Ngành y tế dồn tổng lực cho trận chiến phòng, chống dịch Covid-19

01/11/2021 - 09:53 AM
Từ cuối tháng 4/2021, làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bắt đầu tấn công Việt Nam với những diễn biến phức tạp, ban đầu là các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp như: Bắc Ninh, Bắc Giang, sau đó lan sang các tỉnh phía Nam như Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Đặc biệt, sự xuất hiện của biến thể Delta có tốc độ lây nhanh và lan ra diện rộng trong thời gian ngắn đã khiến tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn với số ca nhiễm mới lên đến chục nghìn ca mỗi ngày đã khiến hệ thống y tế trong nước đối mặt với những thách thức chưa từng có trong lịch sử. Trong đợt dịch lần thứ 4, tính từ ngày 27/4 đến sáng ngày 30/8, cả nước đã ghi nhận 431.072 ca nhiễm mới trong nước và con số này vẫn tiếp tục gia tăng đe dọa khả năng chống chịu của cả hệ thống y tế trong nước. Song, với sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, ngành y tế nước ta đã dồn tổng lực để cùng các bộ, ngành liên quan và các địa phương tham gia trận chiến lần này.
 
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, xác định rõ vai trò dẫn đầu trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế thời gian qua liên tục tổ chức các buổi họp trực tuyến với ngành y tế các địa phương để theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh, bàn về các giải pháp chống dịch. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản gửi UBND và sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị Covid-19 đối với từng chủng vi rút Corona...
 
Công tác phòng, chống dịch bệnh lần này bước sang giai đoạn mới đầy khó khăn. Gánh vác trách nhiệm lớn lao của người thầy thuốc trên vai, hưởng ứng lời kêu gọi toàn ngành sẵn sàng lên đường hỗ trợ các địa phương chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, toàn bộ lực lượng trong ngành y tế cả nước, gồm y tế Nhà nước, y tế tư nhân, các lực lượng quân dân y, các trường đào tạo ngành y, các lực lượng cán bộ y tế nghỉ hưu đã chung tay, tích cực tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh. Mỗi cá nhận, tập thể trong ngành y đã dồn tâm - sức - lực với cường độ làm việc rất cao mỗi ngày để hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Không chỉ chung sức, đồng lòng, trận chiến lần này còn nhận được sự chia sẻ những trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hậu cần từ nhiều cơ sở y tế tư nhân và sự đóng góp vật chất của nhiều cá nhân.
 
Ngành y tế dồn tổng lực cho trận chiến phòng, chống dịch Covid-19
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Trong công tác chuyên môn, để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, sẵn sàng ứng phó tốt nhất với diễn biến của dịch bệnh Covid-19, toàn ngành y tế đã khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; ưu tiên tối đa trang thiết bị bảo hộ, vật tư y tế hướng về các tâm dịch; mở rộng năng lực, tăng công suất thực hiện xét nghiệm. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ 27/4 đến 30/8 cả nước đã thực hiện hơn 12,7 triệu mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho hơn 32,1 triệu lượt người.
 
Về điều trị, với quan điểm là hỗ trợ tối đa cho các địa phương có số bệnh nhân mắc Covid-19 ở mức cao, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến đầu và cơ sở y tế tại các địa phương đã chi viện hỗ trợ nhân lực, thiết bị kỹ thuật điều trị bệnh nhân Covid-19 nhằm thực hiện mục tiêu ưu tiên giảm số ca bệnh nặng, hạn chế số tử vong, đặc biệt đối với các ca mắc có bệnh lý nền, người cao tuổi.
 
Để đáp ứng công tác điều trị, tại tất cả các tỉnh, thành có nhiều ca nhiễm đã gấp rút xây dựng, thành lập nhiều bệnh viện dã chiến để tiếp nhận, điều trị các bệnh nhân Covid-19. Riêng tại tâm dịch Hồ Chí Minh đã có hàng chục bệnh viện dã chiến được thiết lập, có công suất hàng nghìn giường bệnh. Hầu hết các cán bộ, nhân viên, y bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến có chuyên môn tốt, được tập huấn kỹ phương pháp tiếp nhận, điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Do đó, công tác điều trị đạt nhiều kết quả, khả quan. Tính từ ngày 27/4/2021 đến sáng ngày 30/8, cả nước đã có trên 217 nghìn bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tính trung bình mỗi ngày Việt Nam có hàng nghìn bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện.
 
Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của các chủng Covid mới, ngành Y tế đã chủ động xây dựng phương án đối phó, sẵn sàng cho “kịch bản xấu và xấu hơn”, theo đó tất cả các bệnh viện hạng hai, hạng ba (tuyến huyện và tương đương) các tỉnh, thành phố đã thiết lập hệ thống ô-xy trung tâm, kiểm soát lại toàn bộ quá trình thiết lập, chuẩn bị các giường cấp cứu, hồi sức tích cực để điều trị bệnh nhân nặng theo phân tầng điều trị.
 
Bên cạnh đó, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ huy động đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam và các doanh nghiệp nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị đối với từng chủng virus; tiến hành nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm lâm sàng vắc xin phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19; sản xuất robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát…
 
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp xây dựng, phát triển và ứng dụng hàng loạt các ứng dụng như: Bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; Phần mềm khai báo y tế; Phần mềm đăng ký tiêm chủng; Nền tảng hỗ trợ truy vết; Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm tại các địa phương; Tính năng Zalo Connect trên Zalo hỗ trợ người gặp khó khăn trong dịch bệnh; …
 
Ngày 08/8/2021, Bộ Y tế đã công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện. Với sự kiện này, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, xử lý các ca bệnh khó. Đặc biệt, việc điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không nhất thiết phải chuyển lên tuyến trên. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ. Cùng với đó, giúp các y, bác sĩ tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân nặng.
 
Đồng thời Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia. Trung tâm công nghệ đã phát triển và cung cấp các nền tảng công nghệ dùng chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch, bao gồm: khai báo y tế, kiểm soát vào ra các địa điểm công cộng, truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, giám sát cách ly, đo lường mức độ giãn cách xã hội và các nghiệp vụ khác theo yêu cầu thực tiễn phát sinh trong phòng chống dịch. Cùng với các Tổ công nghệ Covid-19 tại địa phương - với nòng cốt là lực lượng Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế, Trung tâm sẽ hình thành nên mạng lưới triển khai công nghệ phòng, chống dịch xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Những kết quả trên đang tạo ra những bước phát triển quan trọng, đột phá trong công tác phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam.
 
Cuộc chiến chống dịch bệnh chỉ có thể chiến thắng khi tỷ lệ tiêm chủng vắc xin đạt kết quả cao. Do đó, bên cạnh công tác phòng chống và điều trị Covid-19, toàn ngành y tế cả nước chạy đua với thời gian, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin theo nguyên tắc nhanh nhất, sớm nhất và an toàn nhất, nhất là tại các địa phương có số ca nhiễm mới mỗi ngày ở mức cao. Đặc biệt, nhằm tăng tốc độ, diện bao phủ tiêm vắc xin, ngành y tế nhiều địa phương đã linh hoạt tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị... tùy theo tình hình dịch bệnh. Theo dữ liệu Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia tính đến 29/8, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là gần 19,7 triệu liều.
 
Có thể nói phòng chống dịch Covid-19 là một trong những trận chiến khốc liệt nhất mà ngành y tế Việt Nam phải dốc toàn bộ sức lực để chiến đấu. Song với những biện pháp kích hoạt tối đa hệ thống phòng chống dịch, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đặc biệt, với tinh thần quyết thắng của toàn thể các cán bộ, y, bác sĩ… Tin rằng, Việt Nam nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh hiện nay và ngăn chặn được những làn sóng Covid-19 bởi biến chủng mới đang có nguy cơ lan rộng trên toàn cầu./.
Quang Vinh 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top