Ngành Thống kê Việt Nam ra đời vào ngày 6/5/1946 theo Sắc lệnh số 61/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò của công tác thống kê trong quản lý và điều hành đất nước.
Trong giai đoạn đầu sau khi thành lập, công tác thống kê chủ yếu phục vụ kháng chiến, kiến quốc, tập trung vào việc thu thập thông tin về dân số, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại để hỗ trợ chiến lược phát triển kinh tế và quốc phòng.
Sau năm 1954, ngành Thống kê bước vào giai đoạn phát triển mới, cùng với sự hình thành của hệ thống kế hoạch hóa tập trung. Những năm 1960 - 1980, hệ thống thống kê quốc gia được hoàn thiện với việc ban hành các quy định về chế độ báo cáo thống kê, tiến hành điều tra quy mô lớn như điều tra dân số và điều tra sản xuất công nghiệp.
Từ năm 1986, khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Thống kê tiếp tục có những bước chuyển mình mạnh mẽ, từ phương pháp thu thập số liệu đến cách phân tích và công bố thông tin. Đặc biệt, từ năm 2003, với việc ban hành Luật Thống kê, công tác thống kê trở nên chuyên nghiệp hơn, đảm bảo tính minh bạch và khoa học trong việc cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước và nhu cầu của doanh nghiệp, người dân.

Nha Thống kê Việt Nam
Thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang
Ngành Thống kê là "đôi mắt" của nền kinh tế, giúp phản ánh bức tranh kinh tế - xã hội một cách toàn diện. Những con số thống kê chính xác, kịp thời là nền tảng quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.
Trải qua 79 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi và cơ quan quản lý, Nha Thống kê hiện nay là Cục Thống kê, cơ quan thuộc Bộ Tài chính thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về thống kê, điều phối hoạt động thống kê, tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật để phục vụ điều hành kinh tế.
Thông tin thống kê đóng vai trò nền tảng trong việc đánh giá các chỉ tiêu kinh tế quan trọng như: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP); Chỉ số giá tiêu dùng (CPI); Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): Đánh giá năng lực sản xuất; Dữ liệu về dân số, lao động, việc làm: Giúp xây dựng chính sách an sinh xã hội phù hợp và ngành Thống kê cũng đóng góp lớn trong việc hoạch định chính sách xã hội như giảm nghèo, y tế, giáo dục. Các cuộc điều tra dân số và nhà ở, điều tra mức sống dân cư cung cấp dữ liệu quan trọng giúp Chính phủ xây dựng chính sách an sinh phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Ngoài ra, thông tin thống kê không chỉ phục vụ nhà nước mà còn đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc ra quyết định kinh doanh. Các báo cáo về thị trường lao động, xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp giúp doanh nghiệp dự báo xu hướng, hoạch định chiến lược phát triển.
Thành tựu quan trọng ngành Thống kê Việt Nam đã đạt được qua gần 8 thập kỷ
Đã chuyển đổi mạnh mẽ từ phương pháp thống kê truyền thống sang áp dụng công nghệ số, sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong phân tích và dự báo; Từng bước tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, hợp tác với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức thống kê khu vực để cải tiến phương pháp tính toán, đảm bảo số liệu chính xác, minh bạch; Thực hiện tốt việc công bố các số liệu kinh tế - xã hội hàng tháng, hàng quý, hàng năm, giúp Chính phủ, doanh nghiệp và người dân có cơ sở đánh giá tình hình phát triển của đất nước.
Thách thức và định hướng tương lai
Bước vào thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, ngành Thống kê Việt Nam đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, ngành cần tiếp tục đảm bảo độ tin cậy của số liệu. Trong bối cảnh dữ liệu ngày càng đa dạng, ngành Thống kê cần tiếp tục cải tiến phương pháp thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu để đảm bảo tính chính xác, khách quan; Nâng cao chất lượng nhân lực: Cần đào tạo đội ngũ cán bộ thống kê có trình độ chuyên môn cao, thành thạo công nghệ và phương pháp thống kê hiện đại; Mở rộng ứng dụng công nghệ thống kê số: Công nghệ 4.0 đang mở ra cơ hội lớn cho ngành Thống kê trong việc thu thập và phân tích dữ liệu. Việc ứng dụng AI, Big Data, điện toán đám mây sẽ giúp nâng cao hiệu suất, giảm thời gian xử lý thông tin.
Hợp tác quốc tế và đối sánh tiêu chuẩn: Tiếp tục hợp tác với các tổ chức thống kê quốc tế để cập nhật phương pháp tính toán tiên tiến, nâng cao vị thế của ngành Thống kê Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập ngành Thống kê Việt Nam là dịp để nhìn lại một hành trình bền bỉ và đầy tự hào của ngành Thống kê Việt Nam. Từ những ngày đầu gian khó đến nay, ngành đã không ngừng đổi mới, khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và là dịp để tri ân những thế hệ cán bộ thống kê đã cống hiến cho ngành trong những năm qua. Đây cũng là động lực để toàn ngành tiếp tục vững bước trên con đường hiện đại hóa, minh bạch hóa và hội nhập quốc tế. Với tinh thần trách nhiệm, đổi mới và sáng tạo, ngành Thống kê sẽ tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, cung cấp những số liệu chính xác, kịp thời với sứ mệnh "Số liệu trung thực, khách quan - Vì sự phát triển bền vững của đất nước" để góp phần xây dựng Việt Nam ngày càng thịnh vượng./.
Hoàng Lê Tuyên - Trưởng phòng
Phòng Tổ chức Hành chính Chi cục Thống kê Tuyên Quang