Theo dòng chảy thời gian, ngoại giao đã để lại những dấu ấn quan trọng trong những trang sử hào hùng của đất nước. Đặc biệt, trong chặng đường gần 40 năm đổi mới, công tác đối ngoại, ngoại giao đã đạt được những kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, tin tưởng rằng ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục viết tiếp những trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Từ khóa: Ngoại giao, động lực, phát triển, hội nhập
Đưa Việt Nam hội nhập vào dòng chảy chung của thế giới
Theo dòng chảy thời gian, ngoại giao đã để lại những dấu ấn quan trọng trong những trang sử hào hùng của đất nước. Nhìn lại những buổi đầu lập quốc và trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, đối ngoại, ngoại giao đã tạo những mốc son trên chặng đường giành lại độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Sau khi đất nước thống nhất, đối ngoại, ngoại giao là mặt trận tiên phong tạo lối, mở đường, khơi thông quan hệ với nhiều đối tác, mở ra cục diện mới phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.
Trong chặng đường gần 40 năm đổi mới, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, công tác đối ngoại, ngoại giao đã đạt được những kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, góp phần tạo dựng cục diện đối ngoại rộng mở, thành công của đất nước. Đặc biệt, việc nâng tầm, nâng cấp quan hệ với các đối tác chủ chốt, quan trọng cùng các hoạt động đối ngoại cấp cao sôi động trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đã góp phần tạo nên tầm vóc chiến lược mới, đưa hợp tác đi vào chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài và bền vững của các mối quan hệ.
Quan hệ ngoại giao không ngừng được mở rộng, đi vào chiều sâu. Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 7 quốc gia là: Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023) và gần đây nhất là Australia (2024). Trên thực tế, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước này đã và đang đạt được nhiều thành tựu trên tất cả lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Trong chặng đường gần 40 năm đổi mới, công tác đối ngoại, ngoại giao đã đạt được những kết quả,
thành tựu quan trọng,có ý nghĩa lịch sử, góp phần tạo dựng cục diện đối ngoại rộng mở,
thành công của đất nước
Đáng chú ý là năm 2023, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, hai bên đã xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ từ cấp Đối tác chiến lược trở lên với toàn bộ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Anh và Pháp).
Việt Nam cũng là nước duy nhất xác lập và duy trì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cùng lúc với cả ba cường quốc hàng đầu trên thế giới là Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ, qua đó tiếp tục tạo khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với các đối tác quan trọng, góp phần củng cố thế đối ngoại vững chắc cho đất nước.
Bên cạnh đó, với chủ trương đẩy mạnh hợp tác thương mại, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, đến nay Việt Nam đã ký 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Đáng nói là trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện, có cơ chế thực thi chặt chẽ hơn; và khi có hiệu lực tác động rất mạnh tới tốc độ tăng trưởng phát triển kinh tế và thể chế của Việt Nam như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU)-EVFTA…
Trong phục vụ phát triển và hội nhập quốc tế, cùng với việc huy động nguồn lực quan trọng cho phát triển như FDI, ODA, đối ngoại, ngoại giao đã góp phần đưa Việt Nam trở thành mắt xích trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu với việc ký kết, tham gia các thỏa thuận, khuôn khổ kinh tế quan trọng. Đồng thời, ngành ngoại giao đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong thúc đẩy hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, xã hội, văn hóa, khoa học-công nghệ... đưa Việt Nam hội nhập vào dòng chảy chung của thế giới.
Đối ngoại, ngoại giao đa phương đã có bước trưởng thành mạnh mẽ, khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Điều này thể hiện ở việc nước ta không chỉ tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn (điển hình là APEC), đóng góp quan trọng trong sự phát triển chung của khu vực ASEAN, mà còn hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế tại các cơ chế quốc tế như: Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, UNESCO,… Đặc biệt đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam đã chủ động, tích cực đưa ra nhiều ý tưởng, sáng kiến, tham gia vào giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới.
Cùng với quốc phòng, an ninh, đối ngoại, ngoại giao đã góp phần thực hiện nhiệm vụ "trọng yếu, thường xuyên" là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam đã nỗ lực cùng các nước láng giềng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Cùng với đó, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, kịp thời, hiệu quả đối với hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta trên biển; đồng thời chủ động, tích cực thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết những vấn đề tồn tại, thực hiện tốt Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tích cực tham gia xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Thêm vào đó, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ góp phần đưa "sức mạnh mềm" Việt Nam ra thế giới; giới thiệu với bạn bè quốc tế truyền thống lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc cũng như hình ảnh đất nước, con người, thành tựu đổi mới và bản sắc văn hóa Việt Nam. Qua đó, nâng cao hình ảnh Việt Nam và phục vụ hiệu quả cho công cuộc xây dựng, phát triển bền vững của đất nước.
Tăng cường ngoại giao văn hóa, góp phần đưa "sức mạnh mềm" Việt Nam ra thế giới
Ngoại giao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến chuyển lớn với những cơ hội đan xen cùng thách thức. Trong bối cảnh đó, mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất của ngoại giao là sẽ tranh thủ tối đa và tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, đưa đất nước vào dòng chảy của thời đại, tạo đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 và năm 2045 mà Đại hội XIII đã đề ra.
Là động lực quan trọng cho đổi mới, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn xác định, ngành ngoại giao sẽ không ngừng phấn đấu để vừa phục vụ đắc lực các lợi ích an ninh và phát triển, nâng cao vị thế đất nước, vừa góp phần xây dựng một trật tự quốc tế công bằng, bảo đảm lợi ích chính đáng của các nước, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời tiếp tục nâng tầm, nâng cấp và tranh thủ tối đa cơ hội từ các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện; phát huy mạnh mẽ vai trò của các phương thức, các kênh đối ngoại như ngoại giao cấp cao, ngoại giao chuyên ngành, đối ngoại địa phương, các kênh học giả và doanh nghiệp…; tham gia chủ động, có trách nhiệm hơn vào việc giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực; thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt của đối ngoại đa phương trong những vấn đề, cơ chế quan trọng có tầm chiến lược.
Tin tưởng rằng ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục viết tiếp những trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước./.
Ngọc Linh