Đầu năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo giới chuyên gia, Nghị quyết được kỳ vọng là điểm tựa, đem lại nguồn sinh khí mới cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hằng năm ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP).
Năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh vào thành một nội dung của Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm nhằm khẳng định môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trong điều hành và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do chỉ là một trong các nhiệm vụ của Nghị quyết 01/NQ-CP nên mức độ quan tâm, động lực cải cách của các Bộ, ngành, địa phương mờ nhạt hơn.
Ảnh minh họa
Trong khi đó, năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài cũng như lực cản trong nước; tại nhiều lĩnh vực rào cản đầu tư, kinh doanh trở nên nặng nề hơn; môi trường kinh doanh chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành. Điều này tác động không nhỏ tới niềm tin và động lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Do đó, nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi và phát triển, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách theo thẩm quyền và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn thể chế cho doanh nghiệp. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực. Kết quả này tạo đà phục hồi và phát triển cho khu vực tư nhân, đồng thời xếp hạng tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Trên các bảng xếp hạng quốc tế, hiệu quả thị trường tăng hạng đáng kể, từ thứ hạng 105 (năm 2020) lên thứ hạng 90 (năm 2021), 84 (năm 2022) và đạt thứ hạng 72 (năm 2023); Chỉ số Phát triển bền vững (SDG) tăng điểm liên tục qua các năm, hiện xếp thứ 55 (năm 2022); Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023 ở vị trí thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Mặc dù có nhiều cải thiện trên bảng xếp hạng toàn cầu, song tình hình hoạt động của doanh nghiệp năm 2023 lại gặp khó khăn hơn so với các năm trước. Số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động, vốn đăng ký và lao động đều giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Năng lực hấp thụ vốn sụt giảm khiến tăng trưởng tín dụng chậm, mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành; xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn, chậm phục hồi…
Dự báo năm 2024, các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2024, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt gần 59,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 53,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; hơn 15,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,7%; 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. Bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, so sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý I/2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14,1 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp.
Thực tế này cho thấy, doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn. Hơn lúc nào hết nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.
Nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trên, Chính phủ đã khôi phục lại Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết số 02 nhằm khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương.
Sự trở lại của Nghị quyết 02/2024 mang theo thông điệp rằng cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Giới chuyên gia đánh giá, Nghị quyết số 02/NQ-CP kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp về sự đồng hành của Chính phủ; khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh; từ đó thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Cải cách có trọng tâm, đem lại nguồn sinh khí mới cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển
Với thông điệp rõ ràng, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp, Nghị quyết số 02/NQ-CP được thiết kế tổng thể với mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đến năm 2025 và một số nhiệm vụ trọng tâm ngay trong năm nay.
Theo đó, Chính phủ tiếp tục xác định các mục tiêu cải cách theo thông lệ quốc tế, có chọn lọc trọng tâm để phù hợp với vấn đề, bất cập, tồn tại của từng năm. Theo đó, đặt ra cụ thể một số mục tiêu nâng hạng các chỉ số quốc tế như: Phát triển bền vững thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu; Năng lực Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng ít nhất 3 bậc; Chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc; Quyền tài sản tăng ít nhất 2 bậc; Hiệu quả logistics tăng ít nhất 4 bậc; Năng lực phát triển du lịch và lữ hành tăng ít nhất 2 bậc; và An toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước đứng đầu…
Đồng thời, Chính phủ cũng xác định mục tiêu cụ thể về số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023. Mục tiêu cuối cùng là để doanh nghiệp thành lập nhiều hơn, hoạt động thuận lợi hơn, hiệu quả hơn và số doanh nghiệp dừng, tạm dừng hoạt động, đóng cửa giảm đi, tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Để thực hiện các mục tiêu này, Chính phủ xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2024, đồng thời gắn với trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương.
7 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 02 năm 2024
Những nhóm giải pháp này hướng tới giải quyết các vướng mắc, bất cập cụ thể và đang gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, có những giải pháp có thể thực hiện ngay; có những giải pháp cần có sự phối hợp và hoàn thiện trong dài hạn hơn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với những giải pháp cải cách có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, cùng với sự vào cuộc của các bộ, ngành, Nghị quyết số 02/NQ-CP kỳ vọng sẽ đem lại luồng sinh khí mới, giúp cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới./.
ThS. Lê Thị Huyền Trang
Học viện Ngân hàng