Ngày 18/01/2022 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tổng quát là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Để giám sát và đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia, năm 2021, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH, ngày 18/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025 và mẫu biểu báo cáo (viết gọn Thông tư 07).
Chuẩn nghèo sử dụng giai đoạn 2021-2025 là chuẩn nghèo đa chiều, ứng dụng của các quốc gia trên thế giới tương đối khác nhau, có quốc gia xác định đa chiều chỉ gồm các chiều cạnh về dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, ở Việt Nam yếu tố thu nhập được đưa vào chuẩn nghèo đa chiều và coi là một chiều cạnh của nghèo đa chiều kết hợp cùng với các chiều cạnh về dịch vụ xã hội. Có thể thấy đây là một bước chuyển từ sử dụng thước đo tiền tệ đo lường nghèo đói sang sử dụng thang đo đa chiều.
Ngày 30/3/2022, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BLĐTBXH, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 07 (viết gọn Thông tư 02). Điểm sửa đổi lớn nhất đó là Bảng quy ước điểm các yếu tố của hộ gia đình để đánh giá thu nhập. Thông tư 02 khắc phục hạn chế của Thông tư 07, đặc biệt là dựa trên nguồn số liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình mới nhất năm 2020 để cập nhật mô hình xác định điểm các yếu tố hộ gia đình tương ứng với mức thu nhập và tỷ lệ nghèo.
Đối với phương pháp trong Thông tư 02, tỷ lệ nghèo xác định chung theo vùng và khu vực. Như vậy hiểu là tỉnh, thành phố thuộc vùng nào sẽ có tỷ lệ nghèo được tính theo đúng quy định của vùng đó. Tuy nhiên, nhu cầu của mỗi địa phương mong muốn xác định chuẩn nghèo phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2022-2025, trong đó mức thu nhập theo điều kiện của địa phương xác định không tương đồng với mức thu nhập trong Thông tư 07 quy định.
Chuẩn nghèo hay điểm cắt trong đo lường nghèo đói là ngưỡng giá trị của tiêu chí xem xét, nếu hộ gia đình/cá nhân có giá trị của tiêu chí xem xét dưới mức này sẽ được gọi là hộ nghèo/người nghèo. Muốn xác định được điểm cắt/ngưỡng giá trị, đầu tiên ta cần nghiên cứu, mô phỏng được đặc điểm phân phối của tiêu chí cần xem xét. Tiêu chí cần xem xét ở đây thường là tiêu chí về thu nhập, chi tiêu hay một số chỉ tiêu khác thay thế đại diện cho phúc lợi của hộ gia đình. Việc xác định đặc điểm phân phối của thu nhập/chi tiêu qua điều tra trực tiếp yêu cầu rất lớn về mặt kỹ thuật, thời gian và tài chính, không quá phù hợp trong điều kiện hạn chế về nguồn lực. Vì vậy, phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu để xác định nhóm đối tượng mục tiêu về nghèo đói là “đo lường thu nhập (hoặc nghèo đói) dựa vào các yếu tố thay thế”, gọi là phương pháp Proxy Mean Test (viết gọn là phương pháp PMT). Phương pháp này dựa trên kết quả điều tra hộ gia đình quốc gia với thông tin về tài sản của hộ và một số chỉ tiêu khác thay thế để ước lượng phúc lợi của hộ gia đình (phúc lợi ở đây có thể hiểu là thu nhập, chi tiêu hay mức độ giàu nghèo).
Giới thiệu phương pháp đo lường các chỉ tiêu phúc lợi của hộ gia đình qua yếu tố thay thế trong nghiên cứu
Khi đo lường mức độ giàu có hay tình trạng kinh tế của cá nhân, hộ gia đình người ta thường nghĩ ngay đến thu nhập (hoặc chi tiêu) của cá nhân đó, hoặc của hộ gia đình đó. Một hộ gia đình có thể có nhiều nguồn thu như: Thu tiền làm công ăn lương, tự làm nông nghiệp, từ kinh doanh buôn bán, cho thuê bất động sản hoặc tài sản và thu từ được người nhà, họ hàng cho…
Thực tế thu thập số liệu cho thấy không phải lúc nào hộ gia đình cũng trả lời chính xác cho cơ quan Thống kê biết thu nhập thực của họ. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: (i) Tâm lý e ngại về thông tin cung cấp của người trả lời - họ muốn dấu đi khả năng tài chính của mình; (ii) Văn hóa của địa phương không chia sẻ những thông tin riêng tư; (iii) Kỹ năng của điều tra viên khai thác thông tin; (iv) Nhiều yếu tố khác tác động như môi trường phỏng vấn, thời gian, cách đặt câu hỏi và thiết kế điều tra.
Các cuộc điều tra hộ gia đình có thu thập thông tin về thu nhập (hoặc chi tiêu) và các đặc điểm của hộ gia đình là những cuộc điều tra khá điển hình về nhân khẩu học để nghiên cứu về hộ gia đình tại các quốc gia. Từ kết quả điều tra và kết hợp với mô hình hồi quy tương quan, nhiều nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ tương quan chặt chẽ giữa “phúc lợi” của hộ gia đình và các đặc điểm nhân khẩu học, đặc trưng của hộ gia đình. Từ đó, tác giả có ý tưởng xây dựng mô hình ước lượng “phúc lợi” hộ gia đình dựa trên thông tin về các đặc điểm của hộ và hệ số tương quan.
Phương pháp đo lường phúc lợi hộ gia đình sử dụng phương pháp PMT mang lại hiệu quả thiết thực, đó là thay vì liên tục thực hiện các cuộc điều tra thu thập thông tin trực tiếp để đo lường “phúc lợi” của hộ (thu nhập và chi tiêu) tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc và nhân lực thì có thể dựa vào mô hình của một năm điều tra gần nhất để tiến hành khảo sát thông tin đơn giản hơn, đó là các thông tin về đặc điểm của hộ từ đó suy ra “phúc lợi” của hộ mà đề tài này sẽ đề cập đến đó là “thu nhập bình quân đầu người của hộ”.
Về cơ bản phương pháp PMT là ước lượng dựa trên hồi quy tương quan đa biến, trong đó biến đầu ra thường sẽ là một chỉ tiêu khó đo lường hoặc cần nhiều nguồn lực để đo lường trong khi khả năng không cho phép. Để ứng dụng được phương pháp PMT, các nghiên cứu đều cần giả định rằng sai số của mô hình gây ra là các sai số ngẫu nhiên, với điều kiện mô hình xây dựng đã bao gồm những yếu tố có tương quan chặt chẽ với chỉ tiêu cần ước lượng, mô hình xây dựng đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật và số liệu đủ tin cậy đảm bảo tính ngẫu nhiên của mẫu được chọn.
Ứng dụng phương pháp PMT
Phương pháp PMT được ứng dụng chủ yếu đánh giá các chương trình xã hội đối với các đối tượng mục tiêu của chương trình xã hội, mà trong đó chủ yếu là đo lường nghèo đói, bởi đây là những nhóm đối tượng cần có thông tin về tình trạng kinh tế, để xác định họ có thuộc đối tượng cần bảo trợ xã hội không. Việc đo lường chỉ tiêu về thu nhập qua điều tra yêu cầu bảng hỏi dài, tốn nhiều thời gian và công sức của người đi thu thập cũng như số liệu có thể sai số nhiều do thông tin khai báo của người trả lời, do đó phương pháp PMT là giải pháp phù hợp để đo lường thường xuyên (hàng năm) đối với nhóm đối tượng này.
Phương pháp PMT ứng dụng đo lường chủ yếu là vấn đề nghèo đói:
- Xác định hộ nghèo: Nghèo theo chuẩn quốc tế là những người có mức chi tiêu bình quân đầu người dưới ngưỡng nghèo (1,9 USD/người/ngày - chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới tính theo giá PPP 2011 hoặc 3,65 USD/người/ngày - chuẩn nghèo Ngân hàng Thế giới tính theo giá PPP 2017 cho những nước thu nhập trung bình thấp). Để xác định một hộ gia đình nghèo hay không cần xác định chi tiêu bình quân đầu người của hộ có dưới ngưỡng nghèo hay không. Thay vì khảo sát chi tiêu của hộ người ta có thể đo lường các đặc trưng của hộ gia đình và sử dụng phương pháp PMT để ước lượng chi tiêu của hộ và xác định khả năng hộ rơi vào cảnh nghèo.
Tại Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (viết gọn Bộ LĐTBXH) ứng dụng phương pháp PMT để thực hiện rà soát hộ nghèo, theo đó chỉ tiêu được chọn là thu nhập bình quân đầu người bởi theo Chuẩn nghèo đa chiều của Việt Nam thu nhập là một chiều đóng góp vào xác định tình trạng nghèo của hộ gia đình.
- Tại các quốc gia đang phát triển, phương pháp PMT được coi là một phương pháp sử dụng phổ biến ước lượng thu nhập, nhận dạng người nghèo. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy sai số sẽ phát sinh nhiều hơn khi tỷ lệ nghèo quá thấp. Một trong những yếu điểm gây ra sai số cho phương pháp PMT chính là sự phân hóa rõ rệt của quốc gia.
Việc sử dụng phương pháp PMT bước đầu là để xác định đối tượng nghèo, từ đó có các chương trình chính sách với đối tượng được xác định. Chính vì vậy ứng dụng của phương pháp PMT có thể hiểu là để nhằm tìm và xác định hộ nghèo, người nghèo hoặc cũng có thể hiểu là ứng dụng để thực hiện các chương trình trợ giúp xã hội.
Thử nghiệm phương pháp xác định điểm cắt theo các mức thu nhập phục vụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 theo chuẩn nghèo riêng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Căn cứ vào tình hình số liệu thực tế, đề tài sẽ thực hiện các công việc như sau:
(1) Căn cứ vào các biến chấm điểm và điểm số tương ứng của các biến trong Phiếu quy ước điểm B1 của Thông tư 02 để xây dựng lại 6 mô hình hồi quy cho khu vực nông thôn của 6 vùng và 1 mô hình hồi quy cho khu vực thành thị chung của toàn quốc. Việc xem xét chất lượng các mô hình hồi quy và ý nghĩa các hệ số trong mô hình của từng vùng sẽ giúp đánh giá mức độ tương quan của tổng điểm tài sản rà soát theo Thông tư 02 với thu nhập thực tế của các hộ theo số liệu điều tra.
(2) Xây dựng 6 mô hình mới cho 6 vùng kinh tế-xã hội, từ đó tính các điểm cắt nghèo cho từng vùng.
(3) Lựa chọn Hà Nội (là 1 trong 9 địa phương đã ban hành chuẩn nghèo riêng) để thử nghiệm xây dựng mô hình theo phương pháp PMT cấp tỉnh và xác định điểm cắt nghèo riêng cho địa phương.
Kết quả thử nghiệm sử dụng phương pháp PMT để xác định điểm cắt thu nhập như sau:
Điểm cắt chung cho cả nước được tính như sau:
- Sử dụng bộ số liệu Khảo sát mức sống dân cư biến thu nhập chi tiêu, tạo các biến tương ứng như trong Bảng quy ước chấm điểm Thông tư 02. Trong 15 biến, từ bảng câu hỏi Khảo sát mức sống dân cư có thể tạo được 13 biến hoàn toàn trùng khớp với Bảng quy ước chấm điểm. Còn 2 biến thiếu thông tin cần thay thế là hộ có ít nhất 1 người đang làm việc phi nông nghiệp (làm việc từ 3 tháng trở lên trong 12 tháng qua) và thông tin về chăn nuôi của hộ.
- Áp điểm của Bảng quy ước chấm điểm để tính ra điểm tài sản cho từng hộ.
- Với mỗi mức thu nhập, dựa vào thu nhập của hộ điều tra thực tế đề tài sẽ tính được tỷ lệ hộ có thu nhập bình quân dưới mức thu nhập dự kiến (x%) riêng theo thành thị và nông thôn. Sử dụng bảng quy ước điểm để tính điểm tài sản của từng hộ và xác định nhóm hộ thuộc x% điểm tài sản thấp nhất. Điểm tài sản cao nhất trong nhóm hộ này chính là mức điểm tương ứng với mức thu nhập cần tính.
Bảng 1. Kết quả tính toán điểm cắt chung cho cả nước
Xác định điểm cắt của các tỉnh thuộc 6 vùng
Trước tiên, tác giả xác định điểm cắt của các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng. Kết quả hồi quy mô hình xác định điểm cắt của các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng có biến phụ thuộc là logarits nepe của thu nhập bình quân hộ có R2 =0,34, các hệ số đều có ý nghĩa thống kê (pvalue<0.1) và có ý nghĩa thực tế. Đồng thời các hệ số mang dấu dương để có thể quy điểm.
Hệ số các biến độc lập trong mô hình đóng vai trò là quyền số và là căn cứ để tính điểm quy ước cho các chỉ tiêu. Sau khi điều chỉnh điểm các chỉ tiêu để tỷ lệ nghèo thu nhập của cả vùng tính từ biến thu nhập bình quân thống nhất với tỷ lệ nghèo tính từ tổng điểm của hộ. Dựa vào điểm điều chỉnh, điểm cắt chung cho các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Hồng như Bảng 2.
Bảng 2. Điểm cắt tương ứng mức thu nhập Vùng Đồng bằng sông Hồng
Nguồn: Tính toán của tác giả
Tương tự, tác giả xác định điểm cắt của các tỉnh thuộc các vùng: Trung du và miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả hồi quy mô hình của các tỉnh thuộc Trung du và miền núi phía Bắc có R2 cao 0,61, các hệ số đều có ý nghĩa ở mức pvalue<0.05. Kết quả hồi quy mô hình của các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có R2 là 0.38, các hệ số đều mang dấu dương và có ý nghĩa ở mức pvalue<0.05. Kết quả hồi quy mô hình của các tỉnh thuộc Tây Nguyên có R2 là 0.46, các hệ số đều mang dấu dương và có ý nghĩa ở mức pvalue<0.1. Kết quả hồi quy mô hình của các tỉnh thuộc Đông Nam Bộ có R2 là 0.36, các hệ số đều mang dấu dương và có ý nghĩa ở mức pvalue<0.05. Kết quả hồi quy mô hình của các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long có R2 là 0.32, các hệ số đều mang dấu dương và có ý nghĩa ở mức pvalue<0.05.
Xây dựng mô hình và xác định điểm cắt cho Hà Nội
Hà Nội là 1 trong các tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Tính tới năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều theo chuẩn toàn quốc ở Hà Nội là 0%. Kết quả hồi quy mô hình xây dựng riêng cho Hà Nội có R2 là 0.30, các hệ số đều mang dấu dương và có ý nghĩa ở mức pvalue<0.05. Dựa vào điểm điều chỉnh, điểm cắt chung cho Hà Nội như Bảng 3.
Bảng 3. Điểm cắt tương ứng mức thu nhập của Hà Nội
Nguồn: Tính toán của tác giả
Đánh giá kết quả thử nghiệm xác định điểm cắt theo mức thu nhập phục vụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 theo chuẩn nghèo riêng của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Đánh giá kết quả thử nghiệm xác định điểm cắt chung cho toàn quốc
Tỷ lệ bao phủ của thử nghiệm xác định điểm cắt chung cho toàn quốc (tại mức thu nhập thành thị 2,5 triệu đồng/người/tháng và nông thôn 2 triệu đồng/người/tháng) khá cao, ở mức 59,95%. Tỷ lệ này có nghĩa là trong 100 hộ nghèo thu nhập, bộ công cụ PMT sẽ xác định được đúng 60 hộ. Biểu đồ 01 trình bày các tỷ lệ rò rỉ tương ứng với từng nhóm quintile ứng với 22% dân số có thu nhập thấp nhất. Các hộ có thu nhập càng ở gần với điểm cắt nghèo thu nhập càng dễ bị “rò rỉ” tức là đánh giá nhầm thành không nghèo. Vẫn có tỷ lệ hộ ở nhóm thu nhập thấp nhất (quintile <=6%) cũng bị đánh giá không chính xác tình trạng thu nhập.
Biểu đồ 01: Phân bố tỷ lệ rò rỉ theo quintile thu nhập
Nguồn: Tính toán của tác giả
Tỷ lệ bao phủ khác biệt lớn giữa các vùng. Tỷ lệ bao phủ cao ở Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên (75,98% và 79,71%). Đây là 2 vùng có tỷ lệ nghèo cao nhất cả nước đồng thời giá trị R2 của mô hình PMT cũng cao nhất. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là 2 vùng có tỷ lệ nghèo thấp nhất cả nước và tập trung 8/9 địa phương ban hành chuẩn nghèo riêng lại có tỷ lệ bao phủ thấp (dưới 50%). Điều này chứng tỏ việc sử dụng điểm cắt chung cho 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước dựa trên 1 mô hình không hiệu quả, đặc biệt đối với những địa phương có thu nhập cao, tỷ lệ nghèo thấp.
Bảng 4. Tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ rò rỉ theo vùng (%)
Nguồn: Tính toán của tác giả
Đánh giá kết quả thử nghiệm xác định điểm cắt theo vùng
Tỷ lệ bao phủ theo mô hình xây dựng cho từng vùng tại mức thu nhập thành thị 2,5 triệu đồng/người/tháng và nông thôn 2 triệu đồng/người/tháng được trình bày dưới bảng sau. Vẫn quan sát thấy sự khác biệt của tỷ lệ bao phủ theo vùng có tương quan thuận với R2 của mô hình PMT. Tuy nhiên tỷ lệ bao phủ của từng vùng có cải thiện hơn so với tính toán có được từ điểm cắt chung cho toàn quốc.
Bảng 5. Tỷ lệ bao phủ theo mô hình xây dựng cho từng vùng
tại mức thu nhập của thành thị và nông thôn
Đánh giá kết quả thử nghiệm xác định điểm cắt Hà Nội
Tỷ lệ bao phủ theo mô hình xây dựng riêng cho Hà Nội tại mức thu nhập thành thị 2,5 triệu đồng/người/tháng và nông thôn 2 triệu đồng/người/tháng là 39,3%, xấp xỉ tỷ lệ bao phủ chung nếu xác định điểm cắt chung cho cả vùng Đồng bằng sông Hồng.
Nhóm tác giả*
________________________________
* Chủ nhiệm đề tài: Phạm Thị Quỳnh Lợi; Các thành viên: Nguyễn Thế Quân, Nguyễn Đức Hạnh, Tô Thúy Hạnh, Nguyễn Việt Cường, Phạm Minh Thu, Ngô Doãn Thắng, Cao Thanh Sơn, Phạm Thị Hạnh, Nguyễn Thị Khánh Huyền
Tài liệu tham khảo:
1. Jules Gazeaud (2020), Proxy Means Testing Vulnerability to Measurement Errors? The Journal of Development Studies.
2. AusAID (September 2011), Targeting the Poorest: An assessment of the proxy means test methodology.
3. Nguyen, Cuong and Lo, Duc (December 2016), Testing Proxy Means Tests in the Field: Evidence from Vietnam.
4. Chính phủ (2021), Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.
5. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2021), Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH, ngày 18/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025 và mẫu biểu báo cáo.
6. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2022), Thông tư số 02/2022/TT-BLĐTBXH, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 07.
7. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2023) Quyết định số 71/QĐ-LĐTBXH ngày 19 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
8. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2024) Quyết định số 134/QĐ-LĐTBXH ngày 31 tháng 01 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.