớp, 100% các xã, thị trấn đều có đủ ba cấp học, đảm bảo đủ về phòng học, đa dạng hóa các loại hình trường lớp.

Trường THCS Đông Khê, huyện Thạch An nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh Cao Bằng
Song song với đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành GD&ĐT huyện Thạch An thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp. Các Nhà trường cũng đổi mới sinh hoạt chuyên môn, tăng cường tổ chức các chuyên đề ở các khối lớp, các bộ môn, tổ chức dạy học kết nối liên trường. Hiện, ngành GD&ĐT huyện Thạch An có đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo về lượng và chất, 100% cán bộ quản lý được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục và hoàn thành lớp trung cấp lý luận chính trị. Đặc biệt, Những năm học gần đây, Phòng GD&ĐT huyện Thạch An đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ năm học, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch của Huyện và ngành Giáo dục đề ra. Chất lượng giáo dục đại trà tương đối ổn định, chất lượng giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng lên. Thạch An luôn là một trong những huyện tốp đầu của ngành GD&ĐT tỉnh Cao Bằng về chất lượng giáo dục toàn diện.

Huyện Thạch An khai mạc tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024
Với phương châm “Lấy học sinh làm trung tâm”, toàn ngành GD&ĐT huyện Thạch An xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; chuyển dần từ giáo dục “chủ yếu trang bị kiến thức” sang “phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Giáo viên thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức đánh giá học sinh nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; giáo dục truyền thống, lịch sử quê hương, kỹ năng sống, ý thức tự giác. Tổ chức nhiều sân chơi trí tuệ, các cuộc giao lưu như Olympic, Trạng nguyên Tiếng Việt… Việc đa dạng hóa các hình thức học tập, đã giảm áp lực, khơi gợi hứng thú, nuôi dưỡng đam mê, giúp học sinh có cơ hội phát triển sở trường, năng lực cá nhân.

Khai mạc Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 năm học 2023-2024
Theo đó, chất lượng giáo dục toàn Ngành những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng thực chất. Qua các hội thi, kỳ thi cấp tỉnh, ngành GD&ĐT huyện Thạch An đều đạt kết quả cao. Năm học 2022-2023, bậc Tiểu học tỷ lệ học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt năm học đạt 98,4%; bậc THCS tỷ lệ học sinh khá, giỏi khối lớp 6, 7 đạt 47,7%, khối lớp 8, 9 đạt 59,5%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%. Năm học 2023-2024, bậc Tiểu học tỷ lệ học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt năm học đạt 99,6%; bậc THCS tỷ lệ học sinh khá, giỏi khối lớp 6, 7, 8 đạt 58,3%, khối lớp 9 đạt 55,9%. Huyện Thạch An duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục đúng độ tuổi vững chắc, nhiều năm liền huy động được 100% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1, trẻ lớp 5 vào học lớp 6.

Đồng chí Ngô thế Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch An tặng hoa chúc mừng Trường Mầm Non,
Tiểu học và THCS Thụy Hùng nhân dịp Khai giảng năm học 2024-2025
Thầy Đinh Xuân Lễ, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch An khẳng định: “Với sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân trong Huyện cho sự nghiệp giáo dục, trên tinh thần “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, thời gian tới, toàn ngành GD&ĐT huyện Thạch An sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng và hành động của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tiếp tục đưa việc đổi mới công tác quản lý và đổi mới phương pháp dạy - học là khâu đột phá, là điều kiện tiên quyết để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của địa phương”./.
Trọng Nghĩa