

Ngày 10/2, Tổng thống Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, xóa bỏ tất cả các trường hợp ngoại lệ, hạn ngạch miễn thuế quan và danh sách hàng nghìn sản phẩm cụ thể được miễn thuế quan cả về nhôm và thép trước đó. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 4/3. Các nước đang được miễn thuế với nhôm, thép sẽ không còn được hưởng quyền lợi này. Trước đó, thuế suất với mặt hàng này là 10%, áp dụng từ năm 2018. Đây là một trong những sắc lệnh ông Donald Trump ký sau 01 tháng đảm nhiệm vị trí Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai của mình, áp thuế lên hàng loạt mặt hàng nhập khẩu vào nước này.
Theo số liệu chính thức của Mỹ, hiện Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Việt Nam là những nước xuất khẩu thép lớn nhất vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo số liệu từ Viện Sắt thép Mỹ (AISI), tổng lượng thép nhập khẩu của Mỹ trong năm 2024 đạt 28.858 nghìn tấn, tăng 2,5% so với năm 2023. Riêng thép thành phẩm đạt 22.500 nghìn tấn, tăng 3,7%. Trong tháng 12/2024, các nhà cung cấp thép lớn nhất cho Mỹ là Canada (521.000 nghìn tấn), Mexico (327.000 nghìn tấn), Hàn Quốc (208.000 nghìn tấn), Brazil (114.000 tấn) và Việt Nam (109.000 nghìn tấn). Tính trong cả năm 2024, các nhà cung cấp lớn nhất là Canada 6,557 triệu tấn, giảm 5% so với năm 2023, Brazil 4,49 triệu tấn, tăng 14%, Mexico 3,5 triệu tấn, giảm 16%, Hàn Quốc 2,8 triệu tấn, tăng 7% và Việt Nam 1,36 triệu tấn, tăng 143%.

Sau quyết định trên của người đứng đầu Nhà Trắng, ngay lập tức nhiều nước đã lên tiếng chỉ trích và lo ngại về tác động đối với ngành công nghiệp cũng như nền kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Mexico Marcelo Ebrard gọi quyết định áp thuế quan lên thép và nhôm của ông Trump là “vô căn cứ” và “không bình đẳng”. Còn Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói kế hoạch thuế quan mà ông Trump vừa đưa ra là “không thể chấp nhận được” và phản ứng của Canada - nếu cần thiết - sẽ cứng rắn và rõ ràng.
Trong khi đó EU cho biết, sẽ đáp trả bằng các biện pháp cứng rắn và tương xứng sau quyết định tăng thuế thép, nhôm của ông Trump. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng các thuế quan trên là không tốt cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Xuất khẩu thép của EU sang Mỹ đạt bình quân khoảng 3 tỷ euro, tương đương 3,1 tỷ USD mỗi năm trong 1 thập kỷ qua. Bà Leyen khẳng định EU sẽ có “biện pháp trả đũa cứng rắn và cân xứng” để bảo vệ lợi ích của mình.

Việt Nam là một trong những nước có thị phần xuất khẩu thép lớn vào Mỹ. Số liệu thống kê hải quan Mỹ cho thấy, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu khoảng 983 triệu USD thép và sản phẩm thép, tăng gần 159% so với năm 2023; trong khi với mặt hàng nhôm có kim ngạch là 479 triệu USD, tăng 9,5%.
Sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế 25% với sản phẩm nhôm, thép vào Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng bày tỏ "Việt Nam sẵn sàng trao đổi, làm việc với Mỹ trên tinh thần xây dựng và hợp tác, để chia sẻ thông tin và tăng cường hiểu biết, tháo gỡ các vướng mắc còn tồn tại nhằm góp phần cho quan hệ kinh tế song phương phát triển ổn định, bền vững và đáp ứng lợi ích của hai bên".
Nhìn từ phía doanh nghiệp, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ bị tác động "không đáng kể" bởi cú sốc về thuế đã xảy ra từ 2018 và họ vẫn đang lên phương án ứng phó. Bên cạnh đó, sản phẩm nhôm thép của Việt Nam là đối tượng thường xuyên trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Mặc dù liên tục đối mặt với các rào cản thuế quan từ năm 2018, ngành thép Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng và cải thiện vị thế trên thị trường Mỹ. Yếu tố giúp ngành thép trong nước giảm thiểu tác động từ chính sách này chính là sự linh hoạt trong chiến lược xuất khẩu, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Với quyết định tăng thuế lần này, các nhà kinh tế cho rằng, mức thuế đối với sản phẩm nhôm tăng thêm 15 điểm phần trăm, tuy nhiên các doanh nghiệp thép của Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều. Thậm chí, hành động thuế mới có thể thậm chí có phần tích cực vì đưa mức thuế nhập khẩu của Việt Nam trước khi tính đến các loại thuế bảo hộ khác ngang hàng với các quốc gia khác. Hơn nữa, các doanh nghiệp thép nước ta có nhiều kinh nghiệm ứng phó với các biện pháp bảo hộ thương mại. Thêm vào đó, những năm gần đây, các doanh nghiệp thép Việt Nam đã có sự chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu khác như ASEAN, EU, Ấn Độ... nên thị trường Mỹ không chiếm tỷ trọng quá lớn.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, dù Mỹ áp thuế với toàn bộ hàng nhập khẩu nhưng cơ hội vẫn có cho doanh nghiệp thép Việt Nam do năng lực sản xuất trong nước Mỹ vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu.
Mặc dù vậy, ngành thép Việt Nam vẫn không thể không lo ngại về những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp. Hiện cộng đồng doanh nghiệp thép đang theo dõi diễn biến, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Nhôm Việt Nam và Cục Phòng vệ Thương mại để có phương án ứng phù hợp, chủ động xây dựng kế hoạch thích ứng với những chính sách thương mại toàn cầu. Lệnh áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ cũng thêm hồi chuông cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hơn nữa, giúp ổn định đầu ra sản phẩm.
Dù là một thách thức, song các doanh nghiệp trong nước nhìn nhận đây là cơ hội để doanh nghiệp tái định hướng sản phẩm, tập trung vào các mặt hàng có giá trị cao và chất lượng hơn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.
Chia sẻ với nỗi lo của các doanh nghiệp thép trước bối cảnh kinh tế quốc tế nhiều biến động như hiện nay, Chính phủ luôn theo dõi sát các diễn biến để có biện pháp phù hợp và giảm thiểu tác động từ các chính sách thương mại của các nước. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 diễn ra đầu tháng 2/2025, lường trước những biến động có thể xảy ra sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, có các giải pháp để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để tiếp tục phát triển.
Để giúp ngành thép Việt Nam đứng vững trong tình hình bất định, Chính phủ đã dành ưu tiên tối đa cho doanh nghiệp trong nước trong thực hiện các dự án, công trình trọng điểm quốc gia Đơn cử như Thủ tướng giao Tập đoàn Trường Hải (THACO) tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu đường sắt tốc độ cao, tiến tới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất đầu máy; giao Công ty cổ phần Thép Hòa Phát thuộc tập đoàn Hòa Phát nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất ray thép chất lượng cao phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị trong thời gian tới. Điều này cho thấy sự đồng hành sát cánh của Chính phủ đối với ngành thép nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Chính sự sẻ chia, tin tưởng của Chính phủ là động lực giúp các các doanh phát huy tốt năng lực nội tại, ngày càng lớn mạnh và đứng vững trước những con sóng lớn./.
Bích Ngọc
|