Ngành Thống kê Việt Nam trên chặng đường đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế

28/04/2023 - 04:53 PM

“Thống kê là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước”, câu nói dung dị, mộc mạc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao và khẳng định vai trò, nhiệm vụ quan trọng của hoạt động thống kê nhà nước. Trong suốt bảy thập kỷ qua, lời răn dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị và luôn là kim chỉ nam cho Ngành Thống kê trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập.

Để làm tốt vai trò chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước, Chính phủ giao phó, trong quá trình xây dựng phát triển, ngành Thống kê Việt Nam đã không ngừng đổi mới, từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đất nước qua từng giai đoạn.
 
Ngành Thống kê Việt Nam trên chặng đường đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Phòng Truyền thống của ngành Thống kê ( năm 2022)
 
Giai đoạn 1946 - 1954
 
Những ngày đầu khi mới thành lập, mặc dù cơ cấu tổ chức khá đơn giản, số cán bộ ít, mang tính kiêm nhiệm và trình độ nghiệp vụ chuyên môn hạn chế nhưng Nha Thống kê Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, chủ động tìm tòi, sáng tạo trong công tác, nghiên cứu, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn để triển khai các hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin phục vụ Đảng, Chính phủ và các Liên khu chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp và kiến quốc. Trong thời kỳ này, Nha Thống kê Việt Nam đã biên soạn được báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế - xã hội hàng tháng của vùng tự do và vùng mới giải phóng, báo cáo phân tích kinh tế 3 năm 1947-1949, báo cáo chuyên đề về giảm tô, giảm tức, xây dựng tổ vần công, đổi công ở vùng tự do. Ngoài ra, ngành Thống kê còn tiến hành một số cuộc điều tra chuyên môn, trong đó có cuộc Điều tra nông thôn 1951-1952 đánh giá thực trạng và tiềm năng của nông thôn để Đảng và Chính phủ đề ra quyết sách và huy động sức dân góp phần tạo nên chiến thắng trong chiến dịch Thu Đông 1953 và chiến dịch Điện Bên Phủ lịch sử.
 
Giai đoạn 1955-1975
 
Miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và cùng miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước, Ngành Thống kê đã tập trung nguồn lực xây dựng bộ máy và cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo cán bộ, nghiên cứu phương pháp nghiệp vụ và định hướng hoạt động thống kê phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới. Đến cuối năm 1957, hầu hết các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương của miền Bắc đã có cơ quan thống kê địa phương. Ngay trong năm 1955, nhiều cuộc điều tra thống kê đã được thực hiện trên hầu hết các lĩnh vực, phục vụ số liệu hoạch định chính sách cho phát triển kinh tế. Năm 1960, một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp như Tổng sản phẩm xã hội, Tổng thu nhập quốc dân đã được tính toán. Ngành Thống kê đã cải tiến các phương pháp thu thập và tổng hợp thông tin, phục vụ Chính phủ báo cáo nhanh 10 ngày, 15 ngày, 20 ngày. Cũng trong năm 1960, Ngành đã thực hiện thành công Tổng điều tra dân số toàn miền Bắc, đánh dấu bước phát triển mới và tiến bộ của Ngành Thống kê.
 
Đáng lưu ý là cuối những năm 1960, ngành Thống kê đã xây dựng đề án “Cải tiến kỹ thuật tính toán, từng bước cơ khí hóa và tiến lên tự động hóa công tác tính toán ở Việt Nam” và được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 168/CP ngày 25/11/1968. Thực hiện đề án này, ngành Thống kê đã sớm đưa công nghệ thông tin vào công tác thống kê và là ngành được trang bị hệ thống máy tính hiện đại hàng đầu ở nước ta. Bước sang những năm 1970, Tổng cục Thống kê đã xây dựng được các trạm máy tính ở Trung ương và nhiều địa phương, góp phần đáng kể trong việc đẩy nhanh tốc độ và tính chính xác trong xử lý kết quả các cuộc điều tra và lập các báo cáo thống kê, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan Đảng và Nhà nước.
 
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngành Thống kê đã nhanh chóng thành lập, kiện toàn tổ chức Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở miền Nam với nòng cốt là cán bộ thống kê có năng lực, kinh nghiệm điều động từ Tổng cục Thống kê và các Cục Thống kê miền Bắc. Đến cuối năm 1977, tất cả các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương ở miền Nam đều đã có cơ quan thống kê cấp tỉnh; các Phòng Thống kê huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
 
Giai đoạn 1976-1986
 
Tổ chức bộ máy của Ngành tương đối hoàn thiện, ngành Thống kê tập trung vào việc nghiên cứu xây dựng các chế độ ghi chép ban đầu và hạch toán thống nhất; tăng cường hoạt động xét duyệt và công bố hoàn thành kế hoạch; củng cố chế độ báo cáo ước tính và báo cáo chính thức, đồng thời mở rộng hình thức thu thập thông tin bằng điều tra thống kê, nhất là điều tra cơ bản phục vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (1976-1980;1981-1985).  Ngành Thống kê đã tiến hành kiểm kê tài sản trong các xí nghiệp quốc doanh và cơ quan nhà nước năm 1976; Tổng kiểm tra và kiểm kê đất trên phạm vi cả nước năm 1977; điều tra tình hình cơ bản đất đai năm 1978; tổ chức Tổng điều tra dân số trên phạm vi cả nước năm 1979.
 
Trong giai đoạn này, Hệ thống các danh mục thống kê từng bước được hoàn thiện phục vụ yêu cầu công tác điều tra và báo cáo thống kê như Danh mục các Sở, ty, Danh mục nghề nghiệp; danh mục khu vực hành chính… Công tác cơ giới hóa công tác thống kê cũng được đẩy mạnh với sự trợ giúp trang thiết bị từ Liên bang Xô viết và Cộng hòa Pháp như máy tính Minsk 32, Mini 6 – là hệ thống máy tính hiện đại nhất bấy giờ. Công tác nghiên cứu khoa học bước đầu được chuẩn hóa và đi vào chuyên nghiệp với sự thành lập của Viện Khoa học Thống kê.
 
Giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới 1987 - 1993
 
Với chính sách đổi mới toàn diện được Đảng khởi xướng và lãnh đạo đòi hỏi Ngành phải phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác thống kê, đổi mới, cải tiến phương pháp chuyên môn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, điều chỉnh bộ máy tổ chức cũng như phương hướng hoạt động.
 
Theo đó, các thông lệ, phương pháp thống kê chuẩn mực quốc tế được đưa vào áp dụng thay thế các phương pháp cũ, điển hình là các chỉ tiêu thống kê tổng hợp. Các phương pháp luận thống kê được xây dựng và hoàn thiện trong thời kỳ này đã tạo nền tảng phát triển cho hệ thống thống kê tập trung trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt sự ra đời của Pháp lệnh kế toán thống kê năm vào năm 1988 đã tạo tiền đề pháp lý quan trọng cho ngành thống kê trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
 
Tuy nhiên đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự thay đổi lớn về bộ máy tổ chức của Ngành. Theo Quyết định  số 81/HĐBT ngày 11/5/1988, mô hình Ngành không quản lý theo ngành dọc, các Cục Thống kê sáp nhập vào Ủy ban kế hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… Theo đó, số công, viên chức làm công tác thống kê cấp tỉnh, huyện bị giảm mạnh khiến hoạt động thống kê bị gián đoạn và gặp nhiều khó khăn.
 
Đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế 1994 - 2007
 
Để khắc phục những bất cập khi ngành Thống kê không thực hiện quản lý ngành dọc, ngày 23/3/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/CP đưa Tổng cục Thống kê trở lại quản lý theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương. Đáp ứng yêu cầu đổi mới, ngành Thống kê đã tổ chức tiếp quản, hoàn thiện hệ thống tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, ban hành các văn bản về tổ chức hoạt động làm cơ sở thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành.
 
Trong giai đoạn này, phương pháp chế độ thống kê được hoàn thiện cơ bản. Luật Thống kê được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2004 trở thành văn bản có tính pháp lý cao nhất về công tác thống kê. Năm 2005, Quyết định số 305/QĐ-TTg ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia thay thế Quyết định số 168/TTg từ năm 1970 sau 35 năm sử dụng.
 
Giai đoạn sáp nhập vào Bộ kế hoạch Đầu tư từ năm 2007 đến nay
 
Ngày 4/1/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 01/NĐ-CP về việc chuyển TCTK vào Bộ Kế hoạc và Đầu tư. Đây là giai đoạn ngành Thống kê nỗ lực chuyển mình, đổi mới và hoàn thiện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực công tác:
 
Về môi trường pháp lý
 
Sự ra đời của Pháp lệnh Kế toán và Thống kê vào năm 1988 và Luật Thống kê năm 2003 và Luật Thống kê (sửa đổi) năm 2015 được coi là trụ cột quan trọng trong hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê.

Tiếp theo, tháng 11/2021 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê được Quốc hội thông qua đã thống nhất Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia (được ban hành kèm theo Luật Thống kê sửa đổi) gồm 230 chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó bổ sung những chỉ tiêu phản ánh sự phát triển của nền kinh tế như kinh tế số, logistics và các chỉ tiêu mới phát sinh trong định hướng phát triển đất nước tạo cơ sở pháp lý quan trọng nhằm nâng cao chất lượng số liệu thống kê.

Cùng với hệ thống các văn bản pháp lý, Định hướng phát triển ngành Thống kê Việt Nam đến năm 2010 và Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược Phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2045 (được Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 2014 QĐ-TTg phê duyệt 01/12/2021) đã tạo nền móng vững chắc, có tầm nhìn dài hạn, có quan điểm và mục tiêu phát triển rõ ràng, có các giải pháp và chương trình hành động cụ thể đảm bảo cho ngành Thống kê phát triển bài bản qua nhiều thời kỳ.
 
Và mới đây nhất, ngày 07/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP); Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg về Chương trình điều tra thống kê quốc gia (thay thế Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg) và Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg về Hệ thống chỉ tiêu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (thay thế Quyết định số 54/2016/QĐ-TTg)... cùng một số văn bản dự thảo đang tiếp túc được xây dựng và trình Chính phủ như: Hoàn thiện dự thảo Nghị định Chế độ báo cáo cấp quốc gia (thay thế Nghị định số 60/2018/NĐ-CP), và dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 của Thủ Tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thông tư số 22/2022/TT-BKHĐT ngày 09/12/2022 hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng thống kê Nhà nước… đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược: “Hiện đại hóa Thống kê Việt Nam theo hướng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và vững chắc với hệ thống tổ chức phù hợp; nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp; công nghệ hiện đại; sản xuất, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thống kê ngày càng tăng”, đưa thống kê Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện, hiện đại".
 
Hệ thống tổ chức được củng cố đáp ứng yêu cầu đổi mới
 
Điểm nổi bật trong đầu giai đoạn này là việc hình thành Chi cục Thống kê cấp huyện trực thuộc Cục Thống kê cấp tỉnh trên cơ sở các Phòng Thống kê đã đưa vị thế, vai trò và năng lực của các chi cục thống kê lên một tầm cao mới.
 
Ngày 18/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, Tổng cục Thống kê được tổ chức theo mô hình mới, gọn hơn với hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính: Cơ quan Tổng cục Thống kê ở Trung ương với 15 đơn vị hành chính và 5 đơn vị sự nghiệp; các cơ quan thống kê ở địa phương với 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố, tổng số trên 6 nghìn công chức, viên chức.
 
Tiếp theo, Ngành Thống kê nghiêm túc triển khai công tác tổ chức theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ, theo hướng chuyển mô hình Chi cục Thống kê cấp huyện thuộc Cục Thống kê cấp tỉnh hiện nay thành Phòng Thống kê cấp huyện theo đơn vị hành chính cấp huyện. Ngành cũng đang tích cực xây dựng và thực hiện đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Ngành giai đoạn 2022-2027.
 
Đây cũng là giai đoạn công tác luân chuyển, điều động công chức, viên chức được thực hiện mạnh mẽ góp phần củng cố bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
 
Đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số
 
Trong giai đoạn này công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả trong thu thập, xử lý, tổng hợp thông tin thống kê. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là cuộc Tổng điều tra đầu tiên ứng dụng phiếu điều tra điện tử (webfom) trên thiết bị thông minh.
 
 Đến nay, ngành Thống kê đã ứng dụng triệt để CNTT vào tất cả các công đoạn, quá trình sản xuất thông tin thống kê cũng như công tác chỉ đạo điều hành; đã thay thế phiếu giấy bằng phiếu điện tử; phát triển các phần mềm xử lý kết quả các cuộc điều tra; bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) metadata để sử dụng chung với một số dữ liệu về các bảng danh mục, ngân hàng câu hỏi điều tra, các bảng mã câu trả lời cho câu hỏi đóng đối với một số lĩnh vực thống kê.
 
Hiện tại, ngành Thống kê đã xây dựng được một số cơ sở dữ liệu (CSDL) và kho dữ liệu gồm: CSDL kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở các năm 1999, 2009; Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp các năm 2007, 2012; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản các năm 2006, 2011; Điều tra doanh nghiệp các năm từ 2002 đến 2012; Xuất nhập khẩu hàng hóa từ năm 1998 đến 2014; Khảo sát mức sống; Điều tra lao động việc làm; Điều tra biến động dân số…
 
Toàn Ngành đã được kết nối thành một mạng riêng với 67 điểm kết nối (gồm cơ quan Tổng cục, 3 Trung tâm tin học thống kê khu vực và 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Hạ tầng CNTT đã và đang đáp ứng tốt việc cung cấp hàng loạt dịch vụ như quản lý người dùng, phân giải tên miền, cấp địa chỉ IP tự động, thư điện tử, truyền file, trao đổi thông tin, sao lưu dữ liệu… cho người dùng trong và ngoài ngành Thống kê. Việc tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã nâng cao chất lượng thông tin thống kê, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước. Theo kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TCTK đạt 88,6/100 điểm, xếp thứ 8 trên 36 đơn vị thuộc Bộ trong năm 2021.
 
Công tác dự báo và phổ biến thông tin thống kê ngày càng chuyên nghiệp
 
Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg đã đưa công tác này từng bước đi vào quy củ.
 
Giai đoạn này, Thống kê nhà nước đã thể hiện vai trò quan trọng trong bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất cho công tác quản lý, điều hành của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành và chính quyền địa phương thông qua báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, các báo cáo chuyên đề, các kịch bản tăng trưởng kinh tế, kịch bản điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu. Số liệu thống kê đã được sử dụng thống nhất trong việc đánh giá, tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 ở Trung ương và địa phương; số liệu thống kê cũng được sử dụng trong lập quy hoạch tổng thể quốc gia và từng địa phương. Mỗi năm có hàng chục chuyên đề/báo cáo phân tích và dự báo thống kê được hoàn thành theo kế hoạch, phục vụ kịp thời các báo cáo tổng kết cũng như chính sách điều hành của Chính phủ.
 
Trên tư cách là điều phối viên quốc gia, Tổng cục Thống kê cũng đã tham gia hệ thống phổ biến số liệu chung (GDDS) và tiếp đến Hệ thống phổ biến số liệu chung tăng cường (e-GDDS) (Các quy định hiện hành về GDDS được thay thế bởi e-GDDS) nhằm tăng tính minh bạch, thúc đẩy phát triển thống kê.
 
Với quan điểm đổi mới vừa phục vụ tốt sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội và Nhà nước vừa “Hướng về người dùng tin”, ngoài hình thức tổ chức họp báo công bố số liệu, ngành Thống kê đã tăng cường nhiều hình thức phổ biến thông tin khác nhau như thông cáo báo chí và phổ biến trên Trang thông tin điện tử Tổng cục Thống kê, phát hành các ấn phẩm, đĩa mềm, đĩa CD và file dữ liệu trên trang web, các trang thông tin của Ngành có lượt truy cập tăng nhanh chóng, tính đến hết năm 2022 đã có khoảng 280 triệu lượt truy cập các Trang thông tin của ngành Thống kê.
 
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực thống kê
 
Thực hiện đường lối đối ngoại mở rộng của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới, quan hệ hợp tác giữa Thống kê Việt Nam với thống kê của các quốc gia và các tổ chức quốc tế ngày càng  phát triển. Tổng cục Thống kê đã tham gia tích cực vào các hoạt động về thống kê của Thống kê Liên hợp quốc, chủ động tham gia và thường xuyên có những đóng góp quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động thống kê khu vực ASEAN, ESCAP, Đông Á. Năm 2010, Tổng cục Thống kê đã tổ chức thành công Hội nghị thủ trưởng các cơ quan thống kê quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASHOM 11), đã đăng cai và tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị Hiệp hội thống kê quốc tế chính thức IAOS năm 2014, Hội nghị Thống kê Nông nghiệp Châu Á-Thái Bình Dương... Thống kê Việt Nam đã gia nhập Hệ thống thống kê Cộng đồng ASEAN và đã có những hợp tác song phương chặt chẽ với Thống kê nhiều nước trên thế giới.
 
Việc tích cực chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế đã giúp Thống kê Việt Nam nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về chuyên môn, nghiệp vụ và cơ sở vật chất. Điển hình như dự án “Cải thiện hệ thống kê quốc gia Việt Nam” do Chính phủ Italia tài trợ đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực Thống kê Việt Nam, cùng nhiều hoạt động hợp tác khác làm tiền để để Thống kê Việt Nam hoàn thành tốt nghĩa vụ là thành viên của Thống kê Liên hợp quốc.
 
 Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên Tổng cục Thống kê tham gia ứng cử và trúng cử vào Hội đồng điều hành SIAP nhiệm kỳ 2022-2025. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác, tham gia sâu, rộng hơn các hoạt động thống kê quốc tế của khu vực, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung và ngành Thống kê Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.
 
Công tác thống kê Bộ ngành được đẩy mạnh phát triển; Công tác phối hợp  trong khai thác sử dụng hồ sơ hành chính ngày càng đi vào hiệu quả.
 
Thực hiện Nghị định số 03/2010/NĐ-CP của Chính phủ qui định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thống kê Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong giai đoạn này nhiều bộ ngành đã quan tâm, trú trọng xây dựng, củng cố và tăng cường bộ máy thống kê của Bộ, ngành.
 
Thông qua Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia ban hành theo Nghị định số 60/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ, Tổng cục Thống kê đã thu thập, tổng hợp được 82/84 chỉ tiêu thống kê từ 21 Bộ, ngành liên quan. Để thu thập thông tin thống kê từ dữ liệu hành chính, đã có 21 Bộ, ngành ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành áp dụng đối với sở, ngành địa phương.
 
Công tác phối hợp, chia sẻ dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê giữa TCTK với các Bộ, ngành được thực hiện thông qua Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia và các Quy chế phối hợp cung cấp, chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành liên quan. Đến nay, TCTK đã ký 13 quy chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, trường đại học, tập đoàn, nhằm xây dựng hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp. Đặc biệt việc phối hợp với Ngành Thuế trong chia sẻ dữ liệu hồ sơ hành chính là một bước tiến thành công trong khai thác dữ liệu hồ sơ hành chính phục vụ thu thập thông tin và nâng cao chất lượng công tác thống kê.
 
 Ở địa phương, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với các Sở, ban, ngành được tăng cường. Nhiều Cục Thống kê tỉnh, thành phố đã ký thỏa thuận hợp tác, quy chế phối hợp với các Sở, ban, ngành, Viện nghiên cứu tại địa phương. Ngoài ra, định kỳ hằng tháng, quý, các Cục Thống kê thường xuyên phối hợp với các Sở, ban, ngành trong việc rà soát số liệu kinh tế - xã hội, đảm bảo tính khách quan, kịp thời và chính xác phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương.
 
Đẩy mạnh thực hiện các đề án lớn
 
Ngành Thống kê đã triển khai và thực hiện thành công Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015), theo đó quy trình biên soạn và công bố GRDP được đổi mới; số liệu GRDP biên soạn và công bố theo Quy trình mới phản ánh chính xác hơn tình hình kinh tế – xã hội của các địa phương, được tin cậy sử dụng.
 
Bên cạnh đó, ngành Thống kê đẩy mạnh thực hiện các đề án lớn của Ngành như Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, Đề án ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030... cùng nhiều dự án khác đã góp phần nâng cao chất lượng số liệu thống kê, từng bước đưa thống kê Việt Nam  “Phấn đấu đến năm 2030, Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới” như mục tiêu Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam đề ra…
 
Năm 1960, trong chuyến thăm và làm việc với Ngành Thống kê, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng một lần nữa đã khẳng định vai trò, nhiệm vụ quan trọng của Ngành Thống kê: “ …Tình hình nước mình thể hiện trong con số, tương lai ở trong con số, kế hoạch cũng ở trong con số…”. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, vai trò của ngành Thống kê chưa bao giờ lu mờ. Mang trọng trách lớn lao đó, trong suốt chặng đường gần 80 năm qua, các thế hệ cán bộ, công, viên chức và người lao động Ngành Thống kê đã đoàn kết, nỗ lực hết mình nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng thông tin thống kê, đưa con số thống kê trở thành công cụ đắc lực phục vụ quá trình hội nhập và phát triển của đất nước./.
 
PV tổng hợp
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top