Nghiên cứu các yếu tố thúc đẩy sự phát triển khu phố chuyên doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội

18/02/2025 - 02:30 PM
Tóm tắt: Mục đích nghiên cứu nhằm tìm ra các yếu tố thúc đẩy sự phát triển khu phố chuyên doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thông qua 210 mẫu khảo sát bằng các phân tích định lượng trên phần mềm SPSS26. Kết quả cho thấy 5 yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển khu phố chuyên doanh là Không gian mua sắm, Thái độ nhân viên bán hàng, Sự thuận tiện, Chất lượng hàng hóa và Giá cả. Dựa trên kết quả nghiên cứu, một số hàm ý chính sách quan trọng được đề xuất nhằm hỗ trợ chính quyền và doanh nghiệp trong việc phát triển khu phố chuyên doanh theo hướng hiện đại, bền vững và phù hợp với xu thế thương mại – du lịch.

Từ khoá: Khu phố chuyên doanh; Du khách; Hà Nội.

Abstract: The study aims to identify the factors driving the development of specialized business streets in Hanoi. Using quantitative analysis with SPSS 26 on a dataset of 210 survey samples, the results reveal that five key factors positively influence the development of specialized business streets: Shopping space, Sales staff attitude, Convenience, Product quality, and Pricing. Based on these findings, several important policy implications are proposed to support local authorities and businesses in developing specialized business streets in a modern, sustainable manner that aligns with commercial and tourism trends.

Keywords: Specialized business streets; Tourists; Hanoi.

Đặt vấn đề

Trong quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế, mô hình khu phố chuyên doanh đã trở thành một xu hướng phổ biến tại nhiều đô thị trên thế giới như phố sách ở Tokyo (Nhật Bản), phố điện tử ở Seoul (Hàn Quốc) hay phố thời trang ở Paris (Pháp),... không chỉ đóng vai trò là trung tâm mua sắm, giao thương mà còn trở thành điểm đến văn hóa và du lịch. Đây là những khu vực tập trung nhiều cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh cùng một ngành hàng hoặc dịch vụ, tạo nên những điểm nhấn văn hóa đặc thù với các hoạt động thương mại, dịch vụ chuyên biệt.

Tại Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, hình thức khu phố chuyên doanh đã tồn tại từ lâu với những khu phố nổi tiếng như Hàng Mã (đồ trang trí), Hàng Bạc (vàng bạc đá quý), Hàng Đào (thời trang), Thịnh Yên (điện tử), Nguyễn Sơn (sách báo),... Đây là những minh chứng rõ ràng cho sức hút của mô hình này trong nền kinh tế đô thị. Tuy nhiên, đa phần các khu phố chuyên doanh tại Hà Nội hiện nay đều hình thành một cách tự phát, chưa có quy hoạch và chiến lược phát triển đồng bộ. Điều này dẫn đến nhiều thách thức như cạnh tranh thiếu lành mạnh, hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu, khả năng kết nối chuỗi cung ứng hạn chế và chưa tận dụng được tối đa tiềm năng du lịch thương mại. Xuất phát từ thực tiễn đó, nghiên cứu tập trung vào việc xác định và tìm ra các yếu tố tác động đến sự phát triển khu phố chuyên doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thông qua phương pháp nghiên cứu định lượng kết hợp với khảo sát thực tế, nghiên cứu sẽ cung cấp bằng chứng khoa học về những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành và mở rộng khu phố chuyên doanh. Đồng thời, là cơ sở đưa ra các hàm ý chính sách nhằm hỗ trợ chính quyền và doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển các khu phố chuyên doanh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu đề xuất

Khu phố chuyên doanh là một khu vực đô thị, nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh cùng một ngành hàng hoặc lĩnh vực cụ thể, tạo thành một hệ sinh thái thương mại chuyên biệt. Mô hình này giúp các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tận dụng lợi thế tập trung để thu hút khách hàng, giảm chi phí giao dịch, nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Theo Hack (2013), khu phố chuyên doanh là khu vực tập trung các cửa hàng kinh doanh cùng một loại sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm có chức năng tương tự, hình thành dựa trên đặc điểm dân cư và nhu cầu thị trường tại khu vực đó. Những khu phố này thường có quy mô nhỏ và nằm tại các vị trí trung tâm thành phố, nơi có điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại. Bên cạnh việc cung cấp các mặt hàng đặc thù cho người tiêu dùng, khu phố chuyên doanh còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối thương mại giữa các khu vực khác nhau, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Việc phát triển các tuyến phố chuyên doanh không chỉ góp phần đổi mới hoạt động kinh doanh mà còn nâng cao chất lượng quản lý đô thị. Khi các khu phố này được quy hoạch với sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng hàng hóa, an ninh, trật tự và văn hóa kinh doanh, sẽ tạo ra một môi trường thương mại đặc trưng và bền vững. Bên cạnh việc gia tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ kinh doanh, phố chuyên doanh còn đóng vai trò như một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy du lịch và phát triển kinh tế địa phương. Theo Nguyễn Quốc Nghi và cộng sự (2016) chính sự gia tăng nhu cầu mua sắm của du khách trong hoạt động du lịch đã thúc đẩy sự ra đời của các khu phố chuyên doanh, do đó trong nghiên cứu này sự phát triển khu phố chuyên doanh cũng chính là việc thoả mãn và nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu mua sắm chuyên biệt của du khách, đồng thời tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương thông qua hoạt động thương mại tập trung và có định hướng. Một không gian mua sắm được thiết kế hấp dẫn và thoải mái không chỉ nâng cao trải nghiệm của khách du lịch mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch (Bloch et al. 1994). Du khách thường quan tâm nhiều đến các yếu tố như chất lượng sản phẩm, độ đa dạng của hàng hóa, danh tiếng thương hiệu, giá cả hợp lý và mức độ tin cậy khi mua hàng (Heung & Cheng, 2000). Đồng thời, chất lượng dịch vụ cũng ảnh hưởng đáng kể đến quyết định mua sắm, đặc biệt là thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp của nhân viên bán hàng cũng như cách bố trí không gian và trưng bày sản phẩm (Heung & Cheng, 2000). Đây cũng chính là những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các khu phố chuyên doanh.

Dựa trên cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu của Hack (2013), Nguyễn Quốc Nghi và cộng sự (2016) nhằm đảm bảo sự phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh nghiên cứu thông qua quan sát thực tế kết hợp với thảo luận nhóm cùng một số du khách đã từng tham quan, mua sắm tại nhiều khu phố chuyên doanh trên thế giới, am hiểu về đặc điểm các khu phố trên địa bàn thành phố Hà Nội và tham vấn ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố thúc đẩy sự phát triển khu phố chuyên doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm 5 yếu tố là: không gian mua sắm, sự thuận tiện, giá cả, chất lượng hàng hoá, thái độ nhân viên bán hàng. Cụ thể: Không gian mua sắm tại khu phố chuyên doanh là sự rộng rãi, lối đi giữa các gian hàng buôn bán, số lượng cửa hàng kinh doanh và cách bố trí hàng hóa; Sự thuận tiện là mức độ dễ dàng trong lúc mua sắm lựa chọn hàng hóa cũng như trong quá trình tiếp cận với bãi giữ xe hay khu phố chuyên doanh và thuận tiện trong lúc thanh toán; Giá cả là giá của hàng hóa và các yếu tố liên quan đến quá trình khuyến mãi giảm giá đối với các loại hàng hóa được bán tại các khu phố chuyên doanh; Chất lượng hàng hoá là mức độ đáp ứng của các loại sản phẩm được bày bán tại khu phố chuyên doanh phù hợp với mong muốn của khách hàng; Thái độ nhân viên là sự trung thực, kĩ năng bán hàng, tác phong chuyên nghiệp hay mức độ nhiệt tình trong quá trình tư vấn và khả năng ngoại ngữ của nhân viên bán hàng tại các khu phố chuyên doanh.

H1: Không gian mua sắm có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển khu phố chuyên doanh.

H2: Sự thuận tiện có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển khu phố chuyên doanh.

H3: Giá cả có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển khu phố chuyên doanh.

H4: Chất lượng hàng hoá có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển khu phố chuyên doanh.

H5: Thái độ nhân viên bán hàng có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển khu phố chuyên doanh.

Tổng hợp các giả thuyết trên, mô hình nghiên cứu đề xuất như Hình 1.

Nghiên cứu các yếu tố thúc đẩy sự phát triển khu phố chuyên doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội
Hình 1. Mô hình nghiên cứu đề xuất

Nguồn: Tác giả đề xuất

Từ mô hình trên, phương trình nghiên cứu tổng quát là:

PT = β0 + β1*KG + β2*TT + β3*GC + β4*CL + β5*NV + e

Trong đó:

Yếu tố phụ thuộc (PT): Sự phát triển khu phố chuyên doanh

Các yếu tố độc lập bao gồm: Không gian mua sắm (KG); Sự thuận tiện (TT); Giá cả (GC); Chất lượng hàng hoá (CL); Thái độ nhân viên bán hàng (NV).

βk: Hệ số hồi quy (k = 0, 1, 2,…5).

e: Sai số ngẫu nhiên.

3. Phương pháp nghiên cứu

Thang đo chính thức được xây dựng dựa trên kế thừa từ các nghiên cứu trong và ngoài nước trong phần cơ sở lý thuyết kết hợp thảo luận nhóm cùng một số du khách và tham vấn ý kiến chuyên gia để hiệu chỉnh thang đo. Nghiên cứu sử dụng thang đo Likert 5 mức độ (Mức 1 - Rất không đồng ý đến Mức 5 - Rất đồng ý), phiếu khảo sát được phát trực tiếp bằng phương pháp phi xác suất thuận tiện đến khách du lịch quốc tế và nội địa trên địa bàn TP. Hà Nội. Dữ liệu thu thập được phân tích bằng phần mềm SPSS 26 với cỡ mẫu được tính theo tỷ lệ tối thiếu khi phân tích nhân tố khám phá theo Hair và cộng sự (2010). Thời gian khảo sát từ tháng 10/2024 đến tháng 01/2025 với số phiếu hợp lệ thu về là 210 phiếu.

4. Kết quả nghiên cứu

Bảng 1. Kết quả kiểm định độ tin cậy và phân tích nhân tố khám phá EFA
Nghiên cứu các yếu tố thúc đẩy sự phát triển khu phố chuyên doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội 1

(Nguồn: Phân tích của tác giả)

Kết quả phân tích cho thấy các yếu tố độc lập có hệ số Cronbach’s Alpha tổng lớn hơn 0,7; hệ số tương quan biến tổng đều lớn hơn 0,3 do đó mức độ tin cậy của thang đo tốt và không có biến nào cần loại bỏ. Kết quả phân tích nhân tố khám phá bằng phương pháp trích Components (PCA) và phép quay Varimax cho thấy hệ số KMO đạt 0,813 đạt yêu cầu (lớn hơn 0,5 và nhỏ hơn 1); thống kê Chi-square của kiểm định Bartlett Test đạt mức giá trị 6934,715 với mức ý nghĩa 0,000 (nhỏ hơn 0,05). Tại mức giá trị Eigenvalue lớn hơn 1 có 5 yếu tố được trích với tổng phương sai trích đạt 78,854% (lớn hơn 50%) nghĩa là 5 nhân tố này giải thích được 78,854% sự biến thiên của dữ liệu. Bên cạnh đó hệ số tải nhân tố đều lớn hơn 0,5 thể hiện chất lượng biến quan sát tốt và các biến quan sát được phân bổ đúng với dự kiến ban đầu. Như vậy các kết quả đạt được đảm bảo mức ý nghĩa trong phân tích nhân tố khám phá EFA (Hair và cộng sự, 2010). Khi phân tích yếu tố phụ thuộc, các kết quả thu được cũng hoàn toàn đáp ứng với các tiêu chuẩn đưa ra của Hair và cộng sự (2010).

Ngoài ra, kết quả phân tích tương quan Pearson cho thấy có mối tương quan mạnh giữa các yếu tố độc lập với yếu tố phụ với hệ số tương quan > 0,4 và giá trị Sig < 0,05 đồng thời giữa các yếu tố độc lập không xuất hiện nghi ngờ về hiện tượng đa cộng tuyến nên dữ liệu thoả mãn đưa vào phân tích hồi quy (Hair và cộng sự, 2010).

Bảng 2. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính
Nghiên cứu các yếu tố thúc đẩy sự phát triển khu phố chuyên doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội 2

(Nguồn: Phân tích của tác giả)

Kiểm tra mức độ phù hợp mô hình cho thấy hệ số R2 hiểu chỉnh đạt 0,805 thể hiện mức độ phù hợp của mô hình cao. Hệ số Durbin - Watson bằng 1,795 đạt yêu cầu không vi phạm giả định tự tương quan chuỗi bậc nhất. Hệ số Sig. của kiểm định F nhỏ hơn 0,000 thể hiện mô hình hồi quy tổng thể phù hợp với mọi cấu trúc được kiểm tra. Hệ số phóng đại phương sai VIF của các yếu tố trong mô hình đều nhỏ hơn 2 và giá trị Sig. của kiểm định t đều nhỏ hơn 0,05 do đó không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến. Bên cạnh đó kiểm tra giả định về phân phối chuẩn của phần dư cho thấy độ lệch chuẩn Std. Dev = 0,997 và Mean = 3,15E-16 nên giả thuyết phân phối chuẩn của phần dư khi xây dựng mô hình hồi quy không bị vi phạm. Biểu đồ phân tán thể hiện sự phân bố ngẫu nhiên của các giá trị phần dư xung quanh đường tung độ 0, đồng thời các điểm quan sát không nằm quá xa đường thẳng kỳ vọng, do đó, giả định về mối quan hệ tuyến tính không bị vi phạm. Kết quả các giả thuyết đưa ra đều được chấp nhận, phương trình hồi quy theo hệ số beta chuẩn hoá như sau:

PT = 0,315*KG + 0,289*NV + 0,267*TT + 0,242*CL + 0,213*GC + e

Qua phương trình 5 yếu tố đều có ảnh hưởng chiều dương tới yếu tố phụ thuộc theo thứ tự giảm dần Không gian mua sắm; Thái độ nhân viên bán hàng; Sự thuận tiện; Chất lượng hàng hoá; Giá cả. Hạn chế của nghiên cứu là kích cỡ mẫu còn nhỏ, phương pháp lấy mẫu thuận tiện đơn giản và vẫn còn các yếu tố khác ngoài mô hình cần xem xét thêm. Đây cũng là hướng nghiên cứu mà tác giả sẽ mở rộng trong tương lai.

5. Kết luận và hàm ý chính sách

Nghiên cứu đã xác định và đo lường các yếu tố thúc đẩy sự phát triển khu phố chuyên doanh tại Hà Nội. Kết quả phân tích cho thấy năm yếu tố chính có tác động tích cực đến sự phát triển của khu phố chuyên doanh theo mức độ ảnh hưởng giảm dần như sau: Không gian mua sắm, Thái độ nhân viên bán hàng, Sự thuận tiện, Chất lượng hàng hóa và Giá cả. Từ những kết quả nghiên cứu, một số hàm ý chính sách quan trọng được đề xuất nhằm hỗ trợ chính quyền và doanh nghiệp trong việc phát triển khu phố chuyên doanh theo hướng hiện đại, bền vững và phù hợp với xu thế thương mại - du lịch.

Thứ nhất, chính quyền thành phố cần có kế hoạch quy hoạch không gian bài bản, đảm bảo tính đồng bộ về kiến trúc, bố trí hợp lý giữa các cửa hàng, khu vực dịch vụ và không gian công cộng. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nâng cấp hạ tầng vật chất, tăng cường yếu tố thẩm mỹ, ánh sáng, biển hiệu và các tiện ích hỗ trợ trải nghiệm mua sắm. Phát triển mô hình phố đi bộ chuyên doanh, kết hợp giữa thương mại, văn hóa và giải trí để tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Thứ hai, nâng cao chất lượng dịch vụ và đội ngũ nhân viên bán hàng, xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng bán hàng, giao tiếp, phục vụ khách hàng chuyên nghiệp cho đội ngũ nhân viên nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm. Ban hành các bộ tiêu chuẩn dịch vụ dành riêng cho các khu phố chuyên doanh, đảm bảo môi trường thương mại văn minh, lịch sự.

Thứ ba, chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông xung quanh các khu phố chuyên doanh, đảm bảo tính kết nối thuận tiện giữa các tuyến phố và các phương tiện công cộng. Xây dựng các bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng và các tiện ích hỗ trợ giúp khách hàng có trải nghiệm thuận lợi hơn khi mua sắm.

Thứ tư, thiết lập các chương trình chứng nhận chất lượng dành riêng cho các cửa hàng trong khu phố chuyên doanh để tạo lòng tin với khách hàng. Đẩy mạnh kiểm tra và giám sát nguồn gốc hàng hóa, tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng làm mất uy tín khu phố. Xây dựng cơ chế niêm yết giá minh bạch, đảm bảo tính công khai và cạnh tranh lành mạnh giữa các cửa hàng.

Thứ năm, tăng cường hoạt động quảng bá và liên kết du lịch, chính quyền và doanh nghiệp cần phối hợp tổ chức các sự kiện mua sắm, lễ hội thương mại, biến khu phố chuyên doanh thành điểm đến hấp dẫn. Đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng số, sử dụng mạng xã hội, website và các ứng dụng du lịch để tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước. Tích hợp khu phố chuyên doanh vào các tour du lịch, trải nghiệm mua sắm, liên kết với khách sạn, công ty du lịch để thu hút nhiều du khách hơn.

ThS. Uông Thị Ngọc Lan
Trường Đại học Thành Đông

Tài liệu tham khảo

1. Bloch, H. P., Ridgway, M. N., & Dawson, A. S. (1994). The shopping mall as a consumer habitat.

2. Hack, G. (2013). Business performance in walkable shopping areas [E-book]. Princeton, NJ: Active Living Research, a National Program of the Robert Wood Johnson Stores Foundation.

3. Heung, V. C. S., & Cheng, E. (2000). Assessing tourists’ satisfaction with shopping in the Hong Kong Special Administrative Region of China.

4. Nguyễn Quốc Nghi, Bùi Văn Trịnh, & Nguyễn Thị Bảo Châu. (2016). Các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu hình thành khu phố chuyên doanh tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ: Tiếp cận từ nhu cầu khách du lịch. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 42d, 24-30.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top