Việt Nam được biết đến về sự đa dạng văn hóa và giá trị tinh hoa của các di sản văn hóa. Cùng với những kết quả ngoại giao chính trị, ngoại gia kinh tế, năm 2024, ngoại giao văn hóa Việt Nam được nâng tầm và đạt những thành tựu đáng tự hào, qua đó tạo nền tảng tinh thần quốc gia và phát huy vai trò của “chiến lược sức mạnh mềm” nhằm nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Từ khóa: Ngoại giao, văn hóa, di sản, nâng tầm, vị thế, giá trị
Vietnam is known for its cultural diversity and the exquisite values of its cultural heritage. Along with the results of political diplomacy and economic diplomacy, in 2024, Vietnam’s cultural diplomacy has been elevated and achieved commendable accomplishments, thereby creating a national spirit foundation and promoting the role of the “soft power strategy” to enhance the country’s position on the international stage.
Keywords: Diplomacy, culture, heritage, elevate, status, value
Vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam
Đại hội đồng Công ước 2003 là cơ quan quyền lực cao nhất của UNESCO trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, gồm đại diện của 183 nước thành viên. Tháng 6/2024, tại Kỳ họp lần thứ 10 Đại hội đồng Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, với sự tham dự của 183 quốc gia thành viên và hơn 100 quan sát viên, Việt Nam đã được các nước thành viên tín nhiệm cao bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2003. Ở vị trí điều hành, Việt Nam trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO về văn hóa, đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu của Công ước 2003, cũng như tranh thủ các chương trình, kế hoạch, sáng kiến của UNESCO phục vụ phát triển đất nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trong hợp tác văn hóa ở tầm toàn cầu.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, cho thấy vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu và đặc biệt là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Việt Nam trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới. Đây cũng là kết quả của việc triển khai chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước về đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, cũng như Chiến lược ngoại giao văn hoá đến năm 2030.
Như vậy, với sự tín nhiệm của mình, Việt Nam đã tham gia 6 cơ quan then chốt của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), phát huy tốt vai trò là thành viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025; thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027; Phó Chủ tịch của Đại hội đồng UNESCO; Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (Công ước 2003); Phó Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ của Công ước về Bảo vệ sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021-2025.
Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự kiện này, một lần nữa cho thấy vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu, và đặc biệt là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Việt Nam trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới.
Nâng tầm giá trị văn hóa Việt
Chiến lược ngoại giao văn hóa của Việt Nam đề ra mục tiêu đạt được 60 di sản và danh hiệu UNESCO đến năm 2030, nhưng đến nay đã đạt tổng số 67 danh hiệu. Riêng năm 2024, Việt Nam đã thành công đề cử một số danh hiệu UNESCO. Nổi bật là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của UNESCO ghi danh vào mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” vào tháng 2/2024, cùng với 62 thành phố khác thuộc 34 quốc gia, nâng mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” lên 356 thành phố, tại 79 quốc gia, với hơn 390 triệu người dân được hưởng lợi cơ hội học tập suốt đời.
Thành công này là kết quả của cả quá trình tích lũy lâu dài, bằng trí tuệ, tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo và người dân địa phương trong triển khai cụ thể chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập quốc tế, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng nền giáo dục và nguồn nhân lực. Đây là niềm tự hào, cũng cho thấy sự ghi nhận của quốc tế đối với những nỗ lực xuất sắc của hai thành phố trên và góp phần vào kết quả của việc thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.
Một sự kiện không thể nhắc đến trong năm vừa qua là “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO với số phiếu 23/23 nước tham gia, tại Kỳ họp thứ 10 của Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra vào tháng 5/2024 ở Mông Cổ. Cửu đỉnh được đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837 dưới thời vua Minh Mạng. Đây được xem là bộ bách khoa toàn thư bằng hình ảnh sống động về đất nước Việt Nam thời bấy giờ và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012. Việc UNESCO công nhận “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” là Di sản tư liệu thế giới một lần nữa khẳng định tầm vóc, giá trị lịch sử của Cửu đỉnh trong kho tàng di sản văn hóa của nhân loại, đồng thời đem đến cho Thừa Thiên - Huế vị thế là địa phương duy nhất có 8 di sản được UNESCO công nhận.
Tháng Mười Hai, tháng cuối cùng của năm 2024, Việt Nam tiếp tục đón nhận tin vui Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được công nhận là danh hiệu Di sản Văn hóa phi Vật thể đại diện của nhân loại tại Kỳ họp 19 Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể thứ 16 của Việt Nam được UNESCO ghi danh và Di sản văn hóa phi vật thể thứ 2 của khu vực Nam Bộ (cùng với Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ) và là lễ hội truyền thống đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long được đón nhận vinh dự này.
Việc Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam được vinh danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với vẻ đẹp của di sản và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ di sản, góp phần vào khẳng định sự đa dạng, giá trị và bản sắc của văn hóa Việt Nam trong bức tranh văn hóa chung của nhân loại.
Cùng với những kết quả ngoại giao chính trị, ngoại gia kinh tế, năm 2024, ngoại giao văn hóa Việt Nam
được nâng tầm và đạt những thành tựu đáng tự hào
Tăng cường đối ngoại đa phương
Năm 2024 là “một năm bội thu” của ngoại giao văn hóa Việt Nam với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa với các nước được tổ chức, góp phần thúc đẩy tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước như Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản, Liên hoan Múa quốc tế 2024, Giao lưu Nghệ thuật quốc tế “Chào Năm mới 2024”…
Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 9 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 7/2024 là một trong những sự kiện đối ngoại quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới với những triển vọng cho mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sau khi lãnh đạo hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Người dân và du khách đến Lễ hội sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc về văn hóa, thể thao như: Triển lãm thành tựu hợp tác Đà Nẵng-Nhật Bản, trưng bày các sản phẩm đặc trưng của hai bên; Ngày hội giao lưu bóng đá giữa Câu lạc bộ Kawasaki Frontale với thanh thiếu niên Đà Nẵng; trải nghiệm bóng chày Nhật Bản cho người dân và du khách, trình diễn đấu vật biểu diễn Việt-Nhật; giao hữu các điệu nhảy dân vũ truyền thống Việt-Nhật; giao lưu trà đạo Nhật Bản-trà thức Việt Nam;...
Thành công của Liên hoan Múa quốc tế - 2024 được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 8/2024 cũng góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Đây là sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn hội tụ gần 500 nghệ sĩ, diễn viên của 17 đơn vị nghệ thuật đại diện cho 9 quốc gia gồm: Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa Philippines, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa Indonesia, Vương quốc Campuchia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Malaysia và nước chủ nhà Việt Nam.
Với thông điệp “Hội tụ, sáng tạo - Cùng nhau tỏa sáng”, các nghệ sĩ, diễn viên trong và ngoài nước tham gia liên hoan đã thỏa sức sáng tạo, đem hết tài năng nghệ thuật của mình cùng nhau tỏa sáng trên sân khấu, cống hiến cho khán giả những tiết mục nghệ thuật Múa đặc sắc nhất tại Liên hoan Múa quốc tế - 2024. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ múa Việt Nam và các quốc gia tham gia liên hoan chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật; trao đổi, tiếp thu những giá trị độc đáo, đa dạng về loại hình nghệ thuật văn hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đồng thời giới thiệu, quảng bá những tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc, những giá trị đặc sắc của nghệ thuật Múa truyền thống cũng như đương đại của Việt Nam, về đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, hiền hòa tới bạn bè quốc tế.

Thành công của Liên hoan Múa quốc tế - 2024 được tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 8/2024
góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và các quốc gia
trên thế giới
Văn hóa của đất Việt lan tỏa ở “xứ người”
Ngoại giao văn hóa còn được góp sức bởi mỗi công dân Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước. Với những người con đất Việt xa quê hương, tiếng nói của người Việt, văn hóa của đất Việt được lan tỏa, tôn vinh ở “xứ người” là điều vô cùng tuyệt vời, là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc, đồng thời cũng tạo chỗ đứng cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Để góp thêm những ngọn lửa thắp sáng mãi những giá trị văn hóa Việt ở muôn nơi, những tổ chức như hội người Việt Nam ở các nước, Hiệp hội Nhịp cầu Văn hóa Italy - Việt Nam ở thành phố Bologna, VACEO… đã tổ chức rất nhiều sự kiện văn hóa mang đậm dấu ấn Việt Nam, quảng bá rộng rãi, giúp kiều bào và bạn bè quốc tế có cơ hội khám phá, hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam, đồng thời giúp gắn kết cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Những sáng kiến như Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài đã giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị với các đối tác và nâng cao thương hiệu quốc gia.
Một trong những minh chứng sống động nhất về ngoại giao văn hóa là chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” lần đầu đến Mỹ Latinh vào tháng 11/2024, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), vừa giúp quảng bá những nét đẹp văn hóa và con người Việt Nam ra toàn cầu, vừa tiếp thu tinh hoa và giá trị văn hóa thế giới. Đây cũng là hoạt động đầy ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Brazil và kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Saudi Arabia.
Chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” đã giới thiệu đến công chúng những trải nghiệm văn hóa tiêu biểu của Việt Nam, với 10 hoạt động giao lưu văn hóa: Triển lãm ảnh kỷ niệm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Brazil, Việt Nam - Saudi Arabia; triển lãm ảnh tinh hoa văn hóa Việt Nam, các di sản thế giới tại Việt Nam được UNESCO ghi danh. Bức tường check-in với hình ảnh 54 dân tộc cũng là nơi giới thiệu tới bạn bè quốc tế về một Việt Nam đoàn kết, đậm đà bản sắc dân tộc, với những phong tục tập quán, trang phục độc đáo… Chương trình cũng mang đến bạn bè thế giới ngay tại “xứ Samba” tiết mục múa rồng Tứ Linh độc đáo, với hình ảnh con rồng phục dựng rồng thời Lý, gắn bó thân thiết với người Việt sẽ là một trải nghiệm giúp người dân và du khách tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Đồng thời, mang đến công chúng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại nhiều trải nghiệm thú vị, như lớp dạy nấu ăn, biểu diễn nấu ăn, nặn tò he...
Hiệp hội Nhịp cầu văn hóa Italy - Việt Nam cũng đã lan tỏa đậm nét văn hóa Việt tại Italy thông qua nhiều kênh quảng bá như ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục và văn hóa - văn nghệ... Tháng 6/2024, tham gia Lễ hội văn hóa dân tộc Bagnara ở Italy - một không gian hữu nghị quốc tế với sự tham gia của 23 quốc gia, gian hàng Việt Nam của Hiệp hội Nhịp cầu văn hóa Italy - Việt Nam được trang trí bắt mắt theo phong cách truyền thống với các bộ trang phục và nhạc cụ dân tộc, cồng chiêng, trống, chú Tễu, cùng các món ăn Việt như nem rán, nem lụi, nem chay, bánh xèo… đã gây ấn tượng với bạn bè quốc tế.
Văn hóa Việt Nam còn để lại dấu ấn ngày càng đậm nét tại Italy khi mang hát Quan họ và các màn trình diễn trống Việt Nam đến trung tâm đời sống văn hóa Italy và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của bạn bè Italy và quốc tế. Sức lan tỏa của văn hóa Việt Nam cũng được chứng minh bằng việc nữ ca sĩ opera Maria Ielli trình bày một ca khúc của nhạc sĩ Puccini được dịch sang tiếng Việt tại Bologna.
Cũng theo thông tin từ Hiệp hội Nhịp cầu văn hóa Italy - Việt Nam, tiếng Việt đã được lựa chọn là một trong những ngôn ngữ giảng dạy tại các trường đại học ở Italy. Điều này đã giúp xây dựng một cầu nối văn hóa, để các sinh viên Italy học tiếng Việt không chỉ hiểu rõ hơn về ngôn ngữ, mà còn mở ra cơ hội khám phá văn hóa, lịch sử và truyền thống của Việt Nam. Và họ sẽ trở thành những sứ giả về văn hóa Việt Nam trong môi trường học thuật, tạo điều kiện cho sự thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài giữa hai quốc gia.
Thông qua công tác ngoại giao văn hóa với nhiều hoạt động quảng bá, văn hóa Việt Nam ngày càng lan tỏa sâu rộng ra thế giới và trở thành một công cụ chiến lược để củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam và Italy, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Có thể nói, với "tài" ngoại giao văn hóa, văn hóa Việt đã chạm đến trái tim của bạn bè quốc tế. Hơn thế nữa, văn hóa đã thể hiện là một công cụ sắc bén trong chiến lược và trong mối quan hệ của Việt Nam với các quốc gia, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới. Những thành công năm 2024 sẽ là điểm tựa để ngoại giao văn hóa Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn, tiếp tục góp phần lan tỏa và nâng tầm giá trị Việt Nam trên toàn thế giới trong năm 2025 - thời khắc dân tộc Việt Nam chuyển mình trong kỷ nguyên mới./.
Quang Vinh