Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam - Chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

08/11/2022 - 12:06 PM
Ngày 9 tháng 11 năm 1946 là thời khắc lịch sử trọng đại, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam, được Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa I thông qua.
 
Ngày 9 tháng 11 hằng năm được Đảng, Nhà nước lựa chọn là "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam". Điều đó được ghi nhận trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, khẳng định giá trị, vai trò của Hiến pháp, pháp luật đối với đời sống xã hội, lan tỏa tinh thần dân chủ - pháp quyền, ý thức chấp hành pháp luật, nhắc nhở chúng ta sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
 
Hiện công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật Việt Nam có nhiều tiến bộ quan trọng. Hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng đầy đủ, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch và thuận lợi; tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng hội nhập quốc tế. Những tiến bộ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của nước ta được quốc tế ghi nhận.
 
Công tác phổ biến, giáo dục và thi hành pháp luật được thực hiện với nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kịp thời đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Nhiều cuộc thi tìm hiểu về Hiến pháp và pháp luật đã thu hút được đông đảo người dân tham gia; các hoạt động đối thoại về chính sách, pháp luật giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp hay các chương trình, chuyên mục, trò chơi tìm hiểu pháp luật trên sóng phát thanh - truyền hình, phổ biến pháp luật thông qua mạng xã hội… đã giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật nhanh chóng, tiện lợi.
 
Có thể khẳng định, trong thành công chung của đất nước ta thời gian qua có sự đóng góp tích cực, quan trọng của công tác pháp luật. Trong đó, việc nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật nghiêm minh của người dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và cộng đồng xã hội là một trong những điều kiện tiên quyết.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và đầu tư toàn diện cho xây dựng và phổ biến pháp luật chưa thật sự tương xứng; chất lượng xây dựng luật pháp chưa cao; tuyên truyền, phổ biến pháp luật thời gian qua có lúc, có nơi vẫn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, kịp thời, chưa tạo được hiệu ứng, tác động lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, kết quả còn hạn chế; có không ít các vụ buôn lậu ma túy, mua bán trẻ em, phụ nữ qua biên giới, tình trạng tảo hôn, vi phạm quy định giao thông, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán… dẫn đến những rủi ro pháp lý do thiếu hiểu biết về pháp luật; chưa quan tâm đúng mức tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận người dân chưa cao; tình trạng vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, ngay cả trong hoạt động thực thi công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành, bảo vệ pháp luật mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; nguồn nhân lực còn hạn chế; công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao.
 
Nhà nước ta đang tập trung xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị Trung ương 6 vừa qua đã thống nhất mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức XHCN.
 
Xuất phát từ những yêu cầu đó và đòi hỏi của thực tiễn, trong bài phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2022 (6/11/2022), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành quan tâm triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
Một là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; khẩn trương triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới" sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành.
 
Tập trung đầu tư cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, một trong ba đột phá chiến lược. Đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển. Gắn kết chặt chẽ xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, đây là hai mặt của một quá trình thống nhất. Pháp luật phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống và từ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện pháp luật. Muốn "đưa pháp luật vào cuộc sống" thì ngay từ khi xây dựng phải có các quy định cụ thể, rõ ràng, khả thi, phù hợp với cuộc sống, phải "đưa hơi thở cuộc sống vào trong pháp luật". Quan tâm, đầu tư nguồn lực, các điều kiện cần thiết tương xứng, tăng cường đội ngũ làm công tác pháp chế, tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
 
Hai là, chú trọng, đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật với phương châm người dân là trung tâm, là chủ thể trong quá trình xây dựng theo hướng truyền thông chính thống có nhiệm vụ định hướng, dẫn dắt dư luận, nhất là giới trẻ. Đây là giải pháp quan trọng để thu hút sự quan tâm của nhân dân, trước hết là các đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách, phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn, doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật.
 
Ba là, phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong học tập, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là chấp hành pháp luật. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều bị phát hiện, xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, nhất quán, công khai, minh bạch.
 
Bốn là, công tác tổ chức thi hành pháp luật phải hướng về cơ sở. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN phải được chú trọng ngay từ cấp chính quyền gần dân nhất. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, đặt quyền lợi của người dân lên trên hết theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Cần đặc biệt quan tâm đến các nhóm đối tượng yếu thế, đối tượng khó khăn trong tiếp cận pháp luật, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Thực hiện hiệu quả Đề án về "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân". Mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu, tuân thủ nghiêm pháp luật, vì quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và cộng đồng.
 
Năm là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tổ chức thực hiện pháp luật. Cung cấp đầy đủ các dịch vụ về luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, hộ tịch… để hỗ trợ tối đa nhu cầu pháp luật của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Vận động, thu hút nguồn lực xã hội tham gia hoạt động xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật.
 
Sáu là, phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, tiên tiến để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, trong tuyên truyền, phổ biến, thực thi pháp luật. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật. Từ những hạt nhân nòng cốt này sẽ lan tỏa giá trị tích cực, củng cố niềm tin, tăng cường sự đồng thuận của nhân dân với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi chúng ta bằng những hành động cụ thể, thiết thực, chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức và hành động của mỗi người dân, doanh nghiệp, của cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Tinh thần đó phải trở thành chuẩn mực thực thi, tuân thủ và văn hóa trong xã hội. Việc xây dựng - phổ biến - thực thi - giám sát pháp luật được thực hiện tốt sẽ biến những giá trị văn hóa ấy thành nguồn lực quan trọng của đất nước./.
 
Đối với công tác Thống kê, việc hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý luôn là một trong những giải pháp chủ lực trong xây dựng và phát triển ngành Thống kê Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Trong 10 năm qua (giai đoạn 2011-2020), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và địa phương đã soạn thảo, trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng ban hành hơn 50 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản pháp lý khác trong lĩnh vực thống kê (Tổng kết chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030) . Gần đây nhất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 12/11/2021 và được Chủ tịch nước công bố theo Lệnh công bố số 03/2021/L-CTN ngày 25/11/202, có hiệu thi hành từ ngày 1/1/2022. Ngành Thống kê và các bộ ngành có liên quan đang tích cực triển khai xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thống kê sửa đổi. Các văn bản pháp lý đã và đang được triển khai thực hiện nghiêm túc trong toàn ngành Thống kê, tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động thống kê phát triển, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thống kê của toàn xã hội.  
 
 
PV (TH)
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top