Nguy cơ gia tăng gian lận xuất xứ thương mại

02/11/2021 - 03:10 PM
Thời gian gần đây, số lượng các vụ việc, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Vì vậy, các chuyên gia thương mại cho rằng, cần phải có giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán lẩn tránh bất hợp pháp trong phòng vệ thương mại, nhất là khi Việt Nam ngày càng tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA).
 
Nguy cơ hàng hóa “đội lốt” hàng Việt Nam ngày càng gia tăng

Vài năm trở lại đây, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thường xuyên bị khiếu nại ở nhiều thị trường quốc tế, phải chống chọi gay gắt với hàng rào phòng vệ thương mại. Số vụ việc chống lẩn tránh điều tra, chống phá giá, chống trợ cấp đối với hàng Việt ngày càng gia tăng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính là do các thị trường nhập khẩu cho rằng hàng hóa Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tại Việt Nam, các vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế hàng hóa xuất khẩu thuộc trường hợp hàng hóa của nước đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chuyển tải sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế.

Ngoài ra, không ít trường hợp hàng hóa của nước ngoài lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các FTA hoặc các quy định ưu đãi thuế quan.

Thực tế cho thấy, từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra, hàng Trung Quốc nhằm né cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ đã lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu gia tăng mạnh.

Hơn thế nữa, Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, Việt Nam với việc“mở cửa” mạnh mẽ thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ khiến nguy cơ chuyển tải hàng hoá bất hợp pháp, gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng mạnh.


Nguy cơ gia tăng gian lận xuất xứ thương mại

Ảnh minh họa

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, Chính phủ và các bộ ngành đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng phát triển thị trường, gia tăng xuất khẩu qua việc áp dụng tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đây là cơ chế“mở” có rất nhiều ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích bởi các doanh nghiệp sẽ tự thực hiện các thủ tục và đáp ứng điều kiện để tuyên bố hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và chịu trách nhiệm về tính chính xác của tuyên bố đó. Tuy nhiên, điều này cũng làm gia tăng nguy cơ gian lận xuất xứ, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hàng Việt và tác động tiêu cực đến nền sản xuất trong nước. Vì vậy, nếu không kiểm soát hiệu quả nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thì nguy cơ giả mạo hàng Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường “ruột” của Việt Nam là rất lớn.

Thống kê từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), đến hết quý I/2021, đã có 203 vụ việc phòng vệ thương mại do 21 quốc gia/vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên, do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
 
 
Mới đây, Bộ Công Thương thông báo danh sách 11 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Đó là: mặt hàng gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đệm mút, đá nhân tạo, gạch men, ống đồng, vỏ bình gas, ghim đóng thùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các mặt hàng lốp xe, xe đạp điện xuất khẩu sang cả Mỹ và EU.
 

Chính vì vậy, trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, nhất là với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản… Bộ Công Thương cho rằng, cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bởi nếu Việt Nam không có các biện pháp tích cực để xử lý vấn đề lẩn tránh bất hợp pháp trong phòng vệ thương mại, đặc biệt thông qua gian lận xuất xứ, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể. Không những thế, về lâu dài, điều này còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ.


 
Chủ động ứng phó với tình trạng gian lận xuất xứ

Trước thực trạng gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa ngày càng gia tăng, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán lẩn tránh bất hợp pháp trong phòng vệ thương mại, nhất là thông qua gian lận xuất xứ. Đặc biệt, khi mà thời gian tới, nền kinh tế thế giới sau“tổn thương” lớn bởi dịch bệnh sẽ có những diễn biến khó lường, các nước sẽ tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất nội địa đang chất chồng khó khăn.

Bộ Công Thương cho biết, đã ủy quyền cho các cơ quan, tổ chức, phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực của Bộ cấp C/O ưu đãi theo các FTA. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đơn vị duy nhất được ủy quyền cấp C/O không ưu đãi và C/O form A hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Có hai chiều trong hoạt động cấp C/O đó là, phải phòng, chống gian lận xuất xứ; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Liên quan đến vấn đề phân luồng trong cấp C/O, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư 15/2018/ TT-BCT quy định rõ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí nào thì vào luồng xanh; doanh nghiệp có nguy cơ như thế nào vào luồng đỏ, từ đó tăng cường quản lý nhưng vẫn không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhằm ngăn chặn đẩy lùi các nguy cơ về gian lận thương mại, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện Cục đang tiếp tục triển khai thực hiện những giải pháp như: Có cơ chế thường xuyên theo dõi và cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại để thông báo cho các Bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các trường hợp nghi ngờ gian lận xuất xứ. Trong đó, chỉ đạo các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ đẩy mạnh kiểm soát các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ, nhất là đối với các mặt hàng thuộc nhóm có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, cũng rà soát lại các quy định liên quan đến chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để bổ sung, hoàn thiện; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về phòng vệ thương mại để nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp...

Cục Phòng vệ thương mại dự báo, nền kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến khó lường, vì vậy, các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục gia tăng cả về số lượng cũng như mức độ phức tạp. Trong khi đó, phòng vệ thương mại tại Việt Nam vẫn còn là vấn đề mới, đa số doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước chưa có sự hiểu biết sâu; nguồn lực của doanh nghiệp và nhà nước còn hạn chế, nên chưa thể phân bổ một cách phù hợp cho công tác phòng vệ thương mại. Thách thức lớn hơn, khi bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ngành sản xuất trong nước của Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia đều gặp khó khăn….

Bên cạnh đó, tình hình xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam có sự gia tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây, kể cả những mặt hàng đang là đối tượng bị áp dụng PVTM của một số nước. Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra, giám sát về xuất xứ và sau thông quan nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác; không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Bởi thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá. Mặt khác, tích cực theo dõi và nâng cao hiệu quả áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng lẩn tránh các biện pháp này; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng vệ thương mại của Việt Nam cũng như của WTO và một số nước trên thế giới để nâng cao nhận thức và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài; đẩy mạnh xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương để xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài./.

 
Thu Hường

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top