Giai đoạn 2020-2023, trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, ngành Ngân hàng tỉnh Yên Bái tiếp tục khẳng định vai trò trọng yếu, “mạch máu” nền kinh tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy thăm quan hộ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Trạm Tấu vay vốn
ngân hàng đầu tư vào chăn nuôi đại gia súc phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình
Hiện trên địa bàn Tỉnh có 12 chi nhánh ngân hàng loại I (tăng 02 chi nhánh so với năm 2020); 09 chi nhánh loại II, 53 phòng giao dịch, 17 Quỹ Tín dụng Nhân dân (QTDND), 14 phòng Giao dịch Bưu điện trực thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt; 173 điểm giao dịch lưu động của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tại UBND các xã, phường, thị trấn trong Tỉnh; 61 máy ATM (tăng 13 máy so với năm 2020); 06 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh huyện Yên Bình (tăng 01 điểm so với năm 2020); 328 máy POS (tăng 135 máy so với năm 2020).
Thực hiện tốt chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương
Để hoàn thành tốt mục tiêu, kế hoạch năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã quán triệt và chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn Tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Tỉnh và các văn bản chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp với tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn. Chi nhánh đã sớm tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng hằng năm, đề ra định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế (năm sau so với năm trước), tỷ lệ nợ xấu nội bảng so với tổng dư nợ dưới 2%; tổ chức các Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng trên địa bàn quý, 6 tháng, 9 tháng và triển khai phương hướng nhiệm vụ thời gian tiếp theo. Qua đó, đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, QTDND thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng phù hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Một phiên giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Nghĩa Lộ tại Điểm giao dịch xã Nghĩa An
Kết quả hoạt động của các chi nhánh ngân hàng và QTDND trên địa bàn tính đến 31/12/2023: Tổng nguồn vốn đạt 49.897 tỷ đồng, tăng 166% so với năm 2020; Tổng dư nợ cho vay 41.530 tỷ đồng, tăng 157,56% so với năm 2020; Tỷ lệ nợ xấu/Tổng dư nợ 0,31%, giảm 0,16% so với năm 2020. Đến 31/3/2024, tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng và QTDND trên địa bàn đạt 51.911 tỷ đồng, tăng 4,04% so với 31/12/2023. Tổng dư nợ cho vay trên toàn địa bàn đạt 43.064 tỷ đồng, tăng 3,69% so với 31/12/2023. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến 31/3/2024 chỉ chiếm 0,36% tổng dư nợ.
Khách hàng đến giao dịch tại Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái
Đồng hành cùng sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tốt các chính sách dân tộc
Để góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thực hiện tốt các chính sách dân tộc, an sinh xã hội, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, gắn tăng trưởng tín dụng với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung nguồn vốn tín dụng để cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng hoá xuất khẩu; đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Kết quả cụ thể so với 31/12/2020 như sau: Về dư nợ cho vay thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ đến 31/12/2023 đạt 19.283 tỷ đồng, tăng 78% so với 31/12/2020, chiếm tỷ trọng 46,43% trong tổng dư nợ trên địa bàn. Đến 31/3/2024, ước đạt 19.500 tỷ đồng, tăng 1,26% so với 31/12/2023, chiếm 45,8% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến 31/12/2023 đạt 13.027 tỷ đồng, tăng 48,02%, chiếm tỷ trọng 31,37% trong tổng dư nợ trên địa bàn. Đến 31/3/2024, ước đạt 13.300 tỷ đồng, tăng 2,1% so với 31/12/2023, chiếm 31,2% tổng dư nợ.
Nhờ được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nên nhiều hộ dân ở huyện Mù Cang Chải đã mạnh dạn đầu tư
chuồng trại nuôi bò nâng cao thu nhập gia đình, góp phần xóa đói, giảm nghèo
Đối với Chương trình tín dụng chính sách, hiện Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Yên Bái đang triển khai 18 chương trình tín dụng (tăng 04 chương trình), dư nợ cho vay đến 31/12/2023 là 4.868 tỷ đồng, tăng 47,2% so với 31/12/2020, đến 31/3/2024 đạt 5.003 tỷ đồng, tăng 2,77% so với 31/12/2023. Trong đó, có nhiều chương trình cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Cho vay hộ nghèo, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay thương nhân vùng khó khăn, cho vay đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi...
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15, Ngân hàng CSXH đã giải ngân cho 7.162 lượt khách hàng với tổng số tiền là 461,3 tỷ đồng, đã hỗ trợ tạo việc làm mới cho 5.018 lao động, hỗ trợ 138 hộ có thu nhập thấp làm nhà ở, hỗ trợ 1.801 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị học trực tuyến, hỗ trợ 11 cơ sở mầm non bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 có chi phí phục hồi hoạt động, hỗ trợ 704 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn chưa có nhà ở, thiếu đất sản xuất để làm nhà ở và chuyển đổi nghề.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái khen thưởng 21 đơn vị phối hợp xuất sắc ngoài ngành
Với kết quả trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, QTDND trên địa bàn duy trì tăng trưởng tín dụng, tập trung ưu tiên vốn cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách liên quan đến cho vay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách tín dụng của các chi nhánh ngân hàng, QTDND tham gia thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững... để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện./.
Nguyễn Quang Đạt
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái