Ngành Thống kê hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019

08/01/2020 - 09:18 AM
LTS. Trong 3 ngày, từ 6-8/1/2020, Ngành Thống kê tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch công tác và tập huấn phương án điều tra doanh nghiệp năm 2020. Dưới đây, Tạp chí Con số và Sự kiện xin trân trọng giới thiệu tóm lược bài trình bày của Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tại Hội nghị. 
Một số hoạt động nổi bật của Ngành năm 2019
 
Thứ nhất, ngành Thống kê đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê kinh tế - xã hội phục vụ lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế
 
Ngay từ đầu năm 2019, qua số liệu thống kê, Tổng cục Thống kê nhận thấy nền kinh tế năm 2019 của nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức, nếu không có những giải pháp kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8%. Do đó, ngày 18/3/2019, Tổng cục Thống kê đã tham mưu với Bộ, Chính phủ về nội dung này. Thủ tướng đã chủ trì của họp Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ kết quả cuộc họp, ngày 01/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019. Với sự quyết liệt, năng động và hiệu quả trong chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kết quả tăng trưởng kinh tế đã vượt mục tiêu đề ra. Như vậy, nước ta có hai năm liên tiếp đạt tăng trưởng trên 7%.
 
Tổng cục Thống kê đã xây dựng và cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế từng quý với các giải pháp cụ thể báo cáo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ làm căn cứ trong chỉ đạo điều hành nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, xây dựng kịch bản kiểm soát lạm phát hàng năm, đưa ra các kiến nghị trong điều hành của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương nhằm đảm bảo đạt mục tiêu kiểm soát mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra, do đó, công tác điều hành, kiểm soát lạm phát của Chính phủ rất thành công.
 
Tổng cục Thống kê đã chủ động biên soạn ấn phẩm “Tăng trưởng các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2011-2017” báo cáo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ về tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm và tác động tới tăng trưởng của cả nước giai đoạn 2011-2017 để các Bộ, ngành căn cứ vào đánh giá của Tổng cục Thống kê đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.
 
Bên cạnh đó trong năm 2019, Tổng cục Thống kê đã xây dựng, biên soạn và liên tục cập nhật bộ số liệu phục vụ Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
 
Thứ hai, Tổng cục Thống kê đã hoàn thành việc đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017
 
Việc đánh giá lại quy mô GDP đã phản ánh bức tranh kinh tế của đất nước xác thực và rõ nét hơn, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và thế giới, phản ánh thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu tiêu dùng. Kết quả đánh giá lại GDP sẽ giúp Chính phủ có chính sách sát thực hơn, hiệu quả hơn, từ đó người dân sẽ được hưởng lợi từ chính sách đúng. Cùng với việc đánh giá lại GDP, Tổng cục Thống kê đã đánh giá lại quy mô GRDP giai đoạn 2011-2018 và cung cấp cho các địa phương. Trong quá trình đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam đã có sự tham gia của các tổ chức quốc tế. Điều này khẳng định tính minh bạch, khách quan của số liệu thống kê trước các đối tượng sử dụng thông tin thống kê.
 
Thứ ba, Tổng cục Thống kê đã thực hiện thắng lợi Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thông qua việc ứng dụng thiết bị di động trong thu thập thông tin, rút ngắn thời gian xử lý thông tin thống kê, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng
 
Đây là cuộc Tổng điều tra đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra. Đặc biệt, việc ứng dụng phiếu điều tra điện tử trong thu thập số liệu đã trở thành bước đột phá trong thực hiện điều tra của ngành Thống kê. Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện việc xã hội hóa trong tận dụng nguồn lực của xã hội để thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở, điều này được cộng đồng quốc tế, thống kê các nước đánh giá cao và đề nghị Tổng cục Thống kê Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm như cơ quan Thống kê quốc gia Srilanca và cơ quan Thống kê quốc gia Lào...
 
Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê, đặc biệt trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã tạo tâm lý hồ hởi, phấn khởi trong điều tra viên. Đây là căn cứ để Tổng cục Thống kê triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các cuộc điều tra của ngành Thống kê trong các năm tới và với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin Tổng cục Thống kê được vinh danh là “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” do Hội truyền thông số Việt Nam trao tặng.
 
Đồng thời, năm 2019 đánh dấu một bước tiến lớn về sự phối hợp với các Bộ, ngành trong hoạt động thống kê. Bên cạnh phối hợp thực hiện các công việc thường xuyên, Tổng cục Thống kê đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong thực hiện các công việc lớn, quan trọng của Ngành, như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thuế...
 
Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
 
Từ những kết quả đạt được năm 2019, Tổng cục Thống kê rút ra một số nguyên nhân như sau:
 
Một là, sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; sự phối hợp, hỗ trợ, chia sẻ thông tin của Bộ, ngành; ở địa phương là sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, sự phối hợp của các Sở, ngành đối với hoạt động của ngành Thống kê.
 
Hai là, sự hợp tác của doanh nghiệp và người dân trong việc cung cấp thông tin thống kê; sự đồng hành các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền cho hoạt động phổ biến thống tin thống kê cũng như các hoạt động lớn của ngành Thống kê.
 
Ba là, lòng yêu ngành, yêu nghề, tinh thần đoàn kết, làm việc hăng say, sáng tạo, cùng với đó là sự rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp của công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành.
 
Một số bài học kinh nghiệm rút ra là :
 

Sự chủ động, sáng tạo, dám đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám đột phá

Trong năm 2019, Tổng cục Thống kê đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế; tham vấn điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đúng thời điểm giúp kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Nhớ lại đầu năm 2019, Tổng cục Thống kê đã tham vấn cho Chính phủ trong lúc điều chỉnh tăng giá điện thì không nên điều chỉnh tăng giá xăng, dầu để tránh lạm phát kỳ vọng và dư luận xã hội và ý kiến này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
 
Đặc biệt, Tổng cục Thống kê mạnh dạn chuyển từ phương pháp thống kê truyền thống sang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của hoạt động thống kê. Như trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trong khi một số công chức lãnh đạo chịu trách nhiệm chính và liên quan tới triển khai thực hiện Tổng điều tra chưa sẵn sàng và chưa quyết tâm áp dụng công nghệ thông tin trong thu thập số liệu, Lãnh đạo Tổng cục đã dám đổi mới, dám làm. Thêm nữa, trong khi chuyên gia quốc tế được Tổng cục Thống kê thuê tư vấn không thực hiện được phần mềm thu thập thông tin trên thiết bị di động, Tổng cục Thống kê đã quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu viết phần mềm này và mạnh dạn sử dụng thiết bị di động gần như toàn bộ trong thu thập thông tin; trong khi nguồn lực còn hạn chế, Tổng cục Thống kê đã huy động nguồn lực trong dân với sáng kiến là thuê điện thoại thông minh của hàng trăm nghìn điều tra viên.
 
(ii) Đổi mới lề lối làm việc; siết chặt kỷ cương hành chính, công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân, tập thể, người đứng đầu; thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động lãnh đạo, công chức trong toàn ngành để công việc của ngành đạt hiệu quả hơn.
 
Năm qua, ngành Thống kê phải thực hiện một khối lượng rất lớn các công việc trong và ngoài kế hoạch, trong đó có những công việc mang tầm vĩ mô, có phạm vi rộng lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương. Song nhờ chúng ta có quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt và có trọng điểm của Lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo các đơn vị trong toàn Ngành nên đã thực hiện thành công. Luân chuyển cán bộ, cùng với phong cách và lề lối làm việc được đổi mới tại cơ quan Tổng cục và nhiều đơn vị trong Ngành đã tạo nguồn sinh khí mới và mang lại hiệu quả cao trong hoạt động.
 
(iii) Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành
 
Tổng cục Thống kê đã chủ động phối hợp tốt với Bộ Thông tin và Truyền thông trong bảo đảm hạ tầng của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Tổng cục Thuế... trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin phục vụ đánh giá lại quy mô GDP, GRDP; biên soạn Sách trắng doanh nghiệp năm 2019; xây dựng kịch bản kinh tế và biên soạn các báo cáo đột xuất khác phục vụ công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành.
 
(iv) Đổi mới và đẩy mạnh công tác truyền thông, coi công tác truyền thông là nhiệm vụ quan trọng, không thể tách rời của công tác thống kê
 
Năm 2019, Tổng cục Thống kê triển khai nhiều công việc quan trọng và nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng đã tạo được sự đồng thuận và ủng hộ trong nhân dân. Như việc đánh giá lại quy mô GDP, Tổng cục Thống kê đã phối hợp chặt chẽ với với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí chủ chốt (là những tờ báo có uy tín, có lượng độc giả lớn…), đồng thời sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như: Tọa đàm với các cơ quan báo chí, tham dự Hội nghị, hội thảo, sản xuất các chương trình truyền hình.
 
(v) Củng cố khối đoàn kết, thực hiện dân chủ cơ sở, nâng cao vai trò của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong toàn Ngành
 
Tóm lại, trong năm 2019, ngành Thống kê triển khai nhiều công việc quan trọng, cấp bách và có tính ảnh hưởng lâu dài. Nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, sự vào cuộc của các tổ chức Đảng, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong giáo dục chính trị tư tưởng, khuyến khích, động viên công chức, viên chức và người lao động đã góp phần quan trọng vào thành công chung của Ngành.
 
Một số nội dung nhiệm vụ chủ yếu năm 2020
 
Năm 2020, tình hình thế giới được dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, trong nước vẫn tiềm ẩn không ít những thách thức và khó khăn ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Trong bối cảnh toàn hệ thống hành chính Nhà nước đang quyết tâm thực hiện tốt phương châm hoạt động của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành Thống kê quyết tâm phấn đấu, phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ công tác với chủ đề “Xây dựng năng lực, ứng dụng phương pháp luận và công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng phục vụ thông tin thống kê” nhằm thực hiện thành công những nhiệm vụ được giao, đặc biệt các nhiệm vụ của Tổng cục Thống kê trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ. Một số nhiệm vụ chủ yếu cụ thể như sau:
 
Một là, nâng cao năng lực của ngành Thống kê
 
Đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2030, sửa đổi các nhiệm vụ, mục tiêu của Chiến lược phù hợp với tình hình mới.
 
Tập trung thực hiện hai nội dung quan trọng của Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030, gồm: (1) Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn thống kê nhà nước; (2) Tự đánh giá chất lượng thống kê theo Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030 quy định tại Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg ngày 05/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Kiện toàn mô hình tổ chức của các đơn vị trong toàn Ngành, phát huy lợi thế của hệ thống thống kê tập trung; kiện toàn đội ngũ lãnh đạo của các đơn vị trong Ngành, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong đánh giá cán bộ, đẩy mạnh công tác luân chuyển, điều động để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực thực thi nhiệm vụ của đội ngũ kế cận; đồng thời khắc phục tình trạng hẫng hụt, khép kín, thụ động tại các đơn vị trong Ngành
 
Hai là, ứng dụng phương pháp luận và công nghệ tiên tiến vào hoạt động thống kê
 
Tiếp tục nghiên cứu cải tiến phương án điều tra, nghiên cứu và ứng dụng phương pháp thống kê mới. Triển khai Thông tư quy định năm 2020 làm năm gốc thay cho năm 2010 để tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh.
 
Tập trung nguồn lực thực hiện các đề án lớn của Ngành như: Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát; thực hiện dự án xây dựng hệ thống sản xuất thông tin thống kê điện tử; tiếp tục nghiên cứu khả năng khai thác dữ liệu lớn trong tính toán, biên soạn chỉ tiêu thống kê. Hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo, cảnh báo kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực.
 
Ba là, nâng cao chất lượng phục vụ của thông tin thống kê
 
Tiếp tục thực hiện tốt công tác biên soạn và phổ biến thông tin thống kê với nhiều hình thức đa dạng, hiện đại; cập nhật số liệu phục vụ Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chủ động nghiên cứu, cập nhật kịp thời kịch bản tăng trưởng kinh tế, kịch bản kiểm soát lạm phát phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đánh giá lại quy mô GDP theo chuỗi số liệu đến năm 2020 để cung cấp thông tin, số liệu phục vụ đại hội Đảng các cấp. Tăng cường công tác chia sẻ thông tin thống kê với Bộ, ngành ở Trương ương và Sở, ngành ở địa phương; đánh giá việc thực hiện Luật Thống kê và nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội phù hợp cho giai đoạn 2021-2025.
 
Chủ động nắm bắt thông tin kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, đặc biệt những vấn đề nóng, có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó xây dựng các chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu phục vụ công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
 
Thực hiện tốt Hệ thống phổ biến số liệu chung tăng cường (e-GDDS), đẩy mạnh tiến độ phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng kế hoạch, lộ trình phổ biến số liệu thống kê theo hệ thống phổ biến dữ liệu riêng.
 
Để thực hiện thành công khối lượng lớn công việc triển khai trong năm 2020 của ngành Thống kê đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của toàn ngành cũng như sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương./.
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top