Những thành tựu của công nghệ thông tin được ứng dụng nhằm hỗ trợ người khuyết tật về lao động, học tập, sinh hoạt thuận lợi có ý nghĩa xã hội lớn lao trong việc xóa bỏ ranh giới giữa nhóm đối tượng này với cộng đồng. Người khuyết tật khó hòa nhập cuộc sống cộng đồng bởi những khó khăn do tình trạng khiếm khuyết cơ thể, suy giảm thể chất gây ra. Do vậy, nhiều cải tiến về công nghệ thích nghi khác đã được mở ra. Người thiếu tay và ngón tay gây khó khăn trong việc sử dụng bàn phím và con chuột, người khiếm thị không thể sử dụng các tiện ích của người sáng mắt… Những bất tiện đó đã được rất nhiều sản phẩm công nghệ khác hỗ trợ, giải quyết như: Chức năng phóng to màn hình, trình duyệt tổng hợp giọng nói, điện thoại và bảng đánh chữ nhận dạng giọng nói… Những ứng dụng tiện ích này giúp làm giảm sự cô lập của người khuyết tật và cải thiện mối liên hệ giữa người khuyết tật với cộng đồng sống. |
Một yếu tố quan trọng trong sự tham gia xã hội là mức độ phân biệt đối xử của xã hội mà người khuyết tật phải đối mặt. Có 42,7% người được hỏi tin rằng trẻ khuyết tật nên đi học cùng các trẻ em khác, trong khi 24,0% quan điểm cho rằng trẻ khuyết tật nên học trường chuyên biệt. Những người còn lại trả lời là phụ thuộc vào tình trạng khuyết tật hoặc không có ý kiến. Tỷ lệ người trả lời trẻ em khuyết tật nên đi học ở trường bình thường thay đổi tùy thuộc vào các đặc điểm của người trả lời. Những người trả lời có trình độ học vấn thấp nhất hoặc những người nghèo nhất có xu hướng trả lời là nên để trẻ khuyết tật được hòa nhập. Điều này có thể do họ có xu hướng chấp nhận đối với trẻ khuyết tật, nhưng cũng có thể bởi vì những người giàu hay người có trình độ cao thường có kỳ vọng cao hơn với những gì con họ học được hoặc quan tâm hơn về ảnh hưởng của trẻ khuyết tật trong lớp với năng lực của giáo viên để dạy con họ. Sẽ không có vấn đề gì nếu như trong một trường học được thiết kế giúp trẻ hòa nhập, nhưng nếu trẻ khuyết tật được cho vào lớp học không có cơ sở vật chất để hỗ trợ thì mối lo ngại này có thể thành hiện thực hơn. Các chính sách nhằm cho trẻ khuyết tật vào lớp bình thường cần tạo ra một môi trường và đảm bảo rằng cha mẹ trẻ em hiểu được việc hòa nhập này sẽ hoạt động như thế nào. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy thái độ đối với việc hòa nhập đang thay đổi. Trên 46% những người dưới 30 tuổi tin rằng trẻ khuyết tật nên đi học trường bình thường, so với 38,5% những người trên 60 tuổi.
Bảng 1. Quan điểm của người trả lời về việc thuê lao động của người sử dụng lao động
Đơn vị: %
|
Không thuê NKT |
Mong muốn thuê NKT |
Thích thuê NKT hơn NKKT |
Từ chối trả lời |
Cả nước |
54,8 |
24,4 |
1,4 |
19,4 |
Vùng |
|
|
|
|
ĐBSH |
60,6 |
20,3 |
0,9 |
18,3 |
TD-MNPB |
59,6 |
19,9 |
1,1 |
19,5 |
BTB-DHMT |
55,0 |
23,3 |
1,3 |
20,4 |
TN |
59,7 |
20,5 |
1,4 |
18,4 |
ĐNB |
51,6 |
27,5 |
1,7 |
19,2 |
ĐBSCL |
45,5 |
32,3 |
2,1 |
20,0 |
Về quan điểm của người sử dụng lao động, có khoảng 55% số người được hỏi cho rằng người sử dụng lao động của họ sẽ không thuê những người khuyết tật. Tỷ lệ này không khác nhiều theo đặc điểm cá nhân nhưng thay đổi theo vùng. Vùng ĐBSH có trên 60% người được hỏi cho rằng người sử dụng lao động của họ không thuê người khuyết tật, so với 45,5% tại ĐBSCL có cùng quan điểm này.
Về việc liệu những người khuyết tật có nên kết hôn hay không, đa phần người trả lời đều đưa ra câu trả lời là phụ thuộc từng hoàn cảnh. Dưới 10% câu trả lời cho thấy người khuyết tật không nên kết hôn.
Về quan điểm người khuyết tật nên sống trong cơ sở bảo trợ hay sống chung ở cộng đồng, có trên 45% người trả lời theo hướng người khuyết tật nên sống ở cơ sở bảo trợ. Tỷ lệ này đúng với cả khu vực nông thôn và thành thị, đặc biệt đúng đối với những người có trình độ học vấn thấp. Điều thú vị là những người lớn tuổi ít cho rằng người khuyết tật nên sống ở cơ sở bảo trợ, mặc dù họ ít có quan điểm hòa nhập khi trả lời các câu hỏi khác. Điều này có thể do tỷ lệ khuyết tật thường cao trong nhóm người già. Họ có thể có thiên hướng nghĩ về những người như họ và cho rằng họ nên được gia đình bao bọc.
Một chỉ tiêu quan trọng khác về thái độ đối với trẻ em khuyết tật là liệu trẻ em trai và trẻ em gái có quyền tiếp cận như nhau đến đồ chơi, sách, truyện tranh không, mà điều này là rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Bảng 2 cho thấy tín hiệu đáng mừng là, hầu như không có sự khác biệt giữa trẻ em khuyết tật và trẻ em không khuyết tật có sách, truyện tranh và đồ chơi. Tuy nhiên, lại có sự khác biệt theo khu vực sống. Chỉ có 27,4% trẻ em khuyết tật sống ở vùng nông thôn được tiếp cận với đồ chơi, sách và truyện tranh so với 46,6% trẻ em khuyết tật sống ở khu vực thành thị.
Bảng 2. Tỷ lệ trẻ em có sách, truyện tranh và đồ chơi, phân theo tình trạng khuyết tật, giới tính và khu vực
Đơn vị: %
|
Sách và truyện tranh |
Đồ chơi |
Sách, truyện tranh và đồ chơi |
I. Trẻ em khuyết tật |
|
|
Chung |
34,4 |
71,4 |
32,3 |
Khu vực |
|
|
|
Thành thị |
49,9 |
89,3 |
46,6 |
Nông thôn |
29,2 |
65,3 |
27,4 |
Giới tính |
|
|
|
Nam |
29,1 |
73,7 |
28,3 |
Nữ |
34,2 |
69,7 |
35,3 |
II. Trẻ không khuyết tật |
|
|
Chung |
34,0 |
79,7 |
32,3 |
Khu vực |
|
|
|
Thành thị |
47,1 |
91,3 |
45,9 |
Nông thôn |
29,2 |
75,4 |
28,0 |
Giới tính |
|
|
|
Nam |
33,8 |
78,9 |
32,7 |
Nữ |
38,4 |
80,4 |
33,0 |
Một trong những lĩnh vực quan trọng thể hiện sự hòa nhập cộng đồng hay nói cách khác là việc kết nối với xã hội của người khuyết tật được thể hiện qua khả năng tiếp cận và sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại như điện thoại, máy tính và mạng internet. Công nghệ thông tin như điện thoại, máy tính và mạng internet đã và đang trở thành công cụ hỗ trợ cho con người trong các hoạt động hàng ngày, đặc biệt là trong lao động, tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống. Với người khuyết tật, công nghệ thông tin càng trở nên có ý nghĩa trong học tập, lao động, sinh hoạt và tham gia vào các hoạt động xã hội. Những lợi ích mà công nghệ thông tin mang lại cho thấy công nghệ thông tin đã trở thành cánh tay của người khuyết tật vận động, đôi tai của người khiếm thính, đôi mắt của người khiếm thị. Chính việc chỉ cần ngồi một chỗ sử dụng máy móc, công nghệ điện tử, mạng internet để học tập, chia sẻ, tiếp nhận thông tin đã trở thành lợi thế quan trọng để người khuyết tật tiếp cận và làm những công việc liên quan đến lĩnh vực này. Những công nghệ như vậy là nhu cầu thiết yếu để đáp ứng cho cuộc sống hiện đại, nhưng có thể người khuyết tật lại không thể tiếp cận được. Nó có thể là một rào cản đối người khuyết tật khi tham gia vào cộng đồng. Có gần 43% người không khuyết tật được tiếp cận với mạng internet so với 6,7% người khuyết tật. Khoảng cách sử dụng điện thoại di động là 73,09% người không khuyết tật so với 38,85% người khuyết tật. Những khoảng cách này tương tự nhau theo giới tính và nông thôn so với thành thị.
Hình 1: Tỷ lệ dân số có truy cập internet phân theo tình trạng khuyết tật, giới tính và khu vực
Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người khuyết tật nói chung và trong lĩnh vực tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin nói riêng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Số lượng người tiếp cận sử dụng công nghệ thông tin còn thấp và xu hướng tăng chậm, chưa tương xứng với tốc độ phát triển về thông tin hiện đại của xã hội. Đa số người khuyết tật và gia đình họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vì thế họ ít có cơ hội tiếp cận, nên tỷ lệ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng mạng internet là rất hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, mạng internet không có sẵn mọi lúc, mọi nơi và thiếu công cụ hỗ trợ người 2khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin, đặc biệt là ở những vùng xa xôi, nông thôn, miền núi, hải đảo. Có 1,75% người khuyết tật thuộc hộ nghèo có truy cập internet so với gần 8% người khuyết tật thuộc hộ không nghèo có truy cập internet và cũng chỉ có 1,47% người khuyết tật thuộc nhóm nghèo nhất có truy cập internet so với 24,98% thuộc nhóm giàu nhất.
Bên cạnh đó, một khía cạnh khác cũng khá quan trọng cho thấy người khuyết tật hòa nhập vào xã hội là năng lực của người khuyết tật tiếp cận và tham gia vào các đoàn thể xã hội, đoàn thể nghề nghiệp, cũng như tham gia vào các câu lạc bộ, sinh hoạt cộng đồng. Số liệu điều tra cho thấy, không có khác biệt lớn trong sự tham gia của người khuyết tật so với nhóm người không khuyết tật vào các đoàn thể nghề nghiệp (43,86% so với 47,08%) và câu lạc bộ tại cộng đồng (2,07% so với 2,09%).
Tuy nhiên, có sự khác biệt trong việc tham gia vào các tổ chức xã hội hay các câu lạc bộ sinh hoạt cộng đồng của người khuyết tật theo mức sống của hộ gia đình đối với người khuyết tật. Chưa tới 1% người khuyết tật thuộc hộ nghèo có tham gia vào các câu lạc bộ sinh hoạt cộng đồng so với 2,34% người khuyết tật thuộc hộ không nghèo. Khoảng 43,87% người khuyết tật thuộc nhóm nghèo nhất so với khoảng 42,95% thuộc nhóm giàu nhất có tham gia vào các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Điều đó cho thấy rằng, nhóm người khuyết tật sống trong các hộ giàu hơn cũng như những người khuyết tật có mức thu nhập cao hơn thì có nhiều điều kiện cũng như khả năng được tiếp cận, tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các câu lạc bộ sinh hoạt cộng đồng hơn nhóm người khuyết tật có thu nhập thấp./.
(Lược trích ấn phẩm Việt Nam điều tra quốc gia người khuyết tật 2016, Nhà Xuất bản Thống kê)