Những năm qua, bằng tinh thần trách nhiệm và tấm lòng yêu thương người bệnh, các thế hệ thầy thuốc ngành Y tế tỉnh Cao Bằng đã không ngừng rèn luyện học tập, thi đua lao động, nâng cao y đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân trên địa bàn, xứng đáng với lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”.
Giai đoạn 2021-2023, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID -19 đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch COVID -19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trước những khó khăn tác động về nhiều mặt, ngành Y tế Cao Bằng đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo toàn ngành hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi khác đều được giám sát chặt chẽ và khống chế kịp thời; không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, vẫn quan tâm triển khai các hoạt động thường xuyên của Ngành, hệ thống y tế từ Tỉnh đến huyện, xã và nhân viên y tế thôn bản đã triển khai toàn diện các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trên tất cả các lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh, thực hiện các Chương trình Mục tiêu Y tế - dân số, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chất lượng công tác khám chữa bệnh và phục hồi chức năng ngày càng được nâng cao. Nhiều kỹ thuật mới được đưa vào ứng dụng trong khám và điều trị, tích cực thực hiện công tác phân tuyến kỹ thuật tại tuyến y tế cơ sở…
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, BVĐK tỉnh Cao Bằng cắt băng triển khai kỹ thuật phẫu thuật
thay thủy tinh thể bằng phương pháp phaco
Về công tác y tế dự phòng: Những năm qua, xác định y tế dự phòng là nhiệm vụ then chốt, do đó công tác này luôn được ngành Y tế tỉnh Cao Bằng chú trọng. Ngoài việc củng cố mạng lưới, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế dự phòng các tuyến, Sở Y tế tích cực chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt trung tâm y tế các huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động Nhân dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi khác đều được giám sát chặt chẽ và khống chế kịp thời; không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác có xu hướng giảm so với những năm trước, không có trường hợp tử vong do dịch. Song song với đó, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường nhằm nắm vững tình hình dịch tễ trong cộng đồng, phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch, hạn chế tối đa dịch bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng. Các Chương trình mục tiêu quốc gia: Tiêm chủng mở rộng, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số kế hoạch hóa gia đình… được triển khai, thực hiện có hiệu quả.
Về công tác khám, chữa bệnh - Phục hồi chức năng: Chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân. Hiện, tổng số giường bệnh kế hoạch là 1.875 giường, giường thực kê là 2.574 giường. Thực hiện tốt công tác phân tuyến kỹ thuật tại các tuyến. Quản lý, sử dụng thuốc đúng quy chế, đảm bảo an toàn, hợp lý; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Triển khai tư vấn, khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối bệnh viện Trung ương với bệnh viện tuyến tỉnh, các đơn vị tuyến tỉnh với tuyến huyện, xã. Kết quả khám, chữa bệnh năm 2021: Tổng số lần khám bệnh 652.806 lượt, đạt 88,6% kế hoạch năm; Bệnh nhân điều trị nội trú 75.165 lượt, đạt 97,2%; Điều trị ngoại trú 15.081 lượt, đạt 143,6% kế hoạch. Ngày điều trị nội trú trung bình toàn Tỉnh đạt 6,5 ngày. Công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 70,9%. Năm 2022, tổng số lần khám bệnh 664.057 lượt, đạt 91,47% kế hoạch năm; Bệnh nhân điều trị nội trú 87.881 lượt, đạt 105,8%; Điều trị ngoại trú 26.790 lượt, đạt 206,08%; Ngày điều trị nội trú trung bình toàn tỉnh đạt 7 ngày. Công suất sử dụng giường bệnh toàn tỉnh đạt 89,9%. Năm 2023, khám, chữa bệnh cho trên 701.502 lượt người, đạt 103,2% kế hoạch, trong đó, điều trị nội trú cho 94.836 lượt bệnh nhân, đạt 118% kế hoạch, công suất sử dụng giường bệnh toàn Tỉnh đạt 86,8%.
Bệnh nhân có thẻ BHYT điều trị tại BVĐK huyện Trùng Khánh
Bên cạnh đó, các bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật mới, tích cực thực hiện công tác phân tuyến kỹ thuật tại tuyến y tế cơ sở, điển hình như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện được 39 kỹ thuật mới, kỹ thuật cao như: Phẫu thuật tán nhuyễn thể thủy tinh bằng phương pháp pha co, phẫu thuật “Tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học qua cuống; Tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement (sơ men) sinh học có bóng” để điều trị các bệnh lý xẹp cột sống; triển khai ứng dụng thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng như: Xét nghiệm sàng lọc và phát hiện ung thư sớm, xét nghiệm giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định ung thư giúp cho việc phân tích tổn thương và chẩn đoán bệnh chính xác để tiên lượng và chẩn đoán giai đoạn ung thư để có biện pháp can thiệp phù hợp và kịp thời. Thành lập Khoa sức khỏe tâm thần và đơn vị đột quỵ, góp phần nâng cao chất lượng lượng KCB tại tuyến tỉnh.
Phẫu thuật thay thủy tinh thể bằng phương pháp phaco tại BVĐK tỉnh Cao Bằng
Đặc biệt, ngành Y tế Cao Bằng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý, khám chữa bệnh từ tuyến Tỉnh đến tuyến y tế cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm như: Quản lý bệnh viện; quản lý y tế xã, phường; quản lý tiêm chủng; quản lý cán bộ, công chức, viên chức; quản lý, điều hành. 100% Trạm Y tế xã triển khai phần mềm y tế cơ sở, hồ sơ sức khỏe điện tử để cung cấp thông tin quản lý bệnh tật, tiêm chủng, hồ sơ sức khỏe người dân. Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng phương thức mã QR code hoặc phương thức Mobile money liên kết với các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Các đơn vị cũng đã tích cực chủ động trong việc cải cách thủ tục hành chính, triển khai ứng dụng "VssID-Bảo hiểm xã hội số" để khám chữa bệnh BHYT. Hiện nay có 181/181 cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chip để KCB. 100% các dịch vụ công trực tuyến do Sở Y tế thực hiện đều được công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế; thực hiện tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính của Sở Y tế qua Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Y, bác sĩ BVĐK tỉnh Cao Bằng phẫu thuật tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học qua cuống
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, ngành Y tế tỉnh Cao Bằng vẫn còn gặp một số khó khăn như: Cao Bằng là tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, có địa hình chủ yếu đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa nơi có điều kiện sống thấp, nguy cơ bùng phát dịch lớn. Do đó ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng đáp ứng về tiếp cận các dịch vụ y tế, công tác phòng chống dịch bệnh cho người dân. Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chưa đồng đều giữa các tuyến; hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại một số phòng khám đa khoa khu vực và một số trạm y tế xã còn hạn chế. Tác động của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn và công tác khám, chữa bệnh của các đơn vị. Những năm gần đây, việc cung ứng thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Tỉnh gặp nhiều khó khăn, do gói thầu cũ đã hết hiệu lực. Quy trình, thủ tục thực hiện mua sắm thuốc theo quy định phát luật về đấu thầu thuốc phải có thời gian...
Để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, Sở Y tế tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành khẩn trương khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế theo thẩm quyền ( đến nay, đã hoàn thiện đấu thầu, có kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tập trung). Sở Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, các cơ sở y tế công lập thực hiện mua sắm thuốc bảo đảm phục vụ kịp thời công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân trên địa bàn./.
Nông Tuấn Phong
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng