Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

19/10/2023 - 04:24 PM
Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 là ngày kỷ niệm lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, một tổ chức riêng dành cho phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai nhằm động viên lực lượng nữ giới đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng, giải phóng phụ nữ. Đây cũng là ngày đánh dấu sự kiện lần đầu tiên người phụ nữ Việt Nam được cầm lá phiếu bầu cử, tham gia các công tác chính quyền và xã hội, nắm giữ nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước.
 
Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Trưởng ban Tổ chức TW Đảng
gặp mặt động viên, biểu dương các đại biểu tham dự Chương trình biểu dương
Chủ tịch Phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc năm 2023
 
Nếu như Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) là một sự kiện quốc tế, được thiết lập bởi Liên Hợp quốc, nhằm tôn vinh và nâng cao nhận thức về quyền của phụ nữ và công bằng giới trên toàn thế giới, thì ngày Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10 là ngày đặc biệt dành riêng cho phụ nữ Việt Nam. Trong ngày này, các cơ quan, đoàn thể từ Trung ương, đến địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh vai trò phụ nữ Việt Nam, ghi nhận những hy sinh cao cả cùng những đóng góp to lớn của họ trong gia đình và xã hội.
 
Ngày Phụ Nữ Việt Nam được qui ước và công nhận trên cơ sở Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vào ngày 20/10/1930. Đây cũng là mốc son quan trọng đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
 
Ở Việt Nam, từ năm 1927, 1928, phong trào giải phóng phụ nữ bắt đầu trở nên sôi động và giành được những kết quả tích cực, nhiều tổ chức quần chúng hình thành thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia, như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ như: Nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy (tại Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, nhóm đã tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten và học chữ cho phụ nữ; Nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt Hội đỏ của Tân Việt đã liên kết thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng…
 
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng nêu rõ: "Nam nữ bình quyền" đã cho thấy tư tưởng tiến bộ của Đảng khi đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Xác định phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng, Đảng đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ; Phụ nữ Việt Nam phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.
 
Theo tinh thần đó, ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (tiền thân của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày nay) chính thức được thành lập. Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này.
 
Từ ngày 14- 31/10/1930, tại Hội Nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ Nhất, bên cạnh việc thảo luận Luận cương chính trị của Đảng, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động, trong đó đề ra nhiệm vụ phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ.  Đồng thời Trung ương Đảng đã đề ra điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội. Như vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Nhất tháng 10/1930 được coi là “cơ sở pháp lý” để xây dựng tổ chức Hội đầu tiên của phong trào phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng.
 
Từ đây, phong trào phụ nữ bắt đầu nở rộ: Phụ nữ Dân chủ, Phụ nữ Ái hữu, Phụ nữ Tân Tiến (giai đoạn 1936-1939); Hội phụ nữ phản đế (năm 1939); Đặc biệt, năm 1941, tổ chức Phụ nữ cứu quốc ra đời và hoạt động sôi nổi và ngày càng lớn mạnh, theo đó đã thu hút, dẫn dắt các tổ chức phụ nữ khác cùng tham gia hoạt động, đóng góp vào thành công Cách mạng tháng 8/1945.
 
 Ngày 03/10/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam. Ngày 20/10/1946 Hội LHPN Việt Nam làm lễ ra mắt tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Hà Nội. Tên gọi Hội LHPN Việt Nam được duy trì cho đến ngày nay. Từ đây cũng thống nhất ngày 20/10 hàng năm là ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam".
 
Thực hiện nghị quyết của Đảng, Hội LHPN Việt Nam với nòng cốt là Hội phụ nữ Cứu quốc đã hăng hái tham gia vào các phong trào thi đua ái quốc “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động.
 
Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 1
Đội nữ du kích Hoàng Ngân, Hưng Yên, năm 1954. (Ảnh tư liệu)
 
Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Đế quốc Mỹ thay chân Pháp xâm chiếm miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài nước ta. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam một lần nữa khẳng định: “ Phụ nữ nước ta là lực lượng quan trọng trong cách mạng. Đảng có nhiệm vụ lớn đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ và phát huy năng lực dồi dào của phụ nữ...” và chỉ đạo “Hội LHPN Việt Nam phải đoàn kết hơn nữa tất cả các tầng lớp phụ nữ, giáo dục và cổ vũ phụ nữ ra sức phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng”.
 
Từ sau khi hòa bình lập lại (1954), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã chỉ đạo, vận động các tầng lớp phụ nữ ở miền Bắc tham gia khôi phục kinh tế, hoàn thành cải cách ruộng đất, tham gia cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế, văn hóa.
 
Tháng 3/1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động Phong trào “Ba đảm đang” với các nội dung: Đảm đang sản xuất và công tác, đảm đang gia đình, đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Phong trào đã nâng trách nhiệm, vị trí người phụ nữ lên tầm cao mới, tạo bước ngoặt lịch sử đối với sự phát triển của phụ nữ và phong trào phụ nữ. Sau thống nhất đất nước, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục vai trò nòng cốt trong phong trào “Ngư­ời phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã dẫn dắt phụ nữ việt Nam phát huy năng lực, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Trong giai đoạn đổi mới, hội nhập và phát triển, với tinh thần “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển”, Hội LHPN Việt Nam luôn thể hiện tốt vai trò đi đầu, dẫn dắt các phong trào nữ quyền và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ; khuyến khích phụ nữ phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần tự chủ, sáng tạo, khát vọng vươn lên, nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
 
Có thể nói, đến nay, trải qua 93 năm hình thành, xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là một tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam. Trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam luôn giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào vì sự tiến bộ của phụ nữ, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm quy tụ những nhân tố tiến bộ, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khơi gợi mọi tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ hiện đại. Thực tế chứng minh, trong gần một thế kỷ qua, dưới sự dẫn dắt của Hội LHPN Việt Nam, phụ nữ Việt Nam, không chỉ trong thời chiến mà còn trong thời bình, luôn đóng góp tích cực và quan trọng cho xã hội và quốc gia. Họ không chỉ là hậu phương vững chắc, mà còn là những chiến sĩ kiên cường, anh dũng trên tiền tuyến. Trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, phụ nữ Việt Nam thể hiện tốt vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh, đất nước phồn thịnh.
Và tin rằng, với những quan điểm tiến bộ về bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ của Đảng, cùng với nhiều hoạt động ý nghĩa tôn vinh phụ nữ Việt Nam trong ngày 20/10 sẽ là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm động lực để phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy năng lực và tự tin tỏa sáng./.

 
P.V
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top