Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La: Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

13/11/2024 - 08:59 AM

Sơn La từ lâu đã được ví von là viên ngọc của miền hoa ban trắng. Cảnh sắc thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc không chỉ nuôi dưỡng biết bao tâm hồn nghệ sĩ, ca sĩ, mà còn khơi nguồn cảm xúc cho rất nhiều nhạc sĩ, biên đạo múa sáng tạo nên những tác phẩm biểu diễn độc đáo, làm say đắm lòng người. Cũng ở nơi đây, suốt hơn bảy thập niên qua, có một mái nhà vừa là nơi vừa gìn giữ, bảo tồn, vừa là nơi chăm chút cho những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy trọn vẹn và thăng hoa. Đó chính là Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La.

Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2022

Mang lời ca, điệu múa đến khắp các mặt trận

Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La được thành lập từ ngày 12/7/1952, tiền thân là “Đội Văn công tuyên truyền tỉnh Sơn La”, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La đã mang lời ca, tiếng hát, điệu múa, âm nhạc đến khắp các mặt trận, từ Chiến dịch Tây Bắc năm 1952-1953, Chiến dịch Điện Biên Phủ…để biểu diễn phục vụ bộ đội, dân công làm nhiệm vụ trên các chiến trường... Tính đến nay, đã hơn 70 mùa xuân qua, thật khó có thể thống kê hết con số có bao nhiêu thế hệ ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ đã cống hiến tài năng và tâm huyết của mình để xây dựng nên những tác phẩm nghệ thuật biểu diễn phục vụ công chúng trong và ngoài Tỉnh.

Biểu diễn và phục vụ được coi là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của đơn vị, từ thời chiến tranh đến thời bình, cứ ở đâu cần là ở đó có mặt anh chị em nghệ sĩ của Nhà hát. Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập văn hóa sâu rộng với thế giới, các tác phẩm nghệ thuật dân gian có lúc bị lu mờ thì nhiệm vụ giữ gìn bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống lại càng trở nên bức thiết, nhất là với những địa phương có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống như Sơn La. Để làm được điều này, Ban Giám đốc của Nhà hát đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu, nghị quyết đề ra hàng năm. Đơn cử chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, Nhà hát đã tổ chức 229 buổi biểu diễn gồm cả phục vụ cơ sở và phục vụ nhiệm vụ chính trị; sáng tác mới 39 tác phẩm; chỉnh lý nâng cao trên 200 tác phẩm, tiết mục; đạo diễn, dàn dựng 85 chương trình nghệ thuật có chủ đề, chuyên đề; phục vụ trên 143.000 ngàn lượt người xem.

Các tiết mục của Nhà hát được dàn dựng chuyên nghiệpvà mang đậm bản sắc văn hóa
của các dân tộc tỉnh Sơn La

Nhà hát chủ động xây dựng và tổ chức các chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng các ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện trọng đại của Tỉnh, của Trung ương diễn ra trong Tỉnh, ngoài Tỉnh hay quốc tế (chủ yếu ở nước bạn Lào) và tổ chức các đợt, các buổi biểu diễn đột xuất không nằm trong chỉ tiêu kế hoạch hằng năm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ và được các cấp lãnh đạo đánh giá cao cũng như được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Các chương trình nghệ thuật điển hình phải kể đến như “Sơn La - Khúc ca chào xuân” đón giao thừa xuân Giáp Thìn năm 2024 tại Quảng trường Tây Bắc; chương trình nghệ thuật ca múa nhạc khai mạc ngày hội Du lịch - Văn hoá Sơn La - Hủa Phăn năm 2024 với chủ đề “Bản tình ca Sơn La - Hủa Phăn” ; Chương trình nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ..v.v.

Bên cạnh đó, Nhà hát còn triển khai tốt công tác sưu tầm về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân gian các dân tộc. Đặc biệt, múa dân gian các dân tộc được coi là linh hồn trong các tác phẩm biểu diễn chuyên nghiệp của Nhà hát, tạo nên nét đặc trưng riêng có và cũng là thế mạnh của đơn vị mỗi khi tham gia các chương trình, hội diễn toàn quốc. Hơn 70 năm hoạt động, Nhà hát chưa bao giờ ngừng phát triển các điệu múa truyền thống mang bản sắc Sơn La. Chất liệu dân gian được khai thác triệt để, tạo nên những nét mới lạ với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố hiện đại với múa dân tộc tạo nên các tác phẩm hài hòa, chỉnh thể, truyền tải được ý nghĩa, thông điệp mà người dàn dựng muốn hướng đến, đồng thời không làm mất đi tinh thần dân gian trong đó.

Tiết mục thơ múa Mái đá thủng nằm trong Chương trình nghệ thuật dự thi Liên hoan ca múa nhạc
chuyên nghiệp toàn quốc năm 2024 tại Vĩnh Phúc

Để có các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, mang đậm bản sắc của người dân vùng cao, hằng năm, đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ của đơn vị đã kiên trì, đến với các bản làng đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn Tỉnh để nghiên cứu các lễ hội, sưu tầm dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống dân gian của mỗi dân tộc. Cùng với đó, Nhà hát mời các nghệ nhân tiêu biểu của từng dân tộc với từng loại hình, thể loại để tổ chức truyền khẩu, truyền vai, truyền tay cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên nhằm nắm vững kỹ thuật, kỹ năng diễn tấu, trình tấu về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân gian các dân tộc để vận dụng trong sáng tác, xây dựng và biểu diễn. Thông qua các chuyến đi thực tế đó, các nghệ sĩ hiểu sâu sắc hơn về các loại hình nghệ thuật, bản sắc văn hóa của các dân tộc. Đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, cũng như tạo nên thương hiệu trong nghệ thuật biểu diễn của Nhà hát.

Với năng lực sáng tạo, xây dựng các chương trình với chất lượng nghệ thuật ngày càng được đổi mới, nâng cao, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La còn tham dự nhiều chương trình hội diễn cấp quốc gia, quốc tế với nhiều giải thưởng, như: Tham gia Liên hoan Ca múa nhạc quốc tế 3 nước Đông Dương đạt Huy chương Vàng toàn đoàn năm 2007; Liên hoan nghệ thuật quốc tế 4 nước Việt Nam, Lào, Myanma và Thái Lan đạt Huy chương Bạc toàn đoàn năm 2013; Liên hoan Âm nhạc quốc tế ASEAN đạt Huy chương Bạc toàn đoàn năm 2019 và tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc đạt Huy chương Vàng toàn đoàn năm 2018 và Huy chương Bạc năm 2021…

Một tiết mục biểu diễn của Nhà hát trong đêm lưu diễn xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn

Đặc biệt, trong những năm gần đây, với chương trình nghệ thuật Trầm tích Đà Giang tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2021 (Đợt 1) tại thành phố Hải Phòng, Nhà hát đã đạt Huy chương Bạc cho cả chương trình; 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng cho các tiết mục; giải Xuất sắc đối với tập thể Đội múa và 1 giải Nhạc sĩ Xuất sắc. Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Thanh âm bản xa” tham gia Cuộc thi Độc tấu - Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023 tại thành phố Hòa Bình đạt 1 giải Nhì về Độc tấu và 1 giải Nhì về Hòa tấu...

Trăn trở cho sự phát triển trong tương lai

Là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp có quy mô lớn nhất Tỉnh nhưng nhiều năm qua, tập thể cán bộ nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc Sơn La đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực, làm sao để duy trì hoạt động biểu diễn vừa đáp ứng được cả về chất lượng chuyên môn, thị hiếu của khán giả, vừa đảm bảo được đời sống ổn định cho anh chị em nghệ sĩ.

Chương trình biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La tại xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu

Trong bối cảnh kinh tế xã hội tăng trưởng nhanh, chế độ tiền lương, các khoản phụ cấp vẫn ở mức trung bình đã trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, nghệ sỹ, diễn viên, viên chức toàn đơn vị. Bên cạnh đó, chỉ tiêu biên chế cho khối diễn viên ở các bộ phận chuyên môn, các chuyên ngành Hát - Múa và Nhạc hiện cũng rất thấp nên rất khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về tổ chức xây dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật; nhiều vị trí việc làm trong khối biểu diễn và trực tiếp phục vụ biểu diễn còn thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều. Đặc biệt, cơ sở vật chất nhà làm việc, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng của Nhà hát vẫn còn nhiều thiếu thốn, chưa đồng bộ, nhất là về thiết bị ánh sáng, âm thanh, màn hình led và thiết bị sự kiện phục vụ ngoài trời còn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn. Tỉnh cũng chưa có cơ chế cho việc đào tạo, tạo nguồn và thu hút nhân tài trong hoạt động nghệ thuật; chưa có thiết chế như nhà hát, rạp hát đủ điều kiện dành cho hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp..v.v..

Người dân huyện Mộc Châu đến xem và cổ vũ cho các nghệ sĩ của Nhà hát, chứng tỏ nghệ thuật
truyền thống vẫn có sức hấp dẫn

Áp lực là vậy nhưng cán bộ, nghệ sĩ diễn viên, viên chức toàn đơn vị luôn nỗ lực phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn để thực hiện và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Chính tình yêu nghề tha thiết và ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước, với Đảng và Chính phủ đã trở thành ngọn lửa hun đúc, tiếp thêm sức mạnh cho những người nghệ sĩ mang lời ca, tiếng hát, điệu múa đi phục vụ Nhân dân.

Để đưa văn hóa trở thành ngành "công nghiệp" phát triển, bên cạnh những nỗ lực đội ngũ người làm văn hóa và nghệ thuật biểu diễn, 
Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La mong muốn Nhà nước có sự quan tâm đầu tư thích đáng cho văn hóa (nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được Quốc hội thông qua và Chính phủ được triển khai). Có như vậy, các địa phương còn nhiều khó khăn như Sơn La có điều kiện đầu tư xây dựng thêm các thiết chế văn hóa phủ rộng đến nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa. Điều này tạo điều kiện để người dân tiếp cận dễ dàng với các hoạt động văn hóa, biễu diễn, cũng như người nghệ sĩ có sân diễn tốt hơn, khích lệ họ sáng tạo và thể hiện. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ dân trí, tính thẩm mỹ và đời sống tinh thần của Nhân dân theo định hướng của Đảng và Nhà nước về xây dựng phát triển văn hóa con người Việt Nam trong thời đại mới./.

                                                                                                                Trịnh Long


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top