Nghị quyết số 50-NQ/TW Mở ra kỷ nguyên mới trong thu hút FDI

06/11/2019 - 04:06 PM
Lần đầu tiên sau 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW để định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong thu hút vốn FDI, giúp Việt Nam thu hút được một thế hệ FDI mới có chất lượng cao hơn.

Thực trạng thu hút FDI sau 30 năm

Sau hơn 30 năm đón vốn FDI, thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Số liệu thống kê cho thấy, vốn FDI thực hiện tăng nhanh, đến nay đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng trên 20%/năm trong 30 năm qua, đồng thời là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế. Tỷ trọng trong GDP tăng từ 2,1% năm 1989 lên khoảng 20% năm 2018; xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhanh, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, gấp hơn 4 lần so với năm 1988; đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước (NSNN), năm 2018, chiếm 20,9% tổng thu NSNN và là nguồn thu chủ yếu ở một số địa phương như Vĩnh Phúc (93,5%), Bắc Ninh (72%), Đồng Nai (63%); tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện thu nhập, đời sống cho người lao động.

Nghị quyết số 50-NQ/TW Mở ra kỷ nguyên mới trong thu hút FDI

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Những năm qua, đầu tư nước ngoài đã góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô. Dòng vốn FDI luôn duy trì mức thặng dư cao, góp phần quan trọng vào ổn định cán cân tài chính, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, gia tăng dự trữ ngoại hối và ổn định chính sách tiền tệ, tỷ giá, đồng thời cũng là nguồn bù đắp thâm   hụt thương mại trong nước, dần tạo cân bằng và thặng dư thương mại cho nền kinh tế. Năm 2018, khu vực ĐTNN thặng dư 32 tỷ USD (kể cả dầu thô), bù đắp 25,2 tỷ USD thâm hụt của khu vực trong nước, giúp cán cân thương mại thặng dư 6,8 tỷ USD.

Đầu tư nước ngoài thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực mới, chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Một bộ phận lao động được đào tạo đã có năng lực quản lý, trình độ khoa học, công nghệ đủ sức thay thế chuyên gia nước ngoài. Hoạt động ĐTNN ngày càng sôi động với sự có mặt của hơn 100 Tập đoàn lớn trên thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 3 về thu hút ĐTNN trong khu vực ASEAN. Riêng trong 9 tháng năm 2019, đã thu hút 2.759 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 10.973,4 triệu USD, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa năng suất, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đầu tư nước ngoài góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trở thành nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình hình thành, hoàn thiện hệ thống luật pháp ngày càng minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết 50 cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới trong việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài cụ thể:

Chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng ĐTNN còn hạn chế. Các dự án FDI chủ yếu quy mô nhỏ, công nghệ thấp, lạc hậu, thâm dụng lao động, tiêu hao nhiều năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Gần 50% số dự án có quy mô vốn dưới 1 triệu USD. Suất đầu tư trên 1 hecta đất sử dụng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo chưa cao (bình quân 3,7 triệu USD/ha). Số lượng dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ nguồn từ Hoa Kỳ và Châu Âu còn thấp (6%), chủ yếu là công nghệ trung bình (80%), trong đó xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 30 đến 40%. Rất ít doanh nghiệp FDI thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển hoặc tập đoàn đa quốc gia mở trụ sở tại Việt Nam. Hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với năng lực, lợi thế và chính sách ưu đãi. Tỷ lệ vốn thực hiện trên tổng vốn đầu tư đăng ký chưa cao (khoảng 56%). Đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực ĐTNN còn khiêm tốn; tốc độ tăng về số nộp ngân sách thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận; tỷ trọng đóng góp cho NSNN có xu hướng giảm.
 
Mất cân đối trong thu hút và sử dụng ĐTNN, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và thường ở các vùng có điều kiện thuận lợi như Đông Nam Bộ (42,12%), đồng bằng sông Hồng (29,5%). Chưa thu hút được nhiều vào nông nghiệp (1,8% về số dự án và 1% về vốn đăng ký); phát triển  kết cấu hạ tầng hoặc các dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường. Đầu tư nước ngoài chủ yếu từ Châu   Á (chiếm 75,7% tổng vốn đăng ký), từ Châu Âu, Châu Mỹ còn ít (12,7%). Mới có khoảng 100 tập đoàn trong danh sách 500 tập đoàn hàng đầu thế giới có đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa tham gia tích cực xây dựng nhà ở xã hội, thiết chế văn hóa, y tế... và phát triển đô thị; xuất hiện tình trạng quá tải ở một số địa bàn (Đồng Nai, Bắc Ninh...).

Liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực kinh tế trong nước chưa chặt chẽ. Số hợp đồng chuyển giao công nghệ còn thấp (mới có khoảng 1.000 hợp đồng). Tỷ lệ nội địa hóa chưa cao, bình quân 20- 25%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Mặc dù việc thu hút, sử dụng đầu tư nước ngoài không lấn át khu vực kinh tế trong nước nhưng một số bộ, ngành, địa phương còn ưu ái doanh nghiệp FDI hơn doanh nghiệp trong nước. Sự thiếu liên kết, hợp tác giữa hai khu vực còn lệch pha, hiệu ứng lan toả của khu vực đầu tư nước ngoài còn hạn chế.

Xuất hiện những vấn đề tiêu cực và mới phát sinh. Hiện tượng chuyển giá gia tăng về số lượng và mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp. Năm 2017, trong tổng số 16.718 doanh nghiệp báo cáo, có 2.673 doanh nghiệp lỗ mất vốn. Trong 2.673 doanh nghiệp lỗ mất vốn có đến 1.590 doanh nghiệp (60%) lỗ mất vốn nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh. Có hiện tượng một số nhà đầu tư nước ngoài không có năng lực tài chính, nhiều doanh nghiệp FDI có “vốn mỏng”; hệ số vốn vay trên vốn chủ sở hữu cao (qua rà soát nhanh 140 doanh nghiệp có dư nợ vay nước ngoài trung dài hạn cao, có đến 46 doanh nghiệp có tổng mức vay nước ngoài tối đa ở trên mức 4 lần vốn chủ sở hữu và đều là các doanh nghiệp FDI). Có hiện tượng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” thông qua cá nhân, tổ chức người Việt Nam.

Một số doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm quy định về sử dụng lao động nước ngoài và chính sách lao động, tiền lương. Tình trạng chủ doanh nghiệp nợ đóng, chiếm dụng BHXH hoặc bỏ trốn còn phức tạp; đình công trong khu vực ĐTNN có xu hướng tăng. Cá biệt, có doanh nghiệp ĐTNN còn vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường; ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Các vụ khiếu kiện, tranh chấp đầu tư giữa nhà ĐTNN với cơ quan quản lý nhà nước có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh và chi phí nguồn lực trong xử lý.


Kỷ nguyên mới trong thu hút vốn FDI
 
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn hơn 30 năm thu hút vốn FDI, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-TW, được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Đây sẽ là cơ sở vững chắc giúp Việt Nam mở ra một kỷ nguyên mới trong thu hút vốn FDI, góp phần nâng cao chất lượng dòng vốn FDI.

Nghị quyết 50 khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Mục tiêu tổng quát của Nghị định 50 là hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế. Đồng thời, khắc phục căn bản những hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Nghị quyết chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu; xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết.

Với yêu cầu lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, quản trị hiện đại, đồng thời nhấn mạnh yếu tố an ninh quốc gia trong thu hút FDI, Nghị quyết của Bộ Chính trị lưu ý, nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”; không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên…; Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam sẽ xây dựng chính sách ưu đãi vượt trội, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo ở Việt Nam…

Cùng với đó, Nghị quyết cũng đặt mục tiêu hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư nhằm bảo đảm việc nhà đầu tư nước ngoài tuân thủ các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo vệ môi trường trong quá trình đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân và hạ tầng phục vụ đi kèm. Đã đến lúc Việt Nam cần thực hiện quyền lựa chọn các đối tác để cùng nhau hợp tác phát triển nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, chứ không phải là thu hút vốn FDI bằng mọi giá./.


Một số mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 50-NQ/TW

  • Giai đoạn 2021-2025, vốn đăng ký khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/ năm); vốn thực hiện 100-150 tỷ USD.
  • Giai đoạn 2026-2030, vốn đăng ký 200-300 tỷ USD; vốn thực hiện 150-200 tỷ USD.
  • Tỷ lệ DN sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và tăng lên gấp đôi (100%) vào 2030 so với năm 2018.
  • Tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 20-25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
  • Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động tăng từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top