Nghị quyết số 29-NQ/TW - kim chỉ nam thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh và bền vững

16/03/2023 - 08:30 AM
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong thời gian qua, quá trình CNH, HĐH Việt Nam đã đạt được những kết quả có ý nghĩa rất quan trọng, toàn diện, thể hiện qua những con số cụ thể. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những điểm nghẽn, hạn chế cần tháo gỡ, khắc phục. Ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
 
Nhiều kết quả quan trọng đạt được
 
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt là từ khi đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay, chủ trương, cách thức, biện pháp thực hiện CNH, HĐH đất nước liên tục bổ sung, cập nhật để từng bước hiện thực hóa mô hình CNH, HĐH phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của Việt Nam. Qua các nhiệm kỳ Đại hội, nhất là từ Đại hội XII trở lại đây, Việt Nam đã có khoảng 20 nghị quyết ban hành một số chủ trương, đường lối quan trọng có liên quan đến những khía cạnh riêng của CNH, HĐH. Đây là những kim chỉ nam để Việt Nam đạt được những kết quả có ý nghĩa rất quan trọng, khá toàn diện trong thời gian qua.
 
Nhìn lại 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, CNH, HĐH đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Kết quả này được minh chứng bởi quy mô của nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành năm 2020 là 8,044 triệu tỷ đồng, tăng 3,1 lần so với năm 2010, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2022 tiếp tục tăng, ước đạt 9,513 triệu tỷ đồng, tương đương 409 tỷ USD, con số lần đầu tiên nền kinh tế nước ta đạt được.
 
Cũng trong giai đoạn 2011-2020, thu nhập bình quân đầu người tăng trên 25%, đạt khoảng 3.517,4 USD năm 2020, vượt mục tiêu của Chiến lược, đồng thời vượt mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 (đặt ra ở mức khoảng 3.200 - 3.500 USD). Năm 2022, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD. Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
 
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực giai đoạn 2011-2020 với tỉ trọng đóng góp vào GDP của công nghiệp và dịch vụ đạt 78,57% vào năm 20201. Trong 2 năm 2021- 2022, tỷ trọng đóng góp của 2 khu vực trên trong GDP cả nước tiếp tục có xu hướng tăng, với các con số lần lượt tương ứng là 78,81% và 79,59%2. Tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng lao động toàn xã hội giảm đáng kể từ 48,4% năm 2011 xuống còn 32,8% năm 2020, đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.
 
Cơ cấu kinh tế vùng chuyển đổi theo hướng tích cực, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng và theo hướng tăng cường liên kết, kết nối vùng, các tiểu vùng, bước đầu gắn kết với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngành công nghiệp cũng được cơ cấu lại theo hướng giảm tỉ trọng của ngành khai khoáng, tăng nhanh tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2022, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 7,69% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế.
 
Nghị quyết số 29-NQ/TW - kim chỉ nam thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh và bền vững
Khu vực công nghiệp đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn

Theo thông tin công bố của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vào cuối tháng 12 năm 2022, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 44,5 tỷ USD, xuất khẩu dệt may của Việt Nam giữ vị trí thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh. Cùng với đó, ngành giầy dép các loại nước ta đã tạo một chỗ đứng trong nền kinh tế toàn cầu với vị trí thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu. Vị trí ngành điện tử cũng cải thiện đáng kể, từ thứ hạng 47 năm 2001 lên thứ hạng 12 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử (trong đó mặt hàng điện thoại di động đứng thứ 02 thế giới); sản phẩm đồ gỗ (đứng thứ 5 thế giới, đứng thứ 2 ở châu Á, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu)... Một số ngành công nghiệp nền tảng (thép, hóa chất, cơ khí chế tạo) đã từng bước đáp ứng nhu cầu về tư liệu và năng lực sản xuất của nền kinh tế; công nghiệp quốc phòng từng bước tham gia thúc đẩy phát triển nền công nghiệp quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội. Công nghiệp hỗ trợ được quan tâm phát triển, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị tăng thêm trong các ngành công nghiệp, thúc đẩy một số mặt hàng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị, phân phối toàn cầu.
 
Những năm qua, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đã thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp ổn định và bền vững, từng bước được cơ cấu lại theo hướng hiện đại. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến và nhu cầu thị trường. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ, đã hình thành và nhân rộng ở nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực. Cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp được áp dụng rộng rãi đã tạo ra nhiều thay đổi trong phương thức canh tác nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh. Tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với quá trình CNH, HĐH đất nước; kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực. Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong những năm 2016 - 2020, các địa phương đã đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Máy móc, thiết bị sử dụng đa dạng ở tất cả các khâu trong quá trình sản xuất với số lượng tăng đáng kể. Bình quân 100 hộ có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản sử dụng 0,74 ô tô phục vụ sản xuất, gấp 3,89 lần năm 2016; 1,93 máy phát điện, gấp 5,36 lần. Bình quân 100 hộ trồng lúa sử dụng 28,87 bình phun thuốc trừ sâu có động cơ, gấp 2,23 lần; 0,44 máy gặt đập liên hợp, gấp 1,61 lần; 2,84 máy gặt khác, gấp 1,32 lần; 4,02 máy tuốt lúa có động cơ, gấp 1,25 lần. Cùng với việc đẩy mạnh cơ giới hóa, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong những năm vừa qua còn tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, trong đó có việc sử dụng ngày càng phổ biến nhà kính, nhà lưới, nhà màng.
 
Ngành dịch vụ phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng. Năm 2022, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất với tỷ lệ 41,33% trong tổng quy mô của nền kinh tế Việt Nam. Điều đáng mừng là đã hình thành được một số ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ cao như dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông, du lịch, hàng không... Các phương thức, mô hình kinh doanh trên thị trường xuất hiện, được đổi mới theo hướng văn minh hiện đại, phù hợp với quá trình CNH, HĐH đất nước. Là một quốc gia có dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ thế giới.
 
Đặc biệt, với sự lan tỏa của làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, thương mại điện tử Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ. Các mô hình sản xuất kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn... xuất hiện và phát triển, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, theo hướng hiện đại. Kinh tế số được chú trọng phát triển, trở thành một động lực tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, xã hội số. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, ước tính kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, tăng trưởng 31% so với năm trước, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước.
 
Trong giai đoạn 2010-2020, hệ thống đô thị phát triển nhanh về số lượng, mở rộng về quy mô, nâng dần chất lượng theo hướng đồng bộ, xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2010, cả nước có 772 đô thị, tăng lên 862 đô thị trong năm 2020. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 là 39,3%, tăng hơn 9% so với năm 2010. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước; diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi, chất lượng đô thị ngày càng được nâng cao. Nguồn cung về nhà ở xã hội liên tục được gia tăng tại nhiều đô thị góp phần từng bước giải quyết nhu cầu nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp và đối tượng chính sách, đảm bảo quyền có chỗ ở của công nhân.
 
Nghị quyết số 29-NQ/TW - kim chỉ nam thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh và bền vững 1
Hệ thống đô thị phát triển nhanh về số lượng, mở rộng về quy mô, nâng dần chất lượng

Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ, hiệu quả hơn, chất lượng được nâng cao, tạo không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hạ tầng giao thông đã có bước phát triển đáng kể; hạ tầng năng lượng được tập trung đầu tư, tăng thêm năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, khu kinh tế ven biển phát triển khá, tăng về số lượng, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp, khu kinh tế cơ bản đạt trên 50%. Hạ tầng thuỷ lợi được xây dựng và nâng cấp theo hướng đa mục tiêu, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn; hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển mạnh, hiện đại, rộng khắp, bảo đảm kết nối với quốc tế và bước đầu hình thành siêu xa lộ thông tin. Hạ tầng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp được đầu tư phát triển mạnh mẽ ở nhiều vùng, miền trong cả nước, nhất là hệ thống đại học quốc gia, trường đại học vùng. Hạ tầng khoa học công nghệ có bước phát triển nhanh. Mạng lưới các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ hình thành và phát triển tại nhiều địa phương, vùng miền. Năm 2019, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập, thực hiện sứ mệnh dẫn dắt và kết nối nhằm xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc; cung cấp cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chú trọng đẩy mạnh hoạt động chuyển giao, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ trong một môi trường thử nghiệm thể chế thuận lợi để đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
 
Cùng với những kết quả đạt được về kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng Chỉ số phát triển con người HDI cao nhất trên thế giới. Giai đoạn 2011-2020, chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng từ 0,663 vào năm 2011 lên 0,706 vào năm 20203, bắt đầu thuộc nhóm các quốc gia có HDI ở mức cao (là nhóm quốc gia có chỉ số HDI từ 0,7 đến dưới 0,8). Giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu giảm nghèo của Chiến lược 2011-2020, qua đó Việt Nam đã đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo. Hệ thống an sinh xã hội phát triển ngày càng toàn diện, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội toàn dân.
 
Việt Nam đã và đang trở thành thành viên có trách nhiệm, nỗ lực tham gia góp phần tích cực với cộng đồng quốc tế trong đàm về ứng phó với biến đổi khí hậu. Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường được hạn chế so với các năm trước đây; nhiều khu vực ô nhiễm tồn lưu được xử lý, cải tạo; các nguồn ô nhiễm, các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm; sự cố môi trường được kiểm soát, hoạt động an toàn, vận hành ổn định; xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái, thân thiện với môi trường.
Tháo gỡ, khắc phục những điểm nghẽn, hạn chế còn tồn tại
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) ở nước ta thời gian qua những hạn chế cần kịp thời tháo gỡ. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra. Tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm (giai đoạn 1991-2000, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,6%/năm, giai đoạn 2001-2010 xuống còn 6,6%/năm, giai đoạn 2011-2020 trung bình chỉ đạt 6,17%/năm). Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Thực tế cho thấy, thu nhập bình quân đầu người vẫn nằm trong nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn rất xa và không dễ thu hẹp cũng như thấp hơn rất nhiều so với mức thu nhập bình quân đầu người của thế giới (là hơn 10.000 USD).
 
Nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động chậm được cải thiện, năng lực độc lập, tự chủ thấp. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững. Các ngành dịch vụ quan trọng chiếm tỉ trọng nhỏ, mối liên kết với các ngành sản xuất còn yếu. Kết quả CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn còn hạn chế; đô thị hoá chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với CNH-HĐH. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hiệu quả kết nối và chất lượng chưa cao; còn chênh lệch khoảng cách về kết quả CNH, HĐH giữa các vùng miền. Các vấn đề về phát triển văn hoá, xã hội, con người, môi trường còn nhiều bất cập. Trong đó, kết quả giảm nghèo chưa thực sự đồng đều, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Hệ thống an sinh xã hội còn nhiều hạn chế về mức độ bao phủ. Ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng.
 
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do chưa xác định rõ trọng tâm ưu tiên trong phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, dẫn đến còn dàn trải, hiệu quả thấp, không đạt mục tiêu đề ra. Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả; nguồn lực của Nhà nước bố trí cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo còn thấp; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; hệ thống các tiêu chuẩn, định mức còn lạc hậu, không khuyến khích thúc đẩy phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ...
 
Bên cạnh đó, bối cảnh trong nước hiện nay cũng đang đặt ra một số thách thức như: Xu hướng già hoá dân số nhanh; Tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá tăng mạnh; Biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước.
 
Trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường, có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi Việt Nam phải có tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
 
Để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện thực hiện các chủ trương, đường lối về CNH, HĐH đất nước với những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy CNH, HĐH đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 17/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là: Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao; Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ tiên tiến; Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao, hình thành được nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao. Trên cơ sở đó, Nghị quyết đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực Châu Á.
 
Nghị quyết đã đề ra 7 nhóm chỉ tiêu chính với 25 chỉ tiêu. Đây là các nhóm chỉ tiêu cụ thể hoá các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra, Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn nhằm giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) thời gian qua.
 
Thứ nhất, về đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Theo đó, nội dung cốt lõi của sự CNH, HĐH đất nước theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Giai đoạn 2031-2045, tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hoá và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.
 
Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với 7 nhóm nội dung cần đẩy nhanh.
 
Thứ ba, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng.
 
Thứ tư, đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
 
Thứ năm, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
 
Thứ sáu, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hoá nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
 
Thứ bảy, phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
 
Thứ tám, đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhanh, bền vững.
 
Thứ chín, quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước.
 
Thứ mười, phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ tri thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bảo đảm tốt an sinh xã hội.
 
Có thể nói, Nghị quyết số 29-NQ/TW là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới, nhằm thúc đẩy quá trình CNH, HĐH của đất nước nhanh và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030./.

Tài liệu tham khảo:
Báo cáo Chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020;

Niên giám Thống kê năm 2021 - Tổng cục Thống kê; 
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 - Tổng cục Thống kê.
TS. Hà Thị Dáng Hương
Khoa Lý luận chính trị - Đại học Bách khoa Hà Nội
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top