Ngày 05/02/2025, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Nghị quyết nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Trong khi đó, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, không đồng đều, thiếu vững chắc, rủi ro gia tăng. Nền kinh tế nước ta dự báo duy trì đà tăng trưởng tích cực, có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại đã kéo dài nhiều năm, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn...
12 chỉ tiêu tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực
Trong bối cảnh đó, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, để tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, Chính phủ đặt ra một số chỉ tiêu tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực. Cụ thể:
1. Tỷ lệ động viên vào NSNN trên GDP đạt 16%;
2. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển/tổng chi NSNN đạt 31%;
3. Tỷ trọng chi thường xuyên/tổng chi NSNN dưới 60%;
4. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội so với GDP đạt 33,5%;
5. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 12%;
6. Thặng dư thương mại hàng hóa đạt 30 tỷ USD;
7. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 9,5%;
8. Tốc độ tăng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 12%;
9. Tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C đạt 20-22%;
10. Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử đạt 60-62%;
11. Tốc độ tăng tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 12,5-13%;
12. Khách du lịch quốc tế đạt 22-23 triệu lượt khách; khách du lịch nội địa đạt 120-130 triệu lượt khách.

Nghị quyết số 25/NQ-CP đề ra 12 chỉ tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực
và đặt mục tiêu 18/63 tỉnh, thành phố tăng trưởng GRDP hai con số trong năm 2025
18/63 tỉnh, thành phố tăng trưởng GRDP hai con số
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 25/NQ-CP cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số cho 18/63 tỉnh, thành phố. Cụ thể:
Vùng Đồng bằng sông Hồng có 6/11 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh (12,0%), Hải Dương (10,2%), thành phố Hải Phòng (12,5%), Hà Nam (10,5%), Nam Định (10,5%), Ninh Bình (12,0%);
Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc có 2/14 tỉnh, gồm: Bắc Giang (13,6%); Điện Biên (10,5%).
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có 6/14 tỉnh, thành phố, gồm: Thanh Hoá (11,0%); Nghệ An (10,5%); Thành phố Đà Nẵng (10,0%); Quảng Nam (10,0%); Khánh Hoà (10,0%); Ninh Thuận (13,0%);
Vùng Tây Nguyên có duy nhất một tỉnh là Kon Tum.
Vùng Đông Nam Bộ có 3/6 tỉnh, thành phố là: Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đều 10,0%
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long không có tỉnh nào tăng trưởng hai con số.
Đề đạt được các mục tiêu trên, tại Nghị quyết 25/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu:
Một là, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao chủ trì theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:
(i) Theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình, phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; có tư duy đổi mới, đột phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực và tăng trưởng GRDP của địa phương Chính phủ đặt ra.
(ii) Khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng của ngành, lĩnh vực hằng tháng, hằng quý; đối với chỉ tiêu tăng trưởng GRDP, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thống kê, trên cơ sở số liệu GRDP năm 2024 đã công bố, rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng GRDP theo ngành cấp 01 và 03 khu vực kinh tế và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm theo từng quý để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
(iii) Chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền và nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
(iv) Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện hằng tháng, hằng quý, cập nhật kịch bản tăng trưởng (nếu có) và kiến nghị, đề xuất giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Hai là, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, rà soát các nguồn lực, động lực, năng lực mới cho tăng trưởng và giải pháp thực hiện, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp trong tháng 02/2025 để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GRDP của địa phương trong trường hợp Hội đồng nhân dân đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng thấp hơn mục tiêu tại Nghị quyết này nhằm quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả.
Ba là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện và kiến nghị, đề xuất (nếu có), báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng.
Bên cạnh đó, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí, bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết; Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao./.
P.V