Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra quan điểm phát triển nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Chiến lược cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ nền kinh tế
Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra quan điểm nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo Tổng cục Thống kê năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Đóng góp vào thành công này ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Tiếp tục chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang đa ngành tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Cụ thể, năm 2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng trưởng tích cực tăng 3,83%, đóng góp 8,84%. Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 3,88% so với năm trước, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,74%; ngành thủy sản tăng 3,71%.
Kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2023 cho thấy, sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 0,8 triệu tấn so với năm 2022. Sản lượng lương thực có hạt đạt 47,9 triệu tấn, tăng 790 nghìn tấn. Diện tích trồng cây lâu năm đạt 3.760,3 nghìn ha, tăng 1,1% so với năm 2022.
Thủy sản phát triển khá, tập trung chuyển đổi theo hướng bền vững, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi, áp dụng rộng rãi nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao. Năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 9.312,3 nghìn tấn, tăng 2,2% so với năm trước; bao gồm: Cá đạt 6.612,6 nghìn tấn, tăng 1,8%; tôm đạt 1.356,1 nghìn tấn, tăng 5%; thủy sản khác đạt 1.343,6 nghìn tấn, tăng 1,7%. 7 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 5.225,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 3.760,2 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 699,0 nghìn tấn, tăng 3,9%; thủy sản khác 766,6 nghìn tấn, tăng 2,1%.
Năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 298,2 nghìn ha. số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 116,3 triệu cây, tăng 5,2%. 7 tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 143,4 nghìn ha, tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 51,1 triệu cây, tăng 3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 11.943,2 nghìn m3, tăng 7,1%.
Năm 2023 có 1.776 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đầu tư vào nông nghiệp ngoài các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục tăng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Thương mại và Đầu tư Biển Đông.
Để phát triển sản phẩm địa phương đạt chất lượng cao, những năm qua, thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) ngành nông nghiệp đã tập trung phát triển sản phẩm theo mô hình kết hợp giữa tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống gắn với ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra những sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú, chất lượng có truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, đầu tư hơn vào xây dựng hình ảnh khi tạo ra nhiều mẫu mã bao bì đẹp. Theo thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu. Có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 hợp tác xã nông nghiệp và 19.660 trang trại.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp chú trọng mở rộng thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm. Từ cách làm sáng tạo và có nhiều đổi mới trong mở cửa thị trường, ngành nông nghiệp đang tạo ra thị trường tiêu thụ nông, lâm nghiệp và thủy sản ngày càng phát triển, nhiều sản phẩm nông sản đã khẳng định được thương hiệu Việt trên thị trường thế giới như: Gao, cà phê, hồ tiêu... Đặc biệt, một số mặt hàng nông sản lần đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc như: Sầu riêng, tổ yến, bưởi Diễn...
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 28,15 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 9,01 tỷ USD, chiếm 2,5%. 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 19,27 tỷ USD, chiếm 8,5%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 5,29 tỷ USD, chiếm 2,3%. Bên cạnh đó, thị trường trong nước được mở rộng với việc phát triển đa dạng các kênh tiêu thụ sản phẩm, gia tăng thương mại điện tử và triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ sản phẩm nông sản.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 và ban hành Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Hoạt động khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học tiếp tục phát triển mạnh mẽ cùng với Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp và thủy sản. Theo đó, tổ chức liên kết chuỗi giá trị thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giúp giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị sản phẩm gia tăng. Hoạt động kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được triển khai đem lại hiệu quả, khi ngày càng xuất hiện và nhân rộng nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi. Các sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến ngày càng gia tăng và tiếp tục được ngành nông nghiệp chú trọng phát triển. Đến nay, những sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao như: Tôm, cá tra, sản phẩm gỗ... Đặc biệt, việc ứng dụng mô hình công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã đem lại hiệu quả kinh tế.
Tiếp tục chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế
Năm 2023 là một năm rõ nét của ngành nông nghiệp kích hoạt được tư duy kinh tế, tư duy thị trường. Để bảo vệ thành quả các ngành hàng và phát triển theo hướng bền vững phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thị trường thế giới trong xu hướng người tiêu dùng ngoài quan tâm tới chất lượng sản phẩm còn chú trọng đến bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới sản xuất và tăng trưởng xanh, ngành nông nghiệp cần tiếp tục lan tỏa và sâu sắc hơn nữa trong chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Quyết đinh số 150/QĐ-TTg, ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm. Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1 triệu ha.
Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Để hiện thực hóa các mục tiêu Chiến lược đưa nông nghiệp tiếp tục chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế, trong thời gian tới ngành nông nghiệp cần tập trung vào các giải pháp như:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò của nông nghiệp trong giai đoạn phát triển mới, về cơ cấu lại nông nghiệp.
Hai là, phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Theo đó, áp dụng các quy trình sản xuất thân thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư và tài nguyên đầu vào, tôn trọng và vận dụng các quy luật tự nhiên để phát triển nông nghiệp thuận thiên, đa dạng.
Ba là, chuyển từ ngành sản xuất sang phát triển nền kinh tế nông nghiệp; từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị.
Bốn là, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng, khả năng thích nghi, hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất... Phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, ứng dụng công nghệ số...
Năm là, phát triển nông nghiệp có trách nhiệm. Theo đó, phát triển nông nghiệp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường sinh thái và công bằng xã hội; thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và kinh doanh; phát triển thị trường xuất khẩu đi đối với thị trường nội địa.
Sáu là, xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản đáp ứng yêu cầu của ngành nông nghiệp hàng hóa hiện đại, quy mô lớn và bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Ứng dụng công nghệ số để giám sát nguồn cung chặt chẽ tại các vùng sản xuất nông nghiệp chính, đánh giá nhu cầu tại các thị nường chính trong và ngoài nước, giám sát lưu thông. Triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển thị trường xuất khẩu, chủ động tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, hài hòa hóa quy định trong nước với quốc tế. Xây dựng hệ thống phòng vệ thương mại, hệ thống cảnh báo sớm nhằm khai thác hiệu quả lợi ích và hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực từ hội nhập kinh tế quốc tế./.
Trang Nguyễn